Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Văn Quang
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Tú Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của các tầng lớp Nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, các nghị quyết Trung ương (khoá XIII) của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ khóa: Xây dựng và hoàn thiện, Nhà nước pháp quyền, pháp luật, hệ thống pháp luật.

1. Pháp luật là công cụ, phương tiện quan trọng để quản lý duy trì bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước

Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển có hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ để duy trì, quản lý xã hội và trấn áp các loại tội phạm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Đối với nước ta, hệ thống pháp luật được thiết lập, xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hoá dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Vì vậy, pháp luật của nước ta mang bản chất giai cấp công nhân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam, hướng đến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đến việc xây dựng Hiến pháp, pháp luật hướng đến bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, bởi theo Người, nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền lợi đều vì dân, bao nhiêu lợi ích cũng đều vì dân. Điều 1 Hiến pháp năm 1946 đã chỉ rõ: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”1. Điều 2 Chương 1 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”2.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu, nội dung cơ bản xuyên suốt là “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”3. Với quan điểm, tư tưởng như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã không ngừng củng cố, xây dựng, hoàn thiện pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định nội dung, biện pháp:  “Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”4. Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả”5.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, xác định: “Hoàn thiện pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”6. Từ quan điểm, tư tưởng của Đảng trong các kỳ Đại hội cho thấy, nhận thức tư duy lý luận về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà trọng tâm là pháp luật ngày càng toàn diện, đầy đủ; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là người xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhân dân là chủ thể, trung tâm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thật sự tinh, gọn, mạnh; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Hệ thống pháp luật về xây dựng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất, bao trùm các lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội; những luật được ban hành đều thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội, duy trì trật tự, kỷ cương, phép nước. Nghị quyết số 27-NQ/TW đánh giá: “Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội”7.

Từ ngày thành lập đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện các chính sách xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác phát triển. Mọi thắc mắc của cử tri đều được các đại biểu Quốc hội phản ánh thông qua các kỳ họp, nhiều vấn đề nóng, bức xúc, nổi cộm của xã hội đã được đưa lên nghị trường, phản ánh được tiếng nói của cử tri cả nước.

Chính phủ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan hành pháp trong cụ thể hoá chủ trương, biện pháp, kế hoạch của Quốc hội. Chính phủ và các bộ, ban ngành trung ương đã hành động mạnh mẽ, quyết liệt theo phương châm liêm chính, hành động và phục vụ Nhân dân. Nhờ vậy, những chương trình, dự án, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu về các lĩnh vực, ngành nghề đều đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Các công trình, dự án trọng điểm quốc gia phục vụ thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều được hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức hành động, lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chính phủ các khoá đã luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để cụ thể hoá, thể chế hoá thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Chính phủ”8.

Các cơ quan tư pháp bao gồm Toà án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối đã thường xuyên phối hợp trong truy tố, xét xử, xử lý vi phạm của cá nhân, tổ chức tham nhũng, tiêu cực, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân và lợi ích quốc gia, dân tộc. Những cá nhân, tổ chức có hành động, việc làm đi ngược lại với lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đều được các cơ quan toà án, viện kiểm sát xử lý đúng người, đúng tội, góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, văn hoá xấu độc; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp đã không ngừng nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, phương pháp tác phong công tác, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng; nhiệt tình, trách nhiệm trong hướng dẫn, giúp đỡ, giải thích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của địa phương.

Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã phát huy tinh thần “7 dám” trong giải quyết vấn đề của địa phương, được Nhân dân kính trọng, quý mến, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”… Nhìn một cách tổng thể, bức tranh phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta gam màu sáng vẫn là chủ đạo, uy tín, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng vẫn rất cao, hệ thống chính trị các cấp đã tinh giảm theo hướng tinh gọn, mạnh và hoạt động hiệu quả đem lại nhiều đổi thay cho các lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam còn một số hạn chế:

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả; nhiều văn bản còn rườm già, phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều bước gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận, triển khai tổ chức thực hiện.

Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của một số cán bộ chủ chốt các cấp chưa linh hoạt, sáng tạo, còn yếu về năng lực, phương pháp tác phong công tác, nể nang, né tránh, ngại va trạm, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; nhiều công việc ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn tồn đọng, khả năng giải ngân còn yếu chưa mạnh dạn, quyết đoán những công trình, dự án mang tính phúc lợi xã hội có lợi cho người dân, còn trông chờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở vẫn còn gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân… Nghị quyết số 27-NQ/TW đánh giá: “ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân chưa nghiêm; cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ”9.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên bao gồm cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan vẫn là cơ bản, chủ yếu: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thực hiện những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thường xuyên, kịp thời; (2) Ý chí quyết tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; (3) Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có tinh thần 7 dám, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương.

2. Một số biện pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nghị quyết số 27-NQ/TW đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của Nhà nước”10. Với tinh thần này, Đảng tiếp tục định ra những đường hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cơ bản trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo đảm chặt chẽ, liên thông giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; mọi hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, không được phép xa rời nguyên tắc đó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “trong bất luận hoàn cảnh nào, phải kiên định lập trường, tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”11. Đảng xác định cụ thể những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Đảng phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thực hiện quan điểm, đường lối do Đảng đã đề ra; Đảng cần chủ động đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Đảng phải thường xuyên liên hệ mật thiết với Nhân dân để lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân ở cơ sở, qua đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của mình cho gần dân, sát dân và cũng là để kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đảng phải thật sự là một cơ thể khoẻ mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã xác định trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để xứng đáng với lời khen ngợi và trao tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”12, “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của Nhân dân và giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”13.

Hai là, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính trong bộ máy nhà nước.

Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính trong bộ máy nhà nước là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và cần phải đưa những nội dung đó vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, các cơ quan, chức năng, ban ngành, nhất là cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương trước hết cần tự mình quán triệt và nghiêm túc thực hiện văn hoá đạo đức công vụ nơi công sở; có thái độ thân thiện, gần gũi với người dân và doanh nghiệp, không quan liêu, hách dịch với người dân và doanh nghiệp; không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hành dân và doanh nghiệp; trên cơ sở nắm chắc những văn bản của Đảng, Nhà nước cần thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp về ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi.

Người dân và doanh nghiệp chuyển hoá từ nhận thức và hành động, sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật; mỗi người dân và doanh nghiệp có quyền bày tỏ chính kiến, kiến nghị, thắc mắc của mình với cơ quan hành chính nhà nước trên tinh thần xây dựng, thượng tôn pháp luật; nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức về pháp luật, xã hội để từ đó điều chỉnh thái độ, hành vi đúng với Hiến pháp, pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội. Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định: “Thực hiện nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”14.

Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, toàn diện cho các ngành, lĩnh vực, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể phải có năng lực, trình độ kiến thức pháp luật, hiểu biết sâu sắc các vấn đề, có phẩm chất đạo đức. Các dự thảo luật trước khi ban hành cần có sự thảo luận, góp ý, trao đổi của chuyên gia, nhà khoa học; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể để cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý, khoa học, phù hợp, bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; không được tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực, tha hoá quyền lực trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến tài sản, quyền con người, tài chính, đất đai, đấu thấu,… Các văn bản quy phạm pháp luật cần mang tính dài hạn, dự báo được xu hướng phát triển của từng ngành, lĩnh vực hoạt động cụ thể.

Cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể, không được áp đặt chủ quan, chuyên quyền độc đoán trong xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Mỗi dự thảo luật khi được ban hành cần đạt được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện chính sách xã hội. Nghị quyết số 27-NQ/TW nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”15.

3. Kết luận

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là sự cụ thể hoá quan điểm, tư tưởng của các kỳ Đại hội, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII của Đảng; điều này, thể hiện nhận thức tư duy lý luận, thực tiễn của Đảng ta ngày càng sâu sắc, toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là kết quả tổng hợp các giải pháp về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quán triệt những nội dung, biện pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là vũ khí tư tưởng – pháp lý quan trọng để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích:
1. Hiến pháp năm 1946.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 28.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 39.
6, 7, 8, 10, 14, 15. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) (2022). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
9. Nguyễn Phú Trọng (2021). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 88.
11. Nguyễn Phú Trọng (2021). Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 435.
12. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 403.
13. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 612.