ThS. Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Công ty TNHH Bệnh viện Việt Nhật
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích vấn đề quản lý nhà nước các phòng khám đa khoa tư nhân trên hai khía cạnh: (1) Thực trạng về quy định pháp luật; (2) Thực trạng tổ chức hoạt động nhằm tìm ra những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, từ đó, gợi mở một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay.
Từ khóa: Quản lý nhà nước; phòng khám đa khoa tư nhân; hoàn thiện chính sách.
1. Đặt vấn đề
Phòng khám tư nhân là cơ sở khám và chăm sóc sức khỏe được cá nhân, tổ chức thành lập, điều hành, quản lý theo quy định của pháp luật và không có sự can thiệp của nhà nước trong quá trình tổ chức hoạt động1. Trong sự phát triển của ngành Y tế hiện nay, bên cạnh khối bệnh viện công lập (gồm các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các trung tâm y tế, trạm y tế do Nhà nước quản lý tổ chức và hoạt động) còn có hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, gồm: các bệnh viện, phòng khám đa khoa và chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân, phòng xét nghiệm… Việc phòng khám đa khoa tư nhân phát triển không chỉ góp phần giảm tải gánh nặng đối với các bệnh viện công lập mà còn tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho người bệnh trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý nhà nước phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay còn bộc lộ những hạn chế, như: hoạt động quản lý nhà nước phòng khám tư nhân chưa thường xuyên; việc ban hành chính sách và kiểm tra, giám sát các phòng khám tư nhân còn chậm, chưa đầy đủ; tình trạng đội ngũ bác sĩ, y tá vừa làm việc trong khu vực công vừa làm thêm trong các phòng khám đa khoa tư nhân dẫn đến những hệ quả tiêu cực; một số phòng khám đa khoa tư nhân hoạt động trái phép, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, bác sĩ thiếu năng lực chuyên môn cũng như điều kiện hành nghề…, có tình trạng thuê người đủ tiêu chuẩn hành nghề khám, chữa bệnh đứng tên, nhưng điều hành phòng khám đa khoa tư nhân lại là người khác. Do vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước hoạt động khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay là cấp thiết.
2. Quy định pháp luật về phòng khám đa khoa tư nhân
Thứ nhất, quy định pháp luật về điều kiện cung ứng dịch vụ của phòng khám đa khoa tư nhân.
(1) Phải có giấy chứng nhận kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể mới được phép cung ứng các dịch vụ khám, chữa bệnh.
(2) Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 48, 49 và 50 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, cụ thể như sau:
– Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
– Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.
Thứ hai, các quy định liên quan đến điều kiện của người hành nghề.
Theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về Luật Khám bệnh, chữa bệnh có nêu một số vấn đề như sau:
(1) Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam: phải có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; trong đó, người có chứng chỉ hành nghề có đầy đủ chứng nhận về sức khỏe và không trong thời gian bị cấm hành nghề và truy tố trước pháp luật.
(2) Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ngoài việc có đầy đủ các yêu cầu hành nghề cần có thêm một số yêu cầu sau: có khả năng sử dụng ngôn ngữ khám, chữa bệnh, có giấy phép lao động tại Việt Nam và có lý lịch tư pháp do nước sở tại công nhận.
Thứ ba, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ thể sở hữu phòng khám đa khoa tư nhân.
(1) Quy định về năng lực của chủ thể cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh tại Điều 22 và Điều 23, 24 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh tại Việt Nam còn phải đáp ứng điều kiện về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cơ sở khám, chữa bệnh, số lượng, tiêu chuẩn của người hành nghề khám, chữa bệnh trong cơ sở đó.
(2) Quyền và trách nhiệm của phòng khám đa khoa tư nhân: được thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; thu phí khám, chữa bệnh; quyền yêu cầu người bệnh phải cung cấp các thông tin và từ chối khám chữa, bệnh đối với một số bệnh vượt quá khả năng hoặc không nằm trong phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.
(3) Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề khám, chữa bệnh: được ký hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh với phòng khám đa khoa tư nhân và người bệnh. Tuy nhiên, người hành nghề khám, chữa bệnh là người trực tiếp thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh trên danh nghĩa phòng khám đa khoa tư nhân. Vì vậy, người hành nghề cũng có các quyền và thực hiện nghĩa vụ theo luật định.
Thứ tư, quy định trách nhiệm pháp lý trong cung ứng dịch vụ y tế của phòng khám đa khoa tư nhân.
Đối với các phòng khám đa khoa tư nhân, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường do “người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật” được quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Khám bệnh, chữa bệnhnăm 2023, gồm: “Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; xâm phạm quyền của người bệnh”. Điều 100 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định: “Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh hoặc trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều 100 của Luật thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám, chữa bệnh; nếu cơ sở khám, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường”. Trường hợp người hành nghề tuân thủ đầy đủ quy chế chuyên môn mà vẫn xảy ra tai biến thì không phải bồi thường.
3. Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với phòng khám đa khoa tư nhân
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì các nhu cầu về dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng cao. Từ nhu cầu đó, các cơ sở phòng khám đa khoa, trong đó có các phòng khám đa khoa tư nhân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, được tổ chức thành hệ thống từ tuyến trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn. Việc tăng các phòng khám đa khoa tư nhân đã giảm tải cho các bệnh viện công lập trong khám, chữa bệnh của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời, trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống y tế quốc gia.
Trong Báo cáo của Bộ Y tế gửi tới Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, hệ thống y tế tư nhân phát triển cả về số lượng và quy mô, nhiều bệnh viện, phòng khám có hạ tầng khang trang cùng các trang thiết bị y tế hiện đại và chất lượng dịch vụ tương đối cao. Hiện có 306 bệnh viện tư nhân và 37.350 phòng khám tư nhân trên toàn quốc.
Tuy nhiên, hệ thống y tế tư nhân, trong đó có các phòng khám đa khoa tư nhân ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết để đạt được mục tiêu trong Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: đến năm 2025 đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%. Đến năm 2030, đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%2. Điều này cho thấy, số lượng phòng khám đa khoa ngày càng tăng lên và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong hoạt động phòng khám đa khoa hiện nay. Từ kết quả hoạt động của các phòng khám đa khoa tư nhân cho thấy những đóng góp to lớn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế, đa dạng hóa sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Cùng với việc phát triển hệ thống y tế tư nhân thì việc phát triển phòng khám đa khoa tư nhân làmột xu thế và là giải pháp phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu xã hội. Hiện nay, xu hướng dịch chuyển từ khám, chữa bệnh tại khu vực công sang bệnh viện tại khu vực tư tiếp tục tăng khi người dân bắt đầu có thu nhập cao hơn. Theo số liệu của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, tính tới năm 2022, có gần 320 bệnh viện tư với hơn 22.000 giường bệnh và 38.000 phòng khám tư, đáp ứng gần 20% tổng số bệnh viện và hơn 8% số giường bệnh. Con số này tương đối cao khi biết tại Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân chỉ chiếm 5,4% trong hệ thống y tế3.
Tuy nhiên, sự phát triển của dịch vụ y tế tư nhân nói chung và phòng khám đa khoa nói riêng còn có những hạn chế nhất định do chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường: (1) Cơ sở Y tế tư nhân có tăng về số lượng và quy mô, nhưng chưa đi liền với nâng cao chất lượng; (2) Một số cơ sở Y tế tư nhân vẫn còn tình trạng làm sai quy định, như: không có giấy phép của cơ quan thẩm quyền về ngành nghề kinh doanh; cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu phòng khám đa khoa; bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm; việc tính giá thành khám, chữa bệnh còn tương đối tùy tiện, gây khó khăn cho người bệnh; không bảo đảm các quy định về chuyên môn trong hoạt động phòng khám đa khoa,…đây là những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của phòng khám đa khoa.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do:
(1) Hệ thống văn bản và quy định pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn khách quan. Trong đó, các văn bản quy định pháp luật còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên sở Y tế các địa phương thường xuyên phải xin ý kiến hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc các văn bản quy phạm pháp luật mới còn nhiều nội dung thay đổi tác động đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề của cá nhân và giấy phép hoạt động của các cơ sở phòng khám đa khoa.
(2) Các cơ sở phòng khám đa khoa chưa có điều kiện, hoặc chưa tìm hiểu các quy định mới của pháp luật, việc này dẫn đến thời gian hoạt động phòng khám đa khoa bị hoãn hoặc không được hoạt động, dẫn đến thất thoát nhiều nguồn lực của cơ sở.
(3) Việc sử dụng chung một quy định pháp luật đối với y tế tư nhân và y tế nhà nước dẫn đến không có sự phân định một cách chính thức các hình thức tổ chức của y tế tư nhân; phạm vi hoạt động của y tế tư nhân cũng chưa được pháp luật hiện hành xác định và khoanh vùng cụ thể.
(4) Vấn đề về xác định giá cung ứng dịch vụ y tế tư nhân vẫn chưa được làm rõ trong các quy định pháp lý. Dịch vụ y tế tư nhân là một loại hình dịch vụ được cung ứng bởi tư nhân nhưng lại không được tự do quyết định giá sẽ dẫn đến việc các phòng khám đa khoa không đủ nguồn thu cho hoạt động của cơ sở. Việc này dẫn đến một hệ lụy khác là các cơ sở phòng khám đa khoa không công khai bảng giá dịch vụ hoặc đưa ra mức giá tùy tiện trong một số dịch vụ bổ sung. Ngoài ra, vấn đề quyền tiếp cận thông tin và nghĩa vụ cung cấp thông tin chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành.
(5) Chưa quy định cụ thể cơ quan chuyên trách thực hiện công tác quản lý nhà nước về y tế tư nhân. Hiện nay cơ quan cấp giấy phép hành nghề theo quy định là Bộ Y tế và sở Y tế các tỉnh, thànhphố. Tuy nhiên, ngoài những đơn vị này, việc cấp phép còn được trao thêm cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Việc trao cho hai bộ không chuyên về ngành, nghề y tế là không hợp lý trong quản lý nhà nước về phòng khám đa khoa tư nhân.
