Phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ – Thực trạng và giải pháp

ThS. Nguyễn Xuân Phương
Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

(Quanlynhanuoc.vn) – Liên kết phát triển kinh tế vùng là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được coi là một trong những động lực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và của từng vùng, từng địa phương nói riêng. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030) tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng quy hoạch tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới”1. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời gian tới.

Từ khóa: Phát triển công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết kinh tế vùng, tỉnh Hưng Yên.        

1. Đặt vấn đề

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học – kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế, thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Hồng cũng xác định: “Tiếp tục phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh”2

Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí chiến lược là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, có hệ thống giao thông đồng bộ, thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và các vùng lân cận. Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm phát triển công nghiệp, nhờ đó mà ngành Công nghiệp của tỉnh Hưng Yên liên tục tăng trưởng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Ngành Công nghiệp mới chủ yếu thể hiện sự đa dạng về số lượng và lĩnh vực, song chưa có sự tác động vào chuỗi giá trị của vùng, nhất là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. 

2. Thực trạng phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ những năm qua

a. Kết quả đạt được

Một là, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và ban hành được nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và ban hành: Quyết định số 3355/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt chương trình khuyến công địa phương tỉnh Hưng Yên đến năm 2020; Nghị quyết số 151/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND về quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND về ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Nghị quyết số 341/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 của HĐND về thông qua Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 15/6/2021 về chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, tỉnh Hưng Yên đã kịp thời ban hành nhiều chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Hưng Yên thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương; hỗ trợ và bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp phát triển cũng đã được ban hành; định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, địa phương với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. 

Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong các hoạt động điều phối, phát triển liên kết vùng. Năm 2019, đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. 

Hai là, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp có hiệu quả với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành công nghiệp hỗ trợ.

Công nghiệp của tỉnh Hưng Yên được xem là ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế. Từ năm 2018 đến nay, ngành Công nghiệp của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 – 2023 đạt 10,33%/năm, trong đó năm 2018 đạt 11,5%, năm 2019 đạt 11,2%, năm 2022 đạt 8,65% và năm 2023 đạt 6,33%3. Trong cơ cấu nội ngành, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng nhất – là ngành chủ đạo của tỉnh khi đóng góp trung bình khoảng 91 – 93% GRDP toàn ngành Công nghiệp trong giai đoạn 2018 – 2023. Năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 43.331.283 triệu đồng, đến năm 2023 đạt 81.251.815 triệu đồng (gấp 1,87 lần so với năm 2018). 

Các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí đốt và cung cấp nước chiếm tỷ lệ thấp, ít biến động về cơ cấu. Năm 2022, ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 0,01%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng chiếm 1,05% và ngành cung cấp nước chiếm 3,17% trong tổng cơ cấu GRDP4.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, có mức tăng trưởng nhanh và ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2018 – 2023 đạt 53,3%. Trong GRDP, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 93 – 95% trong cơ cấu của ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 9,8%5.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 – 2023 đạt khoảng 2,09%; riêng năm 2018 đạt 858.856 triệu đồng, năm 2023 đạt khoảng 1.432.775 triệu đồng, gấp 1,66 lần so với năm 20186. Trong giai đoạn 2018 – 2023 ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,05%. GRDP của ngành này đạt 2.885.736 triệu đồng, năm 2019 đạt 3.309.950 triệu đồng, năm 2020 đạt 3.465.818 triệu đồng, năm 2021 đạt 3.983.343 triệu đồng, năm 2022 đạt 4.168.044 triệu đồng, năm 2023 đạt 4.576.044 triệu đồng7. Riêng sản xuất nước máy thương phẩm năm 2018 đạt 11.665 nghìn m3, đến năm 2022 đạt 32.223 nghìn m3, năm 2023 ước đạt 33.156 mgấp 2,84 lần năm 20188.

Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hưng Yên hình thành khá rõ nét trong 6 lĩnh vực như: cơ khí chế tạo; thiết bị điện –  điện tử; dệt may; da giày; sản xuất và lắp ráp ô tô; sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Trong tổng số 193 dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, có 20 dự án thuộc ngành điện tử; 21 dự án thuộc ngành sản xuất lắp ráp ô tô; 18 dự án thuộc ngành cơ khí chế tạo đã và đang sản xuất linh kiện phụ tùng, chi tiết phục vụ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô9. Những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh tăng trưởng khá tốt, đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách của các địa phương.

