Truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Tươi
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, hoạt động truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ nói riêng ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong chu trình chính sách, xây dựng sự đồng thuận xã hội; đơn giản hóa và giúp người dân nhanh chóng tiếp cận các chính sách thiết thực, liên quan đến quyền lợi của tập thể, cá nhân trong xã hội. Trên cơ sở phân tích nội dung và phương thức thực hiện truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chính sách công; truyền thông chính sách; lĩnh vực Nội vụ.

1. Các khái niệm liên quan đến truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ

Có thể hiểu “Truyền thông chính sách là quá trình tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan truyền thông nhà nước với đông đảo quần chúng trong chu trình chính sách, bao gồm: nhận diện vấn đề chính sách; hoạch định chính sách; thực thi chính sách và đánh giá chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước và sự đồng thuận trong xã hội”1Theo đó, các yếu tố của truyền thông chính sách, bao gồm: chủ thể truyền thông, đối tượng truyền thông; nội dung, phương thức truyền thông; môi trường truyền thông; thông điệp truyền thông… Tùy từng thời điểm, chủ thể, đối tượng, lĩnh vực chính sách khác nhau, nội dung và phương thức truyền thông sẽ có tính đa đạng, phong phú khác nhau.

Ngành Nội vụ là ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật. 

Truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ là hoạt động thông tin và tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác các chế độ, chính sách của Nhà nước, của ngành Nội vụ quy định đối với chủ thể và đối tượng truyền thông nhằm tăng cường sự hiểu biết, nhận thức và thay đổi hành vi của chủ thể ban hành, thực thi và thụ hưởng chính sách trong lĩnh vực Nội vụ để chính sách trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển đội ngũ nhân lực ngành Nội vụ, những người dân thụ hưởng chính sách đồng tình ủng hộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ.

Truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kết hợp với các bộ, ban, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, như: chính sách cải cách tiền lương; chính sách sắp xếp đơn vị hành chính; chính sách thi đua khen thưởng… Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh về một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. 

Truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ có vai trò quan trọng trong quản lý và phát triển xã hội, như: công tác xây dựng Đảng; xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thông tin chính xác, kịp thời về những vấn đề cấp thiết, thể hiện sự đồng tình hoặc bức xúc trong đời sống xã hội; là kênh để Nhà nước lấy ý kiến Nhân dân khi xây dựng chính sách mới lĩnh vực Nội vụ. 

2. Nội dung và phương thức truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay

2.1. Nội dung truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ

Thực hiện truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và mỗi cá nhân, trong đó Bộ Nội vụ có vị trí, vai trò quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ, những năm gần đây, Bộ Nội vụ đã liên tục tổ chức biên soạn và cập nhật nội dung chính sách mới, quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giải đáp kịp thời các vấn đề xã hội quan tâm và đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ và ngành Nội vụ như: Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022; Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/3/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động…

Nội dung truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ là cung cấp các văn bản chính sách; phản ánh thực trạng thực thi chính sách lĩnh vực Nội vụ với những ưu điểm, hạn chế, những thuận lợi, khó khăn và kết quả những chính sách mang lại. Những năm qua, truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ tập trung tuyên truyền, truyền thông nhiều chính sách có liên quan, cụ thể: 

(1) Về chính sách sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, hướng dẫn việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, Bộ Nội vụ vừa tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; vừa thực hiện tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin khác nhau để tổ chức và cá nhân hiểu được đầy đủ, đúng đắn về chính sách sắp xếp đơn vị hành chính; vận động để người dân thay đổi nhận thức khi người dân chưa có đủ thông tin, thu hút người dân tham gia vào các quá trình chính sách. Đầu năm 2024, dư luận đã chia sẻ những thông tin chưa đầy đủ, đã có những luồng thông tin chưa chính xác cho rằng có sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Trước thông tin đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định thông tin trên là chưa chính xác trên chuyên mục Chính sách và cuộc sống (cổng thông tin Chính phủ ngày 12/02/2024). Việc xác minh kịp thời những thông tin hiểu chưa đúng về chính sách góp phần mang lại hiệu quả trong thực hiện chính sách, định hướng dư luận, xây dựng sự đồng thuận xã hội. 

