Nguyễn Thị Mai Anh
Viện Kinh Tế và Quản lý – Đại học Bách Khoa Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Sự ra đời của internet (từ năm 1969) đã làm thay đổi cuộc sống của con người về mọi mặt. Đối với người tiêu dùng, mạng xã hội dần trở thành công cụ để tìm kiếm, tham khảo thông tin về sản phẩm/dịch vụ trước khi đưa ra quyết định mua sản phẩm đó. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá mức độ tác động của hình thức truyền miệng trực tuyến (eWOM) đến việc chấp nhận và sử dụng những thông tin eWOM này trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng Hà Nội. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với tổng mẫu là 344 người tiêu dùng Hà Nội. Các công cụ phân tích được dùng, gồm: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha và phân tích hồi quy đa biến. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để các nhà marketing ra quyết định trong việc sử dụng công cụ truyền miệng trực tuyến để gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp của mình.
Từ khóa: Truyền miệng trực tuyến; người tiêu dùng; mua sắm online; eWOM.
1. Đặt vấn đề
Theo Forbes & Vespoli, có tới 59% người dùng tiếp nhận thông tin về sản phẩm/dịch vụ qua bạn bè người thân thông qua hình thức trực tuyến và 83% chuyên gia marketing tận dụng mạng xã hội làm công cụ truyền thông sản phẩm/dịch vụ của mình1. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), doanh thu từ thương mại điện tử B2C tại Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD tính đến tháng 12/2203, tăng 25% so với con số này năm 2022. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số ước tính số lượng người thực hiện mua sắm trực tuyến trong năm 2023 khoảng 61 triệu người với mức mua sắm đạt giá trị trung bình khoảng 336 USD/người2. Báo cáo của Metric cho biết toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trong năm 2023, có khoảng 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là: Shopee, Lazada, Sendo, Tiktok Shop, Tiki…, con số này tăng 52,3% so với năm 20223.
Theo Breazeale (2009)4 và Godes & Mayzlin (2004)5, hình thức truyền miệng truyền thống đã được đánh giá là một trong những hình thức truyền tải thông tin có sức ảnh hướng nhất trong lịch sử. Vì vậy, kèm với sự phát triển vượt bậc trong công nghệ số, truyền miệng trực tuyến eWOM hiện tại là một nội dung nghiên cứu quan trọng quyết định đến hành vi của người tiêu dùng trực tuyến và có ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời đại 4.0.
Trên thực tế, khách hàng luôn có thói quen tìm kiếm và sử dụng các thông tin của khách hàng cũ đã mua sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Vì vậy, đặt trong bối cảnh về tốc độ tăng trưởng vượt bậc về việc sử dụng internet tại Việt Nam, eWOM là một công cụ marketing đắc lực cho các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nhằm truyền thông, quảng bá, xúc tiến và thúc đẩy quá trình quyết định tiêu dùng sản phẩm của khách hàng.
Hà Nội luôn thu hút nhiều lao động của cả nước, chính vì vậy, người tiêu dùng Hà Nội đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành xu hướng tiêu dùng và ảnh hưởng đến thị trường không chỉ ở cấp đô thị mà còn ở cấp quốc gia. Thấu hiểu được những yếu tố ảnh hưởng thuộc hình thức thông tin trực tuyến quyết định đến việc chấp nhận áp dụng thông tin vào quyết định mua hàng online của người tiêu dùng, không những giúp thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường mà còn giúp cho các doanh nghiệp thấu hiểu hơn đối tượng khách hàng quan trọng này, nhờ đó cải thiện được kết quả kinh doanh (Nguyễn Thị Mai Anh và cộng sự, 2024)6.
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá mức độ tác động của hình thức truyền miệng trực tuyến (eWOM) đến việc chấp nhận áp dụng thông tin (eWOM) trong quyết định mua hàng Online của người tiêu dùng Hà Nội. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để các nhà marketing ra quyết định trong việc sử dụng công cụ truyền miệng trực tuyến để gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp của mình.
2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và giả thuyết nghiên cứu
a. Cơ sở lý thuyết
Một là, truyền miệng trực tuyến.
