TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo
Trường Đại học Quy Nhơn
(Quanlynhanuoc.vn) – Với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, trong đó cải cách hành chính ở cấp huyện có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là cơ quan có vai trò cầu nối giữa chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp xã trong việc thực thi quản lý nhà nước ở địa phương; là cấp quản lý hành chính trung gian để thực hiện những chính sách, quyết định từ trung ương tại cơ sở. Bài viết đánh giá thực trạng công tác cải cách hành chính tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định từ năm 2021 – 2023, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của huyện trong thời gian tới.
Từ khóa: Cải cách hành chính; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; chính quyền số; huyện Tuy Phước; tỉnh Bình Định.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, các cơ quan nhà nước đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính. Để triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 20/01/2020 về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 của tỉnh Bình Định; ban hành Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025. Dựa trên các văn bản chỉ đạo nêu trên, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tuy Phước thực hiện Kế hoạch số 25-KH/HU ngày 14/12/2021 của Huyện ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021 – 2025 với 6 nội dung chính: (1) Cải cách thể chế, (2) Cải cách thủ tục hành chính, (3) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, (4) Cải cách chế độ công vụ, (5) Cải cách tài chính công, (6) Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
2. Thực trạng công tác cải cách hành chính của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định từ năm 2021 – 2023
Với những nỗ lực của huyện Tuy Phước, công tác cải cách hành chính thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như sau:
2.1. Về cải cách thể chế
Trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật: từ năm 2021 – 2023, Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND huyện đã ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật (14 nghị quyết; 15 quyết định), tổ chức 1 hội nghị triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2020) và tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho 80 cán bộ, công chức là lãnh đạo, công chức chuyên môn.
Đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: UBND huyện đã tổ chức tự kiểm tra đối với 27 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND huyện ban hành (14 nghị quyết, 13 quyết định); kiểm tra theo thẩm quyền đối với 108 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã (93 nghị quyết, 15 quyết định). Từ năm 2021 – 2023, huyện đã tổ chức rà soát đối với 32 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND huyện ban hành (18 nghị quyết và 14 quyết định). Qua rà soát, có 27 văn bản còn hiệu lực và 05 văn bản hết hiệu lực thi hành. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp xã ban hành và công bố kết quả theo quy định đối với 161 văn bản quy phạm pháp luật (146 nghị quyết; 15 quyết định)1.
Thường xuyên tiến hành tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, thi hành pháp luật: các nội dung tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo kế hoạch của tỉnh và công tác xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thường xảy ra vi phạm, như: đất đai, quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, đã tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xử lý vi phạm hành chính và triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ cho 200 cán bộ, công chức là lãnh đạo và công chức tham mưu công tác theo dõi thi hành pháp luật của huyện và cấp xã.
Việc thực hiện công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện: các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và các ngành chuyên môn thực hiện cập nhật, công khai trên Trang Thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã, thông qua công tác giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, huyện đã tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.
2.2. Về cải cách thủ tục hành chính – nhiệm vụ trọng tâm
Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét cắt giảm, đơn giản hóa 4 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai và 2 thủ tục hành chính trên lĩnh vực tư pháp – hộ tịch. Qua quá trình tổng hợp, cập nhật số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, địa phương giai đoạn 2021 – 2023, huyện thực hiện công khai tổng cộng 475 thủ tục, trong đó: cấp huyện 325 thủ tục (toàn trình: 175); cấp xã 150 thủ tục (toàn trình: 53 thủ tục). Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và giải quyết hồ sơ có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê kết quả trên phần mềm IGates, Bộ phận một cửa trên địa bàn huyện đã tiếp nhận tổng số 122.979 hồ sơ, đã giải quyết 122.145 hồ sơ, trong đó có 121.472 hồ sơ trước và đúng hẹn, đạt 99,45% (vượt chỉ tiêu tỉnh giao 2,45%); có 673 hồ sơ trễ hẹn, chiếm 0,55%.
