Bắc Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước 

ThS. Lương Văn Đăng
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp cho chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn trên toàn cầu, mở ra thời kỳ mới mà ở đó mọi khác biệt về khoảng cách, văn hóa, chính trị dường như được thu hẹp lại. Tại Bắc Giang, các cơ quan nhà nước đã nhanh chóng, chủ động thực hiện chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực quan trọng nhằm duy trì hoạt động quản lý, cũng như đẩy mạnh và bảo đảm hoạt động của chính phủ điện tử. Cùng với đó, là việc điều chỉnh chính sách và pháp luật để phù hợp với xu hướng phát triển

Từ khóa: Bắc Giang; chuyển đổi số; cơ quan nhà nước; chính phủ điện tử.

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn nằm trong top 10 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số chuyển đổi số và đứng đầu cả nước ở chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Chính quyền các cấp tại tỉnh Bắc Giang tập trung đẩy mạnh triển khai xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử, chính quyền số để phục vụ người dân tốt nhất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước tại địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận các dịch vụ mà các cơ quan nhà nước cung cấp. 

2. Bắc Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước   

a. Công tác chỉ đạo, điều hành 

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang luôn xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay. Nghiêm túc quán triệt và triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triến Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện, như: Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 04/5/2019 của Tỉnh ủy về phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025; Nghị quyết số 111/NQ-TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 364/KH-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh về đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 11/12/2023 của UBND tỉnh về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang… Đây chính là cơ sở để tiến hành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng như bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu số một cách hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh cũng như giữa các cơ quan trong tỉnh với các cơ quan trung ương nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo ra các giá trị mới cho xã hội.

b. Những kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết số 111/NQ-TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy, đến nay, đã có 9/14 chỉ tiêu được hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức, trong khi 5 chỉ tiêu còn lại đang được thực hiện1. Các chỉ tiêu này được triển khai đồng bộ và hiệu quả dựa trên ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.Cụ thể:

Một là, về chính quyền số.

Hiện nay, 100% cơ sở dữ liệu nền tảng phát triển chính quyền điện tử và chuyển đổi số của tỉnh đã được kết nối và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền. Tỉnh đã kết nối với các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP); triển khai và thực hiện 15 nền tảng số quốc gia và tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thành lập và tổ chức hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh hiệu quả với kho dữ liệu số đã tích hợp cơ sở dữ liệu từ các ngành chuyên môn. Hạ tầng số đã được tỉnh đầu tư phát triển mạnh với việc ứng dụng công nghệ – thông tin cùng với các dịch vụ viễn thông, như: phủ sóng 4G, 5G trên toàn bộ diện tích của địa phương, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện, đặc biệt là thiết bị di động; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại tỉnh đạt gần 80% và số hóa đạt hơn 84%2.

Hai là, về kinh tế số.

Năm 2023, kinh tế số của tỉnh chiếm 42,13% tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh, vượt hơn 17% chỉ tiêu đề ra3. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng và khai thác hóa đơn điện tử trong các giao dịch. Với sự đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số tại địa phương, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên môi trường điện tử, đã có gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Ba là, về xã hội số.

Các giao dịch điện tử đã được áp dụng phổ biến, thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng rãi. Các cơ sở y tế trên địa bàn đã áp dụng hệ thống cấp số thứ tự khám, chữa bệnh tự động để người dân xếp hàng khám, chữa bệnh theo thứ tự; các trung tâm y tế từ tuyến huyện cho đến các bệnh viện tuyến tỉnh đều sử dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và có kết nối điểm cầu truyền hình trực tuyến nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh trực tuyến cho người dân. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dung tiền mặt. Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc triển khai các hoạt động phục vụ giảng dạy và học tập…

Nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao rõ rệt thông qua rất nhiều các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, vận động của chính quyền các cấp. Tại các xã, thị trấn trong toàn tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 209 tổ cấp xã và 1.891 tổ cấp thôn, gồm khoảng 16.000 thành viên4. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công mà chính quyền tỉnh Bắc Giang cung cấp cũng như là lực lượng quan trọng trong việc phối hợp, hỗ trợ chính quyền hoàn thiện kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số tại địa phương.

c. Những bất cập, hạn chế

Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như:

(1) Về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Công tác lãnh đạo và chỉ đạo ở một số đơn vị thuộc hệ thống chính quyền vẫn chưa quyết liệt. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai chuyển đổi số tại cơ quan còn hạn chế, thiếu kiến thức về chuyển đổi số. Cán bộ, công chức, viên chức của nhiều cơ quan vẫn chưa hiểu rõ được lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cũng như số hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính5.

(2) Về xây dựng và phát triển hạ tầng số. Xây dựng hạ tầng, mua sắm trang thiết bị công nghệ – thông tin phục vụ chuyển đổi số đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về lâu dài cần phải tiếp tục nâng cấp một cách toàn diện, đồng bộ từ hạ tầng trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, các hạ tầng bảo đảm an toàn thông tin.

