Phát triển marketing xanh tại Ấn Độ và kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. Trần Châu Lộc
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

(Quanlynhanuoc.vn) – Marketing xanh có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến các vấn đề môi trường và tính bền vững. Thông qua marketing xanh, các công ty có thể xây dựng và định vị riêng một dòng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Điều này giúp họ nổi bật và phân biệt với các sản phẩm truyền thống, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận một phân khúc khách hàng mới, những người sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm xanh và góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Với cách tiếp cận như vậy, nghiên cứu sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về marketing xanh, đồng thời, tập trung vào việc rút ra những bài học thực tiễn từ kinh nghiệm của Ấn Độ để áp dụng vào bối cảnh doanh nghiệp tại Việt Nam.

Từ khóa: Ấn Độ; kinh nghiệm; marketing xanh; doanh nghiệp; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Theo Hiệp hội tiếp thị Hoa Kỳ “Green Marketing – Tiếp thị xanh là tiếp thị các sản phẩm được cho là an toàn với môi trường”. Do đó, Marketing xanh đề cập khái niệm tiếp thị toàn diện, trong đó sản xuất, tiêu thụ và xử lý sản phẩm, dịch vụ diễn ra theo cách ít gây hại cho môi trường hơn. Mặc dù sự chuyển đổi từ “truyền thống” sang “xanh” sẽ gây tốn kém trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn đây là điều không thể thiếu để bảo đảm sự phát triển bền vững, đồng thời, góp phần tạo dựng và lan tỏa thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp xanh, thân thiện với môi trường trong tương lai. 

Các chiến lược marketing xanh, như: tuyên truyền về sản phẩm xanh, tuần hoàn, tái chế, tiết kiệm năng lượng… sẽ thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, hướng tới mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mặt khác, marketing xanh có thể tạo sức ép tích cực lên các doanh nghiệp, khuyến khích họ chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường. Những điều đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận được khách hàng quan tâm đến sản phẩm xanh. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về marketing xanh và các kinh nghiệm của Ấn Độ trong phát triển marketing xanh, từ đó rút ra bài học cho doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

2. Tổng quan về marketing xanh

Người tiêu dùng trên toàn thế giới ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, vì nguồn tài nguyên có hạn và nhu cầu của con người là vô hạn nên điều quan trọng là các nhà tiếp thị phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên mà không lãng phí cũng như đạt được mục tiêu của tổ chức, do đó tiếp thị xanh là điều tất yếu (Pavan Mishra, Payal Sharma, 2014)1. Bằng chứng trên toàn thế giới cho thấy, mọi người rất quan tâm đến môi trường và đang thay đổi hành vi của mình. Nhiều nghiên cứu của các nhà môi trường chỉ ra rằng mọi người quan tâm đến môi trường và đang thay đổi mô hình hành vi của mình để ít thù địch với môi trường hơn. Hầu hết người tiêu dùng đều cảm thấy rằng các sản phẩm thân thiện với môi trường an toàn khi sử dụng. Do đó, tiếp thị xanh đã xuất hiện nhằm mục đích tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ bền vững và có trách nhiệm xã hội. Thời đại của hàng hóa có thể tái chế, không độc hại và thân thiện với môi trường đã trở thành khẩu hiệu kinh doanh mới cho các nhà tiếp thị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.

Theo Peattie (2005)2, quá trình phát triển của tiếp thị xanh có ba giai đoạn: (1) Giai đoạn đầu tiên được gọi là tiếp thị xanh “Sinh thái” và trong giai đoạn này, tất cả các hoạt động tiếp thị đều liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về môi trường và cung cấp các biện pháp khắc phục các vấn đề về môi trường; (2) Giai đoạn thứ hai là tiếp thị xanh “Môi trường” và trọng tâm chuyển sang công nghệ sạch liên quan đến việc thiết kế các sản phẩm mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm và chất thải; (3) Giai đoạn thứ ba là tiếp thị xanh “Bền vững”, trở nên nổi bật vào cuối những năm 90 thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Khi bàn về khái niệm marketing xanh thì Charter và cộng sự (2002) cho rằng “Marketing xanh là một tiếp cận tổng thể nhằm tiếp tục đánh giá lại bằng cách nào công ty đạt mục tiêu và đáp ứng nhu cầu khách hàng trong khi tối thiểu hóa dài hạn tác hại sinh thái3. Trong khi theo tác giả Kotler và Armstrong (2009) thì “Marketing xanh là cách thức để đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng và doanh nghiệp trong khi vẫn giữ gìn và gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu cho thế hệ tương lai4.