Ngoài ra, chủ thể tham gia đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh còn chưa được quy định khoa học; vấn đề về các phương pháp quản lý bằng kinh tế, tài chính chưa được cụ thể hóa trong luật; còn tồn tại nhiều vướng mắc trong thực hiện quản lý nhà nước bằng phương pháp cưỡng chế hành chính. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý khám, chữa bệnh nói chung và quản lý nhà nước về vấn đề phòng khám đa khoa tư nhân nói riêng chưa đồng bộ, dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các phòng khám đa khoa tư nhân chưa đạt hiệu quả cao.
4. Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước các phòng khám đa khoa tư nhân
Một là, hoàn thiện các chính sách và quy định của pháp luật trong việc khám, chữa bệnh nói chung và quản lý nhà nước các phòng khám đa khoa tư nhân nói riêng, cụ thể:
(1) Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng khám đa khoa và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn quản lý. Tăng cường trao đổi, hướng dẫn văn bản giữa Bộ Y tế và các sở Y tế, bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước.
(2) Đối với quy định của pháp luật về hình thức tổ chức và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế tư nhân cần xây dựng chiến lược phát triển y tế tư nhân một cách cụ thể, trong đó cần luật hóa đối với y tế tư nhân sẽ giúp Nhà nước và các cơ sở phòng khám đa khoa tư nhân xác định được lộ trình và mục tiêu phát triển y tế tư nhân ở Việt Nam. Cần quy định chi tiết các hình thức tổ chức mà các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân có thể tổ chức. Theo đó, cần ghi nhận rõ hình thức tổ chức của y tế tư nhân bao gồm những loại nào, thay vì sử dụng chung danh mục các hình thức tổ chức với y tế công lập như hiện nay.
(3) Đối với các quy định về thông tin khám, chữa bệnh và giá dịch vụ: pháp luật cần quy định chi tiết hơn vấn đề liên quan đến giá phòng khám đa khoa để bảo đảm lợi ích và động lực hoạt động, phát triển của y tế tư nhân, song cũng không làm cản trở khả năng tiếp cận của người thụ hưởng.
Hai là, tăng cường phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các phòng khám đa khoa tư nhân, trong đó:
(1) Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về phòng khám đa khoa.
(2) Tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề trong lĩnh vực y tế phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
(3) Thường xuyên kiểm tra biển hiệu quảng cáo, người hành nghề hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, việc thực hiện các quy chế chuyên môn. Khi kiểm tra, thanh tra phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, không bao che sai phạm, thực hiện xử phạt hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, kết hợp với các hình thức phạt bổ sung theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, như: tước chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, tước giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân theo quy định của pháp luật.
(4) Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để người dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.
Ba là, nâng cao chất lượng công chức trong ngành Y tế, đặc biệt là với những công chức có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, theo dõi các phòng khám đa khoa, như: tổ chức các lớp học bồi dưỡng, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ và các hoạt động hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước.
Bốn là, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước các phòng khám đa khoa tư nhân, yêu cầu công khai, minh bạch hồ sơ khám, chữa bệnh và các hoạt động khác của phòng khám tại các phần mềm, website mà cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm tra một cách liên tục và thường xuyên. Tăng cường hoạt động quản lý phòng khám đa khoa tư nhân trên không gian mạng bằng cách:
(1) Đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám, chữa bệnh.
(2) Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) và tại cơ sở khám, chữa bệnh các thông tin sau: giấy phép hoạt động bao gồm phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động; danh sách, văn bằng chuyên môn và phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn và người hành nghề khám, chữa bệnh; tên và địa chỉ, số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp để người dân biết và phản ánh khi có sai phạm.
Năm là, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn quản lý. Có cơ chế khuyến khích Nhân dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở phòng khám đa khoa để thông báo cho Sở Y tế và chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Tại các địa phương, chính quyền các cấp cần phối hợp với các sở Thông tin Truyền thông, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý chặt chẽ việc quảng cáo về dịch vụ phòng khám đa khoa tại địa phương. Khi thực hiện xác nhận nội dung quảng cáo phải thẩm định các nội dung quảng cáo, đối chiếu với phạm vi hoạt động chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cho phép, bảo đảm phòng khám đa khoa không quảng cáo quá mức quy định, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm.
Chú thích:
1. Công ty TNHH Ngọc Phú (NPLaw). Thành lập phòng khám tư nhân được thực hiện như thế nào? https://nplaw.vn, truy cập ngày 05/6/2024.
2. Công thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam (2023). Cần nhiều giải pháp đạt mục tiêu 15% giường bệnh trong hệ thống y tế tư nhân vào năm 2023. https://quochoi.vn, ngày 07/11/2023.
3. Kirin Capital (2023). Báo cáo triển vọng ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam. https://kirincapital.vn, truy cập ngày 05/6/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2023). Nghị định số 96/2023NĐ-CP ngày 30/12/2023 về quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
2. Đặng Quang Mạnh (2023). Nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, số 8, tháng 4/2023.
3. Quốc hội (2023). Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
4. Hà Kim Hoành. Nâng cao nhận thức về y đức của đội ngũ cán bộ y tế góp phần quan trọng trong khám, chữa bệnh. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 06/6/2023.