ThS. Nguyễn Minh Đức
TS. Trần Hoài Nam
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển giao tri thức là quá trình truyền đạt tri thức từ một nguồn tới một nguồn khác và sử dụng những tri thức đó một cách hiệu quả. Do đó, tri thức như một loại tài sản quan trọng, đóng vai trò rất lớn vào thành công của các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn, như: Viettel, FPT đã bắt đầu quan tâm đến chuyển giao tri thức trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp vẫn còn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này. Nội dung bài viết khái quát thực trạng và đề xuất một số giải pháp để tăng cường hoạt động chuyển giao tri thức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam.
Từ khóa: Tri thức; chuyển giao trí thức; doanh nghiệp; lĩnh vực thương mại điện tử.
1. Đặt vấn đề
Việc chuyển giao tri thức trong các tổ chức là cơ sở cho lợi thế cạnh tranh của tổ chức. Đặc biệt, là khi các nguồn lực hữu hình, như: công nghệ, cơ sở vật chất… đều có thể bị sao chép, thay thể một cách dễ dàng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp chưa hiểu một cách rõ ràng và chưa có nhận thức đầy đủ về tác động của hoạt động chuyển giao tri thức đến kết quả hoạt động kinh doanh. Ngay cả với lĩnh vực thương mại điện tử, đa số các doanh nghiệp cũng đều chủ yếu sử dụng các công cụ đơn giản như tin nhắn tức thời (Messenger, Zalo, Telegram…) trong công việc của doanh nghiệp để trao đổi công việc, chuyển giao tri thức. Việc sử dụng các công cụ này chỉ là một phần trong hoạt động chuyển giao tri thức, các công cụ khác chưa được triển khai rộng rãi. Do đó, việc đầu tư và thực hiện hoạt động chuyển giao tri thức ở các doanh nghiệp này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản, chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về quản trị tri thức nói chung, nghiên cứu nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tri thức nói riêng là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Nội dung bài viết sẽ góp phần giải quyết một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay.
2. Cơ sở lý thuyết về chuyển giao tri thức
Chuyển giao tri thức được hiểu là quá trình truyền đạt tri thức (kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm, bí quyết…) từ một nguồn tới một nguồn khác và sử dụng những tri thức đó. Các hoạt động chỉ đơn thuần làm cho tri thức sẵn dùng, không được coi là chuyển giao tri thức, nó là sự kết hợp giữa truyền đạt và hấp thụ tri thức. Mục đích của quá trình này là nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc chia sẻ, cộng tác và kết nối mạng lưới tri thức. Nó tạo ra cơ hội tiếp cận với các nguồn tài nguyên khan hiếm, những hiểu biết mới, làm nảy sinh những tri thức mới, ưu việt và tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng trong tổ chức.
Về đặc điểm, chuyển giao tri thức liên quan tới ba yếu tố cơ bản: một là, nguồn tri thức được chuyển giao (cơ sở tri thức, các sáng kiến, cải tiến, bài học kinh nghiệm, chương trình, sách, bài viết, các chuyên gia, hoặc kho dữ liệu…); hai là, phương tiện truyền thông được sử dụng trong chuyển giao tri thức (các mạng nội bộ, mạng không dây, các đường truyền bảo mật và không bảo mật, các văn bản gốc hoặc các văn bản mã hóa…); ba là, đối tượng được chuyển giao tri thức (thực tập sinh, nhân viên mới, người sử dụng, hệ thống máy tính, nhóm làm việc, cá nhân được ủy quyền, nhà quản lý, khách hàng, hoặc một hãng sản xuất sản phẩm tự động…)
Về cách thức, chuyển giao tri thức trong doanh nghiệp gồm:
(1) Các cách thức chuyển giao tri thức hiện (tổ chức buổi họp, báo cáo, hội thảo…). Hình thức phổ biến nhất của phương pháp này là tiến hành tổ chức buổi đào tạo hoặc hội thảo, nhằm chuyển giao tri thức chuyên môn và kỹ năng từ các thành viên có kinh nghiệm đến những thành viên khác. Quá trình này tạo điều kiện cho việc chuyển giao tri thức từ các cá nhân tới toàn nhóm. Các cuộc họp nhóm thường linh hoạt, nhóm công cụ cộng tác, như: Microsoft Teams, Google Meet, Zoom… thường được sử dụng phổ biến bởi sự thuận tiện. Hay các công cụ quản lý dự án, như: Asana, Basecamp, Trello… cho phép nhóm làm việc chuyển giao tri thức trong việc quản lý và thực hiện dự án; nhóm công cụ này cho phép các thành viên nhóm giao tiếp, chia sẻ tài liệu và theo dõi tiến độ công việc.
