(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 26/7, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch bậc đại học trong bối cảnh chuyển đổi số”. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng Khoa Quản lý xã hội chủ trì Hội thảo.
Khách mời, đại biểu tới dự Hội thảo, có: PGS. TS. Nguyễn Đức Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội đào tạo Du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Công nghệ Đông Á; TS. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Du lịch; TS. Nguyễn Tư Lương, Trường Đại học Công nghiệp; ThS. Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch Bàn Chân Việt; ThS. Trần Kim Bảo, Trường Đại học Phenika; ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; ThS. Nguyễn Thị Diệu Linh, Trường Đại học Tài nguyên – Môi trường.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng Ban Quản lý đào tạo; TS. Đặng Thanh Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính (tham dự trực tuyến); đại diện một số đơn vị, khoa, ban cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Quản lý xã hội dự Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân hiệu của Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Nam.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh nhấn mạnh, du lịch Việt Nam được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, ngày càng có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa, tác động tích cực đối với sự phát triển của mọi ngành kinh tế có liên quan. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Dưới góc độ xã hội, du lịch còn là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
Cùng với sự phục hồi kinh tế – xã hội nói chung và của ngành du lịch nói riêng sau đại dịch Covid -19, việc đào tạo nhân lực du lịch ngày càng khởi sắc. Việt Nam hiện có 278 cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực du lịch, trong đó có 101 trường đại học có khoa du lịch. Trong bối cảnh phát triển khoa học- công nghệ như vũ bão hiện nay, nhân lực ngành du lịch cần có những năng lực mới để đáp ứng được những yêu cầu của chuyển đổi số cả hiện tại và tương lai.
Học viện Hành chính Quốc gia cũng đã được phép đào tạo nhân lực du lịch bậc đại học từ năm 2021 và cho tới nay đã có những khóa đầu tiên ra trường, cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực chất lượng. Tuy nhiên, chương trình đào tạo cũng như nội dung các học phần cũng cần được thay đổi để đáp ứng với thực tiễn hiện nay.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh hy vọng Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà thực tiễn cũng như giảng viên, sinh viên của Khoa sẽ cùng nhìn lại việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở bậc đại học để từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp tiếp tục tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Lưu tập trung vào nội dung phát triển nguồn nhân lực du lịch trước tác động của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Ông nêu rõ, cuộc CMCN 4.0 đã, đang và sẽ làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động du lịch. Cuộc CMCN 4.0 sẽ thay thế dần lao động sống, nhất là lao động thủ công trong toàn bộ chuỗi hoạt động du lịch, máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế sức người, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tăng lên trong khi nhu cầu sử dụng lao động năng lực thấp ngày càng giảm. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với thị trường lao động du lịch Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và gia tăng thất nghiệp.
Ông cũng nêu thực trạng quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch trước tác động của CMCN 4.0 ngày càng lộ nhiều bất cập. Định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch, quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa cụ thể, còn manh mún và thiếu đồng bộ. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực du lịch mang tính dài hạn cho phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng hạn chế…
Từ những bất cập, hạn chế đó, TS. Nguyễn Văn Lưu đã đưa ra một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trước tác động của CMCN 4.0, cụ thể:
(1) Cần nâng cao nhận thức của toàn ngành du lịch về tác động CMCN 4.0 trong du lịch và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngành.
(2) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hợp tác quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
(3) Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế về phát triển nguồn nhân lực du lịch.
(4) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ưu tiên áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch trong đào tạo theo tiêu chuẩn ASEAN.
(5) Tăng cường hợp tác công – tư, đẩy mạnh liên kết Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp làm du lịch trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.
(6) Số hóa công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
(7) Nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm nghề. Chuẩn hóa nguồn nhân lực ngành trên cơ sở chức danh nghề nghiệp, gắn với vị trí việc làm.
Trong tham luận “Bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở một số trường đại học trên thế giới đối với Việt Nam hiện nay”, TS. Lê Thanh Huyền đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong đào tạo hiện nay thông qua nghiên cứu về chuyển đổi số tại một số trường đại học, như: Harvard (Mỹ), Chiang Mai (Thailand) và Nanyang (Singapore).
Từ nghiên cứu thực tế trên, TS. Lê Thanh Huyền khẳng định, chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đáng kể đối với các cơ sở đào tạo trong bối cảnh cạnh tranh về tuyển sinh, tính hội nhập quốc tế, giáo dục đào tạo, trao đổi sinh viên và việc xây dựng các liên kết hợp tác mới trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực du lịch nói riêng trong thời kỳ hiện nay. Từ đó, TS. Lê Thanh Huyền đã đề xuất một số kinh nghiệm cho đào tạo nhân lực ngành Du lịch cho Học viện, cụ thể:
(1) Chuyển đổi số là mục tiêu, sứ mệnh, chiến lược lâu dài. Học viện cần phải từng bước chuẩn bị và kiên trì thực hiện với một quyết tâm cao nhất có thể, phải đồng sức đồng lòng từ cấp lãnh đạo tới nhân viên, sinh viên.
(2) Các cơ sở đào tạo phải xác định được các trụ cột chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của cơ sở mình phù hợp với thực tế. Các trụ cột chính này có thể xoay quanh: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, lãnh đạo, nhân lực, môi trường sinh thái số, an ninh bảo mật số…
(3) Xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ số. Khi thực hiện chuyển đổi số bắt buộc phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật số máy tính, các nền tảng số, hệ thống mạng lưới internet, thiết bị dụng cụ phục vụ xây dựng bài học trải nghiệm thực tế ảo.
