Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ ở Học viện Hành chính Quốc gia

TS. Nguyễn Minh Sản
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ là tổng hợp các thành tố kiến thức, thái độ, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh nghiên cứu khoa học, bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ thành thạo, chuyên nghiệp, có chất lượng vàđạt hiệu quả cao. Bài viết phân tích thực trạng, đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay.

Từ khóa: Giảng viên trẻ; năng lực; nghiên cứu khoa học; Học viện Hành chính Quốc gia.

1. Đặt vấn đề

Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ là tổng hợp các thành tố: kiến thức, thái độ, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh nghiên cứu khoa học, bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ thành thạo, chuyên nghiệp, có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ được hình thành, tích lũy và phát triển trong suốt quá trình làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó, các yếu tố chủ quan, như: ý thức, động cơ, sự đam mê và phương pháp nghiên cứu… giữ vai trò quyết định đến kết quả và chất lượng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan, như: môi trường, kinh phí, sự quan tâm ghi nhận của lãnh đạo các cấp và đồng nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng, trực tiếp tạo động lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ.

Thời gian qua, Đảng  ủy, Ban Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia luôn xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trẻ là đột phá chiến lược, yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ, góp phần tăng cường uy tín, thương hiệu và tạo vị thế cạnh tranh quan trọng làm cơ sở nền tảng cho Học viện phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

2. Thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ ở Học viện Hành chính Quốc gia

a. Những kết quả đã đạt được

Tính đến tháng 3/2024, Học viện có 508 giảng viên, trong đó: học hàm phó giáo sư có 23 người; trình độ tiến sĩ có 212 người; trình độ thạc sĩ có 283 người; trình độ đại học có 13 người1. Đây lànguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chủ yếu và quan trọng, trong đó một số lượng không nhỏ là số giảng viên trẻ của Học viện.

Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Đội ngũ giảng viên trẻ đã tham gia thực hiện 197 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp quốc gia; 44 đề tài cấp tỉnh; 151 đề tài cấp cơ sở. Về lĩnh vực nghiên cứu, có 6 đề tài nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học tổ chức nhà nước; 36 đề tàinghiên cứu chiến lược, cơ chế, chính sách; 17 đề tài nghiên cứu về lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; 38 đề tài nghiên cứu về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;11 đề tài nghiên cứu về quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ; 14 đề tài nghiên cứu về cải cách hành chính nhà nước; 6 đề tài nghiên cứu về văn thư – lưu trữ; 2 đề tài nghiên cứu quản lý nhà nước về tôn giáo; 67 đề tài nghiên cứu về thi đua – khen thưởng và các vấn đề khác2.

Về thể chế quản lý, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên không ngừng được đổi mới, bổ sung, hoàn thiện theo hướng tăng cường đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, cải cách thủ tục và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất, hiệu quả và phát huynăng lực, trách nhiệm, tính sáng tạo, chuyên nghiệp của đội ngũ giảng viên trẻ. Các công tác đăng ký,xét duyệt, phê duyệt, giao nhiệm vụ, đánh giá, nghiệm thu, phê duyệt kết quả nghiên cứu, thực hiện thanh, quyết toán và thanh lý hợp đồng luôn bảo đảm về chất lượng, tiến độ nghiên cứu khoa học. Việc phân bổ kịp thời, hợp lý nguồn kinh phí, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa và đơn giản hóa về thủ tục đã tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên nghiên cứu khoa học. 

Học viện đã xây dựng kế hoạch tổng thể về khoa học – công nghệ, xác định các lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn trong nghiên cứu. Tổ chức lại hệ thống nghiên cứu và quan tâm đội ngũ các nhóm nghiên cứu mạnh. Các nhóm nghiên cứu đã liên hệ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương để triển khai nghiên cứu khoa học theo đặt hàng hoặc đấu thầu nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cải cách hành chính, quản trị công, hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương. 

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với giảng viên trẻ được triển khai phù hợp, kịp thời, như: cử đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ giảng viên trẻ được phong học hàm giáo sư,hỗ trợ bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có uy tín. Chính sách khuyến khích các giảng viên tham gia đấu thầu đề tài cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ. Hoạt động của Hội đồng Khoa học và đào tạo Học viện, của các khoa chuyên môn và các Phân hiệu luôn đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động. Các Hội thảo, tọa đàm trong nước, quốc tế do Học viện phối hợp tổ chức đã thu hút sự quan tâm tham gia đông đảo của đội ngũ giảng viên trẻ.

b. Một số hạn chế, bất cập

Một là, Học viện được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước, khoa học chính sách và quản lý công. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có cơ chế, chính sách tương xứng và phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trẻ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.  