(2) Mã hóa. Đây là loại hình chuyển giao tri thức đơn giản cho phép một cá nhân hay một nhóm giải quyết vấn đề phát sinh trong công việc tại một vị trí. Kết hợp kiến thức cũ, kiến thức mới và kiến thức hiện có và mã hóa chúng thành các văn bản, tài liệu… nhằm chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến với các thành viên khác. Tri thức được chia sẻ theo phương pháp này thuộc tri thức hiện, thường là các thói quen làm việc và thủ tục rõ ràng, chính xác. Phương pháp này lấy sản phẩm làm trung tâm tập trung vào các tài liệu kiến thức, việc tạo, lưu trữ và tái sử dụng chúng trong bộ nhớ công ty dựa trên máy tính. Nhóm công cụ được sử dụng trong phương pháp này, bao gồm: hệ thống quản lý tệp, kho tài liệu có cấu trúc, mạng nội bộ, bản đồ tri thức… Email hoặc các phương tiện điện tử tuy không phải phương tiện trao đổi thích hợp, nhưng có thể sử dụng bổ sung, hỗ trợ tương tác cá nhân trong việc chuyển giao tri thức.
(3) Các cách thức chuyển giao tri thức ẩn. Tri thức hiện chỉ đại diện cho phần nổi của tảng băng chìm, còn tri thức ẩn là phần đáy lớn hơn nhiều của tảng băng ẩn dưới bề mặt. Tri thức ẩn (tri thức ngầm) là loại tri thức chủ yếu và quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển giao tri thức ẩn cũng là loại hình chia sẻ phức tạp và khó khăn nhất, bất cứ tri thức nào được truyền tải đều phải được sửa đổi về ngôn ngữ, giọng điệu và nội dung để đội tiếp nhận có thể sử dụng được. Chuyển giao tri thức ẩn được áp dụng trong các công việc phức tạp, các dự án không quy tắc cụ thể và đối với các tri thức được lưu giữ trong tâm trí từng cá nhân.
Có nhiều kỹ thuật chuyển giao tri thức đã được các doanh nghiệp áp dụng như sử dụng các công cụ công nghệ thông tin và nhiều công cụ khác. Một số phương pháp cơ bản, như: chuyển giao thông qua các cuộc trò chuyện và chuyển giao thông qua các quan hệ cá nhân. Công cụ hiệu quả nhất chính là giao tiếp mặt đối mặt: kênh gặp mặt trực tiếp chính là các diễn đàn thực hành. Các kênh phân phối trực tiếp khác bao gồm người quản lý kiến thức mô tả cách thực hành tại một cuộc họp khu vực hoặc một thành viên khác của nhóm trung tâm thảo luận về cách thực hành, như: hội chợ tri thức, những diễn đàn tri thức mở hay kho tri thức, cổng thông tin tri thức của tổ chức, doanh nghiệp
3. Thực trạng hoạt động chuyển giao tri thức trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
Để có được kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng kết hợp 2 phương pháp: nghiên cứu định lượng (đánh giá %, tần suất, thời gian… theo các công cụ chuyển giao tri thức, phương thức chuyển giao tri thức, theo quy mô, theo kết quả kinh doanh… bằng Google Form và phần mềm Excel) và nghiên cứu định tính (tổng quan tài liệu, phỏng vấn, so sánh, diễn dịch, quy nạp…)
Mặc dù đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên, hoạt động chuyển giao tri thức trong các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao tri thức vẫn đang ở mức trung bình, chưa thực sự hiệu quả. Theo khảo sát của tác giả, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao tri thức chỉ chiếm 70%. Điều này cho thấy, một số doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển giao tri thức và chưa có hoạt động chuyển giao tri thức cụ thể.
Mức độ hiệu quả của hoạt động chuyển giao tri thức còn hạn chế: theo khảo sát của tác giả, chỉ 30% doanh nghiệp cho rằng mức độ chuyển giao tri thức của họ ở mức cao. Các hình thức chuyển giao tri thức tại Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhân viên. Hơn nữa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ chuyển giao tri thức trong các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động chuyển giao tri thức. Khiến việc chuyển giao tri thức gặp nhiều khó khăn, tốn kém thời gian và công sức. Ngoài những vấn đề chung, hoạt động chuyển giao tri thức trong các doanh nghiệp Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề cụ thể khác, cụ thể như: vấn đề về ý thức và không gian chia sẻ; thiếu sự hỗ trợ từ lãnh đạo…
Để có cái nhìn khách quan về tình hình chuyển giao tri thức trong các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã tiến hành gửi bảng khảo sát tới nhân viên, quản lý của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu thị trường hiện nay, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktokshop.
Nhóm nghiên cứu đã tạo mẫu phiếu trên Google Form và gửi đường dẫn (link) khảo sát trực tiếp thông qua email, các công cụ nhắn tin tức thời, như: Zalo, Facebook Messenger, Telegram… Mẫu phiếu có các câu hỏi được thiết kế sử dụng thang đo Likert (tương ứng: 1. Rất không đồng ý; 2. Không đồng ý; 3. Không có ý kiến; 4. Đồng ý; 5. Rất đồng ý). Nhóm nghiên cứu đã thu lại được 115 ý kiến trả lời phiếu điều tra. Dưới đây là kết quả của phiếu khảo sát:
Một là, về thông tin của người trả lời phiếu khảo sát.
Có thể thấy rằng, nhóm trả lời phiếu khảo sát đa dạng về các vị trí việc làm trong các sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, số lượng quản lý cấp cao (chiếm 1,8%) bao gồm có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc; quản lý nhóm thì có: trưởng nhóm kinh doanh và trưởng nhóm marketing (chiếm 7,8%). Về nhóm nhân viên và chuyên viên có: chuyên viên kiểm thử phần mềm (3,5%), chuyên viên tuyển dụng (5,2%), nhân viên chăm sóc khách hàng và nhân viên hành chính đều chiếm 8.7% số người trả lời, nhân viên vận hành sàn thương mại điện tử chiếm 7% với 8 người, nhân viên marketing (21,7%) và nhân viên kinh doanh (29,6%) chiếm số lượng lớn nhất trong số người trả lời, giảng viên đào tạo và nhân viên logistics cùng có 1 người trả lời (0,9%), cuối cùng là nhóm thực tập sinh (4,3%). Về cơ bản, với số lượng phiếu trả lời và đa dạng về các vị trí việc làm như trên bảo đảm được sự chính xác trong thông tin thu thập được của khảo sát này.
Hai là, đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng công cụ trên Internet/máy tính/điện thoại thông minh trong chuyển giao tri thức tại các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhóm tác giả thu về được 59/115 phiếu (51,3%) và 37/115 phiếu (32,3%) tương ứng với rất đồng ý và đồng ý về ý kiến sử dụng các công cụ này hiệu quả trong chuyển giao tri thức tại các sàn giao dịch thương mại điện tử. Chỉ có 15,7% không có đánh giá và 0,9% cho rằng sử dụng các công cụ này không hiệu quả.
Ba là, đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng công cụ truyền thống trong chuyển giao tri thức tại các sàn giao dịch thương mại điện tử. Kết quả cho thấy, sự khác biệt rõ rệt so với đánh giá hiệu quả sử dụng các công cụ dựa trên Internet/máy tính/điện thoại thông minh ở trên. Ở câu hỏi này, có tới 44/115 người (38,3%) không có đánh giá về hiệu quả, cộng với 6,1% và 2,6% số người được hỏi cho rằng không đồng ý và rất không đồng ý với nhận định được đưa ra. Như vậy, có tới gần 50% số người trả lời cho rằng các công cụ này không thực sự hiệu quả. Số người đồng ý rằng, các công cụ này hiệu quả là 43/115 người (37,4%) và chỉ có 18/115 người (15,7%) rất đồng ý với nhận định trên.
Bốn là, yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả của các công cụ chuyển giao tri thức. Với câu hỏi này, nhóm tác giả có đưa ra 5 yếu tố. Theo đó, người trả lời câu hỏi từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử đưa ra các đánh giá như sau:
(1) Có 98/115 người, chiếm 85,2% số người được hỏi cho rằng sự thoải mái, dễ dàng trong sử dụng các công cụ là có ảnh hưởng tới hiệu quả chuyển giao tri thức.
(2) Có 58/115 người, chiếm 50,4% số người cho rằng tính tự giác của bản thân và đồng nghiệp trong sử dụng công cụ sẽ có ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển giao tri thức.
(3) Có 76/115 người, chiếm 66,1% người trả lời cho biết khả năng tương tác và phản hồi của công cụ có ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển giao tri thức.
(4) Có 73/115 người, chiếm 63,5% người điền phiếu cho rằng, tính sẵn có của các công cụ (bao gồm việc đã được doanh nghiệp mua hoặc sẵn có trên các chợ ứng dụng của thiết bị) sẽ có ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển giao tri thức.
(5) Chỉ có 1/115 người, chiếm 0,9% cho rằng, tính linh hoạt có thể sử dụng ở bất cứ đâu là có ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển giao tri thức.
Như vậy, những người sử dụng các công cụ chuyển giao tri thức ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng sự thoải mái, dễ dùng, khả năng tương tác, phản hồi và tính sẵn có của các công cụ là quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả của các công cụ chuyển giao tri thức.
Qua việc nghiên cứu và tìm hiểu thực trạng chuyển giao tri thức của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam t những năm gần đây, cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, bao gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok shop đều là các doanh nghiệp có những đầu tư rất lớn vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và cả đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Đây là những tiền đề rất lớn để các doanh nghiệp này có thể triển khai hoạt động chuyển giao tri thức một cách thành công. Bằng chứng là nhân viên các doanh nghiệp đều đã có những nhận xét tích cực về các công cụ chuyển giao tri thức, môi trường, chính sách ủng hộ, lãnh đạo quan tâm…
Tuy nhiên, qua khảo sát, nhóm tác giả cũng nhận thấy tại các doanh nghiệp này vẫn còn một số hạn chế liên quan tới các công cụ chuyển giao tri thức, như: còn thiếu quy trình chuyển giao hoặc quy trình chuyển giao tri thức chưa thực sự hiệu quả; việc sử dụng các công cụ chuyển giao tri thức truyền thống còn hạn chế; các công cụ chuyển giao tri thức dựa trên Internet/máy tính/điện thoại di động vẫn còn một số chưa thực sự được sử dụng một cách có hiệu quả…
4. Đề xuất giải pháp chuyển giao tri thức trong các doanh nghiệp Việt Nam
Thứ nhất, hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên tri thức, xây dựng văn hóa doanh nghiệp định hướng quản trị tri thức nhằm tạo điều kiện cho nhân viên sẵn sàng sáng tạo và chuyển giao tri thức.