Ba là, tỉnh Hưng Yên đã phát huy khá hiệu quả liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp.

Nhằm phục vụ kinh tế – xã hội nói chung và đối với ngành Công nghiệp nói riêng, tỉnh Hưng Yên đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng. Để thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông phát triển phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 28/6/2021 về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư hơn 432 km đường giao thông ở các cấp. Hoàn thành giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình. Đang tích cực hoàn thành dự án đường tỉnh 387 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Km31+100); dự án đường trục ngang kết nối quốc lộ 39 (Km22+550) với đường tỉnh 376; dự án đường nối đường huyện 45 xã Đồng Than với đường tỉnh 376 xã Ngọc Long; dự án xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình… 

b. Những tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, công tác phối hợp giữa tỉnh Hưng Yên với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển công nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.

Phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên nói riêng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung là hoạt động độc lập, dựa trên định hướng của trung ương và của từng địa phương. Do đó, sự phối hợp giữa tỉnh Hưng Yên với các tỉnh, thành phố trong vùng những năm qua chưa toàn diện và chưa thường xuyên. Liên kết phát triển công nghiệp và các vấn đề kinh tế – xã hội khác chỉ khi cần giải quyết những vướng mắc nên hiệu quả không cao. 

Hiện nay, vẫn chưa có phương thức liên kết hiệu quả giữa các địa phương về quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, loại hình công nghiệp, về đào tạo lao động, sử dụng lao động…, những vấn đề an sinh xã hội cho người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được quan tâm. Hoạt động hợp tác chưa đồng bộ, liên kết về phát triển công nghiệp chưa nhiều. 

Thứ hai, sự phối hợp liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên và các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trong những năm qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng các địa phương trong vùng còn thụ động, chưa rõ nét; việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn phải điều chỉnh theo cục bộ từng địa phương, chưa có sự phối hợp trong liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp. Tốc độ xây dựng hạ tầng còn chậm, nhất là hạ tầng bên trong và bên ngoài xung quanh các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển của kinh tế. Tính liên kết đồng bộ về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng còn chưa cao. 

Thứ ba, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm so với tiềm năng lợi thế; sự liên kết các nhà sản xuất chưa chặt chẽ; dây chuyền sản xuất, trang thiết bị, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường.

Hưng Yên đã xác định công nghiệp hỗ trợ là một trong những mắt xích quan trọng, đột phá trong phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào 6 ngành công nghiệp hỗ trợ chính, đó là: cơ khí chế tạo; thiết bị điện, điện tử; dệt may; da giày; sản xuất và lắp ráp xe ô tô; công nghiệp công nghệ cao. Mặc dù tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của các ngành này còn nhiều hạn chế. Quy mô doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ còn ít. 

Tính đến hết năm 2023, Hưng Yên có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ10, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp nội tỉnh chưa có nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn hạn chế. Hoạt động sản xuất, lắp ráp linh kiện ô tô trên địa bàn tỉnh còn đơn giản. Nhiều công ty thuê ngoài các bộ phận sản xuất và lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. 

3. Giải pháp phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong liên kết vùng 

Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp. 

Đây là giải pháp rất quan trọng, có tác động toàn diện đến sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm. Để thực hiện tốt giải pháp này, trong thời gian tới cần xác định các căn cứ khoa học cho việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp; đồng thời, tăng cường rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 

Tỉnh Hưng yên cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội bộ vùng. Xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất phục vụ cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Mặt khác, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội xung quanh các khu, cụm công nghiệp để tập trung tối đa nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Thứ ba, tăng cường huy động vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển công nghiệp. 

Đây là giải pháp rất cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và chất lượng yêu cầu, mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong thời gian tới, tỉnh cần huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ khu vực nước ngoài tập trung cho phát triển công nghiệp.Đồng thời, chú trọng đầu tư vào các ngành Công nghiệp mũi nhọn của tỉnh để trở thành trụ đỡ cho phát triển công nghiệp.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, tr. 251.
2. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.
3. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2023). Tình hình kinh tế – xã hội tháng 12 và năm 2023.
4. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2022). Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2021. NXB Thống kê.
5, 6, 7, 8. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2023). Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2022. NXB Thống kê.
9. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên (2023). Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hưng Yên, tr. 86.
10. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên (2023). Báo cáo số 468-BC/UBND ngày 23/12/2023 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.