Hai , số lượng giảng viên trẻ có trình độ tiến sĩ trở lên so với tổng số viên chức, người lao động của Học viện còn thấp. Trong khi đó, một bộ phận giảng viên, đặc biệt là những giảng viên trẻ cònchưa nhận thức đầy đủ về vai trò, lợi ích của nghiên cứu khoa học, còn thiếu đam mê, nhiệt huyết và khát vọng đổi mới, sáng tạo và cống hiến; chất lượng một số đề tài còn hạn chế về cơ sở khoa học và giá trị thực tiễn.

Ba , các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện chậm được thành lập, chưa tổ chức tập hợp những giảng viên là các nhà khoa học đầu ngành có thành tích nghiên cứu nổi bật, có uy tín, có năng lực và trình độ chuyên môn cao dẫn dắt, bồi dưỡng các giảng viên trẻ phát triển hướng nghiên cứu có tính liên ngành, dài hạn, tiên phong, đột phá để tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bốn , các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ chủ yếu tập trung phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, chưa nhiều giảng viên trẻ tham gia triển khai những nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp các luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách công, chiến lược, biện pháp nâng cao năng lực và chất lượngđội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ năm, chế độ, chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ còn hạnchế, chưa thực sự tạo động lực để đội ngũ giảng viên trẻ chuyên tâm, đam mê nghiên cứu khoa học; chưa có chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực trẻ tài năng về làm việc, gắn bó lâu dài với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện.

3. Một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ ở Học viện Hành chính Quốc gia

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên trẻ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đây là giải pháp tiên quyết, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, trực tiếp chỉ đạo, định hướng nâng cao nhận thức của giảng viên trẻ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học. Để xây dựng và phát triển Học viện thực sự trở thành trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có vị thế ngang tầm khu vực thì vai trò của nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, bản thân mỗi giảng viên trẻ tự nâng cao năng lực nghiên cứu, tạo cơ hội được trải nghiệm, tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các giá trị, sản phẩm của nghiên cứu khoa học còn trực tiếp phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. 

Những hạn chế về năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ là do từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân do yếu tố nhận thức chưa đầy đủ của giảng viên trẻvề vị trí, vai trò, tầm quan trọng, những lợi ích từ hoạt động nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của giảng viên trẻ về nghiên cứu khoa học là vấn đề có tính tất yếu khách quan nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ ở Học viện.

Thực tế cho thấy, chỉ khi giảng viên trẻ có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học thì họ mới có ý thức tự giác, thái độ nghiêm túc và trách nhiệm cao trong nghiên cứu khoa học, qua đó thúc đẩy tinh thần tích cực học hỏi, cập nhật kiến thức, rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, trực tiếp là lãnh đạo các khoa chuyên môn quản lý, sử dụng đội ngũ giảng viên trẻ. Việc nâng cao nhận thức cho giảng viên phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, gắn với quá trình triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học của đơn vị và của từng giảng viên trẻ.

Thứ hai, xây dựng động cơ, mục đích và hình thành thái độ nghiên cứu khoa học đúng đắn cho giảng viên.

Việc xây dựng động cơ, mục đích và hình thành thái độ nghiên cứu khoa học đúng đắn là giải pháp căn cơ, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên. Trong quá trình giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học luôn có sự tác động tích cực từ động cơ, mục đích và thái độ đúng đắn. Khi có động cơ, mục đích, thái độ nghiên cứu khoa học đúng đắn, tích cực say mê nghiên cứu khoa học, chắc chắn sẽ hứa hẹn đạt được những kết quả nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc và có chất lượng tốt. Theo đó, mỗi giảng viên trẻ cần có thái độ tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, say mê nghiên cứu, có khát vọng khám phá, tìm tòi tri thức và sáng tạo những sản phẩm trí tuệ của riêng mình.

Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho giảng viên.

