Phùng Tiến Nghĩa
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Là loại hình tư duy phát triển ở trình độ cao của tư duy nhân loại, tư duy biện chứng duy vật có vai trò quan trọng trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Thông qua phân tích những vấn đề cơ bản về tư duy biện chứng duy vật, bài viết nghiên cứu vai trò tư duy biện chứng duy vật trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội. Trong giai đoạn hiện đại, đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố hàng đầu, quyết định chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội hiện nay.
Từ khóa: Duy vật biện chứng; tư duy; đổi mới; phương pháp dạy học; môn học khoa học xã hội và nhân văn; nhà trường quân đội.
1. Đặt vấn đề
Tư duy biện chứng duy vật là phương tiện cần thiết để nhận thức đúng đắn thế giới khách quan và cải tạo thế giới có hiệu quả. Vai trò đó càng được thể hiện rõ trong hoạt động giáo dục – đào tạo nói chung, trong đổi mới phương pháp dạy học nói riêng. Phát huy vai trò tư duy biện chứng duy vật trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội hiện naycó ý nghĩa quan trọng và cấp thiết góp phần xây dựng quân đội tinh nhuệ về chính trị trong giai đoạn hiện nay.
2. Biểu hiện vai trò tư duy biện chứng duy vật trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội
Tư duy là sản phẩm của một dạng vật chất có tổ chức cao – đó là bộ não con người, vì vậy, tư duy là hoạt động riêng biệt của con người. Xét về bản chất, tư duy mang bản chất sáng tạo. Khi bàn về tư duy, C.Mác cho rằng, tư duy là quá trình phản ánh sáng tạo hiện thực và khẳng định quy luật của tư duy là quy luật tìm ra cái mới: “Ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó”1. Chính chức năng khái quát hóa hiện thực tạo ra tri thức, tư tưởng và phương pháp mới mang tính quy luật, chi phối sự phát triển của các sự vật, hiện tượng đã làm nên bản chất sáng tạo của tư duy. Tư duy biện chứng duy vật được xem là hình thức cao nhất trong lịch sử phát triển của tư duy biện chứng.
Tư duy biện chứng duy vật được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển những hạt nhân hợp lý của các hình thức tư duy trước đó, nhất là đưa phép biện chứng của Hêghen thoát khỏi cái vỏ duy tâm, xây dựng phép biện chứng duy vật, cũng tức là tư duy biện chứng duy vật: “Phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”2.
Như vậy, có thể hiểu, tư duy biện chứng duy vật là loại hình tư duy không chỉ phản ánh đúng mối liên hệ, sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan mà còn đòi hỏi chủ thể phải nắm vững, vận dụng linh hoạt những nguyên lý, quy luật, phạm trù và phương pháp luận của phép biện chứng duy vật, đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của logic biện chứng trong tư duy để giải quyết hiệu quả các vấn đề nhận thức và thực tiễn đặt ra.
Hệ thống nhà trường quân đội là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân và mang tính đặc thù của hoạt động quân sự. Trong đó, các môn khoa học xã hội và nhân văn có vai trò to lớn trong bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; định hướng chính trị, tư tưởng cho người học, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Trong đó, nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các học viện, nhà trường quân đội là một trọng tâm.