Marketing xanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường. Đây chính là động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng và phát triển chiến lược marketing xanh. Việc áp dụng marketing xanh mang lại những lợi ích to lớn, như: tăng uy tín, niềm tin của khách hàng và các bên liên quan đối với doanh nghiệp;nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lợi thế bền vững trên thị trường; tạo động lực cho các doanh nghiệp khác chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Việc thúc đẩy các giải pháp xanh, năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm và tác động xấu đến hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Hầu hết nhân viên cũng cảm thấy tự hào và có trách nhiệm khi làm việc cho một doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường

Pavan Mishra, Payal Sharma (2014) đã đưa ra 6 nguyên tắc để thực hiện marketing xanh một cách hiệu quả5:

(1) Hiểu khách hàng: bảo đảm người tiêu dùng nhận thức và quan tâm đến các vấn đề môi trường mà sản phẩm của doanh nghiệp cố gắng giải quyết là cực kỳ quan trọng để thành công. Do dó, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu, quan ngại và mối quan tâm của khách hàng đối với các vấn đề môi trường, từ đó định hướng sản phẩm và chiến lược tiếp thị phù hợp. Sử dụng các kênh truyền thông hiệu quả, như: quảng cáo, PR, marketing trực tuyến để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các lợi ích và tính bền vững của sản phẩm. Hợp tác với các chuyên gia hoặc nhân vật có ảnh hưởng (influencer) để truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của sản phẩm thân thiện môi trường. Tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm và hiểu rõ hơn về các sản phẩm xanh của doanh nghiệp. 

(2) Giáo dục khách hàng: không chỉ là vấn đề cho mọi người biết doanh nghiệp đang làm bất cứ điều gì để bảo vệ môi trường, mà còn là cho họ hiểu tại sao điều đó lại quan trọng. Nếu khách hàng không nhận ra được tầm quan trọng của vấn đề thì chiến dịch marketing xanh của doanh nghiệp sẽ chẳng đi đến đâu. Muốn vậy, cần cung cấp cho khách hàng các thông tin rõ ràng, dễ hiểu về các lợi ích, công nghệ và tính bền vững của sản phẩm xanh, giúp họ hiểu rõ hơn về những gì họ đang mua. Tổ chức các hoạt động giáo dục, chia sẻ kiến thức về các vấn đề môi trường và cách sản phẩm xanh có thể giải quyết chúng, qua đó nâng cao nhận thức và hiểu biết của khách hàng. Sử dụng các ví dụ thực tế, dễ hình dung để giải thích về hiệu quả của việc sử dụng sản phẩm xanh. Tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm, tương tác trực tiếp với sản phẩm xanh để họ có thể cảm nhận được các lợi ích cụ thể. Mời các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kiến thức, nghiên cứu về tác động của sản phẩm xanh đến môi trường. Điều này sẽ tăng độ tin cậy và ảnh hưởng của thông tin.

(3) Chân thành và minh bạch: cần cho khách hàng biết được thực sự đang làm những gì với những tuyên bố trong chiến dịch tiếp thị xanh của doanh nghiệp và các chính sách kinh doanh phải mang tính nhất quán thân thiện với môi trường. Cả hai điều kiện này đều phải được đáp ứng để doanh nghiệp có thể thiết lập được chiến dịch tiếp thị xanh thành công.

(4) Xây dựng niềm tin với khách hàng: cần minh bạch thông tin về sản phẩm, dịch vụ xanh. Cung cấp đầy đủ, rõ ràng về thành phần, nguồn gốc, quá trình sản xuất, tính năng, công dụng của sản phẩm xanh. Công khai các chứng nhận, tiêu chuẩn xanh mà sản phẩm đạt được, đồng thời, chứng minh cam kết và hành động xanh của doanh nghiệp, tạo trải nghiệm xanh tốt cho khách hàng, cung cấp các thông tin hướng dẫn, khuyến nghị khách hàng sử dụng sản phẩm xanh hiệu quả. Ngoài ra, xây dựng dịch vụ hậu mãi, hỗ trợ khách hàng về các vấn đề liên quan đến sản phẩm xanh cùng với đó cần tương tác, lắng nghe ý kiến khách hàng để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

(5) Tính toán các chi phí của doanh nghiệp: xác định chi phí nguyên vật liệu, công nghệ, năng lượng, nhân công cho quá trình sản xuất sản phẩm xanh. Tuy nhiên, cần cân đối lợi ích khách hàng với chi phí sử dụng sản phẩm xanh. Bảo đảm giá cả sản phẩm xanh luôn cạnh tranh và mang lại giá trị xứng đáng cho khách hàng.

(6) Tạo cơ hội cho khách hàng của doanh nghiệp tham gia: khuyến khích khách hàng mang sản phẩm cũ đến để tái chế hoặc thu hồi bằng các ưu đãi, hoàn tiền. Tạo ra cộng đồng tái chế, chia sẻ thông tin về lợi ích của việc tái chế sản phẩm. Cung cấp thông tin chi tiết về lượng carbon, nước, năng lượng được tiết kiệm khi sử dụng sản phẩm xanh. Truyền cảm hứng về những tác động tích cực của việc sử dụng sản phẩm xanh đối với cộng đồng và môi trường. Bằng cách tạo các cơ hội tham gia tích cực và cá nhân hóa lợi ích, doanh nghiệp có thể tăng sự gắn kết của khách hàng với thương hiệu xanh, khuyến khích hành vi thân thiện với môi trường.

Một công ty chỉ xanh hóa sản phẩm của mình thôi là chưa đủ. Các thương hiệu hàng đầu cần phải thích nghi và đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng về sự bền vững và lợi ích thiết thực của sản phẩm xanh. Đây sẽ là yếu tố then chốt để duy trì sự cạnh tranh và lòng trung thành của khách hàng.

3. Kinh nghiệm phát triển marketing xanh của các doanh nghiệp Ấn Độ 

Ấn Độ đứng trong top các quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ô nhiễm không khí chủ yếu do khí thải phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp và đốt rác thải. Nhiệt độ trung bình tại Ấn Độ đã tăng khoảng 0,7°C trong 30 năm qua, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: nắng nóng, hạn hán, lũ lụt ngày càng phổ biến. Những thay đổi về khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, nguồn nước và sức khỏe của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với các cộng đồng dễ bị tổn thương. Nhiều người dân phải di cư do việc mất đất đai, nguồn nước do biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Ấn Độ đã có các chính sách, kế hoạch ứng phó với vấn đề này và marketing xanh là một giải pháp chiến lược thực thi quan trọng tại Ấn Độ. Các biện pháp đã được doanh nghiệp Ấn Độ áp dụng thành công khi vận hành doanh nghiệp để giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường sống, cụ thể: 

Một là, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Đây là một xu hướng phát triển rất tích cực trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách, luật pháp nhằm khuyến khích phát triển và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Ví dụ, như: chương trình “Make in India” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, trong đó ưu tiên các sản phẩm xanh. 

Các doanh nghiệp Ấn Độ đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ xanh, như: năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm nước, năng lượng. Bảo đảm các sản phẩm, dịch vụ tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và bền vững. Đơn cử phải kể đến dự án Công nghệ thông tin xanh tốt nhất của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (State Bank of India – SBI) thể hiện những nỗ lực tích cực của một doanh nghiệp lớn trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ thân thiện với môi trường. 

