Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bắc Giang 

Nguyễn Bá Công
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh Bắc Giang xác định là nội dung trọng tâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giá trị và tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương; tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất, bước đầu xuất hiện mô hình hợp tác, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững; từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 

Từ khóa: Bắc Giang; ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp.

1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh Bắc Giang xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nền nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: “Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học”1; sản xuất chuyên canh và thâm canh cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nhân lực, kinh nghiệm canh tác của địa phương; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa chủ lực và thu nhập của người dân trong tỉnh. Cùng với đó, Tỉnh ủy Bắc Giang chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm và tiếp thu có chọn lọc công nghệ mới, tiên tiến; vừa có chính sách thu hút tham gia của các khu vực doanh nghiệp với ý nghĩa là động lực chủ yếu, vừa khuyến khích cá nhân, hộ gia đình xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngày 16/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 130-NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 – 2020, xác định mục tiêu: Phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản chủ lực của địa phương, có sự tham gia hợp tác, liên kết của các thành phần kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và thu nhập của người sản xuất; tạo lập thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa của tỉnh. Đồng thời, Nghị quyết số 130-NQ/TU xác định mục tiêu đến năm 2020, “năng suất tăng từ 20 – 30% so với năm 2016”2.

Ngày 03/4/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 401-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 30/5/2019, theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vượt trội. Trong quá trình xây dựng có sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, Viện Nghiên cứu Trung ương xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 chủ trương: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch”3. Phát triển nông nghiệp đa dạng cả về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Đại hội xác định mục tiêu: “Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt bình quân 2,5%/năm”4. Để thực hiện mục tiêu trên, cần đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác; xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIX, Chương trình hành động số 03-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhấn mạnh: xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.

2. Những kết quả đạt được

Kết quả thực hiện mục tiêu chung: Tỉnh đã triển khai xây dựng hàng trăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; các sản phẩm nông sản chủ lực sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được tăng lên rõ rệt, thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh được mở rộng; nhiều đặc sản nổi tiếng, như: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, rượu Làng Vân, bánh đa Kế, gà đồi Yên Thế… được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và tin tưởng; nông nghiệp của tỉnh đã phát huy được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế góp phần vào ổn định tình hình kinh tế, an ninh, chính trị trật tự xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,45%, dẫn đầu cả nước, trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%5.

Kết quả thực hiện các mục tiêu cụ thể:  

Công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát hiện trạng đất đai, lợi thế của từng địa phương để xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, bao gồm: 77 vùng sản xuất rau tập trung, với diện tích là 7.787 ha (trong đó 18 vùng ứng dụng công nghệ cao); 41 vùng sản xuất vải tập trung, với diện tích là 21.219 ha (trong đó 5 vùng ứng dụng công nghệ cao); 9 vùng sản xuất cam tập trung, với diện tích là 2.750 ha (trong đó 4 vùng ứng dụng công nghệ cao); 3 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, với diện tích là 66 ha (trong đó 2 vùng ứng dụng công nghệ cao)…”6.

Công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học –  kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu của sản xuất nông nghiệp: Ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó trọng tâm là thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn đã triển khai xây dựng 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả (trồng trọt 332, chăn nuôi 200, thủy sản 210, lâm nghiệp 24) có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Công tác hỗ trợ đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản để thu hút nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường hướng dẫn áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ để bón cho cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây, áp dụng các quy trình sản xuất SRI, 3 giảm 3 tăng… Chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học… Kết quả an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, nhận thức trong sản xuất – kinh doanh sản phẩm nông, lâm thủy sản được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ sản xuất thâm canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 46,2%; tỷ lệ sản xuất thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 44,5%; tỷ lệ sản xuất thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP 43%; tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 44%; tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 46%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản được cấp giấy chứng nhận ATTP đạt 94%7.

Công tác quảng bá xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm: Đến nay, toàn tỉnh có 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, gồm: 8 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam bưởi, lúa chất lượng, rau, lạc, cá), 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng; 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, trong đó một số sản phẩm được bảo hộ nước ngoài, như: mỳ Chũ, mỳ Kế được bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại Singapore, Trung Quốc, Lào; vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại Hoa Kỳ, Australia, Singapore. Có 60 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, trong đó: 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 54 nhãn hiệu tập thể; đã có 155 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.

Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại được chú trọng bằng nhiều hình thức, thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, website của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tham gia các chương trình, hội chợ thương mại tổ chức trong và ngoài tỉnh như: Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hội chợ AgroViet, hội chợ quốc tế nông sản và thực phẩm Việt Nam, Ngày hội trái cây Lục Ngạn, tuần lễ vải thiều tại Hà Nội… Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực ngay từ đầu vụ sản xuất; phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu xúc tiến và thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ nông sản.

Công tác tiêu thụ nông sản: Diện tích các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ được mở rộng đã tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng bảo đảm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm được quan tâm; thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm công nghệ cao được đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có các thị trường mới khó tính, như: Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, như: Vải thiều, rau chế biến, rau cần Hoàng Lương, chè Yên Thế, gà đồi, lợn sạch… Bên cạnh thị trường xuất khẩu, tỉnh đã chú trọng mời gọi các tập đoàn bán lẻ, chuỗi các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài nước, như: Aoen, Central Group, Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon.coop, Vinmart, Happro… và một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh, như: Công ty ViEco, Công ty Orion, Công Vifoco, Công ty GOC, Công ty Toàn cầu… liên kết sản xuất, chế biến ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.

Bên cạnh kết quả đạt được, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang vẫn còn có những hạn chế, bất cập, đó là: các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, phân tán; vẫn còn mang tính thử nghiệm; hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều. Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ cao, sản xuất – kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… chưa chặt chẽ8.Nguồn lực đầu tư bao gồm cả tài chính và nhân lực về công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp của Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân còn chưa cao. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; một số sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu để truy xuất nguồn gốc; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp. 

3. Một số kinh nghiệm

Quá trình tổ chức, thực hiện và những kết quả đạt được trong trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang rút ra một số kinh nghiệm có giá trị, như sau:

Một là, phải có sự vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt và đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu. 

Hai là, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải theo quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thành vùng sản xuất tập trung, có mục tiêu, định hướng rõ ràng; phải có sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hình thành liên kết chuỗi ổn định, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia; chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ thông tin.

Ba là, phải lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với công nghệ, tiềm năng, thế mạnh để đưa vào sản xuất tập trung tại mỗi vùng, địa phương nhằm đem lại hiệu quả cao nhất; có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. 

Bốn là, quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Năm là, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải giải quyết được việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập cho người nông dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

4. Kết luận

Kết quả đạt được từ quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mở ra một hướng đi mới, mang tính đột phá cho ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, tạo tiền đề cho ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Có được những thành tựu mang tính đột phá trên, trước hết là nhờ Đảng bộ địa phương đã quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng về ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở xác định nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã đề ra các chủ trương, cơ chế và các giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ đã lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và từng địa phương nên đã nâng cao được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. 

Chú thích: 
1. Tỉnh ủy Bắc Giang (2015). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII
2. Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 – 2020.
3, 4. Tỉnh ủy Bắc Giang (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX.
5, 6, 7, 8. Tỉnh ủy Bắc Giang, Ban cán sự UBND tỉnh. Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
9. Tỉnh ủy Bắc Giang, Ban cán sự UBND tỉnh. Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 – 2020 gắn với báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Tài liệu tham khảo:
1. Thái Hòa (2020). Bắc Giang: Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.https://dangcongsan.vn/kinh-te/bac-giang-phat-trien-nong-nghiep-quy-mo-lon-cong-nghe-cao-571658.html.
2. Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế năm 2023. https://dangcongsan.vn/bac-giang-khat-vong-doi-moi-phat-trien/tin-tuc/bac-giang-dan-dau-ca-nuoc-ve-tang-truong-kinh-te-nam-2023.