Phát triển văn hoá – xã hội trong đồng bào Khmer thành phố Cần Thơ hiện nay

ThS. Lê Văn Điện
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ

(Quanlynhanuoc.vn) – Đồng bào Khmer Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Chính vì vậy, việc thực hiện chính sách đối với đồng bào Khmer để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội luôn là vấn đề đặt ra cấp thiết đối với các địa phương trong khu vực. Bài viết làm rõ kết quả phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong đồng bào Khmer thành phố Cần Thơ đề xuất một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Từ khóa: Phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, Đồng bào Khmer, thành phố Cần Thơ, chính sách.

1. Đặt vấn đề

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ giữa các dân tộc cùng phát triển. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến thực hiện chính sách dân tộc và đã đạt được những thành tựu nhất định: đời sống của Nhân dân được nâng lên, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, mối quan hệ Đảng – Nhân dân được tăng cường, tạo nên thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.

Chính sách dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là chính sách mang tầm chiến lược. Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer hiện nay thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội rất cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương.

2. Kết quả phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong đồng bào Khmer thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là đô thị trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng và là đầu mối giao thông thủy, bộ của khu vực. Trên địa bàn thành phố có 27 dân tộc thiểu số sinh sống với với 9.895 hộ, gồm 38.028 người, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng dân số toàn thành phố (trong đó đồng bào dân tộc Khmer có 6.198 hộ, với 23.691 người, chiếm tỷ lệ 62,3% tổng dân số dân tộc thiểu số)1.

Việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trong đồng bào Khmer thành phố Cần Thơ thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Thứ nhất, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Khmer.

Thành phố tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế phục vụ chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đồng thời, lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án và huy động nhiều nguồn lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong lao động sản xuất, hỗ trợ ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, mở rộng các hình thức hợp tác sản xuất, liên kết các doanh nghiệp để cung ứng giống vật tư, phân bón và bao tiêu sản phẩm…; góp phần nâng cao mức sống, thu nhập người dân, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm còn 95 hộ, chiếm tỷ lệ 1,5% trên tổng số hộ dân tộc Khmer2.

Đến nay, thành phố đã hỗ trợ 34 nền nhà cho các đối tượng thụ hưởng đất ở, đạt 31,3% so với kế hoạch (115 hộ); cất được 34 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc Khmer (Cờ Đỏ: 30 hộ, Ninh Kiều: 4 hộ), tổng kinh phí 2.232 triệu đồng, đạt 31,3% so với kế hoạch. Ngoài ra, thành phố vận động Viện Giao lưu văn hóa châu Á Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh (ACEF) tài trợ xây dựng 21 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo tại huyện Cờ Đỏ với tổng số tiền 903 triệu đồng. Hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho 82 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, tổng số vốn là 3.148 triệu đồng; hỗ trợ thông qua các chương trình cho vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.883 hộ, tổng số vốn là 62.314 triệu đồng. Thực hiện lồng ghép vào chương trình nước sạch nông thôn tại địa phương, hoàn thành hỗ trợ cho 105 hộ thụ hưởng nước sinh hoạt, đạt 100% so với kế hoạch. Đến nay, có 99% hộ đồng bào dân tộc Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh3.

Thứ hai, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo.

Thành phố triển khai việc tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của học sinh.

Trong năm học 2022 – 2023: thành phố có 4 trường tiểu học có đông học sinh dân tộc thiểu số, trong đó có dạy tiếng Khmer 21 lớp với 247 học sinh (thực hiện dạy học tiếng Khmer theo chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Đối với tiếng Khmer triển khai dạy học từ lớp 4 đến lớp 9 theo các chương trình và sách giáo khoa hiện hành); riêng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trong năm học 2022 – 2023 có tổng số 483 học sinh, trong đó: cấp trung học cơ sở 229 học sinh (lớp 7: 64; lớp 8: 72; lớp 9: 93); cấp trung học phổ thông 254 học sinh (lớp 10: 81; lớp 11: 77; lớp 12: 96)4.

