Tăng cường vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Nhà báo Thúy Vân
Tạp chí Quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Chống “giặc nội xâm” là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, trong đó báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh đó. Trên cơ sở phân tích vai trò và thực trạng của báo chí trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò của báo chí trong thời gian tới.

Từ khóa: Vai trò của báo chí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chống giặc nội xâm; giải pháp; nâng cao.

1. Vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “giặc nội xâm” là “thứ giặc nguy hiểm”, “gian giảo và xảo quyệt”; “giặc nội xâm” luôn được coi là đồng minh của các thế lực thù địch1. Người cũng chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”2. Vì vậy, ngay từ khi giành được chính quyền, công tác phòng, chống tiêu cực; phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc nạn tham nhũng được quan tâm đặc biệt.

Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chống giặc nội xâm, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,… với động cơ không trong sáng”3. “Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”4. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”5. Điều đó khẳng định, chống “giặc nội xâm” là chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của đội ngũ cán bộ, đảng viên; chống lại các thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch.

Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” là nhiệm vụ rất quan trọng đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Trong “cuộc chiến” chống “giặc nội xâm” đó, báo chí với lực lượng hùng hậu (808 cơ quan báo chí, 42.400 người làm việc trong lĩnh vực báo chí)6 đã đóng góp tích cực, có vai trò quan trọng trong trận chiến này:

(1) Báo chí thể hiện vai trò xung kích, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc làm trái pháp luật để trục lợi; các hành vi không chấp hành các nguyên tắc hoạt động của Đảng;

(2) Là công cụ sắc bén để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ Nhân dân, đồng thời là vũ khí lợi hại để đập tan âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân;

(3) Báo chí có vai trò thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tạo áp lực dư luận xã hội, từ đó buộc các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.

Báo chí đóng vai trò quan trọng như vậy nên nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiêu cực của báo chí đã được khẳng định trong các nghị quyết, Văn kiện của Đảng và được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, như:

(1) Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ: “Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(2) Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội: “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”; Điều 86 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có quy định về vai trò của báo chí: Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí đã không ngừng phát huy vai trò của mình trong cuộc đấu tranh này.

Như vậy, báo chí là diễn đàn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong “cuộc chiến” cam go, phức tạp về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là nơi phản ánh các vấn đề sinh động của thực tiễn; đồng thời, là nơi tin cậy nhất chuyển tải tới Nhân dân những thông điệp về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

2. Thực trạng công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” của báo chí gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Những năm qua, công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” của báo chí gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Thứ nhất, báo chí là nơi: (1) Chuyển tải những thông điệp về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Chẳng hạn, bài viết: “Thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” của tác giả Quyết Thắng, Hồng Phúc đăng trên báo Nhân dân điện tử7; bài viết “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng, nhân dân tin tưởng” của nhóm tác giả: Trần Văn Vương, Đỗ Phú Thọ đăng trên báo Xây dựng Đảng điện tử8; (2) Là nơi đăng tải các quan điểm chỉ đạo của Đảng qua các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, như: Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ.

Thứ hai, báo chí phản ánh mạnh mẽ, kịp thời các vấn đề nổi cộm về tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật, bất cập trong công tác quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có gần 30 nghìn tác phẩm viết về đề tài chống tham nhũng, tăng gần gấp 3 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII. Trong đó, có nhiều tác phẩm phản ánh kết quả 1 năm sau khi các ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng được thành lập.

Đã có 1.858 bị can bị khởi tố về tội tham nhũng9. Tính riêng trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin bài, phóng sự nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực10. Chẳng hạn: loạt phóng sự điều tra của tác giả Hồng Nguyên đăng trên Báo Giao thông: (1) Thu 300 triệu/lốt xe cửa khẩu: Những mắt xích nào có trách nhiệm liên quan?11; (2) “Chi tiền “luật ngầm” ở cửa khẩu: “Nhà luật” móc túi cả “tài bo” và chủ hàng12; bài viết “Sự thật hành trình trần ai: Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân” của Nhà báo Hoàng Thiên Nga đăng trên báo Tiền Phong13.

Như vậy, báo chí đã thực sự góp phần quan trọng tích cực đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong đời sống xã hội đã tạo sức ép, buộc các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi của Nhân dân.

Thứ ba, báo chí tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đã bị các cơ quan báo chí phát hiện, đấu tranh, vạch trần bằng các bài viết có sức thuyết phục giúp Nhân dân nhận ra bản chất thật sự của các âm mưu, luận điệu, như: ngăn cản Việt Nam lần thứ hai ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; xuyên tạc về chính sách dân tộc của Việt Nam liên quan đến vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân diễn ra tại Đắk Lắk…

Hay, khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các thế lực thù địch cho rằng: (1) “Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ đánh thuế đất, thuế nhà rất cao, chỉ lợi cho Nhà nước và bất lợi do dân nghèo gây hoang mang dư luận”; (2) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được thông qua “là dấu hiệu cho thấy Chính phủ sẽ tiếp tục tước đoạt quyền lợi của người dân” hay “Nhà nước Việt Nam tiến hành sửa đổi Luật Ðất đai là để thao túng thị trường đất đai”.

