Truyền thông về giới trên phương tiện truyền thông mới – Vấn đề đặt ra cho quản lý nhà nước*

ThS. Đặng Thanh Nhàn
ThS. Lê Thị Hồng Hải
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Phương tiện truyền thông, truyền thông mới có vai trò ngày càng quan trọng góp phần từng bước xóa bỏ định kiến giới. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước và của địa phương về ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong cải cách hành chính, quản lý các mặt của đời sống xã hội tính đến vai trò giới trong từng chính sách trên các phương tiện truyền thông và năng lực truyền thông mới.

Từ khóa: Truyền thông, phương tiện truyền thông, định kiến giới, quản lý nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Truyền thông mới là thuật ngữ tổng hợp của thế kỷ 21 được dùng để định nghĩa tất cả những gì liên quan đến internet cũng như sự tương tác giữa công nghệ, hình ảnh và âm thanh. Hiện nay, các thiết bị điện tử đang trở nên ngày một đa dạng, các hình thức công nghệ kết nối dựa trên ứng dụng internet ngày càng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Đã có nhiều tranh luận về tác động của phương tiện truyền thông mới tới đời sống xã hội nói chung và đời sống gia đình nói riêng.

Phương tiện truyền thông mới là bất kỳ phương tiện truyền thông nào – từ các bài báo và blog đến âm nhạc và podcast được phân phối dưới dạng kỹ thuật số. Từ trang web hoặc email đến điện thoại di động và ứng dụng phát trực tuyến, mọi hình thức liên lạc liên quan đến internet đều thuộc phạm vi quản lý của nó. Theo PCMag, phương tiện truyền thông mới đề cập đến “các hình thức giao tiếp trong thế giới kỹ thuật số, chủ yếu là trực tuyến thông qua Internet”. Thuật ngữ này bao gồm tất cả nội dung được truy cập thông qua máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Phương tiện truyền thông mới cho phép mọi người có tiếng nói trong cộng đồng của họ và trên thế giới nói chung. Điều đó trái ngược với “phương tiện truyền thông cũ” mà PC Mag định nghĩa là tất cả các hình thức truyền thông có trước công nghệ kỹ thuật số, bao gồm: “đài phát thanh và TV cũng như các tài liệu in như sách và tạp chí”. Và khi công nghệ mới phát triển được áp dụng rộng rãi, những gì được coi là “mới” sẽ tiếp tục biến đổi.

2. Vai trò của phương tiện truyền thông mới đối với vấn đề giới, bình đẳng giới

Phương tiện truyền thông mới (New medias) được đề cập, như: blog, mạng xã hội, web, game online. Phương tiện truyền thông mới cho phép tiếp xúc với nội dung cũng tạo cơ hội để sáng tạo nội dung và phân phối truyền thông; cho phép có cơ hội bình luận công khai. Trò chơi điện tử có thể được chơi bởi nhiều người chơi trực tuyến và sử dụng giao thức thoại qua giao thức cho phép trò chuyện giữa những người chơi này.

Nhóm nghiên cứu của Rudy, R. M., Popova và cộng sự năm 2010 tập trung vào các phương tiện truyền thông truyền thống, như: truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, báo chí và chỉ ra rằng, các phân tích nội dung được công bố về vai trò giới hiếm khi xem xét các mô tả về giới trong cái gọi là “phương tiện truyền thông mới”1.

Hơn thế, trong bối cảnh truyền thông đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc như hiện nay, sự đa dạng hơn về nội dung, các loại phương tiện truyền thông mới và các nền tảng mới để cung cấp phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện. Sự đa dạng của nội dung có sẵn trên Internet thực tế là vô hạn và bao gồm những nội dung trước đây được coi là “phương tiện truyền thông khác” như: âm nhạc, truyền hình, trò chơi và phim ảnh. Người lớn sử dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau và ngày càng tương tác với những phương tiện này trên nhiều nền tảng khác nhau. Đặc biệt là thanh thiếu niên, nhiều người đã tạo và đăng nội dung trên web, từ việc có trang web cá nhân đến viết blog và đăng tác phẩm nghệ thuật, ảnh và video2. Theo đó, việc sử dụng phương tiện truyền thông mới cho phép tiếp xúc với nội dung, tạo cơ hội để sáng tạo và phân phối nội dung truyền thông, cho phép có cơ hội bình luận công khai. Nhiều hoạt động trực tuyến mang tính xã hội cao, nhiều người cùng tham gia và cùng bày tỏ ý kiến trực tiếp.

