Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa với việc tổ chức và quản lý văn hóa hiện nay

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khá
TS. Nguyễn Huỳnh Bích Phương
Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Vấn đề tổ chức, quản lý lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần dựa trên sự thống nhất biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Giải quyết tốt mối quan hệ này cũng như tổ chức, quản lý lĩnh vực văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Mối quan hệ, kinh tế, văn hóa, tổ chức, quản lý.

1. Mở đầu

Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tiễn cho thấy, đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung đổi mới bao gồm nhiều mặt: từ đổi mới quan niệm đến đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức, quản lý, phong cách và lề lối làm việc. Công cuộc đổi mới đang đặt ra cho đất nước hàng loạt nhiệm vụ bức bách, nặng nề cần được giải quyết, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Dưới ánh sáng đường lối đổi mới và sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam đã có nhiều biến đổi tích cực. Trong mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa đều đạt được những thành tựu đáng kể, biểu hiện một sức sống mới, phong phú, đa dạng, với chiều hướng lành mạnh, hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp.

Tuy nhiên, trong khi khẳng định những thành tựu quan trọng trong đổi mới lĩnh vực văn hóa và tác động tích cực của nó đối với toàn bộ đời sống xã hội thì cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII củaĐảng đã nhấn mạnh: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần…”1.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về khâu tổ chức, quản lý lĩnh vực văn hóa. Đảng ta chỉ rõ: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội”2.

Thực trạng trên cho thấy, việc đổi mới tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa nhằm phát huy những thành tựu, khắc phục những yếu kém đã trở thành đòi hỏi bức thiết trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề tổ chức, quản lý lĩnh vực văn hóa cần dựa trên sự thống nhất biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Khi đề cập đến nhiệm vụ phát triển văn hóa cần phải gắn kết với phát triển kinh tế – xã hội và các lĩnh vực khác, ngay trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”3. Giải quyết tốt mối quan hệ này đóng vai trò then chốt trong việc hoạch định chính sách kinh tế – xã hội nói chung, trong việc tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa nói riêng.

2. Quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa trong đời sống xã hội

Kinh tế và văn hóa là hai lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. Với tính cách là các yếu tố của hệ thống xã hội, chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và với những yếu tố khác (chính trị, pháp luật, khoa học, giáo dục, y tế,…) tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Sự liên hệ, tác động qua lại ấy được diễn ra thông qua hoạt động của con người và bởi cơ chế vận hành của xã hội, cho nên nó ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tồn tại, sự vận động và phát triển của con người nói riêng, của hệ thống xã hội nói chung.

Nói đến kinh tế là nói đến hoạt động của con người nhằm tạo ra những điều kiện vật chất cho sự phát triển của con người và xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Kinh tế là cơ sở, nền tảng của sự phát triển xã hội, là thước đo trình độ kỹ thuật của nền sản xuất nhất định. Còn khi nói đến văn hóa là nói đến con người và nói đến con người thì trước hết phải nói đến con người dưới góc độ văn hóa. Theo nghĩa rộng nhất, văn hóa là tất cả những gì mà con người tạo ra trong quá trình tiếp xúc với tự nhiên và xã hội. Văn hóa là hệ thống các nấc thang giá trị, là nền tảng tinh thần của đời sống con người và xã hội, văn hóa thâm nhập và tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Đảng ta nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”4.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài trước đây và cho đến ngày nay, không ít người vẫn quan niệm, văn hóa chỉ là sự “phản ánh”, là kết quả, là sự “thăng hoa” của kinh tế. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, đời sống vật chất có dồi dào thì mới có điều kiện mở mang đời sống tinh thần. Văn hóa thường được xem là lĩnh vực đứng ngoài kinh tế, thuộc chính sách xã hội, do kinh tế trợ cấp. Song, trên thực tế, một mặt, văn hóa không phải là sự phản ánh thụ động, rập khuôn, máy móc kinh tế, không phải là sản phẩm tự nhiên của kinh tế. Có nhiều nước kinh tế phát triển cao nhưng lại có những biểu hiện xuống cấp, suy đồi về văn hóa, đạo đức. Trái lại, có những nước trình độ phát triển kinh tế chưa cao, nhưng ngay từ đầu đã coi trọng việc mở mang văn hóa, giáo dục để làm kế “sâu rễ bền gốc” cho sự phát triển bền vững. Mặt khác, bản thân sự phát triển kinh tế cũng không phải chỉ do các nhân tố kinh tế thuần túy tạo nên. Chẳng hạn, nền kinh tế Việt Nam hiện nay có những bước phát triển quan trọng và to lớn so với thời kỳ thực hiện cơ chế quan liêu, bao cấp. Nguyên nhân ban đầu không phải là sự thúc đẩy thụ động của nhân tố kinh tế, mà là do đổi mới tư duy lý luận, đổi mới mô hình phát triển, coi trọng việc vận dụng các quy luật khách quan, phát huy yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, chính sách… nghĩa là động lực phát triển kinh tế, một phần quan trọng lại nằm ở trong văn hóa.

Hơn nữa, xu hướng chung của nhân loại tiến bộ hiện nay không chấp nhận chạy theo tăng trưởng kinh tế mà hy sinh văn hóa, như chủ nghĩa tư bản cổ điển đã thực hiện. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, như Malaysia, Singapore, Indonesia… cũng đã chủ trương vừa phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao vừa chú trọng bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc là cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu nhân đạo trong phát triển. Chính vì vậy, những khẩu hiệu tuyên bố dứt khóat rằng, giữa kinh tế và văn hóa, cái này quyết định cái kia chỉ là mang nặng tính tư biện, ít có giá trị thực tiễn. Không phải ngẫu nhiên UNESCO nhấn mạnh: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà tách rời môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc sẽ bị suy yếu đi rất nhiều”5. Do đó, “Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển, chúng ta cần vượt lên trên cách tiếp cận kinh tế học thuần túy và tìm ra hàng trăm các phương thức có thể được để cho tính công nghiệp và tính sáng tạo có thể gắn bó, móc nối với nhau và để kinh tế có thể bắt rễ trong văn hóa6. Hay nói cách khác, kinh tế và văn hóa phải được phát triển trong trạng thái cân bằng, hài hòa, cân đối với nhau.

Sự mất cân đối giữa vật chất và tinh thần, giữa kinh tế và văn hóa bao giờ cũng tạo nên sự khập khiễng, hẫng hụt trong trong tâm trí con người. Trước đây, chúng ta thường phê phán quan điểm cho rằng, một nền kinh tế chỉ có thể phát triển được trên cơ sở sự phù hợp của nó với truyền thống văn hóa. Những quan điểm triết học, chính trị – xã hội, đạo đức, văn hóa của Nho giáo, Phật giáo, Đạo gia… một thời bị lãng quên, hiện nay lại được rất nhiều học giả từ phương Đông đến phương Tây chú ý và quan tâm đặc biệt. Khẩu hiệu “hướng về phía mặt trời mọc” đã trở thành tâm điểm của nhiều nhà tư tưởng phương Tây, bởi vì văn hóa được coi là mục tiêu, là động lực, là hệ điều tiết của sự phát triển.

Là mục tiêu của sự phát triển, văn hóa thể hiện “trình độ vun trồng” ngày càng đầy đủ và toàn diện của con người cả về thể lực, trí lực và nhân cách, hướng đến chân – thiện – mỹ ngày càng cao hơn, khiến cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng ngày một đổi mới, tiến bộ và văn minh hơn. Xét cho cùng, mục tiêu đó là nâng cao chất lượng sống của con người trong sự kết hợp hài hòa giữa điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần, giữa mức sống cao và cách sống đẹp, vừa an toàn vừa bền vững, không chỉ cho một số ít người mà cho tất cả mọi người, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau. Để đạt được mục tiêu ấy, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ kỹ thuật là những phương tiện, điều kiện, cơ sở vật chất không thể thiếu được, song, chỉ có văn hóa, với thiên chức hướng con người đến các giá trị chân – thiện – mỹ mới có thể đảm nhận được.

Là động lực của sự phát triển, văn hóa giải phóng và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là lĩnh vực kinh tế. Văn hóa định hướng và làm nền tảng để lựa chọn và xác định mô hình đúng cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có không phải chỉ là lao động, vốn, kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên, mà còn là và ngày càng chủ yếu ở tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng này lại nằm trong văn hóa, nghĩa là trong sự hiểu biết, trong tâm hồn, đạo lý, lối sống, thị hiếu, trình độ thẩm mỹ, hàm lượng văn hóa nói chung của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế đơn thuần thì ít cần đến động lực văn hóa, còn phát triển xã hội thì văn hóa là động lực không thể thiếu được.