Kỹ năng nghiên cứu khoa học là một yếu tố cấu thành chủ yếu, có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ thuần thục các kỹ năng nghiên cứu khoa học, giúp nhanh chóng tiếp cận, lĩnh hội các vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra; có những biện pháp để kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học; tăng khả năng phát hiện và điều chỉnh phương pháp nghiên cứu, tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo bảo đảm hoạt động nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao.

Cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, bao gồm: kỹ năng phát hiện, xác định vấn đề nghiên cứu; kỹ năng nghiên cứu sách, báo, tài liệu; kỹ năng điều tra, khảo sát thực tế… Các kỹ năng này có thể giúp giảng viên trẻ nhanh chóng tiếp cận, xử lý thông tin mới một cách chính xác; cùng với đó giúp họ có khả năng nắm chắc và hiểu rõ bản chất của vấn đề, từ đó vận dụng những kiến thức của bản thân vào nghiên cứu và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên trẻ trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Yếu tố môi trường nghiên cứu giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ. Khi giảng viên trẻ được nghiên cứu trong môi trường thuận lợi, cùng tập thể, nhóm nghiên cứu giàu nhiệt huyết, năng lượng tích cực, sẽ thúc đẩy giảng viên trẻ say mê nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy, môi trường nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ ở Học viện đã được quan tâm đúng mức, giảng viên trẻ có điều kiện tốt để nghiên cứu và giảng dạy; hệ thống tài liệu phong phú… Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp giảng viên trẻ phát huy tốt những khả năng của bản thân trong quá trình tiếp cận và nghiên cứu những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra.

Thời gian tới, Học viện cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệcủa Học viện gắn với đổi mới toàn diện chính sách đối với đội ngũ giảng viên trẻ, thực hiện tốt chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ này, nhất là những giảng viên trẻ tài năng, có nhiều thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học – công nghệ theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước,của Học viện, doanh nghiệp và các cá nhân. Hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa học trẻ đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ. Đồng thời, các khoa chuyên môn, các Phân hiệu cần khẩn trương hoàn thiện các điều kiện, thủ tục về hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Học viện xem xét, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên trẻ được khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của mình. 

Thứ năm, bổ sung một số cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học.

Các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học giữ vai trò quan trọng để kích thích các giảng viên nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Cần bổ sung đồng bộ cơ chế, chính sách quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là cơ chế tài chính, nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của giảng viên là những nhà khoa học trẻ tài năng, đưa những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng cao vào đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồ dưỡng. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức khoa học – công nghệ, các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện và các cơ quan, đơn vị, các địa phương. 

 Tiếp tục đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng… đối với các giảng viên trẻ có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học. Tạo môi trường thuận lợi nhất cho các giảng viên trẻ phát huy năng lực nghiên cứu khoa học.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực khoa học – công nghệ cao trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học – công nghệ tiên tiến và các tổ chức quốc tế có uy tín; gắn hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ với việc đào tạo, bồi đưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trẻ và việc thực hiện Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đồng thời, phát triển mạng lưới kết nối giảng viên là những nhà khoa học trẻ tài năng của Học viện với các nhà khoa học trẻ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thu hút sự tham gia chia sẻ, đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài.

4. Kết luận

Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia. Kết quả nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng nhằm cung cấp các luận cứ khoa học về cải cách hành chính; cải cách công vụ, công chức; chính sách công; chiến lược, biện pháp nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, qua đó cập nhật nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy, phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn chính sách, góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính quốc gia, xây dựng nền hành chính Việt Nam kiến tạo, liêm chính và phục vụ Nhân dân, đồng thời, khẳng định uy tín và vị thế của Học viện trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế.

Chú thích:
1, 2. Học viện Hành chính Quốc gia (2024). Báo cáo số 651/BC-HCQG ngày 11/3/2024 thực trạng và đề xuất kiến nghị về hoạt động khoa học, công nghệ.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ (2020). Quyết định số 372/QĐ-BNV ngày 02/6/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2Học viện Hành chính Quốc gia (2024). Kế hoạch số 1131/KH-HCQG ngày 11/4/2024 hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024 – 2025.  
3. Hội đồng Lý luận Trung ương. Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ; 
5. Thủ tướng Chính phủ (2024). Quyết định số 06/2024/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ.