TS. Đỗ Xuân Mười
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, tệ nạn mại dâm có nhiều phương thức hoạt động kín đáo được “núp bóng” trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; có sự đan xen giữa tổ chức mua, bán dâm và sử dụng trái phép các chất ma túy. Mại dâm biến tướng theo hợp đồng, đường dây hoặc có yếu tố nước ngoài diễn ra tinh vi với nhiều hình thức đa dạng. Các đối tượng lợi dụng mạng internet, ứng dụng công nghệ cao tạo diễn đàn hoặc nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, tiếp thị, thỏa thuận mua, bán dâm. Để nâng cao công tác phòng, chống tệ nạn xã hội hiện nay, đặc biệt là tệ nạn mại dâm, các ngành, các cấp và toàn xã hội cần phải nỗ lực chung tay đẩy lùi.
Từ khóa: Phòng, chống tệ nạn xã hội; chất lượng; quản lý nhà nước.
1. Đặt vấn đề
Ngày 17/3/2003, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/Pl-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành quy định mại dâm là hành vi mua, bán dâm, trong đó mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác (khoản 1, 2 Điều 3). Như vậy, có thể hiểu, mại dâm gồm bán dâm và mua dâm được nhận diện qua đặc điểm: (1) Có hành vi giao cấu, hành vi giao cấu đó phát sinh trên cơ sở có sự trao đổi (trả hoặc hứa trả) về tiền hoặc lợi ích vật chất khác; (2) Mại dâm phải là hành động trao đổi tình dục ngoài hôn nhân.
Hiện nay, các hoạt động mại dâm diễn ra phức tạp, không đơn thuần mại dâm giữa nam với nữ mà còn có mại dâm đồng tính nam, nữ hay việc sử dụng đồ chơi tình dục cũng ngày càng trở nên phổ biển và khó kiểm soát. Vì vậy, có thể hiểu mại dâm là hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, trong đó một người vì thỏa mãn nhu cầu tình dục mà trả tiền hay lợi ích vật chất để người khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với mình, một người nhằm nhận tiền, lợi ích vật chất mà giao cấu hay thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người khác.
2. Thực trạng tệ nạn mại dâm
Thực tế cho thấy, mại dâm có liên quan mật thiết với các loại tệ nạn xã hội và đang gây ra nhiều tác hại cho xã hội; đồng thời, làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm…; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em. Mặt khác, với sự phát triển nhanh của khoa học – công nghệ, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, tệ nạn mại dâm ngày càng có xu hướng phát triển theo những phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn. Hiện nay, tình hình tệ nạn mại dâm có chiều hướng gia tăng về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động, theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2023, cả nước có 7.504 người bán dâm, trong đó số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê (qua xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế…) là 2.116 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do tính biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm này1.
Các đối tượng lợi dụng mạng internet, ứng dụng công nghệ cao, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, tiếp thị, thỏa thuận mua, bán dâm. Đặc biệt, chúng còn sử dụng các thủ đoạn thanh toán mới bằng tiền ảo, thanh toán qua các hình thức trung gian hoặc qua tài khoản ngân hàng không chính chủ hay nạp tiền qua các đại lý game online. Trên phạm vi cả nước hiện có: 90.130 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với tổng số nhân viên: 133.902 người, (trong đó 54.345 cơ sở lưu trú, 13.720 cơ sở karaoke và massage, 188 vũ trường, 21.894 các loại hình khác, như: cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống, cơ sở spa…).
Hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ này, đặc biệt trong các khách sạn lớn, các cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, thường tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, như thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh (Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp và Vĩnh Long…)2. Đội liên ngành 178 các địa phương đã kiểm tra 68.411 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, trong đó phát hiện 14.093 cơ sở vi phạm và đã xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo: 4.266 cơ sở; phạt tiền 4.816 cơ sở với số tiền phạt 47 tỷ 515 triệu đồng; đình chỉ kinh doanh: 320 cơ sở; rút giấy phép kinh doanh: 39 cơ sở; áp dụng các hình thức xử phạt khác: 4.652 cơ sở3.
Theo Báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, các lực lượng chức năng đã thực hiện 2.595 cuộc truy quét tại địa điểm công cộng và 1.673 cuộc triệt phá tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; 5.553 đối tượng vi phạm (trong đó: 2.158 người bán dâm, 2.093 người mua dâm và các đối tượng liên quan khác). Viện Kiểm sát Nhân dân đã khởi tố, điều tra đối với 1.088 vụ/1.576 bị can liên quan đến hoạt động mại dâm; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 975 vụ/1.410 bị cáo. Tòa án các cấp đã thụ lý, xét xử: 1.004 vụ/1.463 bị cáo4.
