Công xã Pari – mô hình nhà nước vô sản đầu tiên và ý nghĩa đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

TS. Nguyễn Văn Thắng
Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Quanlynhanuoc.vn) – Công xã Pari năm 1871 là nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân, hình thức chính trị mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động tạo ra trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng xã hội. Sự kiện lịch sử này đã tạo nên một “cú hích” mạnh mẽ thức tỉnh giai cấp công nhân trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh, hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của mình. Với những hoạt động sôi nổi và phong phú, Công xã Pari đã để lại những giá trị to lớn, không thể phủ nhận, đặc biệt có ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Từ khóa: Công xã Pari;  hình nhà nước vô sản; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; ý nghĩa. 

1. Đặt vấn đề

Công xã Pari là cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản trên thế giới, là dấu son chói lọi trong lịch sử thế giới cận đại. Lần đầu tiên giai cấp vô sản trên thế giới tiến hành cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư sản, thành lập Công xã, hình thành nên nền cộng hòa vô sản chân chính. Dù chỉ tồn tại 72 ngày, nhưng những chính sách của Công xã Pari về xây dựng nhà nước kiểu mới, thiết lập nền dân chủ vô sản là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng nền chuyên chính vô sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) sau này. Đến nay, mô hình này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và có ý nghĩa thời đại thiết thực đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khác hẳn về chất so với tất cả các kiểu nhà nước trong lịch sử. 

2. Công xã Pari – Mô hình nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử

aCông xã Pari đã đập tan bộ máy nhà nước tư sản, thiết lập bộ máy nhà nước kiểu mới

Tối ngày 18/3/1871, khi cuộc chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng và phản cách mạng tạm thời kết thúc, Ủy ban Trung ương Đội cận vệ dã chiến của Công xã đã tuyên bố thả tất cả tù chính trị. Trước đó, Ủy ban Trung ương Đội cận vệ đã ra một loạt quyết định với tư cách là một chính quyền vô sản thực sự, như: bãi bỏ cảnh sát và quân đội thường trực; tuyên bố trả lại những đồ đạc bị cầm ở các hàng cầm đồ mà không phải trả tiền; cho hoãn trả nợ và tiền thuê nhà; giảm bớt tiền lương các viên chức nhà nước; trợ cấp tiền cho những gia đình gặp khó khăn… Như vậy, trước khi có một chính phủ vô sản chính thức ra đời – tức là cơ quan Công xã được bầu sau đó, giai cấp công nhân Pari đã tiến hành một loạt các hoạt động cách mạng để thủ tiêu bộ máy nhà nước tư sản. Đây chính là nhiệm vụ tiên quyết mang tính tiền đề của quá trình cách mạng để chính phủ vô sản có thể thi hành những chính sách mang tính giai cấp của Công xã Pari.

Ngay sau khi thủ tiêu bộ máy nhà nước tư sản, ngày 26/3/1871, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã tổ chức bầu cử Hội đồng Công xã. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên đã nô nức, phấn khởi đến các hòm phiếu bầu những người đại biểu của mình. Ngày 28/3/1871, Hội đồng Công xã gồm 85 đại biểu long trọng ra mắt quốc dân. “Công xã gồm những đại biểu thành phố do đầu phiếu phổ thông ở các khu của Pari bầu lên. Họ là những đại biểu có trách nhiệm và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Đa số ủy viên của công xã tất nhiên phải là những công nhân hoặc là những đại biểu được thừa nhận của giai cấp công nhân. Công xã không nên là một cơ quan đại nghị, mà phải là một cơ thể hành động, vừa hành chính, vừa lập pháp. Cảnh sát, trước kia vốn là công cụ của chính phủ trung ương thì nay lập tức đã bị tước hết mọi chức năng chính trị và biến thành một cơ quan có trách nhiệm của Công xã và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Đối với những viên chức thuộc tất cả mọi ngành khác trong bộ máy hành chính cũng như vậy. Từ các ủy viên Công xã cho tới những nhân viên cấp thấp nhất đều phải bảo đảm công vụ với mức lương ngang lương công nhân. Những đặc quyền đặc lợi và những phụ cấp chức vụ của những kẻ quyền cao chức trọng của nhà nước cũng biến đi cùng với chính ngay những kẻ quyền cao chức trọng đó”1.

