Xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân 

ThS. Trần Thị Hạnh 
Học viện Chính trị Công an nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân dân nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học nói chung và các tiêu chí, tiêu chuẩn của giảng viên Công an nhân dân nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các học viện, nhà trường. Nội dung bài viết khái quát thực trạng và đề xuất những yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân hiện nay.

Từ khóa: Đội ngũ giảng viên; học viện; trường đại học; Công an nhân dân; cơ sở giáo dục đại học; chất lượng giáo dục.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục – đào tạo luôn là một vấn đề mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước xác định: “thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”1. Trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo, địa vị, vai trò của người thầy luôn được đề cao, xem đây là một nhân tố quyết định chất lượng giáo dục – đào tạo. Chính vì vậy, các học viện, trường đại học Công an nhân dân luôn quan tâm, không ngừng chăm lo, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo nhằm mục tiêu tạo ra một đội ngũ giảng viên bảo đảm đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ của các học viện, trường Công an nhân dân trong mỗi giai đoạn.  

2. Thực trạng xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân

a. Về chất lượng đội ngũ.

Tính đến cuối năm 2023, tổng số giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân dân là 1.801 giảng viên; trong đó có: 26 giáo sư, phó giáo sư (chiếm 1,44%); 360 tiến sĩ (chiếm 19,99%); 1.084 thạc sĩ (chiếm 60,19%); 331 đại học (chiếm 18,37%). 

Về trình độ lý luận chính trị, có: 415 cao cấp (chiếm 23,04%); 1.356 trung cấp (chiếm 75,29%); 30 sơ cấp (chiếm 1,67%).

Về trình độ nghiệp vụ Công an, có: 231 tiến sĩ (chiếm 12,83%); 640 thạc sĩ (chiếm 35,53%); 472 đại học (chiếm 26,21%); 458 đã tốt nghiệp Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an (chiếm 25,43%). 

Về trình độ nghiệp vụ sư phạm có: 1.145 trình độ đại học (chiếm 63,58%); 322 trình độ cơ bản (chiếm 17,88%); 334 trình độ nâng cao (chiếm 18,54%). Về trình độ nghiệp vụ quản lý giáo dục có: 3 tiến sĩ; 15 thạc sĩ; 1 trình độ đại học; 4 đã qua bồi dưỡng. Về trình độ ngoại ngữ có: 15 thạc sĩ; 336 đại học; 70 chứng chỉ C; 395 chứng chỉ B; 1 chứng chỉ A; 41 trình độ IELTS 6.0 và TOEFL 550. 

Về trình độ tin học có: 1.100 trình độ tin học cơ bản và 701 trình độ nâng cao trở lên2.

b. Về thực trạng xây dựng đội ngũ giảng viên.

Một là, nghiêm túc trong việc thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo nói chung và công tác xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân dân nói riêng: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Quyết định số 758/QĐ-BCA ngày 08/3/2016 về việc phê duyệt quy mô đào tạo của các học viện, trường Công an nhân dân đến năm 2020 và dự trữ phát triển đến năm 2030; Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” của Bộ Công an năm 2023…

Cục Đào tạo – X02 đã tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường Công an nhân dân. Trên cơ sở đó, các học viện, trường đại học Công an nhân dân đã cụ thể hóa, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của đơn vị.

Hai là, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên luôn được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Việc rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và phát triển chuyên môn của đội ngũ giảng viên được tiến hành hằng năm, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên đăng ký nhu cầu học tập nâng cao trình độ. Các trường đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh cho đội ngũ giảng viên, nhất là trình độ về lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, kiến thức quốc phòng – an ninh. 

Từ năm 2014 – 2023, đã cử 9.428 lượt giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức duyệt giảng cho 657 giảng viên; cử 523 lượt giảng viên đi thực tế và luân chuyển 230 giảng viên nghiệp vụ đến công tác tại Công an các đơn vị, địa phương hoặc các cơ sở đào tạo đại học trong và ngoài ngành Công an3.

Ba là, chủ động mở rộng phạm vi các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, như: kỹ năng ứng dụng công nghệ – thông tin đổi mới phương pháp giảng dạy, số hóa hồ sơ bài giảng, đào tạo ngoại ngữ, tin học…

Điển hình: Học viện Chính trị Công an Nhân dân phối hợp với Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên. Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an Nhân dân cử nhiều lượt giảng viên thực tế tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Giáo dục, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Viện Mica – Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật Mã… nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo nói chung và công tác xây dựng đội ngũ giảng viên nói riêng.    

Bốn là, tích cực triển khai quan hệ, hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung và trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nói riêng. 

(1) Học viện Cảnh sát Nhân dân hiện nay là thành viên của nhiều Hiệp hội các trường Cảnh sát quốc tế và các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, như: Hiệp hội các cơ sở đào tạo cảnh sát quốc tế (INTERPA); Hiệp hội các cơ sở đào tạo Cảnh sát Châu Á (APTA); Đại học Tổng hợp Maryland Hoa Kỳ, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan… Đến nay, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã có 2 khóa tốt nghiệp với 68 học viên tham gia chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ về lãnh đạo tư pháp hình sự với Đại học Tổng hợp Maryland Hoa Kỳ, trong đó có nhiều giảng viên của Học viện tham gia. Từ năm 2014 đến nay, đã có gần 300 lượt chuyên gia, giảng viên người nước ngoài đến học tập, tham quan, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ, giảng viên của Học viện Cảnh sát Nhân dân.

(2) Học viện An ninh nhân dân đã thiết lập quan hệ hợp tác với 4 Tổng lãnh sứ quán của nước: Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Campuchia tại Việt Nam; với 3 trường đại học và tổ chức thuộc các nước: Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thái Lan.

(3) Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã ký quy chế hợp tác với Học viện Chính trị của Bộ Công an Lào.

Năm là, đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên các trường. Điển hình, như: Đại học Hậu cần – Kỹ thuật Công an Nhân dân đã trang bị được 30 phòng thực hành, chấm thi và nhiều phần mềm phục vụ công tác giảng dạy; 1 phòng hội thảo; 1 hệ thống camera giám sát phòng học; 70 máy tính xách tay phục vụ giảng dạy giáo án điện tử4… 

Sáu là, công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên được các nhà trường tiến hành thường xuyên và là một trong những nội dung trọng tâm nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học. Theo đó, các trường đã xây dựng và triển khai hệ thống thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên trên nhiều phương diện, như: chấp hành giờ lên lớp; tiến độ, chất lượng giảng dạy; việc tham gia công tác nghiên cứu khoa học… Để hỗ trợ công tác này, các nhà trường đã chú trọng lắp đặt hệ thống camera tại các phòng học, thư viện nhằm giám sát hoạt động dạy và học. Kết quả giám sát được phản hồi đến các đơn vị có liên quan để đánh giá thực trạng, kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng công tác xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường Công an nhân dân còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót nhất định. 

Thứ nhất, việc xây dựng đội ngũ giảng viên chưa thực sự mang tầm chiến lược, định hướng lâu dài. Chưa có những giải pháp mang tính đột phá trong tuyển chọn, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên, như: việc quy hoạch, sử dụng giảng viên trẻ đáp ứng đủ yêu cầu vị trí, công việc của các học viện, trường đại học Công an nhân dân nhiều thời điểm chưa được quan tâm đúng mức, chưa mạnh dạn bố trí giảng viên giảng dạy các nội dung phù hợp, cũng như chưa có sự hướng dẫn rõ ràng từ phía những giảng viên lâu năm, có kinh nghiệm. Điều này đã gây ra sự thiếu hụt giảng viên ở một số học viện, trường đại học Công an nhân dân, đồng thời tạo ra sự mất cân đối về cơ cấu giảng viên, trở thành áp lực cho xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo thời gian tới. Tỷ lệ giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân dân có trình độ tiến sĩ, có chức danh khoa học (giáo sư, phó giáo sư) chưa cao, nhất là về lĩnh vực lý luận chính trị. 

Thứ hai, quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên chưa thực sự được mở rộng và hiệu quả, chưa tương xứng với yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới cũng như các tiềm năng sẵn có. Công tác tổ chức cho các đoàn đi học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng luận án ở nước ngoài tuy đã có chuyển biến song chưa thực sự chuyên nghiệp; tính chủ động trong công tác hợp tác quốc tế chưa cao, chủ yếu vẫn là thực hiện các nhiệm vụ theo thông báo của cơ quan đối ngoại Bộ Công an; việc triển khai quan hệ hợp tác quốc tế mới chỉ tập trung ở Học viện Cảnh sát nhân dân và rất hạn chế ở các trường khác.

Thứ ba, chế độ, chính sách áp dụng với đội ngũ giảng viên còn có những bất cập. Mặc dù, công tác xây dựng và triển khai chính sách tạo động lực đối với đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân dân đã được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, các cơ quan chức năng và các học viện, trường đại học Công an nhân dân quan tâm tiến hành, trong đó có chế độ phụ cấp hằng tháng đối với giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư; chế độ hỗ trợ kinh phí khi giảng viên tham gia học cao học và nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, do sự khó khăn chung của đất nước sau đại dịch Covid – 19 và khó khăn về kinh phí nên các chế độ này hiện đã dừng thực hiện. 

3. Yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân

Một là, phải bảo đảm yêu cầu đủ số lượng giảng viên nhằm triển khai đồng bộ các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ của các học viện, trường đại học Công an nhân dân trong từng giai đoạnĐây là yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ giảng viên nhằm bảo đảm có đủ giảng viên tham gia thực hiện công tác giáo dục, đào tạo trong mỗi học viện, trường đại học Công an nhân dân. Số lượng giảng viên theo từng lĩnh vực chuyên môn đào tạo, nhất là tương xứng với quy mô số lượng học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong mỗi giai đoạn.

Bên cạnh việc xây dựng và bảo đảm số lượng giảng viên cơ hữu, mỗi học viện, trường đại học Công an nhân dân cần chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Bảo đảm về số lượng có liên quan chặt chẽ đến bảo đảm yêu cầu về cơ cấu giảng viên nhằm tạo ra sự phù hợp và tính kế thừa của đội ngũ giảng viên trong mỗi nhà trường.

Hai là, bảo đảm yêu cầu về chất lượng giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác được giao. Chất lượng đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung và các học viện, trường đại học Công an nhân dân nói riêng thường được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn. Vấn đề bảo đảm yêu cầu về chất lượng trong xây dựng đội ngũ giảng viên là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong mỗi nhà trường, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. 

Bên cạnh xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường Công an nhân dân đủ về số lượng, phải không ngừng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn giảng dạy cho đội ngũ này. Theo đó, mỗi giảng viên phải luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ các quy trình, quy định trong thực hiện công tác chuyên môn giảng dạy; có trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo; có lối sống trong sạch, gương mẫu, có lòng nhân ái, bao dung, công bằng và bảo vệ lợi ích của người học; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng giảng dạy… Mỗi giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên môn giảng dạy và trau dồi thêm các kiến thức liên ngành, có phương pháp sư phạm, nắm vững và vận dụng có hiệu quả các phương pháp giảng dạy hiện đại với sự kết hợp sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.  

Ba là, xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm yêu cầu về cơ cấu giảng viên phù hợp và thống nhấtCơ cấu giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân dân gồm cơ cấu về độ tuổi, giới tính, học hàm, học vị, nguồn đào tạo, lực lượng hiện có đáp ứng các lĩnh vực chuyên môn đào tạo. Mỗi nhà trường cần tập trung tạo nguồn và xây dựng đội ngũ giảng viên có cơ cấu hợp lý, cân đối, hài hòa về độ tuổi, giới tính, quy mô số lượng giảng viên của các lĩnh vực chuyên môn đào tạo cũng như quy mô số lượng học viên đào tạo trong mỗi giai đoạn. 

Các cơ quan tổ chức cán bộ và quản lý giáo dục, đào tạo của Bộ Công an và các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; có quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên từng chuyên môn giảng dạy (các khoa). Vì vậy, phải xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu thực hiện liên tục, xuyên suốt và phát huy vai trò trong công tác giáo dục, đào tạo, đồng thời phải bảo đảm tính kế thừa ở các lĩnh vực chuyên môn đào tạo khác nhau.

4. Kết luận

Xây dựng đội ngũ giảng viên là nội dung có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, mang tính then chốt nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Điều đó cũng không phải là ngoại lệ đối với các học viện, trường Công an nhân dân, nhất là trong bối cảnh các trường đã và đang tập trung triển khai thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo. Vì vậy, cần phải nắm chắc thực trạng và quán triệt sâu sắc những yêu cầu trong xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân để bảo đảm cho công tác này luôn đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Chú thích
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.136.
2, 3, 4. Tác giả tổng hợp số liệu từ Cục Đào tạo/Bộ Công an cung cấp, năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công an. Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Hà Nội, năm 2023.
2. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Quyết định số 758/QĐ-BCA ngày 08/3/2016 Bộ Công an về việc phê duyệt quy mô đào tạo của các học viện, trường Công an nhân dân đến năm 2020 và dự trữ phát triển đến năm 2030. 
4. Trần Ngọc Hải. (2024). Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị trong giai đoạn hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/16/xay-dung-luc-luong-cong-an-nhan-dan-vung-manh-ve-chinh-tri-trong-giai-doan-hien-nay, ngày 16/5/2024.
5Phạm Công Minh. (2024). Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong định hướng chính trị cho học viên ở Trường Quân sự Quân khu 3. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/21/phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-giang-vien-trong-dinh-huong-chinh-tri-cho-hoc-vien-o-truong-quan-su-quan-khu-3, ngày 21/5/2024.