Công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải hành khách đường bộ ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ tại TP. Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp

NCS. Lương Thị Hồng Gấm
Quận ủy Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động kinh tế chia sẻ đã khẳng định được vị thế ở TP. Hồ Chí Minh, rõ nét nhất là thị trường dịch vụ vận tải hành khách đường bộ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động và phát triển dịch vụ vận tải hành khách đường bộ ứng dụng công nghệ trong mô hình trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2014-2023, tác giả phân tích, đánh giá những mặt ưu điểm và hạn chếđề xuất nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải hành khách đường bộ ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Từ khóa: Kinh tế chia sẻ, giao thông vận tải, xe công nghệ, dịch vụ vận tải, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế chia sẻ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã, đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều cơ hội việc làm và thu hút nhiều nhà đầu tư, người lao động trong và ngoài Thành phố tham gia hoạt động trên lĩnh vực này đặt ra nhiều vấn đề mới cần quan tâm giải quyết, nhiều thách thức được đặt ra trong bảo đảm an sinh xã hội (an sinh xã hội), an ninh trật tự trên địa bàn trong thời gian tới.

Sự phát triển của kinh tế chia sẻ tại TP. Hồ Chí Minh đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh và tính minh bạch của thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giúp đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Sự hình thành, tồn tại và phát triển của các hãng xe công nghệ đã làm lộ rõ bất cập của loại hình xe truyền thống và đây là cơ hội để các hãng xe truyền thống nỗ lực để đổi mới, tạo dựng được vị trí trong quá trình cạnh tranh với các hãng xe công nghệ nhưng nếu không thích nghi được với bối cảnh mới trong bối cảnh kinh tế số thì trong cuộc đua này thị phần dành cho các hãng xe công nghệ đang dần hẹp lại. Tuy vậy, nhằm tạo ra một cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh thì rất cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

2. Thực trạng phát triển dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ tại TP. Hồ Chí Minh

(1) Quá trình hình thành và phát triển dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ tại TP. Hồ Chí Minh

Thực tế dịch vụ gọi xe ứng dụng công nghệ đã xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 12/2013 với sự ra mắt của EasyTaxi, đến năm 2015 thì ứng dụng này rút lui khỏi thị trường. Sau sự xuất hiện của EasyTaxi thì đến lượt các hãng khác. Grab đặt những dấu chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam (trong đó có TP. Hồ Chí Minh) xuất hiện vào tháng 02/2014, với tên gọi ban đầu là GrabTaxi. Tuy vậy, đến tháng 10/2014 Grab cũng tiếp tục ra mắt dịch vụ GrabBike. Sau đó là sự xuất hiện của Uber vào tháng 6/2014 tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng sau khoảng bốn năm hoạt động Uber đã bán lại cổ phần cho Grab và rút khỏi thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Ngay sau khi Uber tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, không lâu sau đó một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thị trường xe công nghệ với các tên tuổi như: FastGo, Be, VATO,…

Sau sự hiện diện của Grab năm 2015, Mai Linh – doanh nghiệp vận tải đầu tiên đã nhanh nhạy phát triển ứng dụng gọi xe Taxi Mai Linh nhằm rút ngắn thời gian trong các khâu gọi xe, thanh toán, kiểm soát số km. Sức hút trong lĩnh vực này thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục ra mắt dịch vụ mới mang tên FastGo – chính thức ra mắt vào tháng 6/2018, dịch vụ tương tự như GrabBike, Go-Bike.

Tháng 8/2018, GoViet chính thức hiện diện tại TP. Hồ Chí Minh. Vào ngày 03/7/2020, GoViet công bố hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam, theo đó, Gojek hiện hoạt động trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood). Không lâu sau đó, ngày 17/12/2018, Be gia nhập thị trường xe công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh. Be là ứng dụng gọi xe công nghệ đươc phát triển bởi Công ty cổ phần Be Group – một startup công nghệ Việt Nam. Hai dịch vụ chính mà ứng dụng gọi xe Be cung cấp là BeBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và BeCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh).

Một ứng dụng nữa của Việt Nam được ra đời với tên gọi Vato – ứng dụng gọi xe trước đây được biết đến với tên gọi FaceCar. Vato giúp người dùng kết nối với tài xế một cách nhanh chóng, an toàn với chi phí hợp lý. Vato được Công ty Vận tải xe khách Phương Trang phát triển. Bao gồm các dịch vụ: Vato Bike, Vato Taxi, Vato Car và Vato Delivery. Thêm nữa, Vinasun Taxi là ứng dụng chính thức của công ty cổ phần Vinasun. Vinasun Taxi giúp cho người tiêu dùng thêm kênh lựa chọn khi đặt xe với nhiều tiện ích thông qua điện thoại smartphone.

Ngoài ra còn có một số ứng dụng gọi xe công nghệ mới xuất hiện gần đây trên thị trường như: ứng dụng gọi xe DiDi, ứng dụng này có điểm nổi bật là khách hàng có thể di chuyển được hai chiều cả lượt đi và lượt về giúp tiết kiệm được nhiều thời gian. Ứng dụng gọi xe MyGo – một sản phẩm công nghệ của Việt Nam. Đặc điểm của ứng dụng này là ứng dụng không tính phí theo phần trăm chuyến đi. Khách hàng nộp vào ứng dụng một khoản phí theo tháng và sử dụng khoản phí này để di chuyển. Ứng dụng Xelo, cung cấp 6 dịch vụ nổi bật cũng được tiếp cận đến người tiêu dùng.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của mô hình kinh doanh này là chất xúc tác đối với sự phát triển của các lĩnh vực khác, dù đã có nhiều đơn vị trong và ngoài nước tham gia thị trường, ngày 14/4/2023 – Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM (của Tập đoàn VinGroup) chính thức đưa hãng taxi (dòng xe điện) đầu tiên tại Việt Nam thương hiệu Xanh SM đi vào hoạt động.

Như vậy, tính đến hết năm 2023, trên thị trường TP. Hồ Chí Minh hiện có 12 hãng gọi xe ứng dụng công nghệ còn đang hoạt động, cụ thể như sau:

Bảng 1. Thống kê các doanh nghiệp xe công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh

STTHãng xe dịch vụXuất xứThời điểm  Tình trạng hoạt độngLoại hình kinh doanh dịch vụ
1EasyTaxiBrazil12/2013Chấm dứt từ năm 2015Taxi
2Grab  Malaysia02/2014Đang hoạt độngÔ tô, taxi, xe máy, giao thức ăn, giao hàng, đi chợ, nạp tiền điện thoại, đặt phòng khách sạn
3UberMỹ6/2014Chấm dứt từ năm 2018Taxi, xe máy
4Mai LinhViệt Nam2015Đang hoạt độngTaxi, xe máy
5Vinasun VSAViệt Nam2015Đang hoạt độngTaxi
6VATOViệt Nam3/2016Đang hoạt độngXe máy, ô tô, taxi, giao hàng
7FastGoViệt Nam6/2018Đang hoạt độngTaxi, xe máy, xe ô tô sang trọng, vận chuyển sân bay
8XeLoViệt Nam4/2018Đang hoạt độngXe máy, ô tô, taxi
9DiDiViệt Nam4/2018Đang hoạt độngXe máy, ô tô, ô tô chất lượng cao
10GojekIndonesia8/2018Đang hoạt độngXe máy, giao thức ăn, giao hàng
11BeViệt Nam12/2018Đang hoạt độngXe máy, giao hàng, giao thức ăn
12MyGoViệt Nam7/2019Đang hoạt độngXe máy, ô tô, giao hàng, vận chuyển hàng bằng xe tải
13Xanh SMViệt Nam4/2023Đang hoạt độngXe điện, ô tô, ô tô chất lượng cao
14GVViệt Nam9/2023Đang hoạt độngXe ô tô, taxi
(Nguồn: Tác giả tổng hợp, tháng 6/2024)