(4) Nên hợp tác với các công ty công nghệ lớn trong nước để xây dựng các nền tảng công nghệ, các ứng dụng công nghệ, các phần mềm quản lý phù hợp với chính cơ sở của mình. Đặc biệt các trường và doanh nghiệp cùng nhau phát triển các hệ thống công nghệ, phần mềm mới, cập nhật liên tục, có các hướng dẫn sử dụng cụ thể. Ngoài ra, sự gắn kết này còn để xây dựng các chương trình đào tạo, hệ thống học liệu, tài liệu số.
(5) Thực hiện chuyển đổi số cần tính đến độ bảo mật, an toàn dữ liệu và an toàn mạng. Học viện nên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về văn hóa an ninh số cho toàn bộ sinh viên, nhân viên với nhiều hình thức nhưng nên ngắn gọn dễ hiểu và tần suất tác động cao.
(6) Phát triển trường đại học, cao đẳng trong thời đại công nghệ số phải gắn liền với cam kết phát triển bền vững thông qua nhiều hoạt động, như: xây dựng khuôn viên trường học xanh, xây dựng hệ thống xử lý rác thải thông minh, giảm thải năng lượng…
(7) Xây dựng phát triển nguồn nhân lực số. Yếu tố này cũng được xem là một yếu tố quan trọng. Phải tạo ra nguồn nhân lực số có đủ năng lực đáp ứng được mức độ yêu cầu của hệ thống kỹ thuật công nghệ, làm việc được trên môi trường số.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Phó Giám đốc Học viện ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Khoa Quản lý xã hội, qua đây cũng rất mong các nhà khoa học sẽ góp ý, đề xuất giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm (từ các cơ sở đào tạo trong nước, quốc tế) giúp cho Khoa Quản lý xã hội sẽ cập nhật, nâng cấp chương trình đào tạo để giúp sinh viên Học viện sẽ được học, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp thành thạo để công tác trong lĩnh vực du lịch; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành du lịch, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường và xã hội, nhất là hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đã tác động đến việc thay đổi cách đi du lịch, cách làm du lịch, cách kinh doanh du lịch, cách quản lý du lịch nhờ dữ liệu và công nghệ số.
ThS. Nguyễn Hoài Nam với kinh nghiệm hoạt động của công ty du lịch đã chia sẻ những vấn đề mang tính thực tiễn rất cao dành cho sinh viên chuyên ngành Du lịch khi ra trường. Ông đã nói đến lợi ích to lớn của CMCN 4.0 trong hoạt động du lịch, từ: đặt vé máy bay, khách sạn, tìm hiểu điểm đến, di chuyển tại địa điểm du lịch, thông tin các danh thắng tại điểm đến…, đều được khách hàng tìm hiểu online trước khi đi du lịch. Đây là lợi ích của chuyển đổi số trong du lịch, giúp cho sinh viên cũng như nhân dự làm du lịch giảm thiểu được rất nhiều thời gian xây dựng kế hoạch lịch trình du lịch cho khách hàng so với trước đây.
ThS. Nguyễn Hoài Nam cũng chia sẻ một số yêu cầu đặt ra đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch, lữ hành:
(1) Sinh viên cũng như nhân sự làm du lịch thời đại 4.0 sẽ phải tự tìm hiểu tuyến điểm, tìm hiểu khách hàng và chăm sóc khách hàng thông qua nền tảng trực tuyến nên rất cần thông thạo công nghệ thông tin.
(2) Cần trau dồi tiếng Anh chuyên ngành du lịch thật tốt.
(3) Cần có trải nghiệm và cảm xúc với khách hàng trong từng chặng du lịch (ứng xử, thái độ, kỹ năng mềm với khách hàng trong quá trình dẫn tour…) cách thực tập vào dịp hè tại các công ty du lịch.
TS. Nguyễn Tư Lương đã chia sẻ nội dung “Thực trạng và định hướng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh Việt Nam” tại Hội thảo. TS. Nguyễn Tư Lương cho rằng, để phát triển du lịch thông minh trước hết đòi hỏi cần phải có đội ngũ nhân lực có thể làm chủ các công nghệ thông minh. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh tại Việt Nam hiện nay chưa được đẩy mạnh đầu tư đúng mức, do đó, ngành du lịch Việt Nam chưa phát triển được tối đa tiềm năng, thế mạnh theo hướng bền vững.
Để công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh thành công trong tương lai, cần có sự quyết tâm cao, sự tập trung và sự phối hợp của không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp du lịch và các bên liên quan. Từ những phân tích trên, căn cứ vào các bối cảnh phát triển của nền kinh tế, của ngành Du lịch Việt Nam và xu thế phát triển du lịch thông minh, ThS. Nguyễn Tư Lương đã đề xuất một số giải pháp cơ bản để thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh trong thời gian tới ở Việt Nam như sau:
(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh.
(2) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo lập hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh.
(3) Thống nhất về vị trí việc làm, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, chương trình đào tạo, các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo và cơ sở đào tạo về du lịch thông minh.
(4) Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực tham gia đào tạo nhân lực cho du lịch thông minh.
(5) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lich thông minh.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh trân trọng cảm ơn các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã có tham luận và bài viết tham gia Hội thảo. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu này sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần phục vụ tốt hơn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo cho sinh viên Khoa Khoa Quản lý xã hội.
Thu Hương – Nguyễn Thùy