Truyền miệng truyền thống (WOM) là hình thức thảo luận trực tiếp với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình về những chia sẻ hay kinh nghiệm của người dùng về một sản phẩm hay dịch vụ (Sundaram & cộng sự, 1998)7. Hình thức truyền miệng truyền thống đã được đánh giá là một trong những hình thức truyền tải thông tin có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử (Breazeale, 2009)8; (Godes & Mayzlin, 2004)9. Bên cạnh đó, truyền miệng truyền thống là hình thức truyền thông đáng tin cậy so với các hình thức truyền thông được tạo ra bởi các công ty do tính chất độc lập và không mang lợi ích kinh tế của hình thức truyền miệng truyền thống này (Arndt, 1967)10.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet bùng nổ tại Việt Nam hiện nay, xu hướng tìm kiếm và kiểm chứng thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua mạng internet là một hình thức phổ biến. Truyền miệng trực tuyến là hình thức khách hàng để lại một thông điệp, chia sẻ hoặc nhận xét một cách chủ động hoặc bị động về sản phẩm hoặc dịch vụ cho những khách hàng tiềm năng thông qua một hoặc nhiều nền tảng thương mại điện tử (Littlejohn & Foss, 2009)11. Và eWOM có thể được lan truyền rất nhanh đến một lượng lớn người dùng thông qua nền tảng thương mại điện tử (Chu & Kim, 2011)12. Hiện nay, khái niệm của Hennig-Thurau & cộng sự (2004) được sử dụng phổ biến nhất về eWOM trong các bài nghiên cứu: “eWOM là bất kỳ lời phát biểu tích cực hay tiêu cực của những khách hàng tiềm năng, khách hàng hiện tại hay khách hàng cũ về một sản phẩm hoặc công ty được cung cấp cho mọi người và tổ chức thông qua internet”.
Hai là, thuyết chấp nhận thông tin (IAM).
Sussman & Siegal (2003)13 đề xuất mô hình về thuyết chấp nhận thông tin (IAM) và thuyết chấp nhận thông tin này được đánh giá cao trong các bài nghiên cứu về eWOM. Chất lượng và độ tin cậy của một thông điệp sẽ ảnh hưởng đến tính hữu ích của thông tin, từ đó sẽ tác động đến việc chấp nhận thông tin của khách hàng. Erkan & Evans (2016)14 cũng đã sử dụng thuyết chấp nhận thông tin trong bài nghiên cứu về eWOM của mình. Người dùng có xu hướng thực hiện hành vi chấp nhận thông tin trong cộng đồng ảo (Cheung & cộng sự, 2008)15. Khi người dùng cảm nhận được rằng thông tin họ nhận được là hữu ích và đáng tin cậy thì thông tin đó sẽ được chấp nhận và người dùng sẽ tự tin sử dụng eWOM trước khi quyết định mua hàng.
b. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Hình 1 là đề xuất mô hình nghiên cứu và các giả thuyết của nghiên cứu. Bốn yếu tố được lựa chọn tác động đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin (eWOM) trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng Hà Nội là: độ tin cậy của nguồn thông tin eWOM (DTC); chất lượng thông tin eWOM (CLTT); số lượng thông tin eWOM (SLTT); chuyên môn của người tiêu dùng về mua sắm online (CM).

(1) Độ tin cậy của nguồn thông tin eWOM (DTC).
Độ tin cậy của nguồn thông tin phụ thuộc vào quan hệ của người truyền tin và người nhận tin. Khi mối quan hệ càng gần gũi thì độ tin cậy càng cao. Độ tin cậy có thể được coi là độ tin tưởng (Fogg và Tseng, 1999)16. Khi càng có nhiều chia sẻ có nội hàm giống nhau, độ tin cậy của thông tin đó càng cao và ngược lại (Charles C.Self, 1996)17. Trong nghiên cứu này, độ tin cậy của nguồn thông tin eWOM được định nghĩa là sự tin tưởng của người tiêu dùng tại Hà Nội vào nguồn cung cấp các bình luận hay chia sẻ về sản phẩm/ dịch vụ trên các trang mua sắm online. Giả thuyết được đưa ra:
H1: độ tin cậy của nguồn thông tin eWOM có tác động tích cực đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng Hà Nội.
(2) Chất lượng của thông tin eWOM (CLTT).