Những đặc điểm độc đáo này của phương tiện truyền thông mới đặt ra yêu cầu nghiên cứu. Đặc biệt, “giống như nội dung của các phương tiện truyền thông được sản xuất chuyên nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi giới tính của người tạo ra nó, nội dung do người dùng tạo ra trong môi trường tương tác, dù là video, blog hay bình luận trên đó cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi giới tính. Vì vậy, điều quan trọng là phải theo dõi nội dung này và giới tính của những người tham gia vào các nền tảng truyền thông và loại nội dung này”3.

Chúng ta thường nói về những khuôn mẫu, những hình ảnh đã ăn sâu vào tâm lý tập thể mà mọi người có thể nói với bạn một hoặc hai điều, ít nhiều thực tế nhưng ít nhất ở mức độ nhận thức chúng được định hình giống hệt nhau, đi theo cùng một con đường. Theo Báo cáo của Women’s Media Center năm 2014 đã lấy ví dụ hình ảnh người phụ nữ lo việc nội trợ và chăm sóc con cái, người đàn ông ăn mặc bảnh bao, có địa vị cao hơn hoặc đại diện cho hình ảnh của sức mạnh thể chất và tinh thần4. Và như thế, khuôn mẫu được định hình trên truyền thông nên truyền thông cần là một đối tác tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhằm loại bỏ các khuôn mẫu định sẵn việc bất bình đẳng giới, mặc dù tình trạng này hiện đang là tâm lý, thói quen khó thay đổi nhưng lại là điều mong đợi của các xã hội tiến bộ.

Hơn nữa, có thể tuyên truyền việc nhận thức về giới khi sản xuất tin tức (ở đây bao gồm cả sản xuất truyền thông) vấn đề khác biệt giới tính có thể dẫn đến giảm bất bình đẳng giới. Các quy tắc ứng xử đã được đề xuất, quy định sự tôn trọng bắt buộc giữa phụ nữ và nam giới; sự khác biệt về giới trong truyền thông, những sự hiểu khác biệt về cách truyền thông về tính chủ quan và bản dạng giới để tạo ra hình ảnh nam, nữ, bé trai, bé gái,… nhận thức được sự khác biệt về giới tính, chúng có thể được tích hợp vào lối sống thông qua giáo dục, văn hóa, thông qua các phương tiện truyền thông.

Trên thực tế, nam giới thường xuất hiện trong hầu hết các văn bản truyền thông hơn là phụ nữ; nam giới và phụ nữ thường được thể hiện trong các vai trò truyền thống và rập khuôn. Phụ nữ ít được đại diện trong nhiều loại nội dung cũng như các loại hình truyền thông; sự chênh lệch trong cách thể hiện nam và nữ vẫn tồn tại qua nhiều thập kỷ. Ví dụ: các nguồn tin nam giới xuất hiện thường xuyên hơn gần gấp ba lần so với các nguồn tin nữ giới trên các tờ báo đưa tin về hôn nhân đồng giới5; gần gấp đôi trong các tin tức truyền hình địa phương về nhiều chủ đề khác nhau, các phân tích về các loại chương trình truyền hình đa dạng hướng đến giới trẻ luôn cho thấy, nam giới nhiều hơn nữ giới, khoảng 60% nhân vật trở lên6.

Ngay cả khi chủ đề liên quan chặt chẽ đến giới tính, chẳng hạn, như: bạo lực tình dục, giọng nói của nam giới vẫn chiếm ưu thế trên các phương tiện thông tin đại chúng; mỗi giới tính, đặc biệt là phụ nữ được thể hiện theo những cách rập khuôn, thường được xác định chỉ dựa trên ngoại hình hoặc hành vi của họ trong các mối quan hệ cũng như với những đặc điểm và vai trò hạn chế về tính cách; khuôn mẫu tập trung vào các thuộc tính tính cách của mỗi giới. Các phân tích gần đây về chương trình truyền hình vào khung giờ vàng cho thấy, các nhân vật nam hung hăng bằng lời nói và thể chất hơn các nhân vật nữ và các nhân vật nữ được yêu thích hơn và hướng về gia đình hơn các nhân vật nam7. Hơn thế, khuôn mẫu đề cập đến các vai trò và nghề nghiệp. Các phân tích chỉ ra rằng, nam giới thường được đặt trong thế giới công việc và phụ nữ thường ở nhà; khi phụ nữ xuất hiện tại nơi làm việc, nghề nghiệp của họ có xu hướng phù hợp với định kiến giới8.