Trong thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đã thực hiện nghiêm túc việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Năm 2023, toàn huyện đã thực hiện xác thực 10.824/12.736 hồ sơ, đạt 84,99%; đã số hóa thành phần hồ sơ: 5.394/18.114 hồ sơ, đạt 29,3%; số hóa kết quả 2.104/18.114 hồ sơ, đạt 11,6%; tỷ lệ sử dụng lại kết quả số hóa 03/18.114 đạt 0%2.
Để thực hiện Quyết định số 4294/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh về Đề án “Thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định”, UBND huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện chuyển giao, thuê doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định.Theo đó, UBND huyện đã thực hiện nghiêm túc việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp và không yêu cầu công dân phải xuất trình các giấy tờ để chứng nhận các thông tin về căn cước công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tuy Phước (gọi tắt là Đề án 06). Toàn huyện đã thực hiện xác thực 10.824/12.736 hồ sơ, đạt 84,99%3. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định thủ tục hành chính được tiếp nhận trên Hệ thống PAKN; chuyên mục Hỏi – Đáp trên Dịch vụ công và trực tiếp qua số điện thoại đường dây nóng của Trưởng Bộ phận Một cửa để tham mưu văn bản chuyển các phòng chuyên môn trả lời, giải đáp thắc mắc bằng văn bản cho công dân.
2.3. Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính
Đến nay đã rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập gồm: 3 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 21 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 36 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, UBND huyện đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế, kết quả đến nay, huyện đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 17 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó nghỉ hưu trước tuổi 14 người, thực hiện thôi việc ngay 3 người (không kể nghỉ hưu đúng tuổi) đạt tỷ lệ theo kế hoạch đã đề ra4. Căn cứ các quyết định phân cấp của UBND tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện trên các lĩnh vực, UBND huyện đã triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Từ năm 2021 – 2023, UBND huyện đã tổ chức 2 cuộc kiểm tra đối với nội dung phân cấp về lĩnh vực nông lâm thủy sản đối với 9 cơ sở sản xuất về nông, lâm, thủy sản.
2.4. Về cải cách chế độ công vụ
Đã hoàn thành Khung danh mục vị trí việc làm, Bản mô tả công việc và Khung năng lực vị trí việc làm đối với 100% các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện. Công tác chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, trong đó đã chuyển đổi 22 viên chức kế toán các trường, 6 công chức Tài chính – Kế toán cấp xã và 9 công chức Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường cấp xã. Từ năm 2021 – 2023, đã tuyển dụng 327 viên chức giáo dục, 20 viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập, xét tuyển không qua thi tuyển đối với 9 công chức cấp xã; bổ nhiệm, đề bạt công chức, viên chức cho 27/31 phó phòng và tương đương của 12 cơ quan chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp cấp huyện; bổ nhiệm 13 lãnh đạo phòng và tương đương (5 trưởng phòng, 8 phó phòng); bổ nhiệm lại 9 lãnh đạo phòng và tương đương (3 trưởng phòng, 6 phó phóng và tương đương).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã được huyện quan tâm và cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và hàng chục lượt cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do tỉnh tổ chức.
Qua đánh giá xếp loại, năm 2021 có 2.041/ 2.131 cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đạt 96%; năm 2022, có 2.019/2.080 cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đạt 97%. Công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Tổ kiểm tra công vụ của huyện đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 13 xã, thị trấn; qua kiểm tra đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và người đứng đầu trong thực thi công vụ5. Về cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức tại huyện đã được cập nhật thông tin cán bộ, công chức vào phần mềm quản lý cán bộ, công chức theo quy định.
2.5. Về cải cách tài chính công
Việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương về cơ bản phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện; khuyến khích tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách; trao quyền chủ động cho các cấp ngân sách trong quản lý điều hành nhiệm vụ thu, chi; từng bước phát huy năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách của từng cấp. Toàn huyện hiện có 18/18 cơ quan hành chính cấp huyện được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; 13/13 xã, thị trấn đã thực hiện cơ chế tài chính, chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định, đạt 100%6.
2.6. Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 45-KH/HU ngày 29/6/2022 của Huyện ủy; UBND huyện đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện và thành lập thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của huyện:
(1) Các phòng, ban, ngành trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã triển khai sử dụng Hệ thống văn phòng điện tử để xử lý công việc; 100% lãnh đạo và các chuyên viên tại Văn phòng HĐND và UBND huyện, một số phòng, ban liên quan đều sử dụng chữ ký số chuyên dùng để xử lý công việc trên môi trường mạng; 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn đã trao đổi văn bản với nhau qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử (trừ các văn bản mật theo quy định).
(2) Triển khai lắp đặt hệ thống họp trực tuyến từ Huyện ủy về các xã, thị trấn; nâng cấp đường truyền hội nghị trực tuyến từ cáp quang sang đường truyền số liệu chuyên dùng từ cấp huyện về đến cấp xã; đầu tư đồng bộ trang thiết bị tại bộ phận một cửa cấp xã và cấp huyện; hoàn thành và đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử của 13 xã, thị trấn.
(3) Thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử, thanh toán trực tuyến ngày càng tăng, cụ thể: số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến năm 2021: 82/13.720 hồ sơ, năm 2022: 9.095/20.138 hồ sơ, năm 2023: 8.693/9688 hồ sơ; số lượng bản sao chứng thực điện tử từ bản chính năm 2021: 132 hồ sơ, năm 2022: 4.289 hồ sơ, năm 2023: 3.808 hồ sơ; thanh toán trực tuyến năm 2022 đạt 38,87%, 2023 đạt 63,25%7.
Cổng thông tin điện tử của UBND huyện tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả, có nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, đã thu hút hàng trăm ngàn lượt truy cập, phục vụ quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND huyện.
3. Những hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính tại huyện Tuy Phước, thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như:
Thứ nhất, một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt nên dẫn đến kết quả đánh giá xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính, kết quả Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của huyện chưa cao.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính tuy có thực hiện nhưng thiếu các hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền qua các trang mạng xã hội nên hiệu quả mang lại chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết trong tham mưu, đề xuất các biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Thứ ba, về thể chế, nhất là việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã chưa cao; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đối với cấp xã còn có mặt hạn chế. Việc thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tái sử dụng kết quả số hóa giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương còn nhiều lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra, như: dữ liệu thông tin căn cước công dân, dữ liệu hồ sơ địa chính, dữ liệu tư pháp, hộ tịch… Phần lớn các phòng, ban chuyên môn huyện và UBND các xã, thị trấn chưa thực hiện việc lập hồ sơ công việc. Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt thấp so với tổng số thủ tục hành chính có yêu cầu thanh toán trực tuyến.
Thứ tư, về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy được nâng lên nhưng tinh thần trách nhiệm, tinh thần hợp tác thực hiện nhiệm vụ chung của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; đôi lúc, đôi nơi vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là trong giải quyết hồ sơ cho công dân. Cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa hằng ngày phải tiếp rất nhiều công dân nên áp lực công việc lớn, không có nhiều thời gian để hướng dẫn, khuyến khích cá nhân, tổ chức sử dụng các dịch vụ tại Bộ phận một cửa, như: chuyển trả hồ sơ qua bưu chính công ích, thanh toán trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử…
Thứ năm, tâm lý người dân muốn nhận kết quả giải quyết trực tiếp nên vẫn không mặn mà với các dịch vụ được cung cấp tại Bộ phận một cửa. Hầu hết người dân đến giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đa số là người trung niên, lớn tuổi nên ít dùng điện thoại thông minh, sim (thuê bao) chưa chính chủ, tâm lý muốn nộp hồ sơ nhanh để được về sớm nên không muốn hợp tác, gây khó khăn cho công chức, viên chức trong việc hướng dẫn tạo lập tài khoản cho công dân.
Những tồn tại hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do:
(1) Công tác chỉ đạo, điều hành: nhận thức của người đứng đầu và cán bộ, công chức một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đúng mức về công tác cải cách hành chính; chưa quan tâm, thể hiện rõ quyết tâm và trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính; việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, sâu sát.
(2) Năng lực làm việc của cán bộ, công chức: tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức còn hạn chế; số lượng hồ sơ lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao nhưng chất lượng giải quyết hồ sơ chưa cao, chưa thực hiện đúng yêu cầu và không chiếm được sự hài lòng của người dân đến giải quyết hồ sơ.
(3) Nguồn lực cho công tác cải cách hành chính: nguồn lực phục vụ cho công tác tuyên truyền về cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn kinh phí phục vụ cho công tác còn hạn chế.
(4) Thói quen người dân là muốn đến trực tiếp Bộ phận một cửa để gặp cán bộ để được tư vấn; mặt khác, một số người dân chưa quen tiếp cận các thiết bị thông tin nên gặp khó khăn trong các thao tác trên máy tính, điện thoại.
4. Giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính tại huyện Tuy Phước trong thời gian tới
Một là, nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đến toàn thể cán bộ, công chức, người dân để tạo động lực và sự đồng thuận của người dân trên địa bàn huyện về thực hiện cải cách hành chính gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Hai là, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về cải cách hành chính, trong đó chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, hình thức tuyên truyền qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook…; tiếp tục gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, nhất là kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Ba là, rà soát, xây dựng kế hoạch cải cách hành chính hằng năm phải phù hợp với kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025, tiến trình cải cách hành chính của huyện, của tỉnh và phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Cập nhật, công khai kịp thời, đầy đủ đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận một cửa; tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình giải quyết hồ sơ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Bốn là, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đặc biệt là tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ gắn với việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất, nghiêm túc, khách quan theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2021 – 2025; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác định kỳ theo quy định, nhất là đối với những vị trí công tác thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, những cán bộ, công chức có dư luận, biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.
Năm là, ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số; phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên, các tổ công nghệ số cộng đồng trong đẩy mạnh truyên truyền thực hiện hiện chuyển đổi số. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, số hóa các tài liệu, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đất đai… gắn với công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm túc việc lập, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến và chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
5. Kết luận
Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước Việt Nam nói chung và huyện Tuy Phước nói riêng. Vì vậy, UBND huyện cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác cải cách hành chính, thường xuyên tổng kết, đánh giá để phát huy những kết quả tích cực và kịp thời khắc phục những hạn chế tồn tại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng năm 2030.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Tổng hợp các báo cáo của UBND huyện Tuy Phước: Báo cáo 364/BC-UBND ngày 17/12/2021 báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2021; Báo cáo số 359/BC-UBND ngày 15/12/2022 báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2022; Báo cáo số 524/BC-UBND ngày 15/12/2023 báo cáo về cải cách hành chính năm 2023 và báo cáo của Huyện ủy Tuy Phước: Báo cáo số 285/BC-UBND, 20/07/2023 báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch số 25-KH/HU ngày 14/12/2021 của Huyện ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ (2016). Tài liệu bồi dưỡng công chức thực hiện công tác cải cách hành chính cấp tỉnh.
2. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/07/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 2021 – 2030.
3. Đinh Văn Mậu, Nguyễn Văn Thâm, Võ Kim Sơn (2013). Tài liệu bồi dưỡng về Quản lý hành chính nhà nước, Phần II – Hành chính nhà nước và công nghệ hành chính. H. NXB Khoa học và kỹ thuật.
4. Thủ tướng Chính phủ (2021). Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
5. Tỉnh ủy Bình Định (2021). Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14/5/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025.