Phạm Hồng Long
Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung
Lê Thị Tầm
Lê Thị Phương
Trường Đại học Công nghệ Đông Á
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhân lực là chủ thể của mọi hoạt động, nguồn nhân lực là tài sản quý báu nhất so với các nguồn lực khác và trí tuệ nhân tạo là công nghệ chiếm ưu thế hàng đầu hiện nay trong sự phát triển và ổn định của tổ chức. Nhân lực và trí tuệ nhân tạo là 2 yếu tố hỗ trợ đắc lực cho nhau phát triển trong thời đại công nghệ. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nhân lực cho các doanh nghiệp là rất ít, cũng mới chỉ là đưa một vài quan điểm so sánh. Bài viết nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đưa ra một số đề xuất nhằm phát huy hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp hiện nay.
Từ khóa: Doanh nghiệp; nhân lực; quản trị; trí tuệ nhân tạo; ứng dụng.
1. Đặt vấn đề
Quản trị nhân lực luôn là vấn đề then chốt trong quá trình quản lý của doanh nghiệp. Trong số các loại nguồn lực mà doanh nghiệp sở hữu, từ tài chính, vật chất, vị trí địa lý, máy móc thiết bị, ý tưởng kinh doanh, bằng sáng chế, mối quan hệ và nhân lực thì nguồn lực liên quan đến con người được coi là tài sản quý giá nhất mà doanh nghiệp có. Việc quản lý và phát triển nhân sự một cách hiệu quả là yếu tố then chốt, góp phần quyết định sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào hiệu quả của việc quản lý nguồn nhân lực. Bởi con người là chủ thể chủ chốt, là trung tâm của mọi hoạt động trong doanh nghiệp. Dựa trên kiến thức và hiểu biết của mình, con người xây dựng và duy trì các mối quan hệ, cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp. Từ đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường, làm gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả đóng vai trò then chốt trong việc đạt được thành công bền vững của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị nhân lực không chỉ dừng lại ở việc tích hợp công nghệ mà AI còn hỗ trợ phát triển nhân sự truyền thống để hiệu suất công việc đạt kết quả cao. Những thông tin do AI cung cấp không chỉ giới hạn trong quy trình tuyển dụng mà còn mở rộng đến nhiều khía cạnh khác của quản lý nhân sự. AI cung cấp cơ sở cho việc ra quyết định không chỉ mang tính ngay lập tức mà còn có tầm nhìn xa, bao gồm các lĩnh vực như quản lý năng suất và phát triển nhân lực cho tổ chức với định hướng dài hạn.
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa sâu rộng và sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật hiện nay, nghiên cứu ứng dụng AI trong quản trị nhân lực, cụ thể là cho các doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong điều hành hoạt động đối với mọi doanh nghiệp của Thủ đô trong tương lai gần.
2. Sự cần thiết ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản trị nhân lực trong các doanh nghiệp
Chính phủ Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2019 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược xác định sự cần thiết phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI.
Theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ do Oxford Insight thực hiện năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng AI để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng 1 bậc so với năm 2022.
AI trong công tác quản trị nhân lực (HR) đang trở nên rất cần thiết trong các doanh nghiệp vì nó mang lại nhiều lợi ích quan trọng với các lý do sau:
(1) Tối ưu hóa quy trình tuyển dụng.
AI có khả năng phân tích và xử lý hàng ngàn hồ sơ ứng viên trong thời gian ngắn, giúp xác định những ứng viên phù hợp nhất dựa trên các tiêu chí cụ thể. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tăng độ chính xác trong quá trình tuyển dụng. “Trong lĩnh vực hành chính tại doanh nghiệp, AI đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các công việc như tóm tắt văn bản, chuyển đổi văn bản thành lời nói và ngược lại, xử lý báo cáo, tự động hóa quy trình làm việc và phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định”1.
AI giúp cải thiện trải nghiệm của ứng viên trong tuyển dụng. Các chatbot và hệ thống tự động trả lời do AI điều khiển có thể tương tác với ứng viên 24/7, giải đáp các thắc mắc của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp nâng cao trải nghiệm của ứng viên trong suốt quá trình tuyển dụng.
(2) Dự đoán nhu cầu nhân lực và phân tích hiệu suất nhân viên.
AI có khả năng dự đoán xu hướng thị trường và nhu cầu nhân lực trong tương lai, giúp doanh nghiệp lập kế hoạch nhân sự một cách chủ động và hiệu quả, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa nhân sự. AI có thể theo dõi và phân tích hiệu suất làm việc của nhân viên, từ đó, đưa ra các báo cáo chi tiết và đề xuất các chương trình đào tạo phù hợp để cải thiện kỹ năng và hiệu suất làm việc của họ. AI có thể phân tích dữ liệu về lương và phúc lợi để đề xuất các chiến lược tối ưu hóa chi phí và đảm bảo công bằng cho nhân viên. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì sự hài lòng và gắn kết của nhân viên.
(3) Phát hiện và giải quyết các vấn đề nhân sự.
AI có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của xung đột nội bộ hoặc các vấn đề khác trong doanh nghiệp thông qua việc phân tích các mẫu hành vi và giao tiếp của nhân viên. Điều này giúp quản lý nhân sự có thể can thiệp kịp thời và giải quyết vấn đề trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. AI có thể hỗ trợ trong việc tổ chức và quản lý thông tin liên lạc nội bộ, từ việc tự động hóa các thông báo quan trọng đến việc phân tích phản hồi của nhân viên, giúp cải thiện hiệu quả giao tiếp trong tổ chức.
(4) Đánh giá tiềm năng và phát triển nhân viên.
AI có thể hỗ trợ trong việc đánh giá tiềm năng của nhân viên và đề xuất các lộ trình phát triển cá nhân hóa, giúp doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ nhân sự mạnh mẽ và đáp ứng được các thách thức tương lai.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản trị nhân lực không chỉ giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhân sự mà còn tạo ra một môi trường làm việc hiện đại và hiệu quả hơn. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần đầu tư vào các công nghệ AI tiên tiến và bảo đảm rằng nhân viên có đủ kỹ năng để sử dụng và tận dụng các công nghệ này một cách hiệu quả.
3. Thực trạng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nhân lực của các doanh nghiệp hiện nay
AI cung cấp rất nhiều ứng dụng có tác động tích cực trong lĩnh vực quản trị nhân lực của các, cụ thể:
Thứ nhất, thu hút và định hướng tuyển dụng.
Khảo sát của Deloitte năm 2019 cho thấy: “Chỉ 6% người được hỏi đã trả lời doanh nghiệp của họ có quy trình tuyển dụng tốt, trong khi 81% cho rằng quy trình tổ chức của họ là vừa đủ đạt tiêu chuẩn hoặc thấp hơn tiêu chuẩn quy định”2. Thu hút và tuyển dụng nhân tài là một nhiệm vụ then chốt trong hoạt động của doanh nghiệp. Lý do là khi doanh nghiệp có thể thu hút và đưa những cá nhân có năng lực, tài năng vào làm việc, điều này sẽ giúp khai thác và phát triển được tiềm năng của doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Những nhân viên tài năng, có kỹ năng chuyên môn cao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Họ có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo, giải pháp hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển và tăng năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tuyển dụng thành công những nhân tài là một nhiệm vụ quan trọng, tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và sự thành công của doanh nghiệp.
Ứng dụng nổi bật nhất của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nhân lực là có thể được sử dụng trong việc thu hút nhân tài của doanh nghiệp. Từ việc sàng lọc người nộp đơn ứng tuyển đến duy trì cơ sở dữ liệu, sắp xếp các cuộc phỏng vấn, giải quyết và giải đáp các thắc mắc của người ứng tuyển. AI đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện quy trình và rút ngắn thời gian tuyển dụng trong doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ của AI, các nhóm nhân lực có thể tập trung vào những nhiệm vụ then chốt hơn như tìm nguồn ứng viên tiềm năng, xây dựng chiến lược tiếp thị tuyển dụng hiệu quả, thay vì chỉ mải mê với các thủ tục hành chính. Theo đó, “Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp cần khai thác tối đa tính năng của các ứng dụng công nghệ, phần mềm và kết nối với quản trị nhân sự trong tổ chức một cách hiệu quả. Đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất trong xu hướng quản trị nhân sự của tương lai mà các nhà quản lý cần trang bị từ bây giờ. Cụ thể, doanh nghiệp nên chú trọng: nắm bắt sự bùng nổ công nghệ 4.0; xây dựng chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài; số hóa quy trình làm việc thủ công; quản lý nhân sự bằng nền tảng kỹ thuật số…”3.
Cụ thể, công nghệ AI có thể tự động hóa và hợp lý hóa các quy trình ứng tuyển, như thiết kế các biểu mẫu ứng tuyển thân thiện với người dùng. Điều này giúp giảm đáng kể số lượng hồ sơ ứng tuyển phải loại bỏ, tập trung vào những ứng viên có đủ tiêu chuẩn mà doanh nghiệp cần. Hơn nữa, việc tuyển dụng có sự hỗ trợ của AI cũng giúp doanh nghiệp lựa chọn được những ứng viên phù hợp với vị trí công việc, đáp ứng hầu hết các yêu cầu cần thiết. Nhìn chung, việc ứng dụng AI vào công tác tuyển dụng đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng, giúp tăng hiệu quả và tối ưu hóa quy trình này trong doanh nghiệp. Nhờ đó, thủ tục sàng lọc đơn giản, nhanh chóng. Các ứng viên có tiềm năng cao hơn được truy tìm và giao tiếp thông qua Chatbot.
Các Chatbot tự động này xử lý các nhân viên mới được tuyển dụng và giao cho họ công việc theo vị trí trong hồ sơ. Nó sẽ chọn một cá nhân tốt nhất và xứng đáng nhất phù hợp chính xác với mô tả công việc. Do đó, những ứng viên xuất sắc nhất sẽ được đăng ký phỏng vấn tuyển dụng. Trí tuệ nhân tạo có tiềm năng thực hiện trải nghiệm của nhân viên theo nhiều cách khác nhau, từ tuyển dụng đến quản lý nhân tài bằng cách xử lý một lượng lớn dữ liệu nhanh chóng và chính xác.
Ngoài ra, AI đóng một vai trò quan trọng trong việc tái khám phá ứng viên. Bằng cách duy trì cơ sở dữ liệu về những người nộp đơn trong quá khứ, công nghệ AI có thể phân tích nhóm ứng viên hiện có và xác định những người phù hợp nhất cho các vai trò mới. Thay vì tốn thời gian và nguồn lực để tìm kiếm tài năng mới, các chuyên gia nhân lực có thể sử dụng công nghệ này để xác định nhân viên đủ tiêu chuẩn nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo.
Nhờ ứng dụng các dịch vụ phát triển trí tuệ nhân tạo, nhân viên sẽ có thể tự học và đào tạo bản thân linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu cá nhân. Hơn nữa, AI còn hỗ trợ họ cập nhật thông tin về các công nghệ hiện tại và tiến bộ phần mềm trong ngành nghề. Bằng cách đánh giá các giấy tờ và bài kiểm tra của nhân viên, trí tuệ nhân tạo sẽ tự động hiểu và chỉ định các khóa đào tạo phù hợp. Bộ kỹ năng liên quan sẽ được cung cấp dựa trên mô tả công việc của từng nhân viên, nhằm nâng cao năng lực của họ. Hơn thế nữa, trí tuệ nhân tạo trong công nghệ nhân lực có thể phân tích dữ liệu và thông báo cho nhóm nhân sự về nhu cầu đào tạo của nhân viên. Nhờ đó, các kỹ thuật thông minh này sẽ giúp nâng cao năng suất và trí tuệ của nhân viên, đồng thời đào tạo họ một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động phát triển nguồn nhân lực mang lại nhiều lợi ích, cho phép nhân viên tự chủ hơn trong việc học hỏi và cập nhật kiến thức, đồng thời, giúp tổ chức quản lý và đào tạo nhân viên một cách thông minh và hiệu quả.
Tại FPT, công nghệ AI được ứng dụng cho các doanh nghiệp, tích hợp các sản phẩm và xây dựng nguồn nhân lực. Nhiều dự án AI được FPT triển khai, gồm: hệ thống giao thông thông minh tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, xe tự hành cấp độ 3 tự di chuyển tránh vật cản vào tháng 10/2019, mọi người có thể trải nghiệm một phần của xe tự hành của FPT. FPT mang đến nền tảng AI toàn diện với hệ thống giác quan cho máy tính nhằm tương tác tốt hơn với con người. Hệ thống gồm có: hệ tri thức số hóa, thi giác máy tính, nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên4. Tập đoàn FPT cũng đã công bố hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA – Tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới để thúc đẩy nghiên cứu AI, cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu5.
Thứ ba, nâng cao kinh nghiệm của nhân viên.
AI có thể được tích hợp hiệu quả suốt vòng đời làm việc của nhân viên. Từ khâu tuyển dụng và giới thiệu đến việc cung cấp các dịch vụ nhân lực và đánh giá sự nghiệp, AI có thể giúp cá nhân hóa trải nghiệm của nhân viên. Các bộ phận nhân lực có thể sử dụng AI để đánh giá một cách chính xác sự tham gia và mức độ hài lòng của nhân viên trong công việc. Điều này có thể được thực hiện thông qua các bảng câu hỏi được thiết kế phù hợp cũng như các chương trình ghi nhận quá trình làm việc của nhân viên.
Nhờ việc tích hợp AI xuyên suốt vòng đời làm việc, từ tuyển dụng đến phát triển sự nghiệp, tổ chức có thể cá nhân hóa trải nghiệm của nhân viên, đồng thời đánh giá một cách chính xác sự tham gia và mức độ hài lòng của họ trong công việc. “AI có thể thực hiện được trên các nền tảng trí tuệ nhân tạo có sức mạnh nhất hiện nay như ChatGPT, Poe và Gemini. Qua đó, có thể thấy, AI là một công cụ vô cùng hữu hiệu giúp giảm đáng kể thời gian làm việc và gia tăng năng suất lao động, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, không chỉ trong hoạt động vận hành của doanh nghiệp”6.
Thứ tư, phát triển năng lực lãnh đạo.
AI có thể hỗ trợ và phát triển các nhân viên, đồng thời cải thiện kỹ thuật làm việc của các trưởng nhóm và trưởng dự án trong doanh nghiệp. AI có thể đánh giá cấu trúc và các đặc điểm của nhà lãnh đạo bằng cách thu thập ý kiến phản hồi từ các thành viên trong các nhóm riêng biệt. Dựa trên kết quả đánh giá này, AI sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo những kỹ năng và đặc điểm cần thiết để thích nghi và phát triển.
Bằng cách xem xét các bảng báo cáo do AI tạo ra, các nhà lãnh đạo có thể tự phân tích và nâng cao bộ kỹ năng của bản thân theo yêu cầu của công việc và nơi làm việc. Việc sử dụng AI để hỗ trợ phát triển nhân viên và cải thiện kỹ thuật lãnh đạo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong ngành Ngân hàng, ứng dụng akaBot của FPT Software giúp TPBank cải thiện tốc độ ứng dụng tự động hóa quy trình bằng robot ảo, sử dụng đến 500 robot trong các hoạt động nghiệp vụ. Trong số đó: “20% là robot tự động hóa tích hợp công nghệ AI, OCR (nhận diện ký tự và hình ảnh), IPD (xử lý văn bản thông minh)… giúp tiết kiệm nhân sự, tăng cường trải nghiệm, nâng cao năng suất lao động của nhóm nhân viên tín dụng và giao dịch với thời gian giải ngân vay, thời gian giao dịch tại quầy giảm 60%”7.
Bên cạnh những lợi ích to lớn mà AI mang lại thì hiện nay vấn đề an toàn và đạo đức trong sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành mối quan ngại lớn, đặc biệt trong bối cảnh đã xảy ra một số sự cố liên quan đến sai sót của các hệ thống AI, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các ứng dụng AI cần được thiết kế và triển khai một cách cẩn trọng với những biện pháp bảo đảm an toàn và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.
Ngoài ra, vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư cũng là một thách thức lớn cần giải quyết khi triển khai các ứng dụng AI. Các doanh nghiệp cần phải xây dựng các chính sách và quy trình quản lý dữ liệu hiệu quả, nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và đảm bảo sử dụng dữ liệu một cách có trách nhiệm. Để tận dụng được lợi ích của AI trong công tác quản trị, các doanh nghiệp cần phải ưu tiên giải quyết các vấn đề về an toàn, đạo đức và bảo mật dữ liệu, đồng thời xây dựng các quy định và quy trình quản lý phù hợp trong doanh nghiệp của mình.
Việc các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi các phần mềm sử dụng công nghệ AI nhưng không cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, khiến khách hàng gặp nhiều khó khăn. Nhiều khách hàng không thể tìm thấy thông tin họ cần hoặc không thể nhận được câu trả lời thỏa đáng chỉ vì không nhập đúng câu lệnh yêu cầu. Điều này gây ra sự khó chịu và thất vọng cho khách hàng về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Đây là một rủi ro lớn có thể khiến doanh nghiệp mất đi sự tin tưởng và uy tín của khách hàng.
4. Một số khuyến nghị ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nhân lực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam
Một là, các doanh nghiệp cần lập kế hoạch chiến lược nguồn nhân lực sử dụng AI.
Cách tiếp cận này sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ hệ thống ra quyết định. Các công nghệ như khai thác dữ liệu và khám phá tri thức được áp dụng để thu thập thông tin toàn diện, kết hợp với thông tin bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Sau khi tổng hợp và phân tích thông tin, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về tình hình nguồn nhân lực hiện tại, từ đó, dự báo, đánh giá và điều chỉnh cách quản lý nhân sự trong tương lai một cách hiệu quả hơn. Sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ ra quyết định cho phép các doanh nghiệp tiếp cận và xử lý thông tin toàn diện, qua đó cải thiện chất lượng và tính kịp thời trong quản lý nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hai là, quản lý mối quan hệ giữa các nhân viên.
Quản lý quan hệ người lao động bao gồm việc quản lý văn hóa doanh nghiệp và quan hệ lao động, nhằm điều phối mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong lĩnh vực này, AI có thể được sử dụng như một hệ thống hỗ trợ, nhằm giải quyết các quy trình quản lý phức tạp, thực hiện nhiệm vụ quản lý và đóng vai trò như một trợ lý và cố vấn. Cụ thể, các ứng dụng AI có thể hỗ trợ người quản lý và các nhóm trong các công việc, như: ghi chép, lập lịch, báo cáo hoặc duy trì các chỉ số hiệu suất. Ví dụ, “Hệ thống trợ lý ảo” có thể được sử dụng để tổ chức các cuộc họp, soạn thảo email, điều phối người tham gia và quản lý lịch.
Với nhu cầu sử dụng trợ lý ảo trong doanh nghiệp ngày càng tăng cao, Công ty Trusting Social (công ty chuyên về AI trong lĩnh vực tài chính tại châu Á) đã ra mắt Agent Foundry, nền tảng cung cấp trợ lý ảo cho doanh nghiệp dựa trên AI tổng quát8. Qua quá trình vận hành, các hệ thống AI này sẽ không ngừng nâng cao kiến thức và mở rộng phạm vi phục vụ, nhờ tiếp thu kinh nghiệm từ bản thân và đồng nghiệp. Như vậy, những hệ thống này sẽ dần mở rộng định nghĩa về AI tại nơi làm việc, trở thành những “hệ thống cố vấn” hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động quản lý quan hệ lao động.
Ba là, sử dụng AI để tăng cường khả năng di chuyển nội bộ và “giữ chân” nhân viên.
Theo đó, các hệ thống ghi nhận dữ liệu về nhân viên giúp các bộ phận nhân sự có thể đánh giá chính xác mức độ tham gia và sự hài lòng của nhân viên trong công việc hiện nay. Điều này rất có lợi khi xem xét tầm quan trọng của việc hiểu được nhu cầu tổng thể của nhân viên. Bằng cách theo dõi các chỉ số quan trọng này, các bộ phận nhân sự có thể đưa ra các chính sách và quyết định phù hợp nhằm tăng cường sự gắn kết và động lực của nhân viên.
Việc hiểu rõ nhu cầu của nhân viên là rất quan trọng để có thể xây dựng một môi trường làm việc tích cực, giúp thu hút và giữ chân nhân tài. Nhờ vậy, các các doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí thu hút nhân tài và tăng tỷ lệ “giữ chân” nhân viên. Công nghệ này không chỉ giới hạn trong việc xác định các cơ hội để thúc đẩy nhân viên từ bên trong, mà còn có thể dự đoán được các nhân viên có nhiều khả năng sẽ nghỉ việc trong tương lai. Thông tin này cho phép các chuyên gia nhân sự có thể chủ động triển khai các chiến lược quản trị nhằm giảm thiểu tình trạng nhân viên nghỉ việc một cách hiệu quả. Bằng cách phân tích dữ liệu về hành vi và thói quen của nhân viên, các chuyên gia nhân sự có thể xác định được các nhân viên có nguy cơ rời khỏi công ty. Từ đó, họ có thể áp dụng các biện pháp như tăng cường động lực, cải thiện môi trường làm việc hoặc đề xuất các chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân những nhân viên có tiềm năng này.
Việc chủ động quản lý vấn đề nghỉ việc của nhân viên theo cách này sẽ giúp giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo, đồng thời duy trì được nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
5. Kết luận
Công nghệ AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống hiện đại, từ giải trí, giáo dục, tài chính, kinh doanh đến sản xuất. Điểm nổi bật của AI chính là khả năng lưu trữ, xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ, hỗ trợ các ngành nghề một cách toàn diện. Đặc biệt, năng lực dự báo tương lai của AI rất cao, giúp tăng đáng kể hiệu suất và hiệu quả công việc. Với thời gian thực hiện nhanh hơn, chi phí thấp hơn, AI còn giúp quản trị rủi ro hiệu quả hơn và nâng cao mức độ chủ động trong các quyết định. Trong lĩnh vực quản trị nhân sự, AI có thể hỗ trợ bộ phận này ở nhiều mảng, như: sàng lọc, tuyển chọn ứng viên; đào tạo và phát triển, đánh giá, tư vấn nhân viên.
Các ứng dụng, như: trợ lý ảo, Chatbot, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) đang được triển khai để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực. Với những ưu điểm nổi trội, AI đang và sẽ tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, đem lại những cải thiện đáng kể về hiệu suất, chi phí và quản lý rủi ro cho các tổ chức. Xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo của nền kinh tế trí thức đang đặt ra thách thức về nguồn nhân lực cho cho mọi ngành, mọi tổ chức, mọi quốc gia là phải có được đội ngũ nhân lực có tri thức, có khả năng làm chủ khoa học – công nghệ, làm chủ các hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế này nên rất cần phải lưu tâm đến nguồn nhân lực ngay từ khi bắt đầu có ý tưởng kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện quá trình ra quyết định và tối ưu hóa nguồn nhân lực – những yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trong thị trường hiện đại.
Chú thích:
1. Hoàng Giang (2024). Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác hành chính. https://vpcp.chinhphu.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-cong-tac-hanh-chinh-115240312111044058.htm.
2. Cavanillas, Jose Maria and Curry, Edward and Wahlster, Wolfgang (2015). New Horizons for a Data-Driven Economy: A Roadmap for Usage and Exploitation of Big Data in Europe. Publisher: Springer, ISBN: 978-3-319-21568-6, DOI:10.1007/978-3-319-21569-3.
3. Thái Bình (2022). Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quản trị nhân sự. https://theleader.vn/chuyen-doi-so-la-xu-huong-tat-yeu-trong-quan-tri-nhan-su-1666970721357.htm.
4. Phạm Thị Thu Hà (2019). Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và xu hướng phát triển. https://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/phat-trien-tri-tue-nhan-tao-ai-tai-viet-nam-thuc-trang-kinh-nghiem-quoc-te-va-xu-huong-phat-trien-5675.
5. Phan Anh – Ngô Quyền (2024). FPT dự kiến sẽ đầu tư 200 triệu USD xây dựng Nhà máy AI. https://vneconomy.vn/fpt-du-kien-se-dau-tu-200-trieu-usd-xay-dung-nha-may-ai.htm.
6. Trường Đại học Thương mại (2024). Tọa đàm “Ứng dụng AI trong giảng dạy và xu hướng sử dụng AI trong quản trị doanh nghiệp”. https://qtnl.tmu.edu.vn/tin-tuc/toa-dam-ung-dung-ai-trong-giang-day-va-xu-huong-su-dung-ai-trong-quan-tri-doanh-nghiep-24521.
7. V. Anh (2022). Kinh nghiệm ứng dụng AI trong số hóa ngành ngân hàng. https://vtv.vn/cong-nghe/kinh-nghiem-ung-dung-ai-trong-so-hoa-nganh-ngan-hang-20221013170815981.htm.
8. Ngọc My (2023). Trusting Social ra mắt nền tảng cung cấp trợ lý ảo chuyên ngành cho doanh nghiệp. https://baochinhphu.vn/trusting-social-ra-mat-nen-tang-cung-cap-tro-ly-ao-chuyen-nganh-cho-doanh-nghiep-102230701100808966.htm.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2024). Lợi ích ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp thương mại điện tử. https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/loi-ich-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-cho-doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu.html.
2. Nguyễn Thị Phượng (2024). Đào tạo và phát triển ngành Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/01/02/dao-tao-va-phat-trien-nganh-tri-tue-nhan-tao-o-viet-nam/.