Theo Ratchford & cộng sự (2001)18, thông tin eWOM có chất lượng là một thông điệp trực tuyến của người bình luận có một sức thuyết phục lớn. Người tiêu dùng sẽ khó chấp nhận hoặc không tin vào đánh giá mà mang ít giá trị thông tin khi nó được đăng lên một trang web từ một người mua vô danh và người tiêu dùng có khả năng cao chấp nhận thông tin eWOM khi những bình luận được đánh giá là mang tính hữu ích. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh chất lượng thông tin eWOM càng cao thì sự chấp nhận và sử dụng thông tin eWOM sẽ càng cao (Lin & Lu, 2000)19; (Cheung & cộng sự, 2009)20; (Fan & cộng sự, 2013)21. Vì vậy giả thuyết sau được đề xuất:
H2: Chất lượng thông tin eWOM có tác động tích cực đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng Hà Nội.
(3) Số lượng thông tin eWOM (SLTT).
Hiện nay, người mua hàng online có thể tìm kiếm rất nhiều bình luận hoặc chia sẻ về sản phẩm hoặc dịch vụ của nhiều người dùng trước đó trên mạng internet. Để tránh được các rủi ro trước khi đưa ra quyết định mua hàng, nhiều người dùng có xu hướng tham khảo số lượng thông tin eWOM để củng cố thêm niềm tin (Bataineh, 2015)22 do số lượng bình luận thể hiện mức độ phổ biến và nổi tiếng của sản phẩm (Chatterjee, 2001)23. Trong nghiên cứu của Sicilia & Ruiz (2010)24 và Sher & Lee (2009)25 chỉ ra rằng, số lượng thông tin eWOM có tác động tích cực đến sự chấp nhận thông tin eWOM. Giả thuyết được đề xuất:
H3: Số lượng thông tin eWOM có tác động tích cực đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng Hà Nội.
(4) Chuyên môn của người tiêu dùng về mua sắm online (CM).
Chuyên môn của người tiêu dùng về mua sắm trực tuyến được hiểu là kiến thức và kinh nghiệm của họ về việc mua sắm trực tuyến. Khi người tiêu dùng đã từng nhiều lần thực hiện mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, họ sẽ có kinh nghiệm nhất định để biết những trang mua sắm uy tín, các kênh nổi tiếng về việc đánh giá sản phẩm, và biết cách tìm kiếm, chọn lọc thông tin cần thiết để chấp nhận áp dụng thông tin trực tuyến đó vào quyết định mua hàng online của mình. Giả thuyết được đề xuất:
H4: Chuyên môn của người dùng về mua sắn online (CM) có tác động tích cực đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng Hà Nội.
3. Phương pháp nghiên cứu
Thu thập dữ liệu.
Theo Nguyễn Đình Thọ (2011)26, số biến tối thiểu cần cho nghiên cứu với 24 biến độc lập là 242 (50 + 24 x 8). Nghiên cứu đã thu thập được tổng số 344 phiếu đánh giá của người tiêu dùng Hà Nội, lớn hơn nhiều so với yêu cầu về số lượng mẫu tối thiểu. Tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện có xét đến giới tính, thu nhập, trình độ học vấn và tình trạng hôn nhân để bảo đảm sự đại diện của mẫu. Phiếu điều tra được thiết kế sử dụng các câu hỏi thang đồng ý 5 cấp độ, trong đó: (1)Hoàn toàn phản đối; (2) Phản đối; (3) Không đồng ý, không phản đối; (4) Đồng ý; (5) Hoàn toàn đồng ý.
Số người trả lời là nữ chiếm 58,4%, số người trả lời là nam chiếm 41,6%. Người tiêu dùng có độ tuổi từ 18 – 45 chiếm tỷ lệ cao nhất (58,2%), sau đó là người trả lời thuộc độ tuổi >45 (31,4%) và độ tuổi dưới 18 tuổi là chiếm tỷ lệ ít nhất (10,5%). Trong số người trả lời thì sinh viên chiếm tỷ lệ nhiều nhất (49,4%), nhân viên văn phòng/nhà máy/viên chức nhà nước chiếm 23,8%, người tự doanh chiếm 12,5% và những đối tượng khác gồm (nghỉ hưu, nội trợ,..) chiếm 14,3%. Người trả lời có thu nhập dưới 5 triệu chiếm 45,3%, từ 5 – 10 triệu chiếm 16,7%, trên 10 triệu chiếm 38%. Điều này cho thấy, đối tượng hay mua hàng online tập trung chủ yếu ở độ tuổi trẻ và và sinh viên nên thu nhập chưa cao. Giá trị mỗi đơn hàng dưới 200 nghìn đồng chiếm 45,3%, từ 200 – 500 nghìn đồng chiếm 29,4% và lớn hơn 500 nghìn đồng chiếm 23,3%. Tỷ lệ người mua hàng từ 1 – 2 lần/tháng là 49,1%, tiếp đó là tần suất mua 3 – 4 lần/tháng chiếm 34,3%, số người mua hàng trên 4 lần chiếm tỷ lệ nhỏ nhất (16,6%).