Là hệ điều tiết của sự phát triển, văn hóa phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan và chủ quan, các điều kiện bên trong và bên ngoài, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế – xã hội được hài hòa, cân đối, lâu bền. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường, do sự tác động của quy luật giá trị, văn hóa cần góp phần đắc lực trong việc khai thác những nhân tố tích cực, hạn chế những nhân tố tiêu cực của mối quan hệ hàng hóa – tiền tệ, để làm cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự là nền kinh tế thị trường mang tính văn hóa, văn minh, lấy chữ “tín” làm trọng, chứ không phải dựa trên sự gian dối, lừa đảo như các hiện tượng tiêu cực mà chúng ta đã biết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vì, trong kinh tế, vấn đề thua lỗ có thể bù đắp được, còn bản sắc dân tộc trong văn hóa mà bị mất đi là mất tất cả. Đó là cái giá sẽ phải trả nếu như làm kinh tế chỉ vì mục đích kinh tế đơn thuần mà không hề tính đến các mặt văn hóa, xã hội. Làm kinh tế như vậy thì hoặc không đạt kết quả, hoặc dù có đạt kết quả ít nhiều đi chăng nữa thì cũng không thể bền vững và đặc biệt làm tổn thương đến con người và xã hội, gây nên những bệnh hoạn trong xã hội, làm hỏng văn hóa, tâm hồn dân tộc, phá hoại môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng sinh thái, tạo ra sự xa cách giữa con người với thiên nhiên, làm khô cằn các mối quan hệ xã hội, phá vỡ quan hệ gia đình, gây tổn hại các quan hệ tình cảm khác, đưa con người lâm vào cảnh sống máy móc, cô đơn, hời hợt. Sự phát triển kinh tế như thế đi ngược lại với ước muốn về hạnh phúc của con người và cơ thể xã hội sẽ trở nên què quặt.

Như vậy, chỉ riêng sự phát triển kinh tế, dù cao đến đâu cũng chưa thể mang lại hạnh phúc cho con người và sự tiến bộ xã hội. Bản thân kinh tế phát triển chưa hẳn là văn hóa phát triển; nhưng ngược lại, văn hóa có phát triển thì mới thúc đẩy cho kinh tế phát triển. Văn hóa góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế nói riêng và toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội nói chung. Sự phát triển xã hội, suy cho cùng là sự phát triển văn hóa của xã hội đó. Sự phát triển kinh tế phải được diễn ra trên một nền tảng văn hóa nhất định. Nền tảng văn hóa của xã hội quyết định quy mô, tính chất và tốc độ phát triển của kinh tế. Vì vậy, cần phải có một sự phát triển toàn diện, trong đó, văn hóa phải được xem là nền tảng tinh thần và định hướng cho sự phát triển kinh tế.

Quá trình phát triển văn hóa nằm ngay trong quá trình phát triển kinh tế và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Cái đẹp và cái có ích bây giờ là thống nhất. Một sản phẩm càng đẹp, giá trị càng cao và càng có ích thì vừa đáp ứng một nhu cầu sử dụng cụ thể, vừa mang lại khóai cảm thẫm mỹ, đồng thời vừa có thể mang một thông điệp về văn hóa đến với người tiêu dùng. Vì thế, nó có tác động sâu sắc đến tâm lý người tiêu dùng, khơi gợi tình cảm tốt đẹp, lòng nhân ái, bao dung trong con người, làm cho mối quan hệ giữa người với người ngày càng gần nhau hơn, sâu sắc hơn. Những sản phẩm kinh tế ấy không chỉ có giá trị về văn hóa mà còn có giá trị lớn về kinh tế. Điều này, một mặt, nói lên sự phát triển của kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa và nó cần phải được tiến hành trên một cơ sở ý thức sâu sắc về văn hóa. Người kinh doanh, quản lý giỏi đồng thời phải là người có văn hóa, có ý thức sâu sắc về văn hóa. Mặt khác, sự phát triển kinh tế phải thuận chiều với việc giải quyết các vấn đề xã hội, các thành quả kinh tế phải được sử dụng ngày càng hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế và mọi mặt của đời sống xã hội, mang lại phúc lợi công cộng, củng cố quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, ngăn chặn các tệ nạn xã hội,… Có như vậy, sự phát triển kinh tế mới thực sự lành mạnh, tạo đà thúc đẩy văn hóa phát triển, mang lại niềm hạnh phúc cho mỗi con người và cả cộng đồng xã hội.

