Định vị thương hiệu báo chí: từ lý thuyết đến thực tiễn ứng dụng trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí ở Việt Nam hiện nay

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh
ThS. Trần Hiền Anh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2025 đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tái định vị thương hiệu cho các cơ quan báo chí. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc xác định và quản lý hiệu quả thương hiệu báo chí trở thành yếu tố then chốt để tạo dựng uy tín, thu hút độc giả và duy trì sức cạnh tranh trên thị trường truyền thông. Bài viết phân tích thách thức và cơ hội trong quản lý định vị thương hiệu báo chí, đồng thời đề xuất một số giải pháp chiến lược nhằm nâng cao vị thế của các cơ quan báo chí trong bối cảnh mới.

Từ khóa: báo chí; định vị thương hiệu; quản lý báo chí; quy hoạch báo chí.

1. Những vấn đề cốt lõi trong định vị thương hiệu báo chí

Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong định hướng phát triển ngành Báo chí Việt Nam. Quyết định không chỉ đề cập đến việc phát triển báo chí mà còn đặt nền tảng cho chiến lược tái định vị thương hiệu và quản lý định vị thương hiệu cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh mới.

Hội nhập quốc tế và sự bùng nổ công nghệ thông tin đặt ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí. Định vị và tái định vị thương hiệu trở thành yếu tố sống còn, thể hiện bản sắc, giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh của mỗi cơ quan. Thương hiệu báo chí bao gồm sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh, giúp xác định mục đích tồn tại, định hướng phát triển và những điểm mạnh độc đáo của từng cơ quan báo chí. Quản lý hiệu quả định vị thương hiệu không chỉ tạo dựng uy tín, niềm tin với công chúng mà còn thu hút độc giả tiềm năng, giữ chân độc giả hiện có, mở rộng thị trường và gia tăng nguồn lực tài chính. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của truyền thông hiện đại, định vị thương hiệu chính là chìa khóa giúp các cơ quan báo chí khẳng định vị thế và phát triển bền vững.

Quản lý định vị thương hiệu là một hành trình dài hạn, đòi hỏi sự cam kết đồng lòng từ toàn thể lãnh đạo và nhân viên trong mỗi cơ quan báo chí. Việc này tuy tốn nhiều thời gian và công sức nhưng lại đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí trong bối cảnh hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin đầy thử thách như hiện nay. Tái định vị thương hiệu là chìa khóa giúp các cơ quan báo chí Việt Nam nâng tầm, khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số và góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho công chúng.

Khái niệm “thương hiệu” đã trở nên phổ biến trong kinh doanh và tiếp thị, có thể hiểu: “Thương hiệu là một tên gọi, thuật ngữ, ký hiệu, biểu tượng, thiết kế, hoặc kết hợp chúng lại với nhau, nhằm nhận biết hàng hóa và dịch vụ của một người bán hoặc một nhóm những người bán để phân biệt họ với các đối thủ cạnh tranh” (Kotler, P. and Keller, K.L. 2012). Định nghĩa này nhấn mạnh vai trò của các yếu tố nhận diện như tên gọi, ký hiệu, biểu tượng và thiết kế trong việc phân biệt sản phẩm/dịch vụ của một doanh nghiệp. Thương hiệu không chỉ giúp người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn sản phẩm mà còn là tài sản vô hình quan trọng, góp phần tạo dựng lợi thế cạnh tranh và nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, đầu tư xây dựng và quản lý thương hiệu hiệu quả là chiến lược không thể thiếu trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh. Nói cách khác, định vị thương hiệu chính là chiến lược nhằm xác định vị trí mà doanh nghiệp mong muốn thương hiệu của mình chiếm giữ trong tâm trí khách hàng, so sánh với các đối thủ cạnh tranh.

Thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp là hai khái niệm cốt lõi trong marketing, tuy có mối liên hệ mật thiết nhưng lại mang những đặc điểm riêng biệt. Thương hiệu sản phẩm là dấu hiệu nhận diện một sản phẩm cụ thể, giúp phân biệt nó với các sản phẩm khác trên thị trường, trong khi thương hiệu doanh nghiệp là hệ thống nhận diện hình ảnh chung của doanh nghiệp, thể hiện giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh. Thương hiệu sản phẩm thường gắn liền với một hoặc một số sản phẩm nhất định và có thể được sở hữu bởi nhiều doanh nghiệp, trong khi thương hiệu doanh nghiệp là duy nhất và đại diện cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Thương hiệu sản phẩm được xây dựng dựa trên nền tảng thương hiệu doanh nghiệp mạnh mẽ, trong khi thành công của thương hiệu sản phẩm cũng góp phần nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp. Để quản trị thương hiệu hiệu quả, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thương hiệu thống nhất, kết hợp hài hòa giữa thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp, đồng thời quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động branding để bảo đảm hiệu quả và sự phát triển bền vững (Kotler, P. and Keller, K.L. 2012).