Tư duy biện chứng duy vật đòi hỏi chủ thể không chỉ phản ánh chính xác những mối liên hệ, sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, mà còn phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn những phương pháp, nguyên tắc của phép biện chứng duy vật vào nhận thức và hoạt động thực tiễn. Do vậy, tư duy biện chứng duy vật có vai trò quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội hiện nay. Cụ thể:
Thứ nhất, tư duy biện chứng duy vật giúp cho đội ngũ nhà giáo nhất quán, mạnh dạn trong quá trình tư duy, đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội. Tư duy biện chứng duy vật tạo cơ sở cho người dạy, người học thống nhất về nhận thức, hành động, tạo sự đồng nhất trong ý nghĩ, tư tưởng về đối tượng nghiên cứu một cách chính xác và toàn diện. Thấy được mối liên hệ bản chất giữa phương pháp truyền thống và phương pháp mới, từ đó, từng bước vạch ra hệ thống các giải pháp để khác phục lỗi logic thiếu nhất quán trong tư duy dạy và học. Thông qua đó, giúp cho nhà giáo chủ động xâu chuỗi vấn đề, phát hiện sự liên hệ giữa các phương pháp và cách thức tổ chức, biết cách kết hợp các phương pháp một cách phù hợp trong từng điều kiện thực tế. Đồng thời, khắc phục lỗi tư biện, siêu hình, tìm ra bản chất và những mối liên hệ cơ bản, tạo nền tảng để người dạy, người học cùng đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, tư duy biện chứng duy vật tạo nền tảng xây dựng, củng cố vững chắc ý chí, niềm tin cho đội ngũ nhà giáo về hiệu quả thực tiễn của quá trình đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội. Tư duy biện chứng duy vật giúp người dạy có phương pháp đánh giá khách quan, toàn diện về tính quanh co, phức tạp trong sự phát triển của sự vật, hiện tượng; từ đó, trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn,người dạy tiếp cận được lối tư duy mạch lạc, nghiên cứu toàn diện các phương pháp, trên cơ sở khảo sát kết quả thực tiễn nhà trường quân đội, từ đó, đưa ra được các phương pháp mới: “Logic biện chứng đòi hỏi phải xem xét sự vật trong sự phát triển, trong sự vận động,… trong sự biến đổi của nó”3. Từ đó, giúp cho đội ngũ giảng viên củng cố vững chắc niềm tin khoa học trong xem xét, đánh giá đúng bản chất của hoạt động đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời, tìm hiểu và phân tích mâu thuẫn bên trong, đưa ra cách giải quyết phù hợp, đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Thứ ba, tư duy biện chứng duy vật giúp người dạy có phương pháp đánh giá khách quan, khoa học kết quả hoạt động đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội. Tư duy biện chứng duy vật tạo cơ sở để đánh giá phương pháp; nội dung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của người dạy một cách chân thực, phản ánh đúng thực tiễn. Từ đó, tổng kết, rút ra phương pháp phù hợp, nâng cao chất lượng chuẩn bị và thực hành bài giảng. Đồng thời, đánh giá khách quan, khoa học, công tâm, chính xác kết quả đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội, vận dụng phương pháp mới phù hợp với nội dung, chương trình theo mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tạo nền tảng để người dạy chủ động lồng ghép các nội dung phù hợp với thực tiễn nhà trường quân đội và năng lực của người học, tạo cơ sở tiến hành tự đổi mới phương pháp dạy học của bản thân hướng tới hiệu quả cao nhất.
3. Thực tiễn áp dụng tư duy biện chứng trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội
Thứ tư, tư duy biện chứng duy vật tạo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội. Tư duy biện chứng duy vật góp phần bảo đảm cho hoạt động giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn bám sát thực tiễn, theo phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.
Tạo cơ sở cho việc xây dựng chuẩn hóa chương trình đào tạo theo từng môn học, chuyên ngành học; xây dựng chuẩn đầu ra hệ thống về kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm đối với từng bài học cụ thể; đến hoàn thiện hệ thống cơ sở, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học; chuẩn hóa trình độ chuyên môn của người dạy. Trên cơ sở đó, đánh giá đúng thực trạng, đề xuất chủ trương, giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với từng lớp đối tượng người học.
Những năm qua, công tác giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung, vận dụng tư duy biện chứng duy vật trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác giáo dục khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và thực tiễn quân đội. Nhà trường quân đội thường quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong quân đội. “Thông qua đó, trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ Quốc và Nhân dân; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”4.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc vận dụng tư duy biện chứng duy vật trong đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội còn bộc lộ một số hạn chế nhất định.
(1) Một số cán bộ, giảng viên, học viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của các môn khoa học xã hội và nhân văn đối với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội.
(2) Công tác xây dựng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có nơi chưa gắn với quy hoạch và thực tiễn nhu cầu cán bộ của các học viện, nhà trường. Chất lượng, hiệu quả dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn chưa đồng đều”5.
(3) Hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học các môn học này ở một số cơ sở đào tạo còn thiếu, nội dung chưa cập nhật sự phát triển của thực tiễn; một số nội dung có sự trùng lặp giữa các cấp học, bậc học, môn học.
4. Một số giải pháp
Một là, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của mỗi nhà giáo ở nhà trường quân đội trong rèn luyện phẩm chất, năng lực sư phạm, phương pháp và tác phong công tác.
Chú trọng khơi dậy, phát huy ở mỗi nhà giáo lòng yêu nghề, vinh dự, trách nhiệm, luôn là một tấm gương tiêu biểu về đạo đức, tự học và sáng tạo, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Quán triệt và thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của người thầy. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.
Mỗi nhà giáo ở nhà trường quân đội không ngừng học tập, rèn luyện, thực sự vững vàng về lý luận, phong phú về thực tiễn, chuẩn mực về phương pháp, tác phong công tác. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực toàn diện, kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, môn học giảng dạy và kỹ năng, phương pháp sư phạm tốt; khả năng tư duy khoa học, sáng tạo, biết gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn.
Hai là, tăng cường tổ chức những hoạt động thực tiễn trong quá trình học tập và rèn luyện của học viên ở nhà trường quân đội.
Đẩy mạnh hoạt động thực tiễn cho học viên thông qua các hình thức thực tế chuyên môn, thực tập, thực hành nghề nghiệp. Mỗi học viên không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn, các kỹ năng, thao tác sử dụng ngoại ngữ, tin học, thường xuyên cập nhật các vấn đề thực tiễn, mới, có tác động sâu rộng. Tích cực đổi mới phương pháp học tập, học gắn liền với hành, lý luận gắn liền thực tiễn.
Chú trọng đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết, xây dựng những tình huống có vấn đề, đẩy mạnh hoạt động làm việc nhóm, tổ chức semina, trao đổi, tọa đàm, sinh hoạt học thuật… Nghiên cứu, nắm vững các nguyên tắc phương pháp luận biện chứng duy vật; tự giác trang bị vốn tri thức, không ngừng rèn luyện thực tiễn; tích cực học tập, rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân để từng bước hình thành, phát triển, hoàn thành nhân cách nghề nghiệp tương lai; lấy tự học, tự nghiên cứu làm trọng tâm.
Ba là, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm tốt đẹp, lành mạnh, phong phú gắn với quan tâm, chăm lo thực hiện tốt các chế độ, chính sách ở nhà trường quân đội.
Quan tâm xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và bầu không khí tâm lý, tinh thần tập thể quân nhân tốt đẹp, tạo động lực cho mỗi người dạy rèn luyện, phấn đấu theo tinh thần “7 dám” – “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”6.
Tập trung xây dựng nhà trường quân đội vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Duy trì nghiêm các quy chế, quy định trong giáo dục và đào tạo, xây dựng bầu không khí dân chủ, kỷ cương, văn hóa, đoàn kết, thống nhất, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Chú ý giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các lực lượng sư phạm, nhất là mối quan hệ giữa người dạy và người học. Tạo lập không gian sáng, xanh, sạch, đẹp, trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại cần thiết phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học.
Chú thích:
1. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập (1995). Tập 23. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 35.
2. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập (1995). Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 201.
3. V. I. Lênin toàn tập (2005). Tập 42. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 364.
4, 5. Bộ Quốc phòng (2022). Thông tư số 54/2022/TT-BQP ngày 19/7/2022 về quy định tổ chức dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội.
8. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Quân ủy Trung ương. https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-hoi-nghi-quan-uy-trung-uong-102230703162529438.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật
2. Huỳnh Thị Mỹ Nhung (2019). Vai trò của tư duy biện chứng đối với hoạt động lãnh đạo của cán bộ chủ chốt cấp huyện. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hải phòng số 35 (11/2019).
3. Quân ủy Trung ương (2019). Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
5. Nguyễn Nam Phong (2024). Phát triển tư duy biện chứng duy vật cho học viên các nhà trường quân đội. https://quanlynhanuoc.vn/2024/04/09/phat-trien-tu-duy-bien-chung-duy-vat-cho-hoc-vien-cac-nha-truong-quan-doi/