Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

NCS. Đặng Quốc Toàn
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến động nhanh chóng của thị trường, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp là vô cùng quan trọng để duy trì và củng cố vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Bài viết đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và đề xuất một số giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trong thời gian tới.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao; năng lực cạnh tranh; ngành Công nghiệp; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Ngành Công nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhất từ các cuộc cách mạng công nghiệp, vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi trong công nghệ, quy trình sản xuất và yêu cầu của thị trường. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự kết nối giữa con người, máy móc và dữ liệu thông qua internet đã làm thay đổi cách tương tác và sản xuất hàng hóa. Do đó, năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp cũng phải thích ứng và phát triển để đáp ứng những yêu cầu mới đang đặt ra.

Trong thời đại số, năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp không chỉ thể hiện ở giá cả và chi phí sản xuất, mà còn bao gồm việc cạnh tranh về hạ tầng công nghệ. Điều này bao gồm việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới mang tính đột phá. Các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp cần đầu tư vào việc áp dụng các công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data) và internet vạn vật (IoT) để cải thiện quản lý sản xuất, tăng cường sự linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu của thị trường. 

Hơn nữa, cạnh tranh về hạ tầng công nghệ cũng bao gồm việc xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật số như hệ thống truyền thông, mạng lưới điện và cơ sở dữ liệu để hỗ trợ việc chuyển đổi kỹ thuật số của doanh nghiệp và tạo ra một môi trường kinh doanh linh hoạt và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc phát triển nhân lực có kỹ năng và hiểu biết sâu về công nghệ cũng là một phần không thể thiếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp. Những yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp bao gồm bốn yếu tố: sản xuất; môi trường cạnh tranh; tinh thần đổi mới và sáng tạo; yếu tố Nhà nước.

TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại và văn hóa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là một trung tâm đổi mới, sáng tạo và giáo dục của cả nước. Với mức đóng góp gần 20% vào ngân sách và chiếm khoảng 15,5% GRDP quốc gia mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh đang thể hiện vai trò đầu tàu đối với nền kinh tế1. Mặc dù chỉ chiếm 0,8% diện tích và dân số khoảng 9,2 triệu người2, Thành phố đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Với sản lượng công nghiệp chiếm 23,27% của vùng Đông Nam Bộ và góp khoảng 8,78% vào tổng sản xuất công nghiệp quốc gia, TP. Hồ Chí Minh đã tạo động lực quan trọng cho nền Công nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, ngành Công nghiệp của Thành phố đang đối diện với những vấn đề đặt ra, như: tỷ trọng ngành Công nghiệp trong GRDP có xu hướng giảm dần, tốc độ tăng trưởng của ngành Công nghiệp luôn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của GRDP. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự biến động nhanh chóng của thị trường, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp là vô cùng quan trọng để duy trì và củng cố vị thế dẫn đầu của TP. Hồ Chí Minh.

2. Thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh 

Tăng trưởng và phát triển của ngành Công nghiệp có vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng, phát triển kinh tế của Thành phố. Tuy vậy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố. Tổng sản phẩm ngành Công nghiệp trên địa bàn theo giá hiện hành ước tính với năm 2023 là 292.669 tỷ đồng, chiếm 18,05% GRDP và đóng góp 1,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của TP. Hồ Chí Minh3.

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp (IIP) TP. Hồ Chí Minh ước tính chỉ tăng trung bình khoảng 4,1%/năm trong thời kỳ 2010 – 2023. Từ năm 2020 đến nay, chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, giá trị gia tăng sản phẩm ngành công nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ số IIP năm 2020 chỉ ở mức 0,7%, năm 2021 giảm sâu -13,23%. Năm 2022, ngành Công nghiệp có phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số IIP tăng 12,92%. Thế nhưng, sang năm 2023 thì tăng trưởng của khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế chung. Cụ thể, năm 2023, công nghiệp tăng trưởng 4,41% đóng góp 0,87 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng 5,81% GRDP của Thành phố. Mức tăng trưởng và đóng góp của công nghiệp thấp hơn khá nhiều so với khu vực thương mại dịch vụ, với mức tăng trưởng 6,79% và đóng góp 4,32 điểm phần trăm4.

Sản xuất công nghiệp Thành phố có sự gia tăng nhưng chậm lại và nhiều biến động. Bốn ngành Công nghiệp trọng yếu của TP. Hồ Chí Minh, gồm: cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược – cao su đóng góp trên 50% giá trị ngành Công nghiệp của Thành phố. Cụ thể vào năm 2017 những ngành này đóng góp 51,72% và đến năm 2022 đóng góp 56,26% giá trị toàn ngành công nghiệp5.

Trong hơn 10 năm qua, tỷ trọng của ngành Công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Thành phố không có sự gia tăng. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong cơ cấu công nghiệp của cả nước và vùng Đông Nam Bộ có xu hướng giảm dần. Năm 2010, công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp cả nước, đến năm 2022 chỉ còn chiếm 8,78%, giảm đến 6,68% phần trăm so với năm 2010 (Hình 2)6.

Nếu xét về quy mô, ngành Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước với tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn năm 2023 đạt gần 300.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động và thu hút hơn 31.000 DN đang hoạt động với tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 20 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ trọng công nghiệp thì tỷ trọng công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Năm 2010, công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%, giảm 6,68 điểm phần trăm so với năm 2010. Việc giảm tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp cả nước gắn liền với tốc độ tăng trưởng công nghiệp thành phố chậm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả nước. Cụ thể giai đoạn 2010 – 2015 công nghiệp thành phố tăng trưởng bình quân 5,87%/năm trong khi đó công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,39%. Giai đoạn 2016 – 2022, công nghiệp thành phố tăng trưởng 2,67%/năm, công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm. Cả thời kỳ 2010 – 2022, công nghiệp của Thành phố chỉ tăng 4,11%, trong khi công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,07%/năm7.

Phân tích về các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh ngành Công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy chưa có tính vượt trội so mặt bằng chung của cả nước và đối diện với nhiều thách thức.

Thứ nhất, về yếu tố sản xuất.

TP. Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong trong cả nước về phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút được 1.681 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,42 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 55%; bình quân hằng năm các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hằng năm nộp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô). Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%8.

Tuy nhiên, với sự chuyển mình của công nghệ số và sự ra đời của các sản phẩm thuộc dòng công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã trở nên “già cỗi” và không còn phù hợp với ngành ưu tiên của TP. Hồ Chí Minh. Kể từ năm 2006, TP. Hồ Chí Minh đã chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ, nhưng quá trình diễn ra rất chậm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến khó khăn về tiếp cận đất đai. Đối với TP. Hồ Chí Minh, đất phát triển đô thị sẽ hấp dẫn hơn làm công nghiệp, do đó các khu công nghiệp rất khó tìm được đất để thực hiện các dự án. Khả năng tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp gần chạm với những giá trị thấp nhất so với các địa phương trên cả nước. Đây là một trong những điểm yếu mà nếu không khắc phục thì TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mất đi sức cạnh tranh rất lớn trong việc thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư.

Khác với yếu tố đất đai, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa, giáo dục và đào tạo của cả nước nên khả năng tiếp cận lao động có trình độ cao lại dễ dàng và thuận lợi. TP. Hồ Chí Minh luôn xác định chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi giúp địa phương phát triển bền vững nên đã tận dụng sự đa dạng và năng động của các trường đại học trên địa bàn để đào tạo nhân lực ở các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là khoa học – công nghệ cao. Vì vậy, khả năng cạnh tranh về đào tạo lao động của TP. Hồ Chí Minh thường cao hơn so với nhiều địa phương khác. 

Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế có được, TP. Hồ Chí Minh cũng đang gặp khó khăn bởi quy mô đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ các ngành Công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Điều này chứng tỏ TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa chủ động được nguồn lao động chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Với vị trí địa lý thuận lợi cả về đường hàng không, đường thủy và đường bộ, cùng với sự phát triển của các trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, viện nghiên cứu, trường đại học, TP. Hồ Chí Minh xây dựng được môi trường cạnh tranh năng động và thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế. 

Xem xét chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (Hình 5), là chỉ số dùng để đo lượng dịch vụ của các địa phương nhằm phát triển khu vực tư nhân nói chung như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật doanh nghiệp, phát triển các khu công nghiệp và dịch vụ công nghệ. Chỉ số này thể hiện khả năng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh luôn đạt hiệu quả cao nhất so với các địa phương trên cả nước, khẳng định một môi trường cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả đối với những doanh nghiệp đóng trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, về đổi mới sáng tạo.

Nhờ lợi thế là trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, với khu công nghệ cao được thành lập từ năm 2002 đã phát triển mạnh mẽ trở thành một khu kinh tế – kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất – kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh tăng dần hằng năm, năm 2021, đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh), năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD9.

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế cho đổi mới sáng tạo nhưng ngành Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chưa xác định được ngành nào đóng vai trò chủ lực. Do đó, Thành phố cũng chưa có các lĩnh vực công nghiệp hoặc doanh nghiệp công nghiệp nổi bật, có tính định hướng và khả năng dẫn dắt. Điều này phần nào cho thấy, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Thành phố đang phát triển chậm, sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, tỷ trọng lao động thâm dụng cao, giá trị gia tăng thấp và chưa đáp ứng đủ điều kiện cho sự phát triển bền vững trong ngành Công nghiệp. Tính năng động, khả năng đổi mới sáng tạo ở TP. Hồ Chí Minh thường tiệm cận với các giá trị thấp nhất và cách khá xa giá trị cao nhất, chứng tỏ ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói chung đang giảm dần sự năng động vốn có của mình.

Thứ tư, về yếu tố chính quyền.

Thành phố luôn chú trọng đến phát triển công nghiệp và có những chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp qua các giai đoạn khác nhau. Các chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đã được điều chỉnh ngày càng phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển chung của ngành Công nghiệp.

Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã góp phần giúp ngành Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh có những bước chuyển dịch cơ cấu hợp lý, nhất là sự phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu, các ngành Công nghiệp thâm dụng khoa học và công nghệ được đầu tư phát triển trong khu công nghiệp công nghệ cao của Thành phố. Tuy nhiên, nếu so với các địa phương trong cả nước, chỉ số thiết chế pháp lý và hỗ trợ của chính quyền TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt mức trung bình, thậm chí có những năm đạt giá trị mở mức gần thấp nhất (Hình 7).

3. Một số giải pháp

Để nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm củng cố vị thế dẫn đầu và phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, cải thiện hạ tầng nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Với hiện trạng hạ tầng hỗ trợ phát triển công nghiệp còn yếu, chưa đồng bộ thì việc nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, thông tin, kho bãi, bến cảng…, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, kết nối hiệu quả giữa các khu công nghiệp trong TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mạng lưới giao thông cần được ưu tiên đầu tư mở rộng, góp phần thúc đẩy sự liên kết, kết nối sản xuất công nghiệp trong vùng, hình thành các cụm ngành bổ trợ cho nhau, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Thành phố. Các tuyến đường vành đai cần được hoàn thiện nhanh chóng, cùng với việc xây dựng và nâng cấp các tuyến đường chính nội đô, bảo đảm kết nối thuận lợi giữa các trung tâm đô thị. Đồng thời, Thành phố cũng cần tập trung vốn đầu tư xây dựng các cầu, hầm vượt, đường trên cao và hệ thống metro để giúp tăng cường khả năng kết nối các khu công nghiệp – khu chế xuất, các cảng biển, sân bay…, từ đó giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất và bán hàng. 

Hai là, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần sớm có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghiệp mới, công nghiệp trọng yếu và có lợi thế cạnh tranh của Thành phố. Ưu tiên đầu tư khuyến khích đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong các ngành, như: điện tử, vi mạch bán dẫn, máy tính, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu… Đồng thời, Thành phố cũng cần khuyến khích và hỗ trợ việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo, mở rộng đào tạo công nhân để có tay nghề cao làm việc trong các khu công nghiệp và khu chế xuất của TP. Hồ Chí Minh.

Ba là, nâng cao năng lực khoa học – công nghệ và ứng dụng.

 Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển các ngành công nghiệp theo hướng bền vững tại TP. Hồ Chí Minh đòi hỏi cần nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu, tiến bộ của khoa học – công nghệ. TP. Hồ Chí Minh cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu, tiếp nhận và từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi doanh nghiệp là nòng cốt trong việc nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trong sản xuất, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận đổi mới công nghệ, như: thúc đẩy sự kết nối của khu vực doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến khoa học và công nghệ như tư vấn, đánh giá và giám sát, các dịch vụ về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn chất lượng; cung cấp dịch vụ giao dịch trên nền tảng công nghệ số. 

Bốn là, nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp.

TP. Hồ Chí Minh cần phát huy tối đa những cơ chế, chính sách vượt trội từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Tiếp tục cải cách tục hành chính và môi trường đầu tư là yếu tố then chốt trong quản lý thúc đẩy phát triển công nghiệp. Thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả tiếp nhận thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp để kịp thời cung ứng dịch vụ công và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất – kinh doanh của Thành phố. 

Chú thích:
1. TPHCM đột phá vì cả nước. https://ttbc-hcm.gov.vn, ngày 12/02/2024.
2, 8. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2023). Niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh 2022.
3, 4. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2024). Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023. http://www.pso.hochiminhcity.gov.vn, ngày 29/12/2023.
5. Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh (2022). Số liệu về chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
6, 7. Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2022) và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (năm 2022). Số liệu về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong công nghiệp của cả nước và Đông Nam Bộ.
9. Khu công nghệ cao đóng góp hơn 50% giá trị xuất khẩu của TP.HCM. https://baodautu.vn, ngày 10/9/2022.