Có thể nói, hình ảnh phụ nữ trên các phương tiện truyền thông vẫn thường được thể hiện trong lĩnh vực gia đình với tư cách là mẹ hoặc chị gái, bận rộn với gia đình, tình yêu và tình bạn. Ngược lại, đàn ông được giới thiệu với tư cách là trụ cột gia đình, chiếm lĩnh chính trị và công nghệ. Mặc dù gần đây đã có một số thay đổi tích cực nhưng mô hình truyền thông vẫn tương tự như những năm 1970. Song với vai trò của phương tiện truyền thông mới hiện nay mở ra cánh cửa nhìn vào một thế giới mới tiến bộ, bình đẳng, gợi ý cho các giải pháp để tăng tỷ lệ đại diện của phụ nữ trên các phương tiện truyền thông và cách truyền thông mới sẽ không tạo ra những hình ảnh “tốt hơn”, “công bằng” hoặc thực tế hơn. Sự xuất hiện hình ảnh, chuyển tải thông điệp giữa nam và nữ trong các lĩnh vực sẽ trở nên cân bằng hơn. Khi thông tin cân bằng thì sẽ tác động đến nhận thức của công chúng và dần hình thành những chuẩn mực mới trong xã hội. Có những vấn đề thuộc về suy nghĩ, quan điểm thì phải thay đổi từ nhận thức chứ không phải ở những quy định bắt buộc.

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, vấn đề vai trò giới đang được đưa ra và thảo luận khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập trong việc bảo đảm vai trò giới. Một số báo cáo cho thấy, trong các bài báo, phóng sự, chương trình truyền hình, phim ảnh vẫn còn xuất hiện những hình ảnh, lời nói, hành động phân biệt đối xử giữa nam và nữ gây ra sự bất bình đẳng giới. Nam giới chiếm ưu thế trên các câu chuyện tin tức và sản phẩm. Phụ nữ thường góp mặt rất ít trên các phương tiện truyền thông, điều đó ngụ ý rằng nam giới mới là tiêu chuẩn, còn vai trò phụ nữ là không quan trọng hoặc không có.

Ngoài ra, nam giới và phụ nữ thường được truyền thông miêu tả theo các khuôn mẫu trong vai trò truyền thống, góp phần phản ánh và duy trì quan điểm về giới đã được xã hội công nhận cũng như bình thường hóa tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ khi những thông điệp ấy được tiếp nhận một cách vô thức bởi các trẻ em gái và trẻ em trai đang ở giai đoạn học hỏi về vai trò giới, các em sẽ có cái nhìn méo mó về phụ nữ và trẻ em gái. Việc tiếp xúc liên tục với các loại thông điệp như vậy sẽ làm cho công chúng ít quan tâm tới sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới.

Chẳng hạn như lý thuyết canh tác – Cultivation theory (Gerbner 1998): đưa ra một cách tiếp cận hệ thống vĩ mô đối với các hiệu ứng truyền thông9 nhằm mục đích ghi lại các hiệu ứng tích lũy của việc xem truyền hình hàng ngày. Nó dựa trên hai giả định chính: (1) Truyền thông trình bày một cái nhìn nhất quán nhưng bị bóp méo về thế giới thực và (2) việc thường xuyên tiếp xúc với những thông điệp này sẽ khiến người xem/đọc/nghe/tiếp xúc thường xuyên trau dồi hoặc áp dụng thái độ xã hội phù hợp với nội dung được trình bày. Do đó, những cá nhân xem đi xem lại nội dung truyền thông khuyến khích các định kiến giới truyền thống sẽ có xu hướng chấp nhận những định kiến này là đúng và ủng hộ những niềm tin này trong cuộc sống của chính họ; hay lý thuyết nhận thức xã hội10 của Bandura gợi ý rằng, sự giống nhau với những gì được miêu tả trên các phương tiện truyền thông là quan trọng để học hỏi từ hành vi của họ. Những người khác cho rằng, sự đồng nhất với một nhân vật; thậm chí Dal Cin và cộng sự năm 2007 còn khuyến nghị truyền thông bằng câu chuyện11 là rất quan trọng đối với ảnh hưởng đến niềm tin và hành vi,…

Trên nhiều phương tiện truyền thông, việc xem phụ nữ trong các nghề nghiệp truyền thống hoặc phi truyền thống có thể tác động đến niềm tin của trẻ em về khả năng giới tính và nghề nghiệp,… Và như thế, có mối liên hệ đáng kể giữa việc sử dụng phương tiện truyền thông trên màn hình của giới trẻ và thái độ chung về vai trò giới của họ; niềm tin của họ về tầm quan trọng của ngoại hình đối với trẻ em gái và phụ nữ; sự rập khuôn của chúng về đồ chơi, hoạt động và nghề nghiệp; sự ủng hộ của chúng đối với vai trò tình dục truyền thống; có mối liên hệ nhất quán giữa việc xem truyền hình thường xuyên và việc thể hiện niềm tin khuôn mẫu hơn về giới….

Tiếp xúc với phương tiện truyền thông là một quá trình lâu dài diễn ra trong suốt quá trình phát triển nên những tác động nhỏ đến sự hình thành các khuôn mẫu vai trò giới.

3. Vấn đề đặt ra cho quản lý nhà nước đối với truyền thông về giới trên phương tiện truyền thông mới

Các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới. Điều quan trọng là phụ nữ được miêu tả tích cực trên truyền thông và các cô gái trẻ có thể thấy mình là những tác nhân thay đổi mạnh mẽ, thay vì những người ngoài cuộc thụ động. Quan trọng hơn là các nam thanh niên có thể nhìn nhìn nhận nữ giới là đối tác bình đẳng và có khả năng lãnh đạo.
Và xưa nay, những quan niệm tồn tại lâu nay trong xã hội như là con gái phải dịu dàng, phải biết răm rắp, nghe lời; con trai thì mạnh mẽ, dũng cảm và có tiếng nói quyết định đã trở thành khuôn mẫu về giới đối với rất nhiều người và thay đổi những định kiến này hoàn toàn không dễ dàng.

Đây là những vấn đề không mới nhưng trong bối cảnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự phát triển của mạng xã hội đã và đang thúc đầy các loại hình báo chí, truyền thông được sản xuất và phát hành nhanh chóng qua các ứng dụng đa phương tiện. Đây là các nền tảng truyền thông mới, có tốc độ lan tỏa nhanh, hiệu ứng tác động mạnh. Tuy nhiên, hiện còn thiếu các chế tài kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các nội dung, hình ảnh truyền thông thiếu nhạy cảm giới. Theo đó, cần thiết, cấp bách nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về vai trò trò giới, nhạy cảm giới. Truyền thông cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp.

Thật khó để phân tích nội dung ở môi trường kỹ thuật số vì tính chất hay thay đổi của nó và những thay đổi có thể xảy ra nhanh chóng nhưng chủ yếu là do tốc độ với những tin tức đến và đi. Theo đó, sức mạnh của các phương tiện truyền thông là “điểm vào” để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực với phụ nữ về lâu dài. Phương tiện truyền thông có thể củng cố các chuẩn mực xã hội góp phần tạo nên sự phân biệt đối xử về giới và bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; có thể làm sáng rõ các vấn đề xã hội như bạo lực với phụ nữ. Do đó, để đưa tin bài có nhạy cảm giới, bảo đảm vai trò giới cần tránh không sử dụng những chi tiết mô tả về phụ nữ bao gồm: tình trạng thể chất, hôn nhân, gia đình, trừ khi điều đó là thiết yếu đối với câu chuyện.

Bảo đảm tôn trọng sự cân bằng giới trong lựa chọn chuyên gia hoặc nhân chứng. Ngoài ra, cần cung cấp chức danh, tên và giọng nói của người phụ nữ chứ không phải chung chung là “vợ ông X,Y,Z.” nào đó. Đưa tin, bài nhạy cảm giới có nghĩa là bảo đảm việc liên lạc phỏng vấn truyền thông đáp ứng nhu cầu của nạn nhân. Mặt khác, cần đối xử với nạn nhân với sự tôn trọng theo cách bảo vệ quyền về nhân phẩm của nạn nhân; duy trì sự an toàn và bảo mật…

Yêu cầu truyền thông mới cần có nhạy cảm giới khi thực hiện các chương trình tập huấn về truyền thông và đây không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị đào tạo hay cơ quan chuyên môn mà là trách của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Trong bối cảnh hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cả về thể chế, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện truyền thông mới có nhạy cảm giới nhất là về truyền thông chính sách, đưa chính sách, pháp luật vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Thực tế, nhiều tổ chức phát triển cộng đồng trong nước và quốc tế đã và đang nỗ lực chung tay thúc đẩy vai trò và năng lực của các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông về vấn để này. Song, trước hết chỉ khi người làm truyền thông hiểu sâu và nhận thức rõ về tầm quan trọng các vấn đề nhạy cảm giới, xóa bỏ định kiến giới thì vấn đề truyền thông xóa bỏ định kiến giới mới thực sự đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, trước sự phát triển truyền thông mới hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức mới cho các nhà quản lý, quản lý nhà nước về truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới có khả năng trong việc trao quyền cho không gian tranh luận công khai và cởi mở. Khi không gian trở nên cởi mở hơn, những khác biệt về giới này càng cần được nói ra và làm nổi bật thông qua các bình luận, ngôn ngữ, bài đăng video, ảnh hoặc trích dẫn.

