Thiếu tá Nguyễn Hữu Minh
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đoàn kết quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố quốc phòng – an ninh vững chắc, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bài viết làm rõ vai trò của bộ đội địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Từ khóa: Cơ sở chính trị – xã hội; vùng dân tộc thiểu số; tỉnh Lâm Đồng; vai trò; bộ đội địa phương; xây dựng.
1. Đặt vấn đề
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh; có 478/1.365 thôn, tổ dân phố là vùng dân tộc thiểu số theo tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ; trong đó có 49 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số1. Các dân tộc có trình độ phát triển kinh tế – xã hội không đồng đều, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục tập quán và sắc thái văn hóa riêng. Bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng hầu hết là con em của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, có quan hệ, gắn bó chặt chẽ với đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, là lực lượng có vai trò to lớn trong giữ vững ổn định chính trị – xã hội, góp phần xây dựng địa phương vững mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của bộ đội địa phương trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Đảng ủy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội địa phương phát huy vai trò tham gia giữ vững ổn định chính trị – xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số.
2. Vai trò của bộ đội địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng
Vai trò của bộ đội địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng là tổng thể các hoạt động của bộ đội địa phương trong hiện thực hóa chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chính trị và quân sự tại chỗ, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; là lực lượng trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn; là lực lượng hướng dẫn Nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tham gia xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn vững mạnh. Vai trò được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:
Một là, trực tiếp góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng là một bộ phận của lực lượng vũ trang Quân khu 7. Việc bộ đội địa phương Lâm Đồng tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh là thể hiện sinh động bản chất, chức năng, truyền thống của quân đội, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với Nhân dân. Thông qua các hoạt động xây dựng cơ sở chính trị – xã hội của bộ đội địa phương ở vùng dân tộc thiểu số, đã góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm cho Nhân dân trong việc đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố lòng tin với Đảng, lòng tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo quản lý của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của ban, ngành, đoàn thể nhân dân; góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, đảng viên, lực lượng cốt cán vùng dân tộc thiểu số; đồng thời, thông qua xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng nhận định, phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương, làm cơ sở thực tiễn của việc ban hành, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số.
Hai là, trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
Để hiện thực hóa chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh đến các tầng lớp nhân dân, bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng thường xuyên, trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, như: thông qua lồng ghép với các hoạt động giao lưu kết nghĩa, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận; thực hiện “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng nói tiếng đồng bào) với Nhân dân. Qua đó, góp phần giúp Nhân dân vùng dân tộc thiểu số nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng cơ sở chính trị – xã hội.
Với ưu thế là lực lượng tác chiến tại chỗ, vai trò của bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng trong xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số được biểu hiện rõ nét thông qua việc cử các tổ, đội công tác hỗ trợ địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở chính trị – xã hội; tăng cường lực lượng đến từng thôn, bản để tuyên truyền, vận động Nhân dân định canh, định cư, làm đường giao thông, tu sửa trường học, trạm y tế; hướng dẫn Nhân dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào quá trình sản xuất; hỗ trợ Nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở; phổ biến những kiến thức khoa học trong việc giữ gìn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tài nguyên, môi trường; cùng với chính quyền địa phương tham gia thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số…
Bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền các cấp: tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân vùng dân tộc thiểu số đoàn kết xây dựng chính quyền, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong đời sống xã hội; là lực lượng nòng cốt trực tiếp bảo vệ chính quyền và chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị cơ sở. Bên cạnh đó, các đơn vị bộ đội địa phương đóng quân ở vùng dân tộc thiểu số còn mở lớp học xóa mù chữ cho trẻ em; hướng dẫn vệ sinh ăn ở; bảo vệ môi trường, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực khám chữa bệnh cho Nhân dân; tích cực xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,… góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.
Ba là, hướng dẫn Nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh.