(3) Về phát triển các nền tảng số, dịch vụ số. Việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và nhiều bộ, ngành chưa ổn định, dẫn đến tình trạng chậm trễ và không đồng bộ, ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Hồ sơ công dân thực hiện trên Cổng Dịch vụ công vẫn gặp phải tình trạng không đồng bộ vào các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xử lý (cụ thể là hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công không đồng bộ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư). Việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với phần mềm chuyên ngành của một số bộ ngành còn nhiều hạn chế.

Các bộ, ngành trung ương chưa có hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể đối với việc số hoá các thành phần hồ sơ phức tạp, có nhiều khổ giấy khác nhau (A0, A1, A2, v.v.) trong cùng một hồ sơ, bản vẽ kỹ thuật… khi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Một số kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải in ấn và phát hành phôi các mẫu: Giấy chứng nhận, Lý lịch tư pháp, Giấy phép lao động… làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (các đơn vị phải sử dụng phôi in sẵn của bộ, ngành nên không thể ký số được). Tỷ lệ hồ sơ được trả kết quả điện tử, tỷ lệ kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, và tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu so với chỉ tiêu giao của Trung ương…

3. Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước 

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã và đang đẩy mạnh chỉ đạo các cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số, trực tiếp chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quán triệt tư tưởng thực hiện với tinh thần quyết liệt: “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để người dân được hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, để công cuộc chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt được những kết quả khả quan theo kế hoạch đã được xây dựng, cần tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số. Tăng cường công tác truyền thông về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sử dụng các hình thức tuyên truyền phong phú, hiện đại để quảng bá rộng rãi các kế hoạch và phương án phát triển công nghệ – thông tin của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, thói quen và tạo sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Cùng với đó, sử dụng đa dạng các kênh truyền thông để nâng cao nhận thức và hình thành văn hóa số cho người dân, đồng thời giúp người dân tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số. 

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong chuyển đổi số với những nội dung cụ thể, như:

(1) Phối hợp với doanh nghiệp bưu chính công ích để cung cấp dịch vụ công qua các kênh, như:mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội và ứng dụng của doanh nghiệp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giới thiệu và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số.

(2) Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính và phát triển chính quyền số. Rà soát các thủ tục hành chính và quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước nhằm đơn giản hóa hoặc điều chỉnh cho phù hợp để ứng dụng hiệu quả công nghệ số, đồng thời, loại bỏ một số thủ tục hành chính và quy trình nghiệp vụ không còn cần thiết khi áp dụng công nghệ số.

(3) Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chuyên trách công nghệ – thông tin tại các cơ quan nhà nước thông qua các khóa bồi dưỡng do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.

(4) Đẩy mạnh, tăng cường và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tập đoàn công nghệ -thông tin lớn nhằm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên sâu về công nghệ – thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ.  Thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, xây dựng các giải pháp tích hợp, ứng dụng và sản phẩm công nghệ – thông tin nhằm đáp ứng, phục vụ việc xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số và từng bước phát triển đô thị thông minh. Tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố khác về cơ chế và chính sách phát triển chính quyền số.

Thứ tư, thực hiện chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao về công nghệ  thông tin. Thu hút, mở rộng, đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển chính quyền số, đẩy mạnh xã hội hóa trong chuyển đổi số.Ưu tiên bố trí đầu tư công để thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu, nền tảng, các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý điều hành của tỉnh. Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ  thông tin và truyền thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư.  

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế. Chủ động kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế về chuyển đổi số. Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, xây dựng chương trình hợp tác để xây dựng nguồn nhân lực và đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng như tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các đối tác chiến lược có trình độ khoa học – công nghệ tiên tiến có chương trình ký kết, thỏa thuận hợp tác với tỉnh. Cùng với đó, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới,sáng tạo.

Chú thích:
1, 2, 3. Những kết quả ấn tượng về chuyển đổi số ở Bắc Giang. https://congly.vn/nhung-ket-qua-an-tuong-ve-chuyen-doi-so-o-bac-giang-0456.html.
4, 5. Sở Thông tin và Truyền thông (2023). Báo cáo số 201/BC-STTTT ngày 22/6/2023 về kết quả chuyển đổi số tại Bắc Giang (phục vụ Phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số).
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy (2021). Nghị quyết số 111/NQ-TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang (2023). Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 11/12/2023 về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang.
3. Chuyển đổi số trong công tác văn thư ở tỉnh Hải Dương. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/11/27/chuyen-doi-so-trong-cong-tac-van-thu-o-tinh-hai-duong.
4. Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện chuyển đổi số với tinh thần là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/09/19/thanh-pho-ho-chi-minh-no-luc-thuc-hien-chuyen-doi-so-voi-tinh-than-la-dau-tau-phat-trien-kinh-te-cua-ca-nuoc.