Nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập từ thực tiễn tỉnh Bình Dương 

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Xuân
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

(Quanlynhanuoc.vn) – Đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm vừa giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, vừa giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, cần được nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ thực tiễn nghiên cứu, khảo sát, giám sát tại tỉnh Bình Dương về vấn đề này, bài viết kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ khóa: Đơn vị sự nghiệp công lập; cung ứng dịch vụ; hiệu quả hoạt động; giải pháp hoàn thiện.

1. Khái quát chung

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật có tư cách pháp nhân, cung cấp các dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, như: giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức năm 2010, đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức về bộ máy, nhân sự.

Xét dưới góc độ vị trí pháp lý, đơn vị sự nghiệp công lập có thể chia thành các loại: đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; đơn vị thuộc tổng cục, cục; đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; đơn vị thuộc UBND cấp huyện.

2. Tình hình chung về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương

Một là, công tác lãnh đạo, quản lý.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 77-CTr/TU ngày 11/5/2018 về việc “thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định số 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 của Tỉnh ủy phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Đồng thời, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện và kết luận chỉ đạo việc thực hiện. 

UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 4651/KH-UBND ngày 02/10/2018 về sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của  các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 – 2021, trong đó đã đề ra mục tiêu sắp xếp, đổi mới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hợp lý; giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả; tăng cường thực hiện chuyển đổi các đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ hơn nữa các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện cổ phần hóa các đơn vị đủ điều kiện. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện, có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, báo cáo, xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với những vấn đề phát sinh ngoài phạm vi thẩm quyền của UBND tỉnh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra.

Hai là, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.1

Tính đến hết  ngày 31/12/2023, toàn tỉnh còn 514 đơn vị (giảm 17 đơn vị so với năm 2015; giảm 25 đơn vị so với năm 2017; giảm 16 đơn vị so với năm 2021). Ngoài ra, còn có 9 trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện, là mô hình được tỉnh Bình Dương triển khai nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước giao năm 2023 là 23. 042 biên chế và 818 hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc sự nghiệp giáo dục năm học 2023 – 2024. Giai đoạn 2018 – 2023, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới do cần phải đáp ứng yêu cầu thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là 42 đơn vị sự nghiệp công lập (gồm 32 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; thành lập mới mô hình trung tâm phục vụ hành chính công ở 9 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh (IOC). Qua đó, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đáp ứng được yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh. Trong giai đoạn 2018 – 2023, UBND tỉnh đã cơ cấu lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, trong đó đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất 67 đơn vị; chuyển sang loại hình tự chủ chi thường xuyên đối với 27 đơn vị. 

Ba là, về kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Kết quả khảo sát trực tuyến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho thấy kết quả các ý kiến đánh giá như sau: có 51,5% người tham gia đánh giá “hợp lý”; 42,5% “bảo đảm yêu cầu về thời gian, khoa học”;  còn lại 6% đánh giá “chưa hợp lý, chưa khoa học và sắp xếp còn cơ học”. Ngoài ra, khi so sánh với thời điểm chưa sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, có 64,2% người tham gia đánh giá “tốt hơn”; 32,5% “cơ bản không thay đổi nhiều so với khi chưa sắp xếp”; còn lại 3,3% đánh giá “không tốt hơn, bất cập, khó khăn, vướng mắc  nhiều hơn”2

Kết quả này phần nào đã đánh giá một cách khách quan về tính hợp lý, đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương đối với việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh vẫn còn những khó khăn, bất cập: 

(1) Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mới chỉ giảm được 17 đơn vị, tương đương 3,2% so với năm 2015. Mặc dù tỉnh Bình Dương đã sáp nhập, giải thể 67 đơn vị nhưng phải thành lập mới 42 đơn vị (gồm các trường học, trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC) để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành và phục vụ người dân.

(2) Chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đa số các đơn vị sự nghiệp công lập được giao còn thấp, một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, do đó, việc thực hiện tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn.

(3) Nguồn thu từ phí, các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

(4) Việc thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác kết quả thực hiện còn chậm, một số nội dung còn vướng mắc trong cơ chế, chính sách xã hội hóa, như: việc hợp đồng, hợp tác liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập. Xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục còn nhiều bất cập.

(5) Cơ chế tài chính, trả lương, thưởng, nâng lương và chế độ khác cho đơn vị tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần mặc dù có đổi mới nhưng chưa tạo đột phá để thu hút nhân tài vào đơn vị sự nghiệp công lập. 

(6) Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập mặc dù được quan tâm thực hiện nhưng sơ kết, đánh giá theo chuyên đề, từng lĩnh vực và có giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo từng nhóm, từng lĩnh vực còn chậm.

Nguyên nhân là do công tác hoàn thiện thể chế cho đơn vị sự nghiệp công lập của Trung ương chưa bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu, như: xây dựng, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí; định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế… ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện tại địa phương. Bên cạnh đó, lộ trình và giải pháp tiến đến tự chủ của một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa rõ ràng còn trông chờ, ỷ lại vào cơ chế bao cấp; một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, do vậy việc triển khai tinh giản biên chế còn gặp nhiều bất cập. 

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương 

Thứ nhất, nhóm giải pháp về thể chế chính sách.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là vấn đề khó khăn, nhạy cảm, chứa  đựng sự khác biệt, tiềm ẩn xung đột, rủi ro. Vì vậy, khi triển khai, cần tiến hành bài bản, có sự chỉ đạo thống nhất, thực hiện theo lộ trình chặt chẽ. Từ những hạn chế, khó khăn nêu trên, các cấp có thẩm quyền cần sớm xem xét ban hành hoặc hoàn thiện các văn bản phê duyệt toàn bộ quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập, phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, ban hành đơn giá, giá dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước theo lộ trình giá dịch vụ được tính đủ chi phí làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị.

Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; về vị trí việc làm viên chức, định mức biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Ban hành văn bản hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất; hướng dẫn việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cơ sở hợp nhất các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trạm Thủy nông. Thẩm định kế hoạch biên chế sự nghiệp hàng năm của tỉnh theo hướng quan tâm chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục và ngành Y tế, tạo điều kiện thuận lợi bố trí đủ giáo viên, nhân lực y tế theo định mức để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công thiết yếu này.

Thứ hai, nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao trách nhiệm điều hành của UBND các cấp về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và theo từng nhóm tự chủ.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện đánh giá chất lượng lãnh đạo, quản lý bảo đảm về năng lực, bố trí sắp xếp vị trí việc làm phù hợp năng lực chuyên môn, thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp dôi dư do sắp xếp tổ chức không bảo đảm sức khỏe, không đủ tiêu chuẩn, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện số lượng cấp phó theo đúng quy định.

Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường hướng dẫn giải pháp cải thiện nguồn thu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên để chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên khi đủ điều kiện theo quy định.

Tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các nghị định của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về tổ  chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện theo quy định, bảo đảm mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, nhóm giải pháp về nguồn lực.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, trong đó có chính sách khuyến khích ưu đãi hơn nữa về đất đai, thuế, phí, tín dụng… tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Rà soát, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho phép cổ phần hóa đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; triển khai đồng bộ việc lập quy hoạch từng lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển các cơ sở xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tính chi phí khấu hao có thể phân loại ở mức độ tự chủ tài chính cao hơn. Chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ; giảm dần phương thức giao nhiệm vụ. 

Tăng cường công khai minh bạch; thực hiện nghiêm các quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, đặc biệt là về thực hiện chính sách chế độ tài chính; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế (cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, tuyển dụng và giữ chân nhân viên y tế; tăng cường liên kết đào tạo, đào tạo lại và đào tạo tại chỗ nhân viên y tế đáp ứng triển khai các kỹ thuật đại chúng, chuyên môn sâu).

4. Kết luận

Các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác nhau. Từ việc phân tích tình hình sắp xếp, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị và thúc đẩy xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đóng góp vào việc phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương nói riêng, của đất nước nói chung.

Chú thích:
1. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Báo cáo số 58/BC-ĐĐBQH ngày 29/02/2024 về kết quả giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
2. Tác giả tổng hợp từ nguồn phiếu khảo sát trực tuyến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương về ý kiến đánh giá kết quả sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 4651/KH-UBND ngày 02/10/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của  các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 – 2021.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Quyết định số 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 của Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
4. Các bộ, ngành phải hoàn thành việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 30/6/2022. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 01/3/2022.
5. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 06/02/2022.