ThS. Vương Hữu Ái Linh
Ủy ban nhân dân Quận Phú Nhuận
(Quanlynhanuoc.vn) – Mục tiêu của bài viết nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững tại một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Các nước này là những nơi có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam về điều kiện tự nhiên, đặc điểm hộ nghèo, nền văn hóa. Đồng thời qua nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững ở các nước trên thế giới là tiền đề để hoàn thiện các giải pháp cho công tác giảm nghèo bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, mục tiêu nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Năm 2020, kinh tế Việt Nam có quy mô thứ 40 trên thế giới, thứ 4 trong ASEAN và bình quân GDP/người đứng thứ 6 trong ASEAN. Tuy nhiên, theo thống kê, ở nước ta tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ, trong đó, các hộ gia đình Việt Nam năm 2022 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%)1. Vấn đề giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm thực hiện trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nền kinh tế phát triển, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, việc nghiên cứu kinh nghiệm về giảm nghèo bền vững tại các nước có tương đồng về văn hóa, khu vực châu Á là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng hệ thống quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững của Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tiến hành tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cụ thể là các nước khu vực châu Á liên quan tới công tác giảm nghèo từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
2. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (2022), 40 năm qua, số người ở Trung Quốc có thu nhập dưới 1,90 USD/ngày đã giảm gần 800 triệu người, chiếm gần 3/4 mức giảm nghèo toàn cầu kể từ năm 1980. Theo tiêu chuẩn nghèo hiện tại của Trung Quốc, số người người nghèo ở Trung Quốc giảm 770 triệu người xét theo bất kỳ thước đo nào, tốc độ và quy mô giảm nghèo của Trung Quốc là chưa từng có trong lịch sử2.
Mặc dù Trung Quốc đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực nhưng một số lượng đáng kể người dân vẫn dễ bị tổn thương với thu nhập dưới ngưỡng thường được sử dụng để xác định tình trạng nghèo ở các nước có thu nhập trung bình cao. Trung Quốc đã đặt mục tiêu mới là đạt được tiến bộ đáng kể hướng tới thịnh vượng chung vào năm 2035. Chính phủ Trung Quốc đã giảm nghèo theo cách dựa trên hai trụ cột: Trụ cột đầu tiên hướng tới chuyển đổi kinh tế trên diện rộng nhằm mở ra các cơ hội kinh tế mới và nâng cao thu nhập bình quân trong độ tuổi. Trụ cột thứ hai là sự thừa nhận rằng, cần có hỗ trợ có mục tiêu để giảm bớt tình trạng nghèo đói dai dẳng; hỗ trợ ban đầu được cung cấp cho các khu vực có điều kiện khó khăn về mặt địa lý và thiếu cơ hội, sau đó là cho các hộ gia đình cá nhân.
Kinh nghiệm giảm nghèo của Trung Quốc dựa trên hai khía cạnh, đó là:
Thứ nhất, là ưu tiên của Trung Quốc đối với việc giảm nghèo theo định hướng phát triển hơn là tái phân phối. Ưu tiên này dựa trên niềm tin rằng tạo việc làm phải là động lực chính để giảm nghèo. Các chính sách cụ thể nhằm hướng các khoản trợ cấp lớn đến các khu vực nghèo và sau đó là cho người nghèo. Tuy nhiên, mức trợ cấp xã hội thấp, quan tâm tới hỗ trợ phương tiện sinh kế để tạo công việc làm. Đồng thời Trung Quốc đã chi nguồn lực công lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện kết nối và hỗ trợ đầu tư cũng như tạo việc làm. Chiến lược này đã giúp ích rất nhiều cho Trung Quốc cho đến mức thu nhập hiện tại.
Thứ hai, Trung Quốc giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore được ban tặng một “Chính phủ có năng lực và hiệu quả” (Bikales 2021; Ravallion 2009), thể hiện qua khả năng đưa ra các cam kết chính sách đáng tin cậy, điều phối hiệu quả các quyết định của các cơ quan chính phủ khác nhau và huy động nhiều chủ thể xã hội khác nhau để hỗ trợ mục tiêu quốc gia.
Chính phủ Trung Quốc đã đề ra các chính sách khác nhau và xử lý tốt các chính sách từng khu vực. Trong đó có chính sách quản lý đô thị hóa đã được các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc quan tâm từ rất sớm. Mục đích là nhằm hạn chế sự phát triển của các thành phố lớn để tránh sự xuất hiện của nghèo đói ở thành thị thông qua sự phát triển không kiểm soát của các khu ổ chuột, đồng thời cung cấp đủ cơ hội cho người nghèo ở nông thôn cải thiện thu nhập của họ thông qua di cư.
3. Kinh nghiệm ở Thái Lan
Thái Lan là một quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế và mức sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, sử dụng 80% lực lượng lao động của quốc gia. Thái Lan đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo từ 58% năm 1990 xuống 6,8% vào năm 2020 nhờ tốc độ tăng trưởng cao và chuyển đổi cơ cấu, tuy nhiên 79% người nghèo vẫn sống ở khu vực nông thôn và chủ yếu ở các hộ gia đình nông nghiệp3. Thách thức trong giảm nghèo của Thái Lan là giải quyết các vấn đề liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương và khả năng tiếp cận giáo dục, việc cải thiện trong khả năng tiếp cận đào tạo nghề lao động phổ thông.
Để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trước nghèo đói, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra các chương trình giảm nghèo để giải quyết vấn đề này, có thể chia thành 4 loại4:
Một là, các chương trình hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ví dụ Chương trình Cờ Xanh, Chương trình hỗ trợ giáo dục bắt buộc và Thẻ tín dụng năng lượng;
Hai là, thúc đẩy việc làm, tăng thu nhập và tạo sự ổn định thu nhập thông qua chính sách lương tối thiểu 300 Baht, mức lương 15.000 Baht cho sinh viên tốt nghiệp cử nhân, tăng giá nông sản và các Trung tâm Dạy nghề cộng đồng;
Ba là, các chương trình thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn vốn nhằm tạo việc làm thông qua Quỹ cộng đồng thôn/đô thị, Quỹ trao quyền cho phụ nữ Thái Lan và Quỹ doanh nghiệp;
Bốn là, cải thiện phúc lợi thông qua tăng trợ cấp cho người già và người khuyết tật và mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cho khu vực phi chính thức.
Qua đó, cho thấy Thái Lan hoạt động tốt hơn so với các nước trong khu vực ASEAN về nhiều chỉ số quốc tế về phúc lợi, chẳng hạn như tỷ lệ nhập học ở độ tuổi tiểu học, khả năng tiếp cận nước, vệ sinh và điện, đồng thời có tỷ lệ nghèo cùng cực trên phạm vi quốc tế ở mức thấp ở mức 1,90 USD/ngày5.
4. Kinh nghiệm ở Ấn Độ
Ấn Độ với 320 triệu người sống dưới chuẩn nghèo (chuẩn nghèo của Ấn Độ khoảng trên 2USD/ngày/người)… Theo báo cáo của NITI Aayog, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ, khoảng 248 triệu người sống ở nước này đã thoát nghèo đa chiều trong 9 năm qua. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm 18% trong 9 năm qua, với tỷ lệ người sống trong tình trạng này giảm từ 29% xuống 11%6. Thành tựu đáng chú ý này có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tăng trưởng kinh tế, các chương trình mục tiêu của chính phủ và khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Mức giảm này đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và cải thiện điều kiện sống của họ.
Trong thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai nhiều chương trình để thực hiện xóa đói giảm nghèo và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Một số kinh nghiệm hay về giảm nghèo của Ấn Độ như:
(1) Mô hình nhóm tự trợ giúp (self help grop – SHGs): là hình thức tập hợp từ 15 – 20 người nghèo trong thôn để tương trợ, giúp đỡ nhau dựa trên cơ sở tiết kiệm, trợ giúp nhau phát triển sản xuất và được coi là hạt nhân ở khu vực nông thôn, liên kết người nghèo nhất là phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo…
(2) Mô hình trung tâm nguồn lực quản lý bởi cộng đồng (CMRC): là một loại hình trung tâm dịch vụ trong hệ thống của tổ chức phi chính phủ Myrada, cung cấp các dịch vụ cho người nghèo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận…
(3) Mô hình Viện đào tạo phát triển nông thôn và tự tạo việc làm (RUDSETI): là loại hình cung cấp dịch vụ miễn phí đào tạo kỹ năng tự tạo việc làm cho người nghèo, nhất là thanh niên nông thôn và phụ nữ nghèo…
(4) Mô hình doanh nghiệp tham gia phát triển cộng đồng và giảm nghèo trên địa bàn doanh nghiệp đóng: là mô hình gắn kết sự phát triển của doanh nghiệp với người dân địa phương đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong tham gia phát triển cộng đồng, giúp người dân địa phương xoá đói giảm nghèo…
(5) Mô hình huy động nguồn lực của các ngân hàng thương mại tham gia xoá đói giảm nghèo: Chính phủ quy định ngân hàng bảo đảm tỷ lệ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hướng về nông thôn và giảm nghèo…
5. Một số kinh nghiệm tham khảo
Một là, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc huy động mọi nguồn lực và thực hiện các giải pháp cụ thể hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là phát huy được tổ chức chính trị – xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng trong thực hiện chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo cũng như sự quan tâm, chỉ đạo tập trung của Thành ủy, UBND Thành phố.
Hai là, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, mạnh thường quân, người dân tham gia vào công tác giảm nghèo. Nhờ đó, nó đã có tác dụng đáng kể và nhiều mặt, hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp nâng cao thu nhập và mức sống cũng như tạo lập môi trường sống ổn định.
Ba là, tích cực tuyên truyền về tình hình nghèo của huyện, thành phố cũng như mục tiêu, kế hoạch, chủ trương, giải pháp giảm nghèo. Từ đó hỗ trợ người dân hiểu được việc thực hiện chuẩn nghèo của thành phố ở mọi cấp độ.
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền gắn với việc lồng ghép vào nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Vì người nghèo”… nhằm nâng cao ý thức vượt khó, cần cù lao động, tiết kiệm tích lũy, cải thiện tâm lý thụ động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước để vươn lên thoát nghèo. Đồng thời phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, mang lại hiệu quả xã hội ngày càng cao cho chương trình giảm nghèo, qua đó tạo niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bốn là, thực hiện tốt công tác dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai các chính sách cho vay vốn từ nguồn Quỹ Xóa đói giảm nghèo, nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời kiểm tra đối tượng được hưởng chính sách vay ưu đãi, thiết lập các phương thức chia sẻ thông tin, mời phản hồi và giám sát quá trình thực hiện đều góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về quyền và nghĩa vụ của cá nhân. Để tránh xảy ra khiếu nại, xung đột trong quá trình cho vay.
Năm là, thực hiện tốt công tác bảo đảm chính sách với dân nhập cư, vấn đề di cư nhằm bảo đảm để người dân được hưởng đầy đủ an sinh xã hội, mở rộng tạo nhiều hành lang, cơ chế thuận lợi và sự bình đẳng cho các nhóm nhập cư được tiếp cận các dịch vụ xã hội, các dịch vụ bảo trợ.
Sáu là, thực hiện tốt công tác bảo đảm công việc ổn định cho người dân, bên cạnh đó phải có các chương trình đào tạo và định hướng nghề nghiệp phù hợp với trình độ, tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh, khả năng phát triển của tất cả các nhóm nghèo, đối tượng nghèo và sự tương thích với bối cảnh của thị trường lao động.
6. Kết luận
Công tác giảm nghèo của các nước châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn độ) có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên và xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, có những khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, đặc biệt các quốc gia này cũng có những thành phố năng động, phát triển mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Theo đó, những kinh nghiệm về giảm nghèo bền vững của các quốc gia này sẽ có giá trị, ý nghĩa tham khảo giúp cho thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung trong xây dựng và triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Thanh Bình (2020). Giải pháp giảm nghèo bền vững ở Hà Nội. Hà Nội: Luận án tiến sỹ Học viện khoa học xã hội.
2. Nỗ lực giảm nghèo của Thái Lan đạt kết quả tích cực. https://nhandan.vn/no-luc-giam-ngheo-cua-thai-lan-dat-ket-qua-tich-cuc-post773924. html.
3. Nguyễn Thị Nhung (2012). Giải pháp xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Hà Nội: Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
4. Judy Yang (2024). Giảm nghèo và cải thiện công bằng ở Thái Lan: Tại sao nó vẫn quan trọng, Tạp chí Đông Á và Thái Bình Dương.
5. Kanitha Kongrukgreatiyos (2024). Nghèo đói ở Thái Lan gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ngân hàng Thế giới.
6. Kanitha Kongrukgreatiyos (2024). Nông thôn Thái Lan phải đối mặt với thách thức nghèo đói lớn nhất với bất bình đẳng về thu nhập cao. Ngân hàng Thế giới.
7. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM203797.