Để phân tích các dữ liệu thu thập được, nghiên cứu đã sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu thống kê SPSS phiên bản 26. Các kỹ thuật phân tích cụ thể được sử dụng bao gồm: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha cùng phân tích hồi quy đa biến.
Thống kê mô tả được sử dụng để phân tích mẫu (tần suất) và phân tích đánh giá của người tiêu dùng tại Hà Nội đối với các nhân tố liên quan đến hình thức truyền miệng trực tuyến tác động đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin đó trong quyết định mua hàng online của họ. Các giá trị được tính toán trong phân tích mô tả bao gồm giá trị trung bình và tỷ lệ phần trăm.
Kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha được sử dụng để đánh giá mức độ đồng nhất của các câu hỏi trong các thang đo, giúp xác định độ tin cậy của các thang đo đo lường đối với các khái niệm nghiên cứu. Giá trị của hệ số Cronbach’s alpha lớn hơn 0,7 thì thang đo được đánh giá là phù hợp và đáng tin cậy để dùng cho nghiên cứu. Dữ liệu thu thập được chỉ ra rằng, giá trị hệ số Cronbach’s alpha của tất cả 5 khái niệm nghiên cứu trong bài nghiên cứu dao động từ 0,85 (độ tin cậy của nguồn thông tin) đến 0,926 (chuyên môn về mua hàng online của người tiêu dùng) và tất cả đều lớn hơn 0,7, điều này khẳng định thang đo dùng trong nghiên cứu là tốt và đáng tin cậy.
Phân tích hồi quy đa biến được sử dụng để xác định mối quan hệ cùng lúc giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc trong một mô hình.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Thứ nhất, các yếu tố ảnh hưởng đến chấp nhận và sử dụng eWOM.
Các yếu tố ảnh hưởng của hình thức truyền miệng trực tuyến (eWOM) đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng được thể hiện tại bảng dưới đây.

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng tại Hà Nội, yếu tố “Số lượng thông tin eWOM” được người tiêu dùng đánh giá cao nhất (mean = 3,68), sau đó đến “Chuyên môn của người dùng về mua sắm online” (mean = 3,56). “Độ tin cậy của nguồn TT eWOM” và “Chất lượng thông tin” được đánh giá ngang bằng nhau với trung bình lần lượt là 3,43 và 3,42. Điều này có nghĩa là hầu hết người tiêu dùng tại Hà Nội đều khá thận trọng với những thông tin truyền miệng trực tuyến đặc biệt về yếu tố “Độ tin cậy của nguồn thông tin” và “Chất lượng của thông tin” với tỷ lệ đánh giá trung lập lần lượt là 42,4% và 49,4%. Đồng thời số liệu điều tra cũng cho thấy 53,5% người tiêu dùng bị tác động bởi yếu tố “Số lượng thông tin”
Kết quả là hơn một nửa số người (51,4%) cho biết họ chấp nhận và sử dụng thông tin truyền miệng trực tuyến trong quyết định mua hàng online của mình.
Thứ hai, tác động giữa các yếu tố và kiểm định giả thuyết.
Để đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến “Chấp nhận và sử dụng” thông tin eWOM trong quyết định mua hàng Online của người tiêu dùng Hà Nội, nghiên cứu đã tiến hành phân tích hồi quy đa biến giữa 4 yếu tố ảnh hưởng.

Giá trị R = 0,775 cho thấy rằng mô hình đề xuất hoàn toàn phù hợp với dữ liệu thu thập. R2 hiệu chỉnh là 0,596 – Điều này có nghĩa là 4 yếu tố đưa vào mô hình giải thích được 59,6% sự biến thiên của “Chấp nhận và sử dụng” thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online. Giá trị F = 127,568 và sig = 0,000 chỉ ra rằng sự kết hợp của các yếu tố ảnh hưởng này giải thích tốt được sự thay đổi của “Chấp nhận và sử dụng” thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online và mô hình hồi quy tổng thể là ý nghĩa.