Bằng cách triển khai hơn 10.000 máy ATM mới sử dụng năng lượng hiệu quả, SBI không chỉ tiết kiệm được chi phí điện mà còn giảm được lượng phát thải carbon, qua đó thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của mình. SBI cũng tham gia vào dịch vụ xanh được gọi là “Green Channel Counter” nhằm cung cấp nhiều dịch vụ, như: ngân hàng không cần giấy tờ, không cần biên lai gửi tiền, không cần biểu mẫu rút tiền, không cần séc, không cần giao dịch tiền mặt, tất cả đều được thực hiện thông qua thẻ mua sắm và thẻ ATM của SBI.Bên cạnh đó SBI cũng chuyển sang năng lượng gió để giảm phát thải. Điều quan trọng là SBI đã trở thành tấm gương tốt cho các doanh nghiệp khác về cách kết hợp công nghệ xanh vào hoạt động kinh doanh. Đây là một minh chứng rõ ràng về cách các công ty hàng đầu có thể tạo ra được lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường cùng lúc.

Một ví dụ nữa về phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường tại Ấn Độ là “Sáng kiến xanh” của công ty Indian Oil với sản phẩm dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp (0,5%) đã được đưa vào sử dụng tại các thành phố lớn từ tháng 4/1996 do sự thân thiện với môi trường. Xăng không chì đã được cung cấp trên toàn quốc kể từ ngày 01/2/2000. Nhiên liệu xanh (xăng và dầu diesel) đều tuân thủ tiêu chuẩn khí thải Euro-III và được đưa vào sử dụng tại 13 thành phố/tiểu bang; các khu vực còn lại của đất nước đang sử dụng nhiên liệu BS-II; 

Với sự nỗ lực từ phía chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, Ấn Độ đang đi đúng hướng trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, tăng cường truyền thông và tuyên truyền về tính bền vững khi thực hiện marketing xanh.

Các doanh nghiệp Ấn Độ sử dụng các kênh truyền thông để tuyên truyền và giáo dục khách hàng về các lợi ích của sản phẩm, dịch vụ xanh, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các lợi ích về kinh tế – xã hội và môi trường mà các sản phẩm xanh mang lại. Họ cũng thường xuyên chia sẻ các câu chuyện thành công về marketing xanh, các ví dụ điển hình về các doanh nghiệp áp dụng marketing xanh thành công để truyền cảm hứng và khuyến khích các doanh nghiệp khác noi theo.

Ba là, tham gia các chương trình, chứng nhận về bảo vệ môi trường.

Việc tích cực tham gia các chương trình chứng nhận về môi trường như “ISO 14001” để xây dựng hệ thống quản lý môi trường hiệu quả, áp dụng “nhãn sinh thái” giúp sản phẩm của các doanh nghiệp Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn với khách hàng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Một ví dụ tiêu biểu là công ty Hindustan Unilever. Họ đã đạt được nhiều chứng nhận nhãn sinh thái uy tín, như: Ecolabel và Green Seal cho các sản phẩm của mình như nước rửa chén, dầu ăn, kem đánh răng… 

Việc có các nhãn sinh thái này đã giúp các sản phẩm của Hindustan Unilever trở nên hấp dẫn hơn với những khách hàng ở Ấn Độ và cả các thị trường xuất khẩu. Ngoài Hindustan Unilever, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ khác trong các ngành, như: dệt may, điện tử, hóa chất cũng đã tích cực đạt được các chứng nhận nhãn sinh thái uy tín, như: Ecolabel, Green Mark, GreenPro để khẳng định cam kết bảo vệ môi trường và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Các chứng nhận về môi trường không chỉ giúp tăng uy tín thương hiệu mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải. 

Bốn là, tối ưu hóa quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng.

Sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, ưu tiên nguyên liệu tái chế hoặc tái tạo, đồng thời thiết kế sản phẩm có tuổi thọ cao, dễ tháo lắp, sửa chữa và tái chế. Đơn cử: Công ty Bhushan Steel sử dụng lò cao cung cấp khí thải làm nhiên liệu để nung gạch và sản xuất vật liệu xây dựng. Thay vì phát thải ra môi trường, công ty Bhushan Steel đã tận dụng nguồn năng lượng thải này để sử dụng làm nhiên liệu cho quá trình nung gạch và sản xuất vật liệu xây dựng. Việc sử dụng khí thải làm nhiên liệu cũng góp phần sản xuất ra các vật liệu xây dựng, như: gạch, xi măng, bê tông. Các vật liệu xây dựng này có thể thay thế cho các vật liệu truyền thống có tác động lớn đến môi trường. Đây là một mô hình rất đáng học hỏi về tối ưu hóa sản xuất và chuỗi cung ứng trong marketing xanh tại Ấn Độ. 

Một ví dụ điển hình nữa tại công ty Tata Steel, một trong những tập đoàn thép lớn nhất của Ấn Độ, đã thực hiện nhiều sáng kiến để tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình nhằm nâng cao tính bền vững và hiệu quả. Một trong những nỗ lực chính của Tata Steel là áp dụng công nghệ IoT (Internet of Things) để giám sát và quản lý các quá trình trong chuỗi cung ứng. Họ đã lắp đặt các cảm biến trên các máy móc, thiết bị vận chuyển và kho bãi để thu thập dữ liệu thời gian và giám sát các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm, mức tiêu thụ năng lượng,… Dữ liệu này được phân tích để tối ưu hóa các quy trình, cắt giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, Tata Steel cũng áp dụng các công cụ lập kế hoạch nâng cao như ERP (Quản lý nguồn lực doanh nghiệp) và SCM (Quản lý chuỗi cung ứng) để cải thiện khả năng dự báo nhu cầu, quản lý hàng tồn kho và tối ưu hóa lịch vận chuyển; áp dụng kỹ thuật tối ưu hóa hành trình vận tải để giảm chi phí và tiêu thụ nhiên liệu. 

Về mặt nguồn cung, Tata Steel tập trung vào việc tìm kiếm và đánh giá các nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Ngoài ra, thực hiện các sáng kiến như tái chế và tái sử dụng vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm tác động của chuỗi cung ứng đến môi trường. Những nỗ lực này của Tata Steel đã giúp họ cải thiện đáng kể hiệu quả, tính bền vững và uy tín của chuỗi cung ứng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Năm là, tham gia các chương trình, sáng kiến vì môi trường.  

Các doanh nghiệp Ấn Độ tài trợ, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua việc cung cấp nguồn tài chính quan trọng để các tổ chức này có thể triển khai các dự án, sáng kiến và chiến dịch bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Những nỗ lực này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc huy động sự tham gia của các tổ chức bảo vệ môi trường cũng cho thấy tầm nhìn của Ấn Độ về sự cần thiết phải có sự phối hợp đa bên để giải quyết các thách thức môi trường.

Như vậy, thông qua các hoạt động marketing xanh, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể nâng cao uy tín, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường và giảm thiểu được những tác động tiêu cực với môi trường sống của đất nước tỷ dân này.

4. Những kinh nghiệm marketing xanh từ Ấn Độ cho các doanh nghiệp của Việt Nam

Để thực hiện marketing xanh hiệu quả, đòi hỏi phải áp dụng các nguyên tắc tiếp thị tốt để khiến người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng sản phẩm xanh như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Có nhiều bài học cần rút ra để tránh tình trạng thiển cận trong tiếp thị xanh tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Dưới đây là một số kinh nghiệm marketing xanh từ các nỗ lực của Ấn Độ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo:

Thứ nhất, cần tập trung vào sản phẩm và dịch vụ xanh.