Thứ ba, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa.

Các thiết kế văn hóa ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư thông qua việc củng cố cảnh quang môi trường, thiết chế văn hoá ở ấp, khu vực, gắn với xây dựng các xã nông thôn mới, phường đô thị văn minh, nhiều hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; hỗ trợ xây dựng sửa chữa ở các điểm chùa nhằm duy trì, bảo tồn giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Khmer (cấp kinh phí hỗ trợ chùa Settodo tại huyện Cờ Đỏ đóng mới 01 chiếc Ghe Ngo trị giá 300 triệu đồng và xem xét, hỗ trợ việc xây dựng nhà hỏa táng tại huyện Cờ Đỏ)5.

Giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 11/6/2015 về thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 – 2025. Thời gian qua, chưa phát hiện tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Khmer.

Chú trọng việc đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ khôi phục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng thành phố sưu tầm, lưu trữ 89 hiện vật của dân tộc Khmer vào kho hiện vật của Bảo tàng để trưng bày, phục vụ khách tham quan; tham gia trưng bày nhạc cụ truyền thống của dân tộc Việt Nam tại triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Cần Thơ; tổ chức đoàn đi thi diễn Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII, năm 2022, tại tỉnh Sóc Trăng; Báo Cần Thơ Khmer ngữ và chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer phát sóng 60 phút/ngày; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ phát sóng tiếng Khmer 5 giờ/ngày, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, trật tự an toàn xã hội… góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, các sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện tốt chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer; tổ chức các đoàn thăm, tặng quà các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các hộ gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, hộ nghèo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào dân tộc.

Hằng năm, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, thành phố tổ chức các buổi họp mặt, Tết quân dân, các hoạt động văn nghệ, văn hóa, thể thao thiết thực, tạo không khí vui tươi cho đồng bào Khmer đón Tết. Năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp thành phố tổ chức Tết quân dân mừng Chôl Chnăm Thmây trong đồng bào dân tộc Khmer với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa6.

Thứ tư, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách về y tế.

Việc chăm sóc sức khỏe trong vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho đội ngũ cán bộ y tế từ thành phố đến cơ sở, chú trọng thực hiện công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch, kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, định kỳ vệ sinh môi trường.

Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn có đồng bào Khmer đều có trạm y tế; đội ngũ cán bộ y tế từng bước được chuẩn hóa, hầu hết các trạm y tế nơi có đông đồng bào Khmer đều có bác sĩ phục vụ khám, chữa bệnh; 100% xã, phường có cán bộ y học cổ truyền; các bệnh viện y tế trên địa bàn bảo đảm xử lý chất thải y tế theo quy định đạt 100%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,35% (tính đến tháng 5/2023)7.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm lo, phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thông qua qua chính sách hỗ trợ, các chương trình giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, nhìn chung vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn.

Sư sãi Khmer, tăng sinh theo học tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer giảm dần qua các khóa. Công tác quản lý thông tin về đào tạo, bồi dưỡng của địa phương còn khó khăn, việc cập nhật thông tin, danh sách, quá trình giảng dạy… chưa được đầy đủ do các đơn vị đào tạo, quản lý chưa quan tâm phối hợp cung cấp thông tin cho địa phương.

Một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn mang tâm lý trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nhất là xây nhà đại đoàn kết và các chính sách hỗ trợ khác, không có ý chí phấn đấu vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Đời sống kinh tế của một bộ phận nhỏ người dân tộc Khmer còn khó khăn, không có điều kiện tự mua thẻ bảo hiểm y tế. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer tại một số địa phương còn ít; cán bộ được phân công thực hiện công tác dân tộc phần lớn là kiêm nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác dân tộc còn hạn chế. Một số cán bộ làm công tác dân tộc chưa được đào tạo chuyên ngành, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác dân tộc; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chưa được đồng bộ, nhịp nhàng.

3. Một số giải pháp cần thực hiện

Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Tập trung khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng khối lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa. Phát triển nông nghiệp tạo tiền đề để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, trọng tâm là công nghiệp chế biến. Xây dựng một số cơ sở công nghiệp chế biến nông sản; củng cố, phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa nhiều loại quy mô, trình độ công nghệ thích hợp có lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ. Phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ, chú trọng phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển các loại hình du lịch nhất là các loại hình gắn với phong tục tập quán, các nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer như lễ hội đua ghe Ngo, chùa Khmer, ẩm thực dân gian…

Phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, có kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở thương mại, dịch vụ, trước mắt ưu tiên đầu tư nâng cấp các chợ trung tâm huyện và chợ trung tâm xã hoạt động có hiệu quả.

Hai là, phát triển văn hóa – xã hội đi đôi với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và giải quyết các nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự trong đồng bào Khmer.

Đối với giáo dục và đào tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tập trung xây dựng các cơ sở đào tạo nghề; giảm thiểu tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng dạy, học của trường dân tộc nội trú; thực hiện tốt chế độ hỗ trợ kinh phí cho các em trong độ tuổi đi học theo quy định.

Đối với y tế, cần đầu tư phát triển, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế dự phòng huyện và hệ thống trạm y tế xã gắn với tăng cường đội ngũ y, bác sĩ cho các cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, y đức của người thầy thuốc phục vụ Nhân dân, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ngay từ tuyến cơ sở. Đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chú trọng phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm. 

Đối với văn hóa, tiếp tục đẩy mạnh “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao chất lượng gia đình, khu dân cư, cơ quan văn hóa gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống với các giá trị văn hóa hiện đại; bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan.

Đầu tư trang bị các cơ sở đài truyền thanh, trạm thu, phát sóng truyền hình, tăng cường độ, thời lượng phát sóng tiếng dân tộc của các đài địa phương; củng cố đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên tiếng dân tộc, kiện toàn các đội thông tin, tuyên truyền ở cơ sở. Duy trì, củng cố và phát triển các bưu điện văn hóa xã, cụm xã, trung tâm văn hóa cộng đồng, khu dân cư, làng nghề truyền thống, các sinh hoạt, lễ hội văn hóa dân tộc bảo đảm vui tươi, tiết kiệm.

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án theo nghị quyết của Chính phủ để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Thực hiện đủ, kịp thời chính sách của Nhà nước, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, bảo đảm có mức sống cao hơn mức trung bình chung của dân cư trong khu vực. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh xã hội.

Đi đôi với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, cần phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự trong đồng bào Khmer, trong đó tập trung giải quyết trước hết là các phức tạp trong hoạt động tôn giáo, tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ đồng bào Khmer, không tạo sơ hở cho các thế lực thù địch và bọn tội phạm khai thác lợi dụng.

4. Kết luận

Thời gian qua, trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ta, mặc dù còn không ít khó khăn, tồn tại, song những kết quả đem lại cho đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng là to lớn, không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do sự phát triển không đều về kinh tế, văn hóa – xã hội giữa các dân tộc nên đời sống đồng bào Khmer Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng có nơi còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, do đó, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng dân tộc Khmer đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những đặc điểm của dân tộc, về quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, qua đó bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6. Thành ủy Cần Thơ (2023). Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2018). Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
2. Hoàng Chí Bảo (2009). Bảo đảm bình đẳng và tăng cường hợp tác giữa các dân tộc trong phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia.
3. Nguyễn Quỳnh Hoa (2017). Chính sách dân tộc tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức cần vượt qua. Tạp chí Cộng sản (số 894).
4. Nguyễn Thị Huệ (2020). Để đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào Khơ-me ở vùng Nam Bộ phát triển bền vững. http://www.tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 10/9/2021.
5. Lê Quốc Lý (chủ biên) (2016). Chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội đối với đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ. H. NXB Lý luận chính trị.