Trước những luận điệu xuyên tạc trên, tác giả Trương Thị Điệp14 đã viết bài “Phản bác luận điệu xuyên tạc về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” để biện luận: (1) Việc điều chỉnh thuế suất trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với điều kiện thực tế và việc tăng thuế không “đánh” vào người nghèo như lời bịa đặt mà “đánh” vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất. Điều này sẽ là liều thuốc “đặc trị” giúp giá đất “hạ sốt” góp phần bình ổn thị trường; (2) Dự thảo Luật Đất đai quy định rất cụ thể, chi tiết các quyền của người sử dụng đất, đưa ra các bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, nêu cao trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với người nghèo. Như vậy, bài viết đã chứng minh rằng “sự xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn của các thế lực thù địch là nhằm mục đích gây chia rẽ giữa ý Đảng, lòng dân.

Thứ tư, các cơ quan báo chí đã tích cực mở nhiều chuyên mục: “Tọa đàm”, “Đối thoại”, “Luận đàm”; “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”; “Ban bạn đọc”; “Đường dây nóng”; … nhằm thông tin tư vấn, giải thích, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, phương pháp đổi mới công tác xây dựng Đảng, đổi mới quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả hơn, nêu cao đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn hệ thống chính trị.

Có thể khẳng định, công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm”, hay nói cách khác là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng thời gian qua có bước đột phá là có sự đóng góp rất quan trọng của báo chí. Báo chí đã cung cấp cho các cơ quan chức năng những thông tin quan trọng, cần thiết để tiến hành xác minh, điều tra. Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vai trò báo chí vẫn còn một số hạn chế, như: vẫn còn có những bài báo thiếu tính thuyết phục, còn võ đoán, chưa nêu ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề; còn tình trạng một số cơ quan báo chí e dè, chưa dám nêu tên, chưa chỉ đích danh những cá nhân, tổ chức vi phạm; cơ chế bảo vệ nhà báo khi tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thiếu chặt chẽ; tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử và mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến mà chưa có chế tài ngăn chặn hiệu quả.

3. Một số giải pháp nâng cao vai trò của báo chí trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí. Đồng thời, cần xây dựng các tổ chức đảng trong cơ quan báo chí thật sự trong sạch, vững mạnh; khắc phục những biểu hiện “buông lỏng”, “xem nhẹ” công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan báo chí.

Hai là, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, có cơ chế, chính sách bảo vệ nhà báo. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tuân thủ nguyên tắc về nghiệp vụ: thông tin chính xác, minh bạch và trung thực, tránh tin giả mạo, gây thất thiệt. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Đồng thời, cần có cơ chế khen thưởng, tuyên dương đối với các nhà báo có công trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, đội ngũ người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; kỹ năng, phương pháp tác nghiệp khoa học, nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật. Các thông tin được công bố phải bảo đảm tính chính xác, minh bạch, có căn cứ, bằng chứng rõ ràng, không được quy chụp, võ đoán. Mỗi nhà báo cần phải thường xuyên rèn đức, luyện tài, giữ cho “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.

Bốn là, cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần:

(1) Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên;

(2) Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông; bảo đảm báo chí phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước;

(3) Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục; đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng: “đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”.

Năm là, cần chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí nhằm bảo đảm nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, có ý nghĩa quyết định đến “tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu” trong hoạt động báo chí.

Chú thích:
1. Lê Quý Hoàng. Phòng, chống “giặc” nội xâm. https://www.qdnd.vn, ngày 13/6/2010.
2. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 362.
3, 4, 5. Nguyễn Phú Trọng (2023). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 36, 37, 38.
6. Báo chí thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phòng chống tham nhũng. https://vtv4.vn, ngày truy cập 16/6/2024.
7. Quyết Thắng, Hồng Phúc. Thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. https://nhandan.vn, ngày 03/6/2023.
8. Trần Văn Vương, Đỗ Phú Thọ. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng, nhân dân tin tưởng. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 20/4/2023.
9. Báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. https://vtv.vn, ngày 05/11/2022.
10. V.Đ. Báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. https://www.vietnamplus.vn, ngày 23/6/2023.
11. Hồng Nguyên. Thu 300 triệu/lốt xe cửa khẩu: Những mắt xích nào có trách nhiệm liên quan?. https//baogiaothong.vn, ngày 18/01/2022.
12. Hồng Nguyên. Chi tiền “luật ngầm” ở cửa khẩu: “Nhà luật” móc túi cả “tài bo” và chủ hàng. https://baogiaothong.vn, ngày 21/01/2022.
13. Hoàng Thiên Nga. Sự thật hành trình trần ai: Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân. https://tienphong.vn, ngày 05/5/2020.
14. Trương Thị Điệp. Phản bác luận điệu xuyên tạc về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi. https://baodanang.vn, ngày 25/3/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.
2. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2016). Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
4. Thuý Vân. Nhà báo phải là tấm gương về đạo đức cách mạng – bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 20/6/2023.