Chăm lo bảo đảm đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần, cải thiện và nâng cao đời sống cho Nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số là một trong những nội dung cơ bản quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng cơ sở chính trị – xã hội của Bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng. Thực hiện chức năng đội quân công tác, bộ đội địa phương đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong giúp đỡ đồng bào trên địa bàn định canh, định cư, ổn định cuộc sống, biết ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn đồng bào thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, đưa các giống lúa mới, cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào đồng ruộng và xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở; phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tài nguyên môi trường trên địa bàn.
Bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng tham gia hướng dẫn đồng bào cải tạo và sử dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy thế mạnh của từng vùng; vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” đến từng ruộng lúa, nương ngô, vườn cà phê “cầm tay chỉ việc” cho từng người dân đã trở nên thân thuộc trong đời sống thường ngày và tâm thức của đồng bào. Các đơn vị định kỳ hành quân dã ngoại về buôn làng sống cùng dân, giúp đỡ cải tạo nhà cửa, ruộng vườn,… là sự cổ vũ to lớn, động viên Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đồng thời, bộ đội địa phương giữ vai trò làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động Nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; hoàn chỉnh phương án bảo vệ an ninh địa bàn, chống gây rối, bạo loạn; phối hợp với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thường xuyên tiến hành hoạt động tuần tra, canh phòng, bảo vệ khu vực trọng điểm. Chủ động nắm tình hình địa bàn, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương những chủ trương, nội dung, biện pháp tiến hành công tác vận động quần chúng hiệu quả, sát thực; phối hợp với các tổ chức, lực lượng trong tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giải quyết hiệu quả những “điểm nóng” về an ninh, chính trị, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương, bảo đảm an toàn xã hội. Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương những nội dung, biện pháp củng cố và nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, quản lý của chính quyền địa phương, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn.
Thông qua hoạt động của các tổ, đội công tác hỗ trợ đắc lực cho các đảng bộ cơ sở địa phương tăng cường vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động Nhân dân; giúp địa phương xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh toàn diện, đủ khả năng quán triệt và thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, làm tròn chức năng quản lý mọi mặt đời sống xã hội trên địa bàn, giải quyết đúng đắn, kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.
Bộ đội địa phương thông qua việc chủ động nắm tình hình địa bàn, đặc điểm dân cư, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương những chủ trương, biện pháp tiến hành công tác vận động quần chúng; bảo đảm an toàn xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Vai trò của bộ đội địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số còn được thể hiện thông qua việc các đơn vị chú trọng chăm lo giáo dục, huấn luyện những quân nhân của địa phương trở thành người chiến sĩ cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có tri thức phong phú và phương pháp, tác phong công tác khoa học. Đây chính là nguồn cán bộ lâu dài tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội của địa phương sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
3. Kết luận
Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số hiện nay là vấn đề có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, đó là điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; đồng thời, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần phát huy hơn nữa vai trò của bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, quán triệt, nắm vững những yêu cầu cơ bản đặt ra trong tình hình mới.
Chú thích:
1. Trịnh Ninh (2021). Lâm Đồng nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.https://baophapluat.vn/lam-dong-nang-cao-kien-thuc-phap-luat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post496428.html.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Đỗ Hồng Thanh (2024). Bộ đội địa phương và Nhân dân trên địa bàn xây dựng thế trận lòng dân làm nên lực lượng quốc phòng toàn dân của dân tộc Việt Nam. https://tuyenquang.dcs.vn/DetailView/146194/2/Bo-doi-dia-phuong-va-Nhan-dan-tren-dia-ban-xay-dung-the-tran–%C2%A0long-dan-lam-nen-luc-luong-quoc-phong-toan-dan-cua-dan-toc-Viet-Nam.html.
3. Kết luận số 31-KL/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược quân sự Việt Nam.
4. Báo cáo số 299-BC/TU ngày 04/10/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
5. Kết luận số 418-KL/TU ngày 13/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng.
6. Nguyễn Bình Sơn (2024). Tỉnh Lâm Đồng tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. http://tapchiqptd.vn/vi/bao-ve-to-quoc/tinh-lam-dong-tap-trung-xay-dung-nen-quoc-phong-toan-dan-vung-manh/21315.html.