Bên cạnh đó, thông qua các kênh thông tin báo chí khác nhau, đặc biệt là Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, người dân và tổ chức có thể cập nhật nhanh tình hình thực hiện chính sách sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội (ngày 23/5/2024), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin thêm về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, việc sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2025 dự kiến khoảng 2.700 tài sản, tài chính, trụ sở dôi dư; cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư dự kiến 21.700 người. Thông tin trên đã được kịp thời cập nhật trên Cổng thông tin Điện tử Bộ Nội vụ ngày 23/5/2024. Sự cập nhật kịp thời đó đã mang đến lòng tin cho người dân về công tác tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay2 [4].

(2) Về chính sách cải cách hành chính.

Truyền thông chính sách cải cách thủ tục hành chính thực hiện cung cấp, giải thích thông tin chính sách, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó chỉ ra được tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, hoặc theo từng chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo quyết liệt, thông suốt từ trung ương tới chính quyền địa phương các cấp trong hoạch định và thực thi chính sách cải cách hành chính. Truyền thông chính sách về cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp về các kết quả khá toàn diện và nổi bật trong trong công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. Tuyên truyền, phổ biến  đến cá nhân và tổ chức về kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

(3) Về chính sách cải cách tiền lương.    

Theo thống kê, chỉ trong khoảng 10 giờ kể từ sau khi lên bài (từ 9h39 phút đến 19h ngày 10/03/2024, bài viết Áp dụng chính sách mới, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng bao nhiêu đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã nhận được 583 lượt like). Qua đó cho thấy, truyền thông về chính sách cải cách tiền lương rất được quan tâm. Các nội dung thông tin nêu ra kịp thời, đơn giản, dễ hiểu, chính xác về nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật cụ thể hóa các chính sách về cải cách tiền lương, đồng thời, việc tiếp nhận thông tin, phản hồi thông tin của tổ chức, cá nhân về thực thi chính sách, định hướng dư luận xã hội ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Năm 2024, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy; tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024. Theo Thông tin được đăng trên Báo Điện tử Chính phủ ngày 01/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại3. Chính sách đã được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần cải thiện thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm cho người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời, người dân nắm bắt được việc thực hiện chính sách đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương. 

Ngoài ra, các chính sách khác thuộc lĩnh vực Nội vụ về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước… cũng được tuyên truyền, phổ phiến thông qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau, mang lại hiệu quả tích cực, tạo sự thống nhất, đồng thuận và từ đó huy động được nguồn lực của cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nền hành chính nhà nước và các cơ chế, chính sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

2.2. Phương thức truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ

Truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ đến với chủ thể và đối tượng thụ hưởng chính sách bằng nhiều phương thức khác nhau, như: truyền thông trực tiếp qua các lớp học, tập huấn, hội nghị, hội thảo, qua chia sẻ cá nhân..; truyền thông gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng (tác phẩm sách, báo chí, truyền hình, truyền thanh, các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử…, trong đó phương thức truyền tải thông điệp qua các phương tiện thông tin đại chúng là cơ bản. 

Những chính sách lĩnh vực Nội vụ được lồng ghép trong nội dung của các chương trình trên các phương tiện truyền thông: 

(1) Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam: Đài Tiếng nói Việt Nam hiện có 4 loại hình báo chí, trong đó có 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, điện tử (VOV.vn và VTC.vn), 01 báo in (Tiếng Nói Việt Nam). 

(2) Các tạp chí, báo in, điện tử: Tạp chí Lý luận chính trị; Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Tạp chí Quản lý nhà nước; Tạp chí Cộng sản…

(3) Mạng xã hội: là một cộng đồng trực tuyến của các cá nhân trao đổi thông điệp, chia sẻ thông tin, hợp tác trong các hoạt động chung hướng tới lợi ích thống nhất. Đối với các cơ quan, tổ chức, phương tiện truyền thông xã hội mang lại cơ hội để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ đối với công dân, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các khâu của chu trình chính sách, qua đó, mang đến những cơ hội mới để cải thiện dịch vụ công và sự hài lòng của công chúng. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, mạng xã hội ngày càng tham gia sâu vào hoạt động truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ. Trong hoạt động truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ, một số trang fanpage trở thành công cụ quan trọng, như: fanpage Thông tin Chính phủ. Thông tin livetream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” trên fanpage này được người dân quan tâm theo dõi, phản biện chính sách. 

