Nâng cao chất lượng viên chức ngành Y tế trong bối cảnh chuyển đổi số

TS. Nguyễn Thị Trang
Học viện Hành chính Quốc gia
Phạm Thị Hồng Loan
Bệnh viện huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp bối cảnh chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với ngành Y tế, nâng cao năng lực viên chức là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng. Bởi vì, yêu cầu đối với lực lượng viên chức ngành Y tế không chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cả về kỹ năng và năng lực làm việc trên môi trường số. Nhằm góp phần đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng viên chức ngành Y tế trong bối cảnh chuyển đổi số, bài viết tập trung phân tích thực trạng chất lượng viên chức ngành y tế. Từ đó, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng viên chức y tế trong bối cảnh hiện nay.

Từ khoá: Chuyển đổi số, chất lượng, nâng cao, viên chức ngành Y tế.

1. Sự cần thiết nâng cao chất lượng viên chức ngành y tế trong bối cảnh chuyển đổi số

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là vô cùng cần thiết. Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: (1) Áp dụng công nghệ mới; (2) Phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại; (3) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đối với ngành Y tế, nguồn nhân lực y tế “Là những người tham gia vào các hoạt động với mục đích chính tăng cường sức khỏe cộng đồng” trực tiếp cung cấp dịch vụ y tế hoặc là những người làm các công việc khác, như: quản lý, phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nguồn nhân lực y tế đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm thực hiện mục tiêu “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và làyếu tố quyết định góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe.

Chất lượng viên chức ngành Y tế còn được đánh giá thông qua chỉ số phát triển con người (Human Development index – HDI). Bởi chỉ số HDI được cấu thành bởi ba yếu tố cơ bản: (1) Thu nhập (GNI/người); (2) Tri thức (thông qua chỉ số học vấn); (3) Sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ bình quân kỳ vọng tính từ thời điểm mới sinh). Theo kết quả công bố năm 2021 của UNDP (Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc) với chỉ số 0,703, Việt Nam xếp thứ 115 trong tổng số 191 nước được đánh giá về chỉ số HDI, thuộc nhóm phát triển con người cao. Chỉ số HDI qua các năm cho thấy lĩnh vực y tế ở Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương1. Điều này đã khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực ngành Y tế và mục tiêu ngành Y tế luôn hướng đến: “Con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển” 2.

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống ngành Y tế. Trong đó có dấu hiệu quá tải do số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng cao, hệ thống cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu và số lượng y bác sĩ còn hạn chế, số điều dưỡng nghỉ việc tăng do áp lực công việc cao, dẫn đến tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại các bệnh viện công lập có xu hướng giảm dần, ảnh hưởng đến chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, cũng trong đại dịch Covid-19, kỹ thuật y học lâm sàng đã có bước phát triển vượt bậc, tác động mạnh mẽ tới nguồn nhân lực y tế. Việc ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào lĩnh vực y tế đã giúp cho các y, bác sỹ nâng cao hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Trí tuệ nhân tạo (AI – artificial intelligence) và các phần mềm đã hỗ trợ cho hoạt động khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ. Và, tính đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện và cơ sở y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ nhân sự, hồ sơ bệnh nhân (triển khai thành công bệnh án điện tử); thu thập, phân tích các dữ liệu xét nghiệm, siêu âm, MRI,… nhanh, chuẩn xác giúp y, bác sỹ xác định bệnh, phân loại bệnh, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho mỗi người bệnh. Công nghệ thông tin giúp cho việc trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong và ngoài nước được dễ dàng, đạt hiệu quả cao.

Việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào lĩnh vực y tế cũng cho phép giảm bớt khối lượng công việc của nhân viên y tế, giúp viên chức y tế có nhiều thời gian để tập trung vào công tác chuyên môn, học tập, bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Đồng thời, người dân cũng được tiếp cận và sử dụng hệ thống thông tin y tế một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ngành Y tế cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, như: trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ; một số định hướng lớn về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của ngành Y tế còn chậm được triển khai do thiếu hụt nguồn lực (nguồn nhân lực và vật lực). Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết. Việc cần làm ngay đó là nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức ngành Y tế, đáp ứng yêu cầu và bối cảnh chuyển đổi số.

2. Những đặc điểm riêng của ngành Y tế

Một là, y đức là yếu tố quan trọng quyết định và đánh giá chất lượng viên chức ngành y. Khác với các ngành khác, đối tượng lao động của ngành y tế là con người, chính vì vậy viên chức ngành y đòi hỏi không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần có đạo đức nghề nghiệp. Nói cách khác, cần bảo đảm yêu cầu “Có tài và có đức”, “vừa hồng lại vừa chuyên”. Y đức của ngành Y tế Việt Nam đã được quy định rõ tại Quyết định số 2088/BYT-QĐ năm 1996 của Bộ Y tế, với 12 điều y đức. Trong đó khẳng định: “Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh…Phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khăn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam. Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận”.

Hai là, yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ, có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Áp lực công việc đến từ việc viên chức y tế phải đối mặt với các căn bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao như lao, phong, HIV, Covid-19… hay môi trường làm việc tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm. Vì vậy, mỗi viên chức y tế cần được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, những chế độ đãi ngộ đặc biệt nhằm thu hút, tạo động lực làm việc và phát triển nguồn nhân lực y tế.

Ba là, viên chức ngành Y tế có thời gian học tập, đào chuyên môn dài hơn so với ngành chuyên môn khác. Thời gian đào tạo bảo đảm chuẩn đầu ra đối với bác sĩ là 6 năm; đối với dược sĩ là 5 năm. Chưa kể tính ứng dụng, thực tiễn cao nên yêu cầu viên chức y tế phải tăng cường thời gian thực hành, trực tại các bệnh viện, tự học và tự nghiên cứu.

Bốn là, ngành Y tế luôn được Nhà nước ưu tiên, dành nguồn lực cho phát triển. Ngoài ưu tiên dành ngân sách nhà nước cho phát triển lĩnh vực y tế, Nhà nước còn quan tâm huy động, kêu gọi từ các nguồn lực xã hội và các nguồn tài chính khác tham gia đầu tư cho lĩnh vực y tế. Theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trong 5 năm, ngành Y tế được phân bổ 24.135,4 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn NSNN. Trong đó, các dự án thuộc bộ, cơ quan trung ương quản lý là 10.945,7 tỷ đồng, các dự án địa phương quản lý là 13.189,7 tỷ đồng3.

(5) Ngành Y tế là một trong những ngành ứng dụng khoa học – kỹ thuật công nghệ cao. Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều kỹ thuật, trang thiết bị khoa học ra đời đã phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và hướng đến triển khai, nhân rộng mô hình xây dựng “bệnh viện thông minh”. Tuy nhiên, đây cũng là yêu cầu đòi hỏi ngành Y tế cần đầu tư cả về con người và trang thiết bị. Bởi vì, đầu tư công nghệ kỹ thuật cao là điều quan trọng và rất cần thiết nhưng người sử dụng kỹ thuật cao là yếu tố quyết định. Do đó rất cần những viên chức y tế có trình độ cao, kiến thức rộng, nắm bắt và làm chủ được công nghệ để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

3. Thực trạng chất lượng viên chức y tế trong bối cảnh chuyển đổi số

Trước bối cảnh chuyển đổi số, ngành Y tế đã đạt được những thành công nhất định trong xây dựng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng Đề án “Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công, giai đoạn 2022 – 2030”; xây dựng Bộ Tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định hồ sơ bệnh án điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê y tế; kết nối dữ liệu giấy khám sức khỏe cấp phép lái xe để phục vụ việc cấp, đổi giấy phép lái xe… Bên cạnh đó, nhiều phần mềm được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, giảm tải chi phí khám chữa bệnh cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho các cơ sở y tế, như: triển khai phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ viên chức ngành Y tế, năm 2023 ngành Y tế đã đạt được các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội do Quốc hội, Chính phủ giao (xét theo Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ). Số bác sĩ trên 10.000 dân thực hiện đạt 12,5 bác sĩ năm 2023 (vượt chỉ tiêu được giao là 12 bác sĩ); số giường bệnh trên 10.000 dân thực hiện đạt 32 giường bệnh năm 2023 (đạt chỉ tiêu được giao là 32 giường bệnh); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thực hiện đạt 93,2% dân số năm 2023 (đạt chỉ tiêu được giao chiếm 93,2% dân số)4.

Trong công tác đào tạo nhân lực, ngành y tế tiếp tục triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” giai đoạn 2021 – 2030 (theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/02/2013 của Bộ Y tế); xác định tính đặc thù đào tạo nhân lực y tế nhằm tạo hành lang pháp lý cho đổi mới đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và tiến tới hội nhập quốc tế; ban hành và triển khai thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến 2050, trong đó nhấn mạnh mục tiêu chung: “Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức với cơ cấu và phân bố hợp lý nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế”. Kết quả của sự thành công trong công tác đào tạo nguồn nhân lực được cụ thể hoá qua các chỉ tiêu vượt mức, như: số dược sỹ đại học trên 10.000 dân (chỉ tiêu phấn đấu năm 2023: 3,06; chỉ tiêu thực hiện 3,2, vượt 0,14) và số điều dưỡng trên 10.000 dân (chỉ tiêu được giao năm 2023: 13,0; chỉ tiêu thực hiện 15, vượt 0,14)5.

Trong giai đoạn 2023 – 2050, ngành Y tế đặt chỉ tiêu nhân lực y tế/10.000 dân cụ thể như sau:

TTNhân lựcNăm 2023Năm 2025Năm 2030Năm 2050
1Bác sĩ12151935
2Dược sĩ đại học3.063,44,04,5
3Điều dưỡng13253390
(Nguồn: Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến 2050)6.

Việc đặt mục tiêu cụ thể giúp ngành Y tế có lộ trình thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực hiệu quả, đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, ngành Y tế hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nhân lực. Cụ thể như: nguồn nhân lực chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng; tỷ lệ viên chức y tế nghỉ việc đang có xu hướng tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 18 tháng (từ ngày 01/01/2021 – 30/6/2022) trên cả nước đã có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược sĩ, 2.280 viên chức khác)7. Bộ Y tế cũng chỉ ra 4 nguyên nhân viên chức y tế thôi việc, bỏ việc, cụ thể như:

Một là, do áp lực công việc, tình trạng quá tải trong công việc kèm theo cường độ làm việc cao trong thời gian dài, không có ngày nghỉ.

Hai là, do thu nhập thấp và cùng với đó là sự thu hút, đãi ngộ bởi các cơ sở y tế tư nhân cao hơn cơ cơ y tế công lập.

Ba là, do áp lực về thiếu trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất để thực hiện nghiệp vụ chuyên môn (thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thiếu vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường). Điều này đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế.

Bốn là, do áp lực của xã hội, gia đình, người thân, thậm chí còn có cả áp lực đến từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Với áp lực xã hội luôn đòi hỏi xây dựng hình ảnh người viên chức y tế “lương y như từ mẫu”, với gia đình, người thân luôn thường trực nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình và các nhu cầu vật chất, tinh thần khác; với bệnh nhân và người nhà áp lực cho viên chức y tế không chỉ về trình độ chuyên môn mà còn về văn hoá giao tiếp, ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng bảo vệ bản thân (đối với bệnh nhân có mầm bệnh truyền nhiễm).

4. Một số đề xuất về nâng cao chất lượng viên chức y tế trong bối cảnh chuyển đổi số

Với những khó khăn trên, để chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế bảo đảm và đặc biệt hướng tới triển khai thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược Phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến 2050, ngành Y tế cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế. Trong đó chú trọng rà soát cập nhật các quy định về điều kiện thành lập cơ sở đào tạo, mở ngành, chuyên ngành khối ngành sức khoẻ, đặc biệt là điều kiện về tổ chức, giảng viên, đào tạo thực hành, phương pháp giảng dạy; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cấp quản lý; đổi mới chương trình và tài liệu đào tạo, xây dựng chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo.

Thứ hai, đẩy mạnh liên tục cập nhật kiến thức, y khoa, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng xây dựng chế độ hỗ trợ cán bộ y tế vùng khó khăn tham gia cập nhật kiến thức; tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn ở địa phương; thể chế hoá các loại hình đào tạo phát triển nghề nghiệp; tổ chức biên soạn, xuất bản, cung cấp tài liệu chuyên môn…

Thứ ba, tăng cường đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu. Chú trọng đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu; hợp tác quốc tế, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng viên chức y tế các cấp.

Thứ tư, nâng cao năng lực cán bộ quản lý y tế về năng lực quản lý, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo kỹ năng số cho cán bộ quản lý y tế các cấp đặc biệt là cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý nhà nước về y tế.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực y tế. Tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức y tế thông qua cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, bảo đảm mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế. Đồng thời, cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp cao quý của mình.

5. Kết luận

Việc nâng cao chất lượng viên chức y tế là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, phân tích sự cần thiết nâng cao năng lực viên chức y tế, phân tích đặc điểm, thực trạng chất lượng và đề xuất giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế, đáp ứng yêu cầu của hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ của Nhân dân.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam năm 2016 – 2020,
2. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, năm 2021.
3. Quốc hội (2021). Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
4, 5. Bộ Y tế. Báo cáo số 11/BC-BYT ngày 04/01/2024 về việc tổng kết công tác y tế năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.
6. Bộ Y tế. Quyết định 869/QĐ-BYT ngày 08/4/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến 2050.
7. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/bo-y-te-cac-on-vi-ia-phuong-bao-cao-tinh-hinh-nhan-vien-y-te-xin-thoi-viec-bo-viec.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2017). Nghị quyết số 20-NQ/TW 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Hà Nội.
2. Phạm Ngọc Nam – Phạm Thanh Vân (2022). Giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ – chuyên san Kinh tế – Luật và quản lý (ISSN 2588-1051), số 3/2022.
3. World Health Organization WHO (2018). “Tổng quan quốc gia về nhân lực y tế Việt Nam“. WHO.