Theo Điều 16 Luật Báo chí năm 2016: “Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 14 của Luật này, thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí, có một hoặc một số sản phẩm báo chí theo quy định của Luật này”.

Thương hiệu báo chí là tổng hợp các yếu tố được công chúng cảm nhận và nhận biết về một tờ báo hoặc đài phát thanh truyền hình, trong đó chất lượng thông tin đóng vai trò nền tảng, thể hiện qua độ chính xác, trung thực, khách quan, kịp thời, toàn diện và hấp dẫn của nội dung, từ đó xây dựng lòng tin và thu hút độc giả. Bên cạnh đó, lượng công chúng thường xuyên tiếp cận và sử dụng thông tin cũng phản ánh mức độ phổ biến và ảnh hưởng của thương hiệu. Đồng thời, sự nhận biết của độc giả về tên gọi, logo, slogan và hình ảnh của tờ báo thể hiện hiệu quả xây dựng thương hiệu, trong khi niềm tin của công chúng về mức độ tin tưởng và tín nhiệm lại là thước đo uy tín và giá trị thương hiệu. Thương hiệu báo chí là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố trên, và việc xây dựng thương hiệu hiệu quả sẽ giúp thu hút độc giả, nâng cao uy tín và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong môi trường truyền thông cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Quản lý định vị thương hiệu báo chí là quá trình tác động có hệ thống và mục tiêu, nhằm xây dựng hình ảnh và vị trí mong muốn của tờ báo trong tâm trí công chúng. Định vị thương hiệu này thể hiện qua nhận thức của công chúng về giá trị cốt lõi, thế mạnh và sự khác biệt của tờ báo. Quản lý định vị thương hiệu báo chí hiệu quả mang lại nhiều lợi ích quan trọng; không chỉ giúp tờ báo khẳng định vị thế và thu hút độc giả mà còn tạo dựng uy tín và niềm tin trong lòng công chúng. Điều này góp phần định hướng dư luận xã hội tích cực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Báo chí. Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin khốc liệt, định vị thương hiệu rõ ràng giúp tờ báo nổi bật và thu hút sự lựa chọn của độc giả.

Quản lý định vị thương hiệu báo chí bao gồm một chuỗi các hoạt động liên kết chặt chẽ. Đầu tiên, việc xác định mục tiêu định vị được thực hiện thông qua phân tích sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu phát triển của tờ báo, đồng thời đánh giá nhu cầu, thị hiếu của công chúng mục tiêu và nghiên cứu tình hình cạnh tranh trên thị trường. Tiếp theo, nghiên cứu thị trường được triển khai bằng cách tiến hành khảo sát, phỏng vấn để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của công chúng, phân tích đối thủ cạnh tranh và đánh giá xu hướng thị trường, từ đó xác định định vị thương hiệu hiệu quả, phù hợp với thực tế. Sau khi có được những thông tin cần thiết, chiến lược định vị thương hiệu được xây dựng bằng cách lập kế hoạch chi tiết, xác định thông điệp cốt lõi, giá trị độc đáo, lựa chọn kênh truyền thông phù hợp và lên kế hoạch sản xuất nội dung chất lượng cao. Cuối cùng, chiến lược này được thực thi đồng bộ trên các khía cạnh nội dung, hình thức, kênh truyền thông và hoạt động quảng bá, đồng thời được theo dõi, đánh giá và điều chỉnh thường xuyên để bảo đảm hiệu quả tối ưu.

Quản lý định vị thương hiệu báo chí chịu tác động bởi hai nhóm yếu tố chính là nội tại và khách quan, mà sự kết hợp hài hòa giữa chúng chính là chìa khóa thành công. Yếu tố nội tại xuất phát từ bản thân tờ báo, bao gồm: sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, năng lực đội ngũ phóng viên, biên tập viên và quy trình sản xuất thông tin, những yếu tố này định hình nên giá trị cốt lõi và chất lượng sản phẩm báo chí, từ đó tạo nên nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan từ môi trường bên ngoài, bao gồm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, nhu cầu và thị hiếu của công chúng, cùng với sự phát triển của công nghệ truyền thông, cũng tác động không nhỏ đến quá trình định vị thương hiệu. Do đó, việc nắm bắt và thích ứng với những yếu tố khách quan này là điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược định vị thương hiệu phù hợp và hiệu quả, giúp tờ báo không chỉ khẳng định vị thế mà còn phát triển bền vững trong bối cảnh truyền thông hiện đại đầy biến động.

2. Quy hoạch báo chí và định vị thương hiệu báo chí – thực trạng và vấn đề đặt ra

Quản lý là sự tác động có tính chất điều kiện để dẫn dắt một tổ chức hoặc cộng đồng để duy trì hoạt động và đạt được một mục tiêu nhất định. Nhà quản lý là người làm việc trong tổ chức với vai trò đại diện, họ chịu trách nhiệm dẫn dắt người khác hoạt động theo kế hoạch, mục tiêu mà họ đề ra, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả lao động của họ. Theo đó, nhà quản lý duy trì việc lập kế hoạch, tổ chức lãnh đạo và kiểm soát mọi vấn đề liên quan một cách có hiệu quả để đạt được mục tiêu. Hoạt động quản lý nhằm duy trì trạng thái hoạt động của một cộng đồng, đơn vị, tổ chức bằng biện pháp điều khiển, dẫn dắt thông qua các công cụ quản lý như thể chế, định chế và lợi ích. Môi trường quản lý là môi trường mang tính kỹ thuật. Hoạt động quản lý và lãnh đạo không trùng khớp với nhau.

Báo chí đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và là diễn đàn kết nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Quản lý nhà nước đối với báo chí, dựa trên cơ sở pháp luật bảo đảm hoạt động báo chí tuân thủ pháp luật, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và đóng góp vào sự phát triển xã hội. Quản lý báo chí được thực hiện ở cả hai cấp độ: quản lý vi mô (quản lý nội bộ của cơ quan báo chí) và quản lý vĩ mô (quản lý của nhà nước trên phạm vi toàn quốc). Tuy nhiên, bất kể cấp độ nào, quản lý báo chí cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản bảo đảm quyền tự do báo chí, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan báo chí và nhà báo, đảm bảo tính khách quan, trung thực của thông tin, tôn trọng lợi ích công cộng và đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý.

Quản lý báo chí ở Việt Nam, một hoạt động đặc thù dưới sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi người thực hiện phải hội tụ những phẩm chất và năng lực cả về trình độ và bản lĩnh chính trị. Trình độ quản lý chuyên môn, khả năng ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại vào thực tiễn báo chí là nền tảng. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định và sự trung thành tuyệt đối với Đảng và Nhà nước là những yếu tố không thể thiếu. Đặc biệt, người làm công tác quản lý báo chí cần nắm vững đường lối, chính sách và quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoạt động báo chí, từ đó định hướng và lãnh đạo hoạt động báo chí một cách đúng đắn và hiệu quả.

Thương hiệu báo chí được xây dựng dựa trên quản trị cơ quan báo chí hiệu quả, là sự tổng hòa các yếu tố mà độc giả nhận biết xung quanh tên gọi của sản phẩm báo chí, bao gồm nhân lực, phương tiện, công cụ làm báo, chất lượng thông tin, lượng công chúng, sự nhận biết và niềm tin của độc giả. Thương hiệu báo chí uy tín và có tầm ảnh hưởng sâu rộng sẽ làm tăng giá trị của sản phẩm báo chí, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường truyền thông.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến báo chí Việt Nam, đặc biệt là với sự bùng nổ của công nghệ mới và truyền thông xã hội. Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quyết định số 362/QĐ-TTg) đã chỉ rõ sự thay đổi trong cơ chế tài chính của báo chí, theo đó, hầu hết các cơ quan báo chí sẽ phải tự chủ về tài chính “Nhà nước chỉ đầu tư và đảm bảo cơ chế tài chính cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; có hỗ trợ ngân sách đối với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng giai đoạn, khu vực”. Trong bối cảnh này, việc tạo ra các sản phẩm thông tin có thương hiệu để thu hút bạn đọc, nâng cao số lượng phát hành và gia tăng quảng cáo trở thành yếu tố sống còn. Điều này không chỉ giúp các tòa soạn tồn tại và phát triển mà còn tạo ra cộng đồng công chúng trung thành, thông qua việc cung cấp thông tin chất lượng và xây dựng niềm tin vững chắc.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm sắp xếp lại hệ thống báo chí, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đảm bảo tính độc lập và khách quan của báo chí và thích ứng với xu thế phát triển thông tin, truyền thông toàn cầu. Tuy nhiên, việc tinh gọn và sắp xếp lại hệ thống này cũng đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan báo chí thuộc tổ chức xã hội – nghề nghiệp, buộc họ phải chuyển đổi mô hình hoạt động, đối tượng độc giả và thậm chí là tên gọi, dẫn đến việc phải tái định vị thương hiệu cho các sản phẩm mới.

Quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, tuy nhiên, từ góc độ quản lý nhà nước, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được khắc phục. Một số cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động vẫn gặp bất cập trong việc kiểm soát nội dung, dẫn đến tình trạng thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận. Bên cạnh đó, việc sử dụng tên miền không đúng với giấy phép mới của một số chuyên trang điện tử gây khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát. Một số cơ quan báo chí của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, sau khi chuyển đổi thành tạp chí khoa học, vẫn sử dụng giấy phép hoạt động báo chí để tác nghiệp, gây ra tình trạng vượt quá thẩm quyền. Thêm vào đó, một số tạp chí hoạt động thu thập thông tin dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học, làm mờ ranh giới giữa hoạt động báo chí và nghiên cứu. Còn tồn tại thực trạng liên kết, phối hợp giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, tạo điều kiện cho các sai phạm trong hoạt động báo chí. Những bất cập này cần được các cơ quan chức năng quan tâm và giải quyết kịp thời để bảo đảm hoạt động báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Tình trạng tồn tại một số bất cập trong quản lý hoạt động báo chí xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả về mặt pháp lý, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực. Luật Báo chí năm 2016 chưa hoàn thiện, chưa bao quát đầy đủ các vấn đề mới phát sinh trong hoạt động báo chí hiện đại, đặc biệt là việc phân định giữa báo và tạp chí, tạp chí khoa học và tạp chí chuyên ngành. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí chưa được thực hiện đầy đủ, thể hiện ở việc thiếu sự quan tâm, sâu sát và nắm vững các quy định của Luật Báo chí năm 2016, thậm chí còn có trường hợp cơ quan báo chí phải hỗ trợ tài chính cho cơ quan chủ quản. Ngoài ra, nhiều cơ quan chủ quản chưa chú trọng đúng mức việc định vị thương hiệu báo chí, quy hoạch cán bộ nguồn và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động báo chí trong giai đoạn mới. 

Bên cạnh đó, nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận người làm báo còn hạn chế, đưa ra những thông tin thiếu chính xác, sai lệch và sản xuất ra những tác phẩm báo chí kém chất lượng. Quy trình tuyển dụng nhân sự làm báo còn nhiều hạn chế, từ khâu sàng lọc chưa kỹ càng đến chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám và sự nhập nhằng trong vai trò của người làm báo khi tác nghiệp.

3. Tối ưu hóa quản lý định vị thương hiệu báo chí – một số gợi ý thực tiễn

Để giải quyết những bất cập trong quản lý hoạt động báo chí, việc xây dựng và định vị thương hiệu báo chí hiệu quả trở thành yếu tố then chốt, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo từ cơ quan chủ quản. Đây không chỉ là nhiệm vụ bảo đảm hoạt động báo chí tuân thủ pháp luật, định hướng và tôn chỉ, mục đích mà còn là cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Đổi mới mô hình tổ chức theo hướng hiện đại, đa phương tiện và hội tụ là bước đi quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, điều phối nội dung và chủ động định hướng dư luận. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản lý tốt và đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại sẽ nâng cao chất lượng nội dung và thúc đẩy kinh tế báo chí.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, bảo đảm đội ngũ nhân sự có đủ phẩm chất, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá và đào tạo, bồi dưỡng là biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đổi mới nội dung sản phẩm báo chí, tập trung vào các chuyên mục, chuyên đề độc quyền, thể hiện nội dung hấp dẫn, dễ hiểu nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác, khách quan và phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng.

Cuối cùng, việc tổ chức đào tạo, hội thảo về định vị thương hiệu, tiếp thị và quản lý báo chí với sự tham gia của các chuyên gia sẽ giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng của đội ngũ làm báo, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của cơ quan báo chí.

4. Kết luận

Việc thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025 không chỉ là nhiệm vụ cấp bách để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí tái định vị thương hiệu, khẳng định vị thế và giá trị của mình trên thị trường truyền thông. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy hoạch cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan báo chí. Việc giải quyết các bất cập hiện tại, từ vấn đề pháp lý đến cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực, là điều kiện tiên quyết để quy hoạch báo chí đạt được mục tiêu đề ra.

Để tối ưu hóa quản lý định vị thương hiệu báo chí, các cơ quan báo chí cần chủ động đổi mới mô hình tổ chức, đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực, đồng thời, xây dựng chiến lược nội dung độc đáo, hấp dẫn và phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác với các chuyên gia, tổ chức đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực quản lý và xây dựng thương hiệu báo chí vững mạnh.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2019). Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Quốc hội (2016). Luật Báo chí năm 2016. 
4. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
5. Kotler, P. and Keller, K.L. (2012). Marketing Management. 14th Edition, Pearson Education.