Mặc dù Hội đồng Công xã bao gồm cơ cấu nhiều thành phần nhưng về thực chất nó là một nhà nước vô sản. Không chỉ dừng lại ở việc lập ra một cơ quan tối cao (Hội đồng Công xã) mà Công xã còn thành lập một hệ thống bộ máy quản lý nhà nước. Một loạt các cơ quan nhà nước được thành lập,như: Ủy ban quân sự và an ninh; Ủy ban tài chính; Ủy ban tư pháp; Ủy ban giáo dục; Ủy ban quan hệ đối ngoại; Ủy ban lao động công nghiệp lao động và trao đổi; Ủy ban phúc lợi xã hội… Cùng với các cơ quan nhà nước, Công xã cũng lập ra các tổ chức đoàn thể, như: nghiệp đoàn, các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ chức thanh niên, phụ nữ… Với những hoạt động này, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân, Công xã Pari đã hiện thực hóa tư tưởng về chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác bằng việc thiết lập nên một bộ máy quyền lực nhà nước dân chủ mới – nhà nước chuyên chính của giai cấp công nhân.

bCông xã Pari đã thiết lập nên một nhà nước dân chủ mới, khẳng định nhân dân lao động là chủ thể quyền lực của nhà nước chuyên chính vô sản

Hội đồng Công xã với tư cách là một hình thức tổ chức của nhà nước dân chủ mới đã khẳng định nguồn gốc của quyền lực nhà nước là từ nhân dân, nhân dân là chủ thể đích thực của quyền lực nhà nước vô sản. Mặc dù đây chỉ là những bước đi đầu tiên, nhưng với một thiết chế tổ chức quyền lực như vậy, Công xã đã thiết lập nên một chế độ dân chủ mang tính chất XHCN và hình thành một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước dân chủ mới, thông qua bầu cử và bãi miễn, giám sát của nhân dân đối với những người nắm giữ vị trí quyền lực nhà nước vô sản.

Công xã Pari kiểm soát những người được nhân dân bầu vào Hội đồng Công xã bằng hai phương pháp: Một là, bằng chế độ phổ thông đầu phiếu đối với đại biểu của nhân dân và bằng chế độ bãi miễn bất cứ lúc nào. Hai là, bằng cách Công xã quy định tiền lương cho các ủy viên Hội đồng bằng mức lương của công nhân nhằm làm cho chức vụ chính quyền không trở thành “bổng lộc béo bở” khiến cho người ta phải tranh nhau giành lấy.

Cùng với việc thực hiện chế độ bầu cử rộng rãi, các cơ quan trung ương được giao toàn quyền tiến hành công tác lãnh đạo tư tưởng. Các cơ quan này cũng có thể bị bãi bỏ, hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ nghiêm ngặt chế độ báo cáo công tác. Bầu cử phải đi đôi với bãi miễn, có như vậy người dân mới có khả năng loại bỏ ngay những người không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của công dân mà không phải chờ đến nhiệm kỳ bầu cử. “Công xã loại bỏ hoàn toàn hệ thống đẳng cấp chính trị và thay thế những ông chủ ngạo mạn của nhân dân bằng những đầy tớ luôn luôn có thể bị bãi miễn; thay thế một trách nhiệm tưởng tượng bằng một trách nhiệm thật sự, vì những người được ủy nhiệm này luôn luôn hành động dưới sự kiểm soát của nhân dân”2.

cCông xã Pari đã hiện thực hóa những nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước chuyên chính vô sản là tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới XHCN. 

Thực tiễn hoạt động của Công xã cho thấy, ngay sau khi ra đời, Công xã đã hướng vào giải quyết hai nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là: giải phóng nước Pháp khỏi sự xâm lược của Phổ và giải phóng công nhân khỏi ách áp bức của tư bản Pháp. Những nhiệm vụ ấy đã được Ủy ban Trung ương 20 quận của Công xã tổ chức thực hiện một cách cụ thể trong điều kiện giai cấp vô sản ở Pari đã nắm chính quyền. Sắc lệnh đầu tiên của Công xã là hủy bỏ quân đội thường trực, thay thế bằng việc vũ trang nhân dân, thủ tiêu lực lượng cảnh sát chính trị, giao lại nhiệm vụ này cho nhân dân. Công xã tuyên bố bãi bỏ các chức vụ quan lại của bộ máy chính quyền cũ, nêu lên nguyên tắc những người làm trong chính quyền mới đều phải do nhân dân bầu ra. Họ phải chịu trách nhiệm trước dân và nhân dân có quyền bãi miễn chức vụ của họ. Công xã cũng ấn định mức lương của các nhân viên nhà nước từ trên xuống dưới, đều không vượt quá mức lương của người công nhân. Đồng thời, Công xã quyết định tách hệ thống nhà trường ra khỏi hệ thống giáo hội, nhà thờ và đề ra một chế độ giáo dục lành mạnh, khoa học, chân chính cho con em người lao động. Tất cả những việc làm trên của Công xã, một mặt nhằm xóa bỏ triệt để bộ máy nhà nước của chế độ xã hội cũ, mặt khác nó cũng hướng tới xây dựng ở tất cả các cấp những cơ quan quản lý chính quyền mang tính chất hoàn toàn mới: tính chất vô sản và chuyên chính vô sản.