(4) Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: là trang thông tin của Chính phủ, có vai trò quan trọng có nhiều mục như: chính sách mới, tham vấn chính sách, tọa đàm về chính sách; chính sách và cuộc sống; hướng dẫn thực hiện chính sách; lấy ý kiến Nhân dân dự thảo văn bản quy phạm pháp luật… Nhiều thông tin lĩnh vực Nội vụ được cập nhật thường xuyên, liên tục, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức thể hiện. Số lượng tin bài có nội dung liên quan đến lĩnh vực Nội vụ được người dùng quan tâm, tiếp nhận nhanh chóng. 

(5) Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ: đây là trang thông tin do Trung tâm thông tin – Bộ Nội vụ quản lý. Trang thông tin này có nhiều mục thông tin, đặc biệt ở cổng Hệ thống văn bản, người sử dụng có thể thao tác tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành có liên quan tới lĩnh vực Nội vụ; ở cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử Bộ Nội vụ, người sử dụng có thể được cập nhật thông tin công khai về tình hình giải quyết thủ tục hành chính một cửa từng lĩnh vực Nội vụ, thực hiện các thủ tục hành chính một cửa. Ngoài ra, người dùng có thể tham gia khảo sát chất lượng dịch vụ, phản ánh, kiến nghị và đánh giá cán bộ. Đây chính là kết quả của những nỗ lực rất đáng ghi nhận của tập thể các đơn vị, cá nhân thực hiện công tác truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ của Bộ Nội vụ. Giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện các dịch vụ công một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần quan trọng vào hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực Nội vụ.

2.3. Một số hạn chế, bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Một số cơ quan bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ; chưa xem truyền thông chính sách là nhiệm vụ, chức năng của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, con người, tài chính chưa xứng tầm với công tác này; chưa hình thành được đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp.

Truyền thông chính sách còn thiếu bài bản, vẫn chủ yếu là một chiều, việc điều tra, khảo sát, đánh giá tác động chưa được quan tâm hoặc còn hình thức, việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả còn hạn chế. Việc ứng dụng các công cụ, mô hình truyền thông hiện đại chưa được chú trọng. Chưa thực sự quan tâm phân tích, dự báo về dư luận xã hội và những vấn đề người dân quan tâm để chỉ đạo, điều hành sát với tình hình thực tế môi trường bùng nổ thông tin như hiện nay.

Việc thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ở một  số bộ, ngành và địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên. Năng lực xử lý khủng hoảng truyền thông còn yếu. Một số vụ việc, vấn đề do lúng túng, thiếu chủ động xử lý dễ dẫn đến “khủng hoảng truyền thông”. 

Việc thích ứng với xu thế chuyển đổi số đôi khi còn lúng túng, chưa phát huy được thế mạnh; công cụ, phương tiện tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế; người dân ít quan tâm với các vấn đề của quản lý nhà nước nói chung mà thường quan tâm tới những chính sách liên quan tới quyền lợi trực tiếp của bản thân, gia đình, đó vừa là kết quả của truyền thông chính sách, vừa là một rào cản đối với quá trình này. 

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Một là, cụ thể hóa Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách,… Trong quá trình thực hiện, cần thống nhất quan điểm, chủ trương, phương pháp, phương thức thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, ban, ngành, các đơn vị, cá nhân và toàn xã hội. Cơ quan trực tiếp chủ trì là Bộ Nội vụ cần phát huy vai trò là đơn vị đầu mối, phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành khác để thực hiện có hiệu quả truyền thông chính sách lĩnh vực Nội vụ.

Hai là, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác truyền thông chính sách, hoàn thiện thể chế về công tác truyền thông chính sách lĩnh vực Nội vụ; thường xuyên đổi mới phương thức, sáng tạo nội dung bảo đảm cập nhật số liệu thực tế, linh hoạt, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin dư luận, chủ động, sẵn sàng, khéo léo xử lý thông tin khủng hoảng truyền thông phát sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động truyền thông; xây dựng các thiết chế rà soát, xử lý thông tin sai lệch, ngăn chặn các hành vi tuyên truyền sai lệch về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, tăng cường nguồn lực cho truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ nói riêng. Nguồn lực gồm có nguồn lực hữu hình (nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất…) và nguồn lực vô hình (kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng thông điệp, kênh truyền thông của chủ thể, thời gian, môi trường truyền thông…). 

Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ, cần phải đầu tư, sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn lực. Cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có năng lực số, tư duy số, bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Thực hiện bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương phù hợp với năng lực, sở trường của người lao động, đánh giá, ghi nhận đúng việc, đúng người đối với đội ngũ cán bộ có năng lực làm việc trong công tác truyền thông chính sách; bảo đảm đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách có quan điểm, thái độ, nhân cách, kỹ năng truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, nhạy bén với thực tế, đáp ứng yêu cầu truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ.