Ấn Độ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung vào sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, như: năng lượng tái tạo, nông sản hữu cơ, vật liệu tái chế,… Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên xem xét phát triển các sản phẩm và dịch vụ xanh phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thứ hai, truyền thông và tuyên truyền về phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi cách sử dụng các kênh truyền thông xã hội, quảng cáo và các hoạt động tuyên truyền để lan tỏa những thông điệp về phát triển xanh. Mở rộng sức hấp dẫn chính thống bằng cách kết hợp giá trị mong muốn của người tiêu dùng vào các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nângcao kiến ​​thức của người tiêu dùng thông qua việc giáo dục người tiêu dùng bằng các thông điệp tiếp thị kết nối các thuộc tính môi trường với giá trị mong muốn của người tiêu dùng. Tạo các nội dung hấp dẫn và mang tính giáo dục về giá trị mong muốn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khuyến khích truyền bá thông tin đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội và internet với thông tin hấp dẫn, thú vị và giải trí về các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ ba, hợp tác với cộng đồng và các tổ chức môi trường.

Cần khuyến khích, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các tổ chức môi trường, đoàn thể để tăng cường các hoạt động xanh và trách nhiệm với cộng đồng. Bên cạnh đó, thiết kế các sản phẩm thân thiện với môi trường, cung cấp giá trị mong muốn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và hướng mục tiêu vào các phân khúc thị trường người tiêu dùng có liên quan.

Thứ tư, xây dựng thương hiệu xanh.

Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gắn liền với các giá trị xanh và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên cân nhắc việc xây dựng hình ảnh thương hiệu xanh, thu hút khách hàng chia sẻ các giá trị về bảo vệ môi trường. Học hỏi từ kinh nghiệm của Ấn Độ, các doanh nghiệp của Việt Nam nên tích cực tìm hiểu và tham gia các chương trình chứng nhận về môi trường như ISO 14001, Ecolabel. Đây sẽ là bước quan trọng trong hành trình trở thành doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững.

5. Kết luận

Theo quan điểm kinh doanh hiện đại, một nhà tiếp thị thông minh là người không chỉ thuyết phục người tiêu dùng mà còn lôi kéo người tiêu dùng vào việc tiếp thị sản phẩm của mình. Các nhà tiếp thị cần có trách nhiệm giúp người tiêu dùng hiểu được nhu cầu và lợi ích của các sản phẩm xanh. Với mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu, nóng lên trên toàn cầu, điều quan trọng là tiếp thị xanh cần trở thành chuẩn mực chứ không phải là ngoại lệ hay chỉ là việc nhất thời. Việc áp dụng các bài học từ những nỗ lực marketing xanh của Ấn Độ sẽ giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể tăng cường tính cạnh tranh, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và góp phần vào sự phát triển bền vững chung của đất nước. Cuối cùng, người tiêu dùng, các ngành kinh tế và các bên liên quan cần chung tay để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm duy trì một môi trường sạch hơn và xanh hơn

Chú thích: 
1, 5. Pavan Mishra, Payal Sharma (2014). Green Marketing: Challenges and Opportunities for Business. BVIMR Management Edge, Vol. 7, No. 1 (2014) PP 78 – 86.
2. Peattie, K. and A. Crane, 2005. Green Marketing: legend, Myth, Farce or Prophesy? Qualitative Market Research, 8:357-370.
3. Charter, M., K. Peattie, J. Ottman and M. Polonsky, 2002. Marketing and Sustainability. Association with the Centre for Sustainable DesignCentre for Business Relationships, Accountability, Sustainability and Society, Cardiff.
4. Kotler, P. and G. Amstrong, 2009. Principles of Marketing. Pearson Prentice Hall.
Tài liệu tham khảo:
1. Chamorro, A., and T. M. Bañegil, 2006. Green Marketing Philosophy: a Study of Spanish Firms with Ecolabels. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 13(1): 11- 24.
2. Kerin, R.A., S.W. Hartley & W. Rudelius, 2009. Marketing. Loose Leaf.
3. Rayhan, S. J., A.I. Khan and M. T. Islam, 2014. Factors Affecting Green Marketing in Bangladesh.Global Journal of Management and Business Research: E Marketing14(1):45- 49.
4. Nguyễn Ngọc Thúy (2024). Đánh giá tác động của tiếp thị xanh đến hình ảnh thương hiệu và lòng tin của khách hàng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/09/danh-gia-tac-dong-cua-tiep-thi-xanh-den-hinh-anh-thuong-hieu-va-long-tin-cua-khach-hang/.