Trong số 4 yếu tố ảnh hưởng thì có 2 yếu tố là có tác động đáng kể đến “Chấp nhận và sử dụng” thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online là “Số lượng TT eWOM” (sig = 0,000) và “Chuyên môn của người tiêu dùng về mua sắm online” (sig = 0,000). Hai yếu tố còn lại là “Độ tin cậy của nguồn eWOM” (sig = 0,985>0,05) và “Chất lượng TT của eWOM” (Sig = 0,157>0,05) thì có tác động nhưng không có tác động đáng kể đến sự “Chấp nhận và sử dụng” thông tin eWOM trong quyết định mua hàng Online” của người tiêu dùng tại Hà Nội. Vì vậy các giả thuyết được chấp nhận là H3 và H4. Còn hai giả thuyết H1 và H2 bị bác bỏ. Do đó, phương trình trên thể hiện các yếu tố ảnh hưởng đến sự “Chấp nhận và sử dụng” thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online” của người tiêu dùng tại Hà Nội.
5. Khuyến nghị và kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết những người tiêu dùng tại Hà Nội đều khá thận trọng về yếu tố chất lượng nguồn thông tin eWOM và độ tin cậy của nguồn thông in eWOM. Tuy nhiên, hơn một nửa người tiêu dùng cho rằng họ chấp nhận và dùng thông tin eWOM trong quyết định mua sắm online của mình.
Có 2 yếu tố tác động đáng kể đến việc chấp nhận và dùng thông tin eWOM trong quyết định mua hàng online của người tiêu dùng tại Hà Nội. Yếu tố có tính tác động mạnh nhất là “Chuyên môn của người mua hàng”, sau đó đến yếu tố “Số lượng thông tin eWOM”. Hai yếu tố này quyết định đến 59,6% việc “Chấp nhận áp dụng thông tin” của người dùng. Điều này cho thấy, khách hàng thường hay sử dụng các kinh nghiệm mua sắm online của mình và nhìn vào số lượng bình luận/chia sẻ của sản phẩm hay dịch vụ để dùng những thông tin đó vào quyết định mua sắm của mình. Yếu tố “Độ tin cậy nguồn thông tin eWOM” hay “Chất lượng thông tin” ảnh hưởng ít đến việc “Chấp nhận và sử dụng thông tin eWOM” khi người tiêu dùng Hà Nội mua hàng online.
Vì vậy đối với các nhà quản trị marketing online, việc tăng tương tác và khuyến khích khách hàng đã mua hàng để lại bình luận hay trải nghiệm về sản phẩm là điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt, các nhà marketing cần tập trung tăng “Số lượng thông tin eWOM” bằng việc đưa ra các ưu đãi cho những khách hàng đưa ra các đánh giá và nhận xét. Mặc dù không có tác động đáng kể, nhưng nhà marketing cũng cần cải thiện “Chất lượng thông tin eWOM” vì việc duy trì các tiêu chuẩn này cao sẽ tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp nên kiểm soát và quản lý các đánh giá trực tuyến để bảo đảm tính chính xác và đến từ những người mua hàng đã được xác minh. Doanh nghiệp cũng cần khuyến khích đánh giá chi tiết. Các đánh giá chi tiết và toàn diện thường mang lại nhiều giá trị hơn cho người mua tiềm năng. Các doanh nghiệp có thể khuyến khích khách hàng để lại những đánh giá chi tiết bằng cách hỏi các câu hỏi cụ thể về trải nghiệm mua sắm của họ. Để cải thiện chuyên môn mua sắm online của khách hàng, các doanh nghiệp nên cung cấp các tài liệu giáo dục như hướng dẫn mua sắm và video hướng dẫn để giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định thông minh hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên liên tục theo dõi các xu hướng và tác động của eWOM đến hành vi người tiêu dùng, điều chỉnh chiến lược của mình theo đó để tận dụng hiệu quả eWOM tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực.
Do giới hạn về thời gian và nguồn lực, nghiên cứu không tránh khỏi những hạn chế về quy mô mẫu và thời gian khảo sát. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu cần mở rộng phạm vi nghiên cứu về chủ đề này trên các quy mô mẫu lớn hơn và đa dạng hơn, bao gồm nhiều đối tượng và địa điểm khác nhau. Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về truyền miệng trực tuyến trong việc quyết định mua hàng online của người tiêu dùng.
