Tập huấn kỹ năng truyền thông chính sách, pháp luật cho công chức, viên chức Bộ Nội vụ

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 12/6, Bộ Nội vụ đã tổ chức lớp tập huấn kỹ năng truyền thông chính sách, pháp luật cho công chức, viên chức Bộ Nội vụ. Đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ dự và phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn.

Tham dự khai mạc Lớp tập huấn, có: đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế. Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ; đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ cùng hơn 300 công chức, viên chức của Bộ Nội vụ.

Đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc và chỉ đạo lớp tập huấn.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo lớp tập huấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ, ngày 21/3/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Theo đó, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong đó có Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách, pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ đã được quan tâm triển khai tích cực, thường xuyên. Trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách, pháp luật, các cơ quan báo chí, truyền thông của trung ương, địa phương và của Bộ đã góp phần quan trọng trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác truyền thông chính sách, pháp luật cần được chú trọng hơn nữa, nâng cao tính chuyên nghiệp trong cơ quan hành chính nhà nước nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Lớp tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, người đứng đầu về vai trò của công tác truyền thông chính sách, pháp luật; đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng, xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông chính sách, pháp luật của Bộ có đủ năng lực, vững chuyên môn, thành thạo kỹ năng truyền thông, chuyên nghiệp… nhằm triển khai hiệu quả công tác truyền thông chính sách, pháp luật của Bộ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo chuyên đề tại lớp tập huấn.

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Khi Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 được ban hành, về cơ bản, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin, truyền thông chính sách. Đã bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách; xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin, truyền thông; đã kết nối, phát triển mạng lưới thông tin, bố trí kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách.

Bên cạnh những kết quả đạt được khi thực hiện triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg, còn một số tồn tại trong quá trình thực hiện truyền thông chính sách, như: một số cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa bố trí kinh phí cho truyền thông chính sách. Hầu hết các bộ, ngành và các địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách. Công tác hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều khi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động, hiệu quả của truyền thông chính sách.

Qua những điểm đã nêu, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã đưa ra một số khuyến nghị tới các bộ, ngành, địa phương cần làm trong thời gian tới trong công tác truyền thông chính sách: (1) Tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg. (2) Hướng dẫn thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin của cơ quan hành chính nhà nước. (3) Tổ chức tập huấn cán bộ làm công tác truyền thông chính sách nhằm xây dựng hệ thống truyền thông chính sách chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả. (4) Công bố mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc. (5) Tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg nhằm báo cáo, đánh giá những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị.

Đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chia sẻ ý kiến tại lớp tập huấn.
Đồng chí Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế báo cáo chuyên đề tại lớp tập huấn.

Đồng chí Vũ Mạnh Cường đặc biệt coi trọng công tác truyền thông và nhấn mạnh, truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước, đồng thời chia sẻ về phương thức thực hiện truyền thông chính sách, về vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông hiện nay. Đồng chí nhấn mạnh, xử lý khủng hoảng truyền thông không chỉ là giải quyết các vấn đề chỉ từ góc độ truyền thông mà phải xử lý căn nguyên của khủng hoảng, cần có giải pháp căn cơ, cần nhiều thời gian; trong mọi trường hợp, cần hết sức tránh “chính trị hoá” vấn đề.

Theo đồng chí, cần có ngay các quy định nội bộ về sử dụng mạng xã hội, về quản trị hình ảnh của cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là trong sinh hoạt đời tư. Hạn chế và kiểm soát việc đưa hình ảnh sinh hoạt, ý kiến cá nhân lên mạng xã hội. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước cần có công cụ, phương thức rà soát, lắng nghe thông tin nhiều chiều trên mạng để phân tích và ứng phó. Bộ Thông tin và Truyền thông có Trung tâm Giám sát không gian mạng, Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, có thể hỗ trợ việc này.

Cần rèn luyện, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ làm truyền thông của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức mời các báo cáo viên, người phát ngôn chính thức tham mưu, tư vấn xử lý khủng hoảng. Đặc biệt, cần đưa thêm yếu tố đánh giá “rủi ro truyền thông” vào đánh giá tác động xã hội trong quá trình hoạch định chính sách, kế hoạch đầu tư, kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Cần hiểu thêm về báo chí, truyền thông, mạng xã hội để hợp tác xử lý khủng hoảng tốt hơn, tận dụng việc xử lý khủng hoảng truyền thông để xây dựng hình ảnh về sự minh bạch, cầu thị, về thái độ và quyết tâm trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Quang cảnh lớp tập huấn.

Thu Hương