(2) Thống kê số lượng xe hợp đồng điện tử hoạt động

Trước năm 2015, khi các ứng dụng phần mềm, như: Uber, Grab chưa phát triển (chưa có mặt tại Việt Nam), loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe ô tô 9 chỗ trở xuống hầu như không có trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo số liệu thống kê, kể từ khi thực hiện thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải năm 2014 thì số lượng xe 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tăng rất nhanh qua từng năm: 177 xe (năm 2014), 1.877 xe (năm 2015), 17.360 xe (năm 2016), 34.562 xe (năm 2017), 41.651 xe (năm 2018), 43.269 xe (năm 2019), 61.645 xe (năm 2020).

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, tính đến ngày 31/10/2023, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh: (1) Đối với nhóm đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (sử dụng xe hợp đồng sử dụng phần mềm kết nối điện tử (hay còn gọi xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi sử dụng phần mềm điện tử)): Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (303 phương tiện). (2) Đối với nhóm đơn vị vừa kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng xe hợp đồng sử dụng phần mềm kết nối điện tử hay còn gọi xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi sử dụng phần mềm điện tử vừa ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (chủ yếu Hợp tác xã).

Bảng 2. Thống kê nhóm đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vừa ký hợp đồng hợp tác tại TP. Hồ Chí Minh

SttĐơn vịSố lượng xeGhi chú
Thuộc đơn vị quản lý đề nghị cấp phù hiệu (Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công chính)Theo Hợp đồng ký hợp tác kinh doanh (Theo báo cáo của các đơn vị
1Công ty TNHH Grab4 (3 xe hợp đồng và 01 xe tải)25.809Ký hợp tác kinh doanh với 54 Hợp tác xã
2Công ty CP Be Group02 (2 xe hợp đồng5.620Ký hợp tác kinh doanh với 46 Hợp tác xã
3Công ty TNHH Công nghệ Go Car02 (02 xe hợp đồng4.705Ký hợp tác kinh doanh với
4Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh   –Ngừng hoạt động loại hình kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử, kể từ ngày 01/5/2023
 Tổng 40.268 
(Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, tháng 10/2023)

Sự hiện diện của các hãng xe công nghệ đã đáp ứng được phần nào nhu cầu đi lại của xã hội, cung cấp dịch vụ phù hợp với mọi đối tượng, nhất là nhóm đối tượng có thu nhập trung bình. Những dữ liệu trên cho thấy xe công nghệ đáp ứng được nhu cầu của người dân với ưu điểm vượt trội về tính đa dạng (xe máy hoặc ô tô) và bao phủ tất cả các địa điểm mà khách hàng muốn đến – điều mà hệ thống giao thông công cộng không thể làm được. Đó là một trong những lý do lý giải cho sự xuất hiện của các hãng xe công nghệ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh được người dân đón nhận tích cực.

3. Những tác động của dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ tại TP. Hồ Chí Minh

Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng gia tăng hàm lượng khoa học và công nghệ. Kinh tế chia sẻ đã tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Sự phát triển của kinh tế chia sẻ có xu hướng tập trung vào các ngành nghiên cứu và sáng tạo với sự xuất hiện ngày càng nhiều start up đổi mới sáng tạo. Sự phát triển của kinh tế chia sẻ đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, góp phần tăng nhanh mức đóng góp của khoa học và công nghệ cho tăng trưởng kinh tế.

Hai là, tạo sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và Internet, kinh tế chia sẻ đã ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Chính nhờ sự tiện nghi và lợi ích mà các nền tảng kinh tế chia sẻ đem lại, người tiêu dùng ngày càng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống để chuyển sang việc sử dụng các nền tảng kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, ảnh hưởng từ khi dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc tiếp xúc bị hạn chế, các kênh mua sắm trên nền tảng trực tuyến lại ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng. Sự đa dạng hóa về các chủng loại sản phẩm, dịch vụ, tính tiện lợi cũng như yếu tố cạnh tranh giá thành đang là ưu điểm đáng kể của kinh tế chia sẻ. Trên các nền tảng chia sẻ, người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin, so sánh các sản phẩm, nhà cung cấp, giá cả,…

Ba là, đa dạng hóa hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô giao dịch trên thị trường. kinh tế chia sẻ cộng hưởng với mạng xã hội không ngừng tạo ra các làn sóng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm và đặt hàng dùng thử sản phẩm hoặc dịch vụ mới, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ tác động trực tiếp đến tăng số lượng chủng loại sản phẩm, dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Điển hình như trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, ngoài các sản phẩm truyền thống thì nay đã có thêm sản phẩm dịch vụ vận tải trực tuyến bằng phương tiện ô tô, xe gắn máy, giao hàng,…

Bốn là, thúc đẩy cạnh tranh, tạo động lực cho nền kinh tế truyền thống phải thay đổi, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Sự phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ góp phần làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường giữa một bên là các chủ thể kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ với một bên là các chủ thể kinh doanh theo phương thức truyền thống trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Bên cạnh đó là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh theo phương thức chia sẻ trên cùng thị trường sản phẩm, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh. Với những lợi ích mà kinh tế chia sẻ mang lại cho người dùng, ngày càng nhiều người tiêu dùng tham gia vào thị trường kinh tế chia sẻ. Điều này khiến cho nền kinh tế truyền thống buộc phải thay đổi để nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp truyền thống buộc phải ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thái độ phục vụ khách hàng,… để bảo đảm sự tồn tại và cạnh tranh với các đối thủ.

Năm là, mở ra những cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, công nghệ mới, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế chia sẻ tạo ra sự tiện lợi và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của các chủ thể kinh tế, thúc đẩy và mở rộng cơ hội kinh doanh các cơ hội kinh doanh mới, tăng số lượng chủ thể tham gia thị trường trong nền kinh tế, đồng thời, đa dạng hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp và đưa ra nhiều hơn các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường.

Kinh tế chia sẻ đã tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Sự phát triển của kinh tế chia sẻ có xu hướng tập trung vào các ngành nghiên cứu và sáng tạo, với sự xuất hiện ngày càng nhiều start up đổi mới sáng tạo. Sự phát triển của kinh tế chia sẻ đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, góp phần tăng nhanh mức đóng góp của khoa học và công nghệ cho tăng trưởng kinh tế.

Sáu là, tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập, đóng vai trò như lưới an sinh xã hội. Sự phát triển của kinh tế chia sẻ đã tạo nên nhu cầu về lao động trong nhiều lĩnh vực, từ đó giúp giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Với sự xuất hiện của kinh tế chia sẻ, đã xuất hiện nhiều mô hình việc làm linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng người lao động. Việc dễ dàng tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ giúp người lao động dễ dàng có công việc, có thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều đối tượng người lao động đã tham gia vào thị trường kinh tế chia sẻ từ những người có trình độ chuyên môn đến sinh viên, thanh niên chưa có việc làm, người ở tuổi trung niên, những người thất nghiệp từ các ngành nghề khác… kinh tế chia sẻ thực sự đã đóng vai trò là lưới an sinh xã hội trong giai đoạn vừa qua. Điển hình như trong lĩnh vực chia sẻ phương tiện đi lại, các ứng dụng gọi xe công nghệ đã có hơn 16.000 đối tác nhà hàng, kinh doanh thực phẩm, ăn uống tham gia.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mới với sự phức tạp và tinh vi trong cách thức tiến hành kinh doanh nên các chính sách về thuế cần được điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Như trường hợp của Uber (trước khi được Grab mua lại) đã để lại tiền lệ xấu về việc lách thuế, nợ thuế. Hơn nữa, những biến tướng của kinh tế chia sẻ cũng đem đến những lo ngại cho công tác quản lý. Trong số xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, có một tỷ lệ đáng kể chủ xe mua xe (một hoặc nhiều xe) với mục đích kinh doanh khi tận dụng được cơ hội thị trường. Điều này tiềm ẩn rủi ro khi nhu cầu thị trường đi xuống, làm giảm doanh thu, không bù đắp được các khoản chi phí (lãi vay ngân hàng, trả công lái xe, khấu hao xe,…) nên dễ dẫn đến thua lỗ, phải bán hoặc cầm cố xe.

Theo thống kê Sở Giao thông vận tải Thành phố từ năm 2003 đến 2013, số lượng phương tiện đăng ký tham gia giao thông đã tăng gấp ba lần. Đến năm 2015, có khoảng sáu triệu xe máy và năm triệu ô tô có đăng ký tại TP. Hồ Chí Minh. Số lượng xe ô tô gia tăng nhanh chóng đã buộc chính quyền phải xem xét lại việc phân chia làn đường và làm gia tăng các vấn đề tiêu cực mà trước đây vốn chỉ do xe máy gây ra như: tắc đường, ô nhiễm (không khí và âm thanh), tai nạn giao thông. Trong bối cảnh đó, các phương tiện giao thông công cộng hiện nay mới chỉ đáp ứng 7% nhu cầu đi lại.

 Mô hình kinh tế chia sẻ còn tồn tại một số hạn chế khác như nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp truyền thống do doanh nghiệp tham gia nền kinh tế chia sẻ không bảo đảm dịch vụ của họ đạt chuẩn theo quy định của pháp luật. Việc huy động được nguồn vốn lớn từ xã hội, trợ giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng. Mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ có xu hướng phá vỡ kết cấu của kinh tế truyền thống. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ khi đã chiếm được thị phần đáng kể và tạo lập được thương hiệu có sức cạnh tranh cao trên thị trường bằng cách sử dụng nguồn vốn lớn huy động được để trợ giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh, gây bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng.

Trên thực tế, đã xảy ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh chia sẻ với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống trên thị trường dịch vụ vận tải. “Cuộc chiến” giữa taxi công nghệ và các hãng taxi truyền thống dai dẳng suốt mấy năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Sự cạnh tranh tạo ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống trong việc đăng ký kinh doanh, kiểm soát số lượng xe, xác định giá thành dịch vụ giữa Grab và các hãng taxi truyền thống. Các hãng taxi truyền thống nhận thấy đang bị kiểm soát chặt chẽ và khắt khe hơn so với các hãng taxi công nghệ thể hiện qua việc xe Grab được đi vào những tuyến đường mà taxi truyền thống bị cấm. Đơn cử taxi của Vinasun liên tục giảm, với 6.561 xe năm 2016 thì đến năm 2019 chỉ còn 4.921 xe. Các hiệp hội taxi cũng cho hay số lượng xe taxi truyền thống đã giảm 30%-35%.

Hơn nữa, việc phát sinh quan hệ lao động chưa rõ ràng giữa doanh nghiệp ứng dụng gọi xe với tài xế xe công nghệ dẫn đến nhiều yếu tố gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố, tài xế là người trực tiếp mang lại giá trị cho doanh nghiệp nhưng không được ký hợp đồng lao động chính thức, thay vào đó là hợp đồng hợp tác với danh xưng “Đối tác” thay vì “Nhân viên”. Việc không phân biệt rõ ràng hai loại hợp đồng này khiến người lao động gặp nhiều bất lợi, các tài xế không có quyền đưa ra yêu cầu hoặc thương lượng điều khoản hợp đồng hay thay đổi các điều khoản trong hợp đồng, họ chỉ có hai lựa chọn, đồng ý hoặc không đồng ý những điều khoản này và vì vậy ký hay không ký thỏa thuận hợp tác, trong khi các luật hiện hành chưa điều chỉnh quan hệ này dẫn đến quyền lợi cơ bản bảo đảm an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… không được bảo đảm.

Tài xế mong muốn nhà nước có chính sách quản lý với tài xế xe công nghệ bằng việc quản lý số lượng người tham gia vào dịch vụ này. Số lượng tài xế nhiều hơn nhu cầu nên hãng xe nắm quyền chủ động trong các quyết định bất lợi cho tài xế. Ngoài ra, số lượng tài xế nhiều sẽ làm tăng thời gian nhàn rỗi và ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế nhất là những tài xế chuyên nghiệp làm toàn thời gian.

4. Chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh đối với dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ

Tại Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 phần các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu rõ: “Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn phát triển của Thành phố. Tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế chia sẻ với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống…”.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ gồm:

Một là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, chủ thể tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trong mô hình kinh tế chia sẻ, hướng tới tiêu dùng bền vững.

Hai là, tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư bảo đảm cạnh tranh công bằng và phát triển bền vững. Rà soát, kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật và bảo đảm thực thi trong lĩnh vực quản lý phù hợp với các hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp truyền thống; bao quát được những mô hình hoạt động mới phát sinh, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ. Đánh giá tác động của hoạt động kinh tế chia sẻ trên các lĩnh vực và định hướng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Ba là, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế giám sát, phối hợp giữa các chủ thể tham gia trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ưu tiên, khuyến khích triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ. Phát triển hoạt động R&D, ứng dụng các công nghệ nền tảng phục vụ phát triển kinh tế chia sẻ.

Bốn là, thí điểm việc triển khai mô hình kinh tế chia sẻ trong các ngành công nghiệp, khu công nghiệp, kết hợp với mô hình cộng sinh công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp sinh thái; quản lý và tái chế chất thải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…

Năm là, tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ; đặc biệt là các hành vi liên quan đến bảo vệ thông tin và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ, bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ và cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.

Sáu là, thực hiện phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hộ kinh doanh và tổ chức có liên quan trong thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

5. Nhóm các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải trong mô hình kinh tế chia sẻ tại TP. Hồ Chí Minh

Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành tăng cường phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Thủ Đức và các quận/huyện, lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo kế hoạch hoặc chuyên đề nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cũng như nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo sự công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (như: xử phạt “nguội” thông qua dữ liệu hình ảnh từ hệ thống camera giám sát giao thông trên các tuyến đường trọng yếu, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình,…).

UBND Thành phố cần tiến hành tổng rà soát và giao nhiệm vụ cho cơ quan đầu mối phụ trách quản lý hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đường bộ sử dụng nền tảng ứng dụng. Trong đó, cần đưa ra những quy định cụ thể hoá từ các văn bản pháp luật hiện hành như:

Thứ nhất, yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin chính xác số lượng người lao động tham gia dịch vụ thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước và khả năng đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong lĩnh vực này (không được tự ý xem đây là bí mật kinh doanh mà không thực hiện nghĩa vụ minh bạch).

Thứ hai, các doanh nghiệp phải bảo đảm điều tiết thời gian làm việc tối đa đối với từng nhóm đối tượng tham gia như: sinh viên, người lao động tự do, người có công việc chính thức ở nơi khác.

Thứ ba, quy định rõ và tiến hành rà soát việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn tham gia hoạt động xe công nghệ, như: sức khoẻ, nhân thân rõ ràng, bằng lái xe đủ chuẩn.

Thứ tư, doanh nghiệp phải xây dựng và cung cấp bản mô tả công việc rõ ràng để căn cứ cho việc cấp chứng nhận cho những tài xế đủ yêu cầu mới được tham gia hoạt động xe công nghệ để nâng cao chất lượng tài xế và giảm thiểu những bất ổn xã hội.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2020). Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
2. Bộ Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh (2020). Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
3. Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh. (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
4. Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2022). Quyết định 503/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
5. Trương Quốc Lâm (2021). Đánh giá thực trạng công tác quản lý và các phương thức tập hợp người lao động tham gia cung ứng dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh – Ban Dân vận Thành ủy – Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh – Chương trình Khoa học và công nghệ cấp thành phố.
6. Đỗ Lý Hoài Tân (2019). Tài xế Grab Bike trong nền kinh tế chia sẻ: Nghiên cứu trường hơp TP. Hồ Chí Minh – Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội, 11(255), 21-32, Hà Nội.
7. http://sgtvt.hochiminh.gov.vn.