Đi đôi với những hoạt động nhằm mục đích xây dựng và củng cố một thiết chế chính trị mới, Công xã Pari đã tiến hành một loạt các hoạt động để thực hiện xóa bỏ cơ sở kinh tế của chế độ cũ, thiết lập thiết chế kinh tế mới mang tính XHCN. Một trong những hoạt động đáng chú ý nhất của Công xã là việc ban bố Sắc lệnh ngày 16/4/1871 về việc chuyển giao các xí nghiệp không hoạt động, các xí nghiệp vắng chủ cho các Hội Hợp tác của công nhân quản lý và kiểm soát sản xuất. Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng chủ trương này đã phản ánh xu hướng kinh tế XHCN của những người làm cách mạng, đó là thực hiện bước chuyển quyền sở hữu nhà máy, xí nghiệp từ tay tư sản sang sở hữu của những người công nhân và nhân dân lao động. Đồng thời, Công xã đã có những hoạt động quan trọng nhằm ổn định và cải thiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động, như: giải quyết việc làm cho người thất nghiệp; nâng lương cho những người có mức lương thấp, nhất là giới giáo viên; chuyển những người công nhân, lao động đang sinh sống trong các túp lều chật hẹp, bẩn thỉu đến ở những ngôi nhà của bọn giàu có. Ngoài ra, Công xã còn hướng vào bảo đảm an ninh trật tự của thủ đô cách mạng, giúp thủ đô trở nên an toàn, không còn những vụ cướp giật, tống tiền như trước. Qua đó, đời sống tinh thần của nhân dân được bảo đảm, các rạp hát, chiếu bóng, viện bảo tàng, cung văn hóa và các nhà triển lãm đều được mở cửa…

Như vậy, nền cộng hòa dân chủ vô sản chân chính đầu tiên mà Công xã Pari tạo nên không chỉ được thể hiện ở mục tiêu vĩ đại là giải phóng lao động, cải tạo xã hội mà còn thể hiện sự thay đổi bản chất nhà nước trong lịch sử. C.Mác và Ph.Ăngghen còn nêu ra: “nền cộng hòa XHCN – nấc thang đầu tiên của chúng ta, nền cộng hòa đỏ” là tượng trưng cho khát vọng của giai cấp vô sản muốn giành chính quyền. Cộng hòa dân chủ là hình thức đặc thù của chuyên chính vô sản.

Thực chất nó là nhà nước của giai cấp công nhân, là kết quả của cuộc đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp chiếm đoạt, là hình thức chính trị nhằm thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế. Đó là nhà nước nhà nước chuyên chính vô sản, hình thức nhà nước kiểu mới và cao nhất về dân chủ – dân chủ với tuyệt đại đa số nhân dân lao động; đồng thời là công cụ trấn áp sự phản kháng của giai cấp bóc lột. 

3. Ý nghĩa đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Tuy chỉ tồn tại 72 ngày nhưng bản chất ưu việt của mô hình nhà nước vô sản đầu tiên, của chế độ dân chủ vô sản do Công xã Pari thiết lập có giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Mô hình nhà nước theo thể chế cộng hòa dân chủ vô sản của Công xã Pari không chỉ là hình mẫu để Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập nhà nước công nông sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn là cơ sở quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Đảng luôn coi xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; luôn phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”3. Thực hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, công tác xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện ngày càng đầy đủ và thực chất hơn. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế; ở một số nơi vẫn còn hiện tượng dân chủ hình thức, vi phạm dân chủ, hoặc lợi dụng dân chủ để chống phá sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội. Để giữ vững và phát huy bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, mọi hoạt động của nhà nước phải lấy Nhân dân làm trung tâm.

Mọi chính sách và hoạt động của Nhà nước phải lấy Nhân dân là gốc, là trung tâm, phải xuất phát từ Nhân dân và vì lợi ích của Nhân dân, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân, “Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân”4. Điều đó đã được Hiến phápnăm 2013 tại Điều 2 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Cần tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước trên thực tế thuộc về Nhân dân, thực hiện “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”5. Tập trung thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, bảo đảm “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”6, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tạo động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”, thu hút, động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Hai là, cải cách hành chính nhà nước, tăng cường xây dựng “hành chính pháp quyền. 

Chuyển mạnh từ mô hình quản trị nhấn mạnh vai trò “độc tôn” của hành chính nhà nước sang mô hình quản trị có sự hợp tác, phối hợp có hiệu quả giữa hành chính nhà nước với doanh nghiệp (thị trường) và xã hội (các đoàn thể xã hội và người dân) trong quản trị quốc gia và cung ứng dịch vụ công, nhấn mạnh đúng mức vai trò của cơ chế thị trường trong huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Thực hiện xã hội hóa tối đa để phát huy tốt nguồn lực trong Nhân dân, trong doanh nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội, phát huy đầy đủ vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương, trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động; đồng thời, tạo lập cơ chế pháp lý để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức này trong bối cảnh mới. Chuyển từ chỗ nhấn mạnh tập trung quyền lực ở trung ương và cấp trên sang trao quyền đủ mức cho địa phương và cấp dưới trên cơ sở bảo đảm sự định hướng và hướng dẫn của Trung ương và cấp trên. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý cho địa phương và cấp dưới về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm sự tham gia của người dân và coi trọng việc thực hiện tự quản xã hội. Triển khai có hiệu quả hoạt động đối thoại, phản biện và tư vấn chính sách; dân chủ ở cơ sở, mở rộng tự quản xã hội, thực hiện tốt “bầu cử dân chủ”; “quyết sách dân chủ”; “quản lý dân chủ”; “giám sát dân chủ”. Hình thành tư duy pháp quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và toàn xã hội; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát trong hệ thống hành chính, cũng như sự kiểm tra, giám sát của cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, báo chí và người dân đối với sự vận hành của quyền lực hành chính cũng như hoạt động của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức. Truy cứu và xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, bất kể người đó là ai, dù là đương chức hay đã nghỉ hưu theo phương châm “không có đặc quyền, không có vùng cấm và không có ngoại lệ”.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.

Thường xuyên coi công tác cán bộ là vấn đề “then chốt của then chốt”, “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”9. Đổi mới tất cả các khâu trong công tác cán bộ và chế độ công chức, thực hiện chế độ “mở” thật sự trong thi tuyển và tuyển dụng công chức; đổi mới công tác đánh giá công chức và kịp thời sàng lọc, cho ra khỏi bộ máy hành chính những cán bộ, công chức yếu về năng lực, kém về phẩm chất. Đổi mới cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài, đãi ngộ xứng đáng đối với những đóng góp của cán bộ, tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

Bốn là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường xây dựng đạo đức công vụ. 

Cần xác định phương châm “không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng” để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; cần tăng cường xây dựng đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; cần thông qua công tác giáo dục, tổ chức, hành chính, kiểm tra, giám sát, sàng lọc và xử lý nhằm hạn chế tối đa các hiện tượng phản văn hóa chính trị, phản đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính và trong đội ngũ cán bộ, công chức, cũng như làm cho các giá trị, chuẩn mực của đạo đức công vụ, như: phục vụ Nhân dân, lợi ích công, trách nhiệm công, công khai, minh bạch, dân chủ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực công… thấm sâu và lan tỏa vào các quan hệ và hoạt động công vụ của các cơ quan hành chính và đội ngũ công chức, từ đó góp phần thực hiện một chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính.

4. Kết luận

Công xã Pari được V.I.Lênin đánh giá là kiểu mẫu vĩ đại nhất của phong trào vô sản vĩ đại nhất trong thế kỷ XIX. Ngày nay, thế giới có biết bao đổi thay, nhưng mô hình nhà nước dân chủ vô sản mà Công xã Pari để lại vẫn nguyên giá trị. Mô hình ấy không chỉ làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn có giá trị thiết thực đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay. Do vậy, cần nghiên cứu sâu sắc và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện mới; đồng thời, chủ động đấu tranh với mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, phủ nhận bản chất tốt đẹp của Nhà nước XHCN, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chú thích:
1, 2. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập. Tập 17 (1993). H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 448 – 449, 450
3, 4. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2022). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 173, 118, 187.
Tài liệu tham khảo:
1. Phong trào công nhân quốc tế – những vấn đề lịch sử và lý luậnTập  II. (1994). H. NXB Sự thật.
2. Nguyễn Anh Thái (2005). Lịch sử thế giới hiện đại. H. NXB Giáo dục.
3. Nguyễn Phú Trọng (2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Nguyễn Thị Thanh Nga (2023). Thống nhất nhận thức về các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/05/11/thong-nhat-nhan-thuc-ve-cac-dac-trung-co-ban-cua-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-trong-giai-doan-moi/.
5. Nguyễn Quang Vinh, Ngô Hoàng Kiệt (2022). Đổi mới quản trị nhà nước gắn với xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/06/07/doi-moi-quan-tri-nha-nuoc-gan-voi-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia/.