Thứ hai, xây dựng hệ thống và quy trình chuyển giao tri thức cụ thể trong doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất để hệ thống hóa tri thức trong doanh nghiệp. Hệ thống chính sách và quy trình chuyển giao tri thức là nền tảng cho hoạt động chuyển giao tri thức trong doanh nghiệp. Hệ thống này cần được xây dựng rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho nhân viên chuyển giao tri thức. Trong đó, cần quy định rõ các nội dung sau: mục tiêu của hoạt động; các đối tượng tham gia; các hình thức chuyển giao; quy định về bảo mật tri thức; các biện pháp khuyến khích và khen thưởng.
Thứ ba, tập huấn, đào tạo các kỹ năng chuyển giao tri thức cho các cấp quản lý, nhân viên của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên bảo đảm rằng, có các công cụ và kênh giao tiếp hiệu quả như các nền tảng trực tuyến và tổ chức hội thảo, buổi đào tạo để nhân viên có thể dễ dàng truy cập thông tin và chuyển giao tri thức.
Thứ tư, nâng cao công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên trong doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nội bộ, người có kinh nghiệm đào tạo, hướng dẫn cho người mới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về tầm quan trọng của việc chuyển giao tri thức. Từ đó tạo ra một văn hóa chia sẻ trong doanh nghiệp bằng cách khuyến khích và động viên nhân viên chuyển giao tri thức và kinh nghiệm của mình.
Thứ năm, khuyến khích nhân viên sáng tạo và chuyển giao tri thức thông qua việc có những cơ chế, hình thức động viên và phần thưởng kịp thời, hợp lý cho nhân viên khi họ đóng góp được những sáng kiến quan trọng cho doanh nghiệp. Có thể thiết kế các chương trình khen thưởng hoặc các hệ thống nhận dạng để động viên nhân viên tham gia và đóng góp vào việc chuyển giao tri thức.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin để các hoạt động sáng tạo, chuyển giao tri thức diễn ra một cách hiệu quả. Công nghệ đóng vai trò hỗ trợ, làm cho việc chia sẻ, lưu giữ, cập nhật và sử dụng tri thức được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn trong doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích nhân viên cập nhật và học mới về công nghệ, phát triển kỹ năng và tri thức cao cấp nhằm nâng cao hiệu suất làm việc.
Thứ bảy, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp. Ở đây bao gồm cả nhận thức của các cấp quản lý và nhân viên trong doanh nghiệp về quản trị tri thức và chuyển giao tri thức. Chỉ khi nào những người làm việc trong doanh nghiệp nhìn nhận tri thức là một loại tài sản, tài nguyên của doanh nghiệp thì họ sẽ có ý thức bảo vệ, giữ gìn, đầu tư vào tri thức.
5. Kết luận
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và bùng nổ ở khắp các quốc gia, tri thức lại càng thể hiện được giá trị của mình. Đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là với các doanh nghiệp ở nước ta, tri thức là một tài sản, một tài nguyên mang tính chất quyết định đến sự thành công trong giai đoạn tới. Việt Nam là một quốc gia đi sau thế giới nhiều năm về phát triển kinh tế nên việc tận dụng tri thức sẵn có là rất cần thiết. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các sàn giao dịch thương mại điện tử cần phải đẩy mạnh hơn trong việc ứng dụng quản trị tri thức vào trong hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phát huy cao độ quá trình chuyển giao tri thức trong doanh nghiệp để có thể tận dụng tốt nhất nguồn tài nguyên sẵn có này. Từ đó, tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam nói chung, các sàn giao dịch thương mại điện tử nói riêng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn phát triển tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử năm 2023.
2. Nguyễn Văn Minh và cộng sự. Quản trị tri thức doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. H. NXB Hà Nội, 2023.
3. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
4. Chia sẻ tri thức trong hoạt động mua hàng trên mạng xã hội của Gen Z. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 04/4/2024.
5. Bảo đảm an ninh thông tin – yếu tố quan trọng để thực hiện giao dịch thương mại hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 22/02/2024.