Chú thích:
1. Forbes, L.P., & Vespoli, E.M. (2013). Does social media influence consumer buying behavior? An investigation of recommendations and purchases. Journal of Business & Economics Research,11(2), 107 – 111.
2. Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam vượt 20 tỷ USD trong năm 2023. https://tapchicongthuong.vn, ngày 29/02/2024.
3. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nằm trong nhóm hàng đầu thế giới. https://thuenhanuoc.vn, ngày 01/3/2024.
4. Breazeale, M., (2009). Word of mouse: An assessment of electronic word-of-mouth research.International Journal of Market Research, 51(3), p. 297.
5. Godes, D. & Mayzlin D. (2004). Using Online Conversations to Study Word of Mouth Communication. Marketing Science, 23(4), 545 – 560.
6. Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Thị Phương Dung (2024). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng trẻ Hà Nội. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 322, tháng 4/2024, pp. 92 – 100.
7. Sundaram D.S, Kaushik M., & Cynthia W. (1998). Word-Of-Mouth Communications: a Motivational Analysis. Advances in Consumer Research Volume, 25, 527 – 531.
8. Breazeale, M., (2009). Word of mouse: An assessment of electronic word-of-mouth research.International Journal of Market Research, 51(3), p. 297.
9. Godes, D. & Mayzlin D. (2004). Using Online Conversations to Study Word of Mouth Communication. Marketing Science, 23(4), 545 – 560.
10. Arndt. (1967). Role of product-related conversations in the diffusion of a new product. Journal of Marketing Research, 4(3), 291 – 295.
11. Littlejohn, S. W., & Foss, K. A. (Eds.). (2009). Encyclopedia of communication theory (Vol.1). Sage.
12. Chu, S. C., & Kim, Y. (2011). Determinants of consumer engagement in electronic word-of-mouth(eWOM) in social networking sites. International journal of Advertising, 30(1), 47 – 75.
13. Sussman, S. W., & Siegal, W. S. (2003). Informational influence in organizations: An integrated approach to knowledge adoption. Information systems research, 14(1), 47 – 65.
14. Erkan, I., & Evans, C. (2016). The influence of eWOM in social media on consumers’ purchaseintentions: An extended approach to information adoption. Computers in human behavior,61, 47 – 55.
15. Cheung, C.M.K.; Lee, M.K.O. & Rabjohn, N. (2008). The impact of electronic word of-mouth.Internet Research, 18(3), 229 – 247.
16. Fogg, B. J., & Tseng, H. (1999). The elements of computer credibility, Proceedings of the SIGCHI Conference on Human Factors in Computing. Systems the CHI Is the Limit – CHI ’99.
17. Charles C. Self (1996). Credibility. An Integrated approach to communication theory and research.
18. Ratchford, B. T., Talukdar, D. & Lee M.S. (2001). A Model of Consumer Choice of the Internet as an Information Source. International Journal of Electronic Commerce, 5(3), 7 – 22.
19. Lin, J.C. C., & Lu, H. (2000). Towards an understanding of the behavioural intention to use a web site. International Journal of Information Management, 20 (3), 197 – 208.
20. Cheung, M.; Luo, C., Sia, C.; & Chen, H. (2009). Credibility of electronic word-of-mouth: Informational and normative determinants of on-line consumer recommendations. International Journal of Electronic Commerce, 13(4), 9 – 38.
21. Fan, Y.W, Miao, Y.F, Fang, Y.H & Lin, R.Y. (2013). Establishing the Adoption of Electronic Word-of-Mouth through Consumers’ Perceived Credibility. International Business Research, 6(3), 58 – 65.
22. Bataineh, A.Q. (2015). The Impact of Perceived e-WOM on Purchase Intention: The Mediating Role of Corporate Image. International Journal of Marketing Studies; 7(1), 126 – 137.
23. Chatterjee, P. (2001). Online reviews: do consumers use them? Advances in consumer research, 28, 129-133.
24. Sicilia, M. and Ruiz, S. (2010). The effects of the amount of information on cognitive responses in online purchasing tasks. Electronic Commerce Research and Applications, 9, 183 – 191.
25. Sher, P. J., & Lee, S. H. (2009). Customer skepticism and online reviews: An elaboration likelihood model perspective. Social Behavior and Personality, 37(1), 137 – 144.
26. Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. NXB Lao động – Xã hội, TP. Hồ Chí Minh.