Khi nói sự phát triển kinh tế phải được diễn ra trên nền tảng văn hóa thì nền tảng văn hóa đó chính là con người. Sự phát triển kinh tế nói riêng, phát triển xã hội nói chung phải được thông qua sức mạnh của con người. Trong thời đại ngày nay, sức mạnh đó không chỉ là sức mạnh trí tuệ, mà còn là sức mạnh của con người văn hóa. Vì vậy, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa đều phải được thực hiện bằng sự coi trọng con người. Coi trọng con người phải bao hàm cả tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, trí tuệ, tính độc lập, sáng tạo trong từng con người, tránh quan niệm coi con người chỉ là phương tiện để thực hiện các mục tiêu xã hội. Hiện nay, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, cũng như phát triển xã hội nói chung thì không thể không mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học,… Vấn đề là ở chỗ, giao lưu mà vẫn giữ được bản sắc, truyền thống dân tộc, hòa nhập chứ không “hòa tan”.

Chúng ta tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tiên tiến của nhân loại, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc, bởi chính văn hóa dân tộc là động lực phát triển thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nói riêng, của xã hội nói chung. Chính vì thế, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”7 là một trong những nội dung cơ bản của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Như vậy, giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Nhất là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa lại càng trở nên bức bách. Kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hóa và văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Phát triển trên cơ sở kết hợp hài hòa kinh tế và văn hóa là sự phát triển có hiệu quả và bền vững. Để xã hội phát triển một cách lành mạnh, đảm bảo cuộc sống hạnh phúc của con người thì cần phải có sự kết hợp hài hòa, cân đối, đồng bộ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần. Đảng ta khẳng định: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”8.

3. Tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay

Trên cơ sở giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, quá trình tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa phải hướng tới mục tiêu tổng thể là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”9.

Để đạt được mục tiêu tổng thể ấy, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay thì nhiệm vụ củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa là một nhiệm vụ đặc thù, nó vừa là một phương diện phải phấn đấu của sự nghiệp văn hóa, vừa là nhân tố để thực hiện thành công các nhiệm vụ khác. Vì vậy, có thể coi việc xây dựng thể chế văn hóa là “nhiệm vụ của các nhiệm vụ”, là thước đo trình độ tổ chức và quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay. Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa nhằm tạo ra ngày càng nhiều các giá trị chân – thiện – mỹ, con người luôn luôn tìm kiếm những hình thức, phương pháp tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa theo những khuôn khổ nhất định. Tổng hợp các hình thức tổ chức, các chỉ dẫn và phương pháp điều hành hoạt động văn hóa làm nên thể chế văn hóa của một giai đoạn lịch sử nhất định.

Thể chế văn hóa ở nước ta hiện nay được hiểu là một hệ thống tổ chức, cơ chế, biện pháp, phương tiện khả thi để đưa những đường lối, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống một cách hữu hiệu. Với tính cách là một chỉnh thể thống nhất, thể chế văn hóa ở nước ta hiện nay bao gồm: hệ thống các văn bản pháp luật, chuẩn mực, quy ước, quy tắc về văn hóa hoặc có liên quan đến văn hóa; hệ thống các chính sách văn hóa; bộ máy quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương, các tổ chức đoàn thể hữu quan, các hội sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật; cơ chế hoạt động của bộ máy và các tổ chức đó; hệ thống các thiết chế văn hóa…

Đặc điểm nổi bật của thể chế văn hóa ở nước ta hiện nay là lấy ý thức hệ tiên tiến của thời đại là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm ngọn cờ lý tưởng, với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để tổ chức và quản lý có hiệu quả nhất đối với lĩnh vực văn hóa, cần xác lập một chương trình xây dựng thể chế văn hóa nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân. Cụ thể là:

Thứ nhất, củng cố và hoàn thiện các thể chế văn hóa trong các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, phân phối, trao đổi và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa phù hợp với các địa bàn dân cư. Điều này đòi hỏi phải quan tâm hình thành các thể chế văn hóa để đưa văn hóa đến các vùng sâu, vùng xa, nhất là các vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện các thể chế văn hóa trong các cơ sở văn hóa của Nhà nước, của tập thể và tư nhân, trong đó cần bảo đảm tính chủ đạo của các cơ sở văn hóa của Nhà nước.

Thứ tư, phát triển các thể chế văn hóa trong các chuyên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật và thông tin, tạo ra sự phát triển đồng đều, nhịp nhàng của các loại hình văn hóa.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước, quan tâm cải tiến thể chế quản lý văn hóa trong phạm vi các thiết chế văn hóa.

Xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa với tính cách là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền văn hóa, cho nên mạng lưới thiết chế văn hóa phải đảm đương một số nhiệm vụ quan trọng, như: tổ chức các hoạt động sản xuất (sáng tạo) trong lĩnh vực văn hóa, cần khai thác các giá trị truyền thống trong tổng thể, tổ chức sưu tầm và bảo quản vốn di sản văn hóa, truyền thống của dân tộc, kịp thời truyền đạt những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc cũng như của nhân loại đối với mọi người, tổ chức tốt đời sống văn hóa trong các cộng đồng dân cư, bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong mọi sinh hoạt tinh thần của xã hội.

Thứ sáu, bước đầu xác lập và bổ sung các thể chế văn hóa liên quan đến nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên lý thống nhất trong đa dạng sẽ tạo nên một bước phát triển mới; do vậy, từng bước mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, tiếp thu những tinh hoa tiên tiến của nhân loại nhưng không “hòa tan” bản sắc của mình, đồng thời phải kịp thời ngăn chặn những bất lợi về mặt văn hóa có nguồn gốc từ nước ngoài. Dưới quan điểm hệ thống, để tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa ở nước ta hiện nay, cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện nội dung chương trình đã đề ra. Ở đây chúng ta có thể nêu lên một số giải pháp chính:

(1) Nhà nước cần hoàn thiện cơ bản hệ thống luật pháp hướng dẫn các hoạt động văn hóa, nhằm bảo đảm cho hoạt động văn hóa mang tính hợp hiến và tính nhân dân sâu sắc.

(2) Thực hiện chương trình cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mục đích của từng cơ quan văn hóa.

(3) Bảo đảm quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa lành mạnh, có hiệu quả, theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm phát huy quyền làm chủ và tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và của nhân dân.

(4) Tiến hành phân cấp quản lý nhà nước, quản lý sự nghiệp văn hóa, chăm lo xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa cơ sở, bảo đảm cho văn hóa thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho văn hóa phải là nội lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

(5) Thực hiện tốt việc quản lý lĩnh vực tư tưởng, tăng cường chất lượng trí tuệ của văn hóa. Muốn vậy, cần chú ý đến sự phát triển toàn diện của con người, xây dựng cho được ở mỗi người một thế giới quan khoa học, một hệ tư tưởng tiến bộ, một ý thức đạo đức, văn hóa giàu tính nhân văn. Do đó, cần tăng cường giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao dân trí; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

(6) Xây dựng đội ngũ cán bộ với tư cách là chủ thể tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa. Cho nên cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ tổ chức, quản lý cả về năng lực quản lý lẫn phẩm chất cách mạng để đảm đương tốt công việc được giao và mới tránh được sự cám dỗ của đồng tiền, không rơi vào tham nhũng.

Với những nội dung trên đây, việc tổ chức, quản lý văn hóa ở nước ta là một quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải vừa học, vừa làm, vừa tổng kết thực tiễn để có chủ trương, chính sách một cách phù hợp.

4. Kết luận

Tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa có ý nghĩa then chốt và chi phối toàn bộ đời sống xã hội, định hướng sự phát triển của đất nước. Bởi vì, khi đề ra các chính sách và các giải pháp tương ứng để giải quyết các vấn đề về thể chế và thiết chế văn hóa thì đồng thời nó đã bao hàm và liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc giải quyết các vấn đề về kinh tế – chính trị – xã hội. Quá trình tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và phức tạp, cần dựa trên nền tảng giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng, việc tổ chức và quản lý lĩnh vực văn hóa ở nước ta hiện nay được thực hiện thông qua các giải pháp, biện pháp mang tính đồng bộ, toàn diện và hệ thống. Mặc dù, mỗi vấn đề cụ thể trong quá trình tổ chức, quản lý có những giải pháp và biện pháp giải quyết đặc trưng riêng nhưng đều liên hệ, phối hợp với nhau và tuân theo các nguyên tắc, quan điểm, đường lối, chiến lược của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 84, 85.
3, 4, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014). Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 98 – 99, 48, 48.
5, 6. Ủy ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa (1992). Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. H. NXB Bộ Văn hóa – thông tin, tr.19, 22.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 128.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 330.
Tài liệu tham khảo:
1.Đảng Cộng sản Việt Nam (1998). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII). H. NXB Chính trị quốc gia.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia.