Phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hoá để xây dựng thành phố thông minh Bình Dương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay

ThS. Nguyễn Hoàng Phương
Sở Xây dựng Bình Dương, tỉnh Bình Dương

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hoá để xây dựng thành phố thông minh Bình Dương hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ thuận tiện trong việc khai thác các nguồn lực tự nhiên, xã hội mà còn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thực hiện các chương trình hợp tác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần vào thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2050 là đô thị thông minh của vùng và của cả nước.

Từ khóa: Phát triển hạ tầng, giao thông vận tải, tỉnh Bình Dương.

1. Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hoá – bước đột phá để khơi dậy các nguồn lực bên trong và bên ngoài

Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra rất lớn cho việc phát triển, mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông theo hướng đô thị hoá. Hạ tầng giao thông phát triển không chỉ đem lại những thời cơ, vận hội cho việc đánh thức, khơi dậy nguồn lực tự nhiên, nguồn lực xã hội, mà còn phục vụ thiết thực cho nhu cầu của người dân được thuận tiện dễ, dàng hơn, giúp cho quá trình lưu thông hàng hoá giữa các địa phương thuận tiện, thoả mãn nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trong phạm vi cả nước.

Bình Dương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ; nơi đây không chỉ biết đến với nhiều khu công nghiệp sầm uất, nổi tiếng mà còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hoá ghi đậm những chiến công oai hùng của lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Đặc biệt, các khu công nghiệp ở Bình Dương phát triển rất mạnh, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, được ví như “thủ phủ” của cả nước, là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Bình Dương là tỉnh không có cảng hàng không, cảng biển, vì vậy, quá trình khai thác, vận chuyển, giao lưu, thông thường hàng hoá có những bất lợi nhất định. Tuy nhiên, Bình Dương giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm phát triển kinh tế số 1 cả nước đã cho phép sự kết nối, lưu thông hàng hoá được dễ dàng thông qua trục đường bộ Bắc Nam, nhất là thông qua hệ thống cảng hàng không, cảng biển. Từ đó, có thể thấy phát triển giao thông hạ tầng theo hướng đô thị hoá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Bình Dương hiện nay, tạo ra cơ hội, điều kiện mới cho việc khai thác, sử dụng các nguồn lực bên trong và thu hút nguồn lực bên ngoài, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển mạnh hơn nữa.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của phát triển giao thông hạ tầng theo hướng đô thị hoá, là một trong 6 quy hoạch chiến lược của tỉnh; thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và sự tham mưu, đề xuất của các sở, ban, ngành liên quan, việc triển khai, tổ chức thực hiện xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình, dự án trọng điểm về giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể: Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 42-CTr/TU về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2585/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 cụ thể hóa thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU. Hệ thống chính trị các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân làm cơ sở để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chương trình đề ra.  

Phối hợp cùng các tỉnh thành lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cập nhật quy hoạch, đầu tư các công trình giao thông mang tính kết nối liên tỉnh, liên vùng, như: Đường Ven sông Sài Gòn, Đường Quốc lộ 56B, Quốc lộ 13C, tuyến đường bộ kết nối công nghiệp Bình Dương – Tây Ninh, đường sắt kết nối công nghiệp Bình Dương – Tây Ninh đến Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, các cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương – Tây Ninh, cầu kết nối tỉnh Bình Dương – Đồng Nai.

Huy động, kêu gọi các nguồn lực thực hiện những công trình giao thông trọng điểm với chi phí đầu tư lớn, như: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh – Chơn Thành, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13,… nghiên cứu, triển khai phương án khai thác nguồn thu từ đất, tổ chức lập quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, TOD dọc các tuyến đường giao thông trọng điểm để kêu gọi đấu thầu, đấu giá theo quy định nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách phục vụ đầu tư xây dựng… Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng giao thông được Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Thành lập tổ công tác kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công, các hạng mục công trình; kịp thời biểu dương, khen thưởng những bộ phận, lực lượng có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ; nêu cao ý tức, tinh thần, trách nhiệm trong công việc để đạt, vượt mức chỉ tiêu thi đua đã xác định ngay từ những ngày đầu, việc đầu của thi công theo tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên tết”. Đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý nghiêm những bộ phận, lực lượng làm việc uể oải, không đề cao tinh thần, trách nhiệm, để mất an toàn trong lao động, rút ruột công trình, kéo dài thời gian thi công, không tuân thủ của thiết kế ban đầu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình khi đi vào hoạt động.

Thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, quy hoạch, chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh cho đến xã, phường, thị trấn, từ năm 2021 đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng đã được tỉnh hoàn thiện, đưa vào sử dụng có giá trị về mặt kinh tế cao, phục vụ tốt cho đời sống của các tầng lớp nhân dân, giao lưu, mở rộng thị trường hàng hoá theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá: Đường Tân Vạn – Mỹ Phước – Bàu Bàng; nâng cấp ĐT.743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; Đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài; đường Thủ Biên – Đất Cuốc (giai đoạn 1); xây dựng Đường và cầu nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.

Tính đến hết tháng 8/2023, tỉnh đã thu hút được 1,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó, có 80 dự án mới, 24 dự án điều chỉnh tăng vốn, 28 dự án góp vốn, nâng nguồn FDI lên 4.162 dự án, tổng số với đầu tư 40,2 tỷ USD. Năm 2023 tỉnh được vinh danh “Top 7 cộng đồng thông minh thế giới” vào Top công nghiệp 4.0 Việt Nam2.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hoá trên địa bàn tỉnh còn có một số hạn chế về nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có thời điểm chưa mạnh mẽ, quyết liệt, chưa được giải quyết kịp thời, hiệu quả. Một số hạng, mục công trình còn chậm so với tiến độ đề ra. Công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm chế độ, chính sách cho người dân có liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông còn chậm, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; nhất là tác đền bù cho những hộ dân gần các trục đường có dự án đi qua.

Báo cáo số 343-BC/TU ngày 16/10/2023 sơ kết thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá, một số dự án giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố chậm tiến độ do chênh lệch mức bồi thường giữa các địa phương gây khó khăn cho việc thu hồi đất để thực hiện dự án; đồng thời số lượng và năng lực đơn vị tư vấn khảo sát xây dựng giá đất hiện nay thiếu và còn hạn chế; trình tự thủ tục thu hồi đất phức tạp và mất nhiều thời gian,… gây khó khăn trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

2. Một số biện pháp phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hoá để xây dựng thành phố thông minh Bình Dương hiện nay

Một là, tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp về tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông.

Phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hệ thống giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đảng, Nhà nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng trong thời kỳ mới. Với tinh thần này, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư xây dựng bản, trong đó có hệ thống giao thông nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, dân sinh của nhân dân; việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ hữu ích cho các nhiệm vụ của địa phương; giao lưu hàng hoá giữa các tỉnh lân cận, mở ra những cơ hội, triển vọng mới cho địa phương. Trên cơ sở đó, hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn cần cụ thể hoá vào từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, rà soát những hạng mục công trình để quy hoạch, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.

Tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, cách thức, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp về phát triển hạ tầng giao thông để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, hành động khi tổ chức thực hiện thi công. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các bộ phận, lực lượng trong tham gia quy hoạch, thi công công trình, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết, trước hết, không được lồng ghép động cơ cá nhân, biểu hiện lợi ích nhóm, cục bộ địa phương trong đấu thấu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thiết kế thi công của đơn vị đảm nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến thực hiện dự án. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về tiến độ, chất lượng công trình thi công, không dung túng, bao che cho những hành động, việc làm sai trái trong thi công giao thông. Phát huy vai trò giám sát, kiểm tra chất lượng của nhân dân khi công trình đã thi công xong, đem lại giá trị kinh tế, xã hội trong thực tiễn.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về phát triển hạ tầng giao thông.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo đối với việc phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông. Mọi công trình giao thông, nhất là công trình huyết mạch, trọng tâm, trọng điểm cần có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, không được phép lơ là, chủ quan.

Rà soát, đánh giá một cách căn cơ, đầy đủ, toàn diện những ưu điểm, hạn chế của từng hạng mục công trình để xác định phương án thi công hợp tình, hợp lý, bảo đảm an toàn, tiết kiệm ngân sách nhà nước, địa phương. Nắm chắc các nguyên tắc trong tổ chức sinh hoạt đảng để họp bàn, thống nhất các phương án từ quy hoạch cho đến vẽ thiết kế, chọn nhà thầu, thực hiện chế độ, chính sách di dân, đền bù cho người dân xung quanh khu vực có dự án đi qua.

Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, cần sát sao, cụ thể, tỉ mỉ trong từng chi tiết; thường xuyên nhắc nhở đồng chí được phân công, giao nhiệm vụ phụ trách luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; gạt bỏ lợi ích cá nhân sang một bên, lấy đại cục làm mục tiêu, phương hướng hành động. Nội bộ luôn đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động, mỗi một chủ trương, đường lối về phát triển hạ tầng giao thông cần có sự họp bàn, thảo luận và phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể theo chiều hướng có lợi nhất cho người dân và địa phương.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong tham mưu, góp ý về phát triển, xây dựng hệ thống giao thông. Thực hiện công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thi công, mọi cơ chế, chính sách có liên quan đến công trình, người dân cần được công khai trên các phương tiện truyền thông. Giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn về các khâu, các bước trong thi công, thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân một cách tốt nhất, không để những mâu thuẫn, bất đồng ở một khâu, một bước nào đó ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chính trước tổ chức về việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hoá; phát huy tính năng, động, sáng tạo theo tinh thần “7 dám” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc một cách nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất và toàn diện giữa các tổ chức, lực lượng của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh cho đến xã, phường, thị trấn.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi công công trình của các cơ quan, ban, ngành có liên quan.

Công tác kiểm tra, giám sát thi công công trình của cơ quan, ban, ngành có liên quan như: Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, uỷ ban kiểm tra các cấp… có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng thực hiện các công trình giao thông. Kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đã xác định, hoặc đột xuất kiểm tra. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể, rõ ràng, xác định mốc, khoảng thời gian đối với nhà thi công; đồng thời, có thời điểm, giai đoạn không thông báo trước, bất ngờ xuống kiểm tra.

Yêu cầu nhà thầu tuân thủ nghiệm ngặt những quy định về lao động, những nội dung đã được thiết kế, khi có vấn đề gì phát sinh trong tổ chức thi công kịp thời báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời xử lý, bảo đảm không vi phạm pháp luật. Nhà thi công cần báo cáo trung thực quá trình thi công, có những thuận lợi, khó khăn gì và đề xuất phương án dự phòng xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn thi công. Cắt cử, phân công những đồng chí tham gia đoàn kiểm tra, giám sát có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực xây dựng, giao thông. Tuyệt đối không được có biểu hiện lợi ích trong quá trình kiểm tra, giám sát, phát hiện một số chi tiết không đúng so với bản thiết kế, hoặc những vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn mà không xử lý cần phải xử lý nặng hơn.

Kiểm tra, giám sát một cách toàn diện đối với các mặt hoạt động thi công, nhất là các loại giấy tờ có liên quan đến mua sắm vật tư xây dựng, thuê nhân công phục vụ cho công tác thi công. Tích cực, chủ động phối hợp các cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát các cấp trong kiểm tra, giám sát thi công đối với những công trình, dự án trọng điểm của từng khu vực, địa bàn cụ thể.

Kiểm tra, giám sát ở ngoài công trường vừa để viên, khích lệ những người lao động chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, vừa để chấn chỉnh, nhắc nhở những bộ phận, lực lượng có biểu hiện chểnh mảng, chưa đề cao tính kỷ luật trong lao động. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong thực tiễn, xây dựng không khí lao động khẩn trương, trách nhiệm, kỷ luật bảo đảm đúng tiến độ thời gian, chất lượng công trình giao thông.

3. Kết luận

Sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho quá trình khai thác, sử dụng, vận chuyển hàng hoá được thuận tiện, dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian, khoảng cách di chuyển, bảo đảm sản phẩm kinh tế đến tận tay người tiêu dùng nhanh hơn, góp phân thu hút nhiều hơn nguồn lực ở bên ngoài đối với các hoạt động của tỉnh. Thực hiện tốt những nội dung, biện pháp nêu trên tạo ra bức tranh, điểm sáng mới trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trên các lĩnh vực, đời sống xã hội khác nhau. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả ngân sách vào từng dự án, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương và nhu cầu của người dân và quốc phòng – an ninh.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 126-127.
2. Báo Nhân dân. Kinh tế Bình Dương tăng trưởng tích cực. https://nhandan.vn, ngày 24/9/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Tỉnh Bình Dương. Chương trình số 42- CTr/TU ngày 02/8/2021 về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành năm 2045.
2. Tỉnh Bình Dương. Báo cáo số 243 – BC/TU ngày 16/10/2023 báo cáo sơ kết thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Bình Dương điểm sáng về kết nối vùng. https://www.qdnd.vn, ngày 15/11/2023.
4. Tỉnh Bình Dương: đột phá hạ tầng giao thông đến liên kết vùng. https://doanhnghiephoinhap.vn, ngày 18/7/2023.