Bốn là, coi người dân là trung tâm của quá trình truyền thông chính sách. Người dân là trung tâm của quá trình phát triển, nên chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc người dân. Đẩy mạnh truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội là trọng tâm, là cốt lõi của nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách. Coi trọng hiệu quả công tác truyền thông chính sách , từ đó tác động đến hiệu quả chính sách và hiệu quả điều hành, bám sát phương châm “5 thật” là: “Nghĩ thật – Nói thật – Làm thật – Hiệu quả thật – Hưởng thụ thật” với mục tiêu cuối cùng là Nhân dân, doanh nghiệp được thụ hưởng các thành quả của chính sách. Mọi chính sách lĩnh vực Nội vụ phải đến được với người dân trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Năm là, phát huy sức mạnh của nền tảng số. Truyền thông chính sách trên môi trường số ngày càng có vai trò quan trọng và ảnh hưởng to lớn đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính phủ, cơ quan nhà nước và các đơn vị làm công tác thông tin, truyền thông cần thực hiện quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, xây dựng môi trường truyền thông tích cực, khai thác tối đa các phương tiện truyền thông xã hội, như: Facebook, Zalo, Youtube… nhằm tăng cường thông tin và tương tác mạnh mẽ hơn với công chúng. Bên cạnh đó, cần gia tăng hơn nữa số lượng các báo, tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cấp chính quyền, nâng cao chất lượng thông tin, xây dựng tính đồng bộ, kịp thời và sáng tạo trong truyền đạt thông tin. 

Sáu là, chú trọng truyền thông chính sách trên các phương tiện truyền thông mới. Với những ưu thế vượt trội về tốc độ, phạm vi rộng, hấp dẫn, các phương tiện truyền thông mới được xem là tương lai của trao đổi thông tin. Cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau. Cần ứng dụng công nghệ số trong giám sát thông tin trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, phân tích các luồng thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp ứng phó; truyền thông chủ động, định hướng thông tin, đấu tranh chống nạn tin giả, tin xấu, độc xâm nhập môi trường mạng xã hội ở Việt Nam.

4. Kết luận

Truyền thông chính sách luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, thực hiện, được cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội của Đảng, trong các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông… Tháng 11/2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: hoạt động truyền thông chính sách là hoạt động quan trọng của Đảng và Nhà nước, xác định truyền thông chính sách là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Mục tiêu của truyền thông chính sách làm sao để mọi chính sách đều đến được với người dân, làm sao để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành của bộ, ngành, địa phương để thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, công tác truyền thông chính sách phải phù hợp với bối cảnh của cơ quan, đơn vị, trong đó cần xác định truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ, ngành, địa phương; cần phải tăng cường thông tin chính thống, kịp thời phản bác thông tin xấu, độc; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong công tác truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về lĩnh vực Nội vụ nói riêng.

Chú thích:
1. Lương Ngọc Vĩnh (2021). Giáo trình lý thuyết và kỹ năng truyền thông chính sách. H. NXB Lý luận chính trị.
2. Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ (2024). Bộ trưởng Nội vụ: Sáp nhập huyện, xã dự kiến dôi dư 21.700 cán bộ, công chức (số ngày 23/5/2024).
3. Tuệ Văn (2024). Tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng từ 01/7/2024. https://baochinhphu.vn/tang-luong-co-so-len-muc-234-trieu-dong-thang-tu-01-7-2024-102240701113637498.htm.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thọ Ánh (2024). Dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, Tạp chí Điện tử Tổ chức Nhà nước, ngày 28/3/2024.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Nguyễn Văn Dững (chủ biên) (2013). Truyền thông – Lý thuyết và kỹ năng cơ bản. H. NXB Thông tin và Truyền thông.
4. Đỗ Phú Hải (2017). Quá trình xây dựng chính sách công tại các nước đang phát triển. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 6/2017.
5. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân dân, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (2023).Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
6. Văn phòng Chính phủ (2022). Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách: Nhận thức – Hành động – Nguồn lực.
7. Trần Quang Diệu (2023). Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/827504/truyen-thong-chinh-tri-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx
8. Vũ Phương Nhi (2022). Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới. https://baochinhphu.vn/day-manh-truyen-thong-chinh-sach-tren-cac-phuong-thuc-truyen-thong-moi-102221222164245804.htm