Theo thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố đã tổ chức 652.145 cuộc truyền thông tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm với hơn 48 triệu lượt người tham gia; phát gần 9 triệu tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu,…) đến cơ sở; 124.167 lượt cán bộ thuộc mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên tại địa phương đã được tham gia các khóa tập huấn chuyên ngành về phòng, chống mại dâm5. Tuy nhiên, người bán dâm chuyển sang hoạt động trên không gian mạng nên vấn nạn này vẫn còn là cuộc chiến cam go. Các quy định của pháp luật về xử lý hành chính đối với người mua, bán dâm còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện còn nhiều bất cập, sơ hở. Cùng với đó, một bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách, pháp luật về tệ nạn mại dâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở một số tỉnh, thành phố chưa được chú trọng nên chưa kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm theo quy định. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế để quản lý cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội; thiếu văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất về việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính nên việc kiểm tra, phát hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng dẫn đến xử lý dứt điểm được đối với các hành vi này.
3. Một số giải pháp
Một là, tiếp tục thực hiện quán triệt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về ý thức trách nhiệm và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội.
Cấp ủy, chính quyền và đoàn thể quần chúng các cấp cần xác định phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
Hai là, rà soát, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; tổ chức các hoạt động tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.
Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg ngày 05/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Xây dựng, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; tuyên truyền phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ, các gói dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Bảo đảm các nguồn lực, có chính sách đãi ngộ thích đáng để động viên, khuyến khích việc tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội của các cá nhân, tổ chức kinh tế – xã hội; đồng thời, rà soát, đánh giá để điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng thời điểm và từng địa phương.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát một cách toàn diện trong công tác phòng, chống mại dâm thông qua xây dựng tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Đồng thời, tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất ở một số địa phương trọng điểm với từng thời điểm khác nhau. Đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung danh sách các cơ sở, trường lớp hoặc công ty chuyên đào tạo ca sĩ, người mẫu, diễn viên, tổ chức sự kiện tiềm ẩn nguy cơ trở thành đối tượng bán dâm cao cấp.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân để người dân nhận thức rõ quy luật hoạt động và tác hại của các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm, từ đó, có ý thức tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc như mô hình “Tuần tra nhân dân”, “Tổ an ninh xã hội”, “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học trong lĩnh vực này để đáp ứng công tác phòng, chống tội phạm mại dâm trên không gian mạng trong giai đoạn mới.
Tệ nạn mại dâm gây ra rất nhiều tác hại cho bản thân các cá nhân thực hiện hành vi mua, bán dâm; đồng thời, có tác động tiêu cực đến sức khỏe, giống nòi, giá trị văn hóa dân tộc, trật tự và an toàn xã hội. Đây là loại tệ nạn có yếu tố cộng sinh làm gia tăng nhanh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, phát sinh tệ nạn ma túy và nhiều loại tệ nạn xã hội khác. Vì lẽ đó, từng cá nhân, gia đình nói riêng và toàn xã hội nói chung cần chung tay đẩy lùi, bài trừ tệ nạn mại dâm và góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Chú thích:
1. Kết quả công tác phòng, chống mại dâm 06 tháng đầu năm 2023.https://pctnxh.molisa.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=3&id=5008, truy cập ngày 17/4/2024.
2. Vĩnh Hoàng (2023). Hoạt động mại dâm đang diễn biến hết sức tinh vi. https://tiengchuong.chinhphu.vn/hoat-dong-mai-dam-dang-dien-bien-het-suc-tinh-vi-113230815152705897.htm.
3, 4. Sơ kết 02 năm thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 – 2025. https://www.molisa.gov.vn/baiviet/236537?tintucID=236537, ngày 31/3/2023.
5. Tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho hơn 48 triệu lượt người.https://tiengchuong.chinhphu.vn/tuyen-truyen-phong-chong-mai-dam-cho-hon-48-trieu-luot-nguoi-11334841.htm, truy cập ngày 15/4/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (1994). Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 01/3/1994 về lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội.
2. Bộ Chính trị (2008). Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Nguyễn Tiến Phương. Áp dụng pháp luật trong điều tra tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia. Tạp chí Quản lý nhà nước số 335 (12/2023), tr. 73 – 77.
5. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 – 2025.
6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2003). Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003.
7. Đặng Minh Châu (2023). Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/04/27/quan-ly-nha-nuoc-ve-cong-tac-phong-chong-ma-tuy-hien-nay/.
8. Hoàng Việt Hùng (2023). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội tại quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/05/11/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-phong-chong-te-nan-xa-hoi-tai-quan-thanh-xuan-thanh-pho-ha-noi/.
9. Lương Thị Minh (2024). Tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/03/14/tang-cuong-bao-ve-tre-em-truoc-nguy-co-bi-xam-hai-tinh-duc-hien-nay/.