4. Một số đề xuất nhằm phát huy mặt tích cực của truyền thông mới tới vai trò giới

Truyền thông có sứ mệnh đặc biệt trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Truyền thông mới cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp.

Ý thức hơn về sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, cũng như xu hướng không thể đảo ngược của những tác động truyền thông đang chi phối đời sống con người, chi phối sâu sắc tới vai trò giới. Mỗi cá nhân trong xã hội đều chịu sự tác động của phương tiện truyền thông mới ở hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực tùy thuộc vào điều kiện sống, đặc trưng nhân khẩu học của các gia đình và quan niệm của từng nhóm đối tượng. Cùng với nó, tần xuất và thời lượng sử dụng phương tiện truyền thông mới sẽ có ảnh hưởng lớn đến giao tiếp giữa các thành viên trong xã hội.

Thứ nhất, mỗi cá nhân, mỗi thành viên gia đình và của tự thân mỗi gia đình cần có những biện pháp để tự bảo vệ mình trước sự xâm lấn của công nghệ/truyền thông mới. Mỗi gia đình cần biết được tầm quan trọng của không gian sinh hoạt chung và thời gian sinh hoạt chung. Cần có các quy định/nội quy của gia đình đối với thời gian và địa điểm sử dụng điện thoại thông minh/các thiết bị công nghệ có tính đến vai trò giới.

Thứ hai, Nhà nước cần có những chính sách nhằm định hướng, dẫn dắt, quản lý truyền thông mới có tính đến vai trò giới trên các phương tiện truyền thông mới. Các phóng viên và cán bộ truyền thông với những sản phẩm báo chí, truyền thông đã và đang có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Cần thiết nâng cao nhận thức và năng lực về vấn đề giới và bình đẳng giới đối với nguồn nhân lực làm công tác truyền thông hiện nay.

Thứ ba, truyền thông nâng cao sự hiểu biết sâu sắc về các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế liên quan, khung pháp lý bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền phụ nữ cũng như bối cảnh bình đẳng giới ở Việt Nam khi tham gia các cam kết quốc tế nói chung.

* Kết quả của nghiên cứu: “Truyền thông về giới trên phương tiện truyền thông mới – Vấn đề đặt ra cho quản lý nhà nước” là sản phẩm của Đề tài cấp Bộ: “Một số chiều cạnh giới trên báo điện tử và những vấn đề đặt ra hiện nay” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2023-2024).

Chú thích:
1. Rudy, R. M., Popova, L., & Linz, D. G. (2010b). The context of current content analysis of gender roles: An introduction to a special issue. Sex Roles, 62, 705-720.
2. Simmons New Media Study (2009). New media study discovers Americans need 38 hours per day to complete their tasks. Experian Simmons Press Center. Retrieved from http://www.smrb.com/web/guest/press-release-new-media-study-discovery.
3. Collins, 2011. Content Analysis of Gender Roles in Media: Where are we now and where should we go? Sex Roles (2011) 64:290-298.
4. https://womensmediacenter.com/about/press/press-releases/womens-media-center-report-finds-women-still-underrepresented-misrepresente.
5. Schwartz, J. 2010. Whose voices are heard? Gender, sexual orientation and newspaper sources. Sex Roles, 64: 265-275. doi:10.1007/s11199-010-9825-z.
6. Baker & Raney 2007, Gerding & Signorielli 2014, Hentges & Case 2013, Martin 2017, Sink & Mastro 2017, Walsh & Leaper 2020.
7. Sink A, Mastro D. 2017. Depictions of gender on primetime television: a quantitative content analysis. Mass Communication and Society, 20, 3-22.
8. Walsh A, Leaper C. 2020. A content analysis of gender representations in preschool children’s television. Mass Communication and Society, 23, 331-55.
9. Gerbner G. 1998. Cultivation analysis: an overview. Mass Communication and Society, 1, 175-94.
10. Bandura A. 2001. Social cognitive theory of mass communication. Media Psychol. 3:265-99.
11. Dal Cin, S., Gibson, B., Zanna, M. P., & Fong, G. T. (2007). Smoking in movies: Implicit associations of smoking with the self, and intentions to smoke. Psychological Science, 18, 559-563.