Quản lý nhà nước gắn với xã hội hóa để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương

ThS. Trịnh Thị Như Quỳnh
Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Quanlynhanuoc.vn) – Xã hội hóa giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông qua xây dựng chính sách, pháp luật, quy định, quản lý tài chính và hỗ trợ các hoạt động giáo dục, góp phần quan trọng vào việc tạo ra một môi trường giáo dục chất lượng, công bằng và minh bạch. Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức giáo dục, các nhà trường và cộng đồng tham gia vào quá trình giáo dục, tỉnh Bình Dương không chỉ tạo ra cơ hội cho mọi cá nhân tiếp cận với giáo dục mà còn khuyến khích sự đa dạng và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và học tập. Từ đó góp phần xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng, hiện đại vì sự phát triển toàn diện của con người và xã hội.

Từ khóa: Quản lý nhà nước; giáo dục và đào tạo; cơ sở giáo dục; xã hội hóa; tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm qua, tỉnh Bình Dương thu hút nhiều người dân nhập cư từ các địa phương khác đến làm việc, sinh sống, do đó, tỷ lệ tăng dân số cơ học phát triển nhanh, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp dẫn đến số lượng học sinh hằng năm tăng cao. 

Xã hội hóa giáo dục – đào tạo nhằm góp phần thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là củng cố, phát triển số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề con người có vai trò quyết định. Vì thế, để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo gắn với xã hội hoá trên địa bàn tỉnh Bình Dương cần có các chính sách, điều kiện thuận lợi cho các tổ chức giáo dục, các nhà trường và cộng đồng tham gia vào quá trình giáo dục là công tác rất cần thiết.

2. Thực trạng quản lý nhà nước gắn với xã hội hóa về phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Một là, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã có những chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của địa phương, trong đó có nguồn nhân lực của ngành Giáo dục và Đào tạo. Triển khai theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường… Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 01/11/2016 quy định về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn.

Hai là, chăm lo phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh về mọi mặt.

(1) Về số lượng đơn vị trường, cơ sở giáo dục. Tính đến tháng 12/2023, tổng số các đơn vị trường, cơ sở giáo dục toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương như sau1:

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 143 trung tâm, trong đó có 135 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 4 cơ sở hoạt động giáo dục kỹ năng sống và 4 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã được ban hành quyết định thành lập và cấp phép hoạt động theo quy định.

(2) Về đội ngũ viên chức (công lập) ngành Giáo dục và Đào tạo 2.

Năm học 2023 – 2024, tỷ lệ giáo viên/lớp các cấp học thuộc ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương chưa bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi nguồn tuyển bổ sung viên chức giáo dục hằng năm còn gặp khó khăn, hạn chế; số lượng giáo viên được tuyển chưa đạt chỉ tiêu được giao.

Việc bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn cho đội ngũ giáo viên luôn được tỉnh quan tâm. Hằng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát và thống kê số lượng giáo viên có nhu cầu nâng trình độ chuẩn để xem xét bồi dưỡng nhằm đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019.

Việc bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ được tổ chức thường xuyên, như: bồi dưỡng chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông; công tác chuyển đổi số trong giáo dục… Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục quan tâm, rà soát tình hình thực tế tại mỗi  địa phương, kịp thời báo cáo việc bồi bồi dưỡng chương trình giáo dục, chuyên đề… cho các cấp học theo quy định.

(3) Thực hiện các chế độ, chính sách kịp thời, đầy đủ theo quy định hiện hành của Trung ương và các chế độ hỗ trợ của tỉnh Bình Dương. Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành các chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ cho đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, như: Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của HĐND ban hành quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương ban hành quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành Giáo dục, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương…

(4) Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục luôn được lãnh đạo quan tâm sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đội ngũ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến công chức, viên chức, người lao động nắm bắt kịp thời định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, tích cực triển khai, đẩy mạnh tiến độ thực hiện Kế hoạch số 1790/KH-SGDĐT ngày 12/10/2021 về triển khai thực hiện Chương trình số 19-CTr/TU ngày 31/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Dương về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

(5) Về đầu tư xây dựng trường học. Giai đoạn từ 2016 – 2023, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng trường học; công tác kiên cố hóa trường học của tỉnh Bình Dương đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 19 công trình trường học được cải tạo, nâng cấp mở rộng và xây mới với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng3

(6) Tình hình trang thiết bị dạy học. 100% cơ sở giáo dục các cấp học đã bảo đảm trang thiết bị dạy học  chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông cũ theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến tháng 12/2023, toàn ngành có 97/396 trường chất lượng được trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại cho phòng học dùng chung; đối với phòng học STEM, tỉnh đầu tư được 54/396 trường chất lượng, đạt 13,63%4.

(7) Mức độ xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách xã hội hóa giáo dục theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương, kế hoạch của tỉnh đề ra. Đến tháng 12/2023, tỷ lệ trường tư thục các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông chiếm 45,90%, trong đó mầm non đạt 73,01%, tiểu học đạt 1,86%, trung học cơ sở đạt 4,65% và trung học phổ thông đạt 25,00%5.

So với mục tiêu tăng cường huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025, tỷ lệ cơ sở giáo dục xã hội hóa của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã vượt tất cả chỉ tiêu được Chính phủ đề ra cho năm 2025. Tuy nhiên, khi xét về công tác đầu tư, nhiều cơ sở giáo dục xã hội hóa, chất lượng đầu tư còn thấp đối với giáo dục phổ thông chỉ đạt 5,41%, chỉ đáp ứng được yêu cầu cơ bản cho hoạt động giáo dục. Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có cơ sở giáo dục được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, tuy nhiên số lượng còn ít (toàn tỉnh có 3 trường: Trường Quốc tế Singapore tại thành phố mới Bình Dương; Trường Mầm non Việt Hoa; Trường tiểu học và trung học cơ sở Việt Hoa).

3. Đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nhà nước gắn với xã hội hóa về phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo 

Thứ nhất, đối với Trung ương. Cần kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thống nhất, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương thực hiện thông suốt, tận dụng các nguồn lực, cải thiện chất lượng và tính công bằng của hệ thống giáo dục quốc gia. Chính phủ cần phát triển và thúc đẩy việc áp dụng các chính sách và pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và điều hành hệ thống giáo dục; cung cấp nguồn tài trợ và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đặc biệt là đối với những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn. Đồng thời, xây dựng đối tác với các tổ chức xã hội như các tổ chức phi chính phủ để làm tốt công tác phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo gắn với xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, đối với địa phương

(1) Rà soát, nghiên cứu trình HĐND tỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, hợp lý để thu hút và giữ chân giáo viên còn thiếu ở các cấp học. Cụ thể: xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương ban hành quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.

(2) Đầu tư vào xây dựng trường học bằng quy hoạch, chính sách có hiệu quả. Căn cứ vào kết quả đầu tư xây dựng trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí, sắp xếp lớp, học sinh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả giải pháp tổ chức dạy học bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo phải có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh về chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

(3) Đầu tư xây dựng trường học bằng việc kết hợp với nguồn lực xã hội hóa. Trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, tỉnh cần quan tâm vấn đề đầu tư của xã hội vào việc phát triển, trong đó việc thu hút đầu tư phát triển hệ thống trường ngoài công lập có ý nghĩa quan trọng vì đây là nguồn lực góp phần tạo ổn định sự phát triển cho giáo dục. Các ngành, các cấp cần quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư ở tất các các cấp học và trình độ đào tạo. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cơ chế thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là cơ chế giao đất cho nhà đầu tư.

4. Kết luận

Quản lý nhà nước về phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo gắn với xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo tại tỉnh Bình Dương, thu hút sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư, hướng tới một nền giáo dục toàn diện. Để làm được điều đó đòi hỏi các cơ quan nhà nước có liên quan cần kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, thiết kế quy hoạch, lộ trình phát triển công tác giáo dục và đào tạo toàn diện và đặc biệt cần quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa để kịp thời thu hút sự chung tay của cả cộng đồng vào quá trình phát triển.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Tác giả tổng hợp số liệu từ nguồn báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cung cấp, năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương (2019). Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 ban hành quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.
2Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương (2019). Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 ban hành quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương.
3. Nguyễn Đình Quý (2024). Đẩy mạnh vai trò các tiểu ban phát triển kỹ năng nghề trong mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh – Giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 02/5/2024.
4. Nguyễn Phước Trọng (2024). Xã hội hóa giáo dục ở tỉnh Đồng Nai. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 31/5/2024.