Trịnh Thị Phương Anh
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Đạo đức nghề nghiệp của nhân sự ngân hàng là những yêu cầu đạo đức có liên quan đến việc tiến hành các nghiệp vụ ngân hàng, bao gồm các quy tắc, các nguyên tắc, chuẩn mực của ngành Ngân hàng, yêu cầu các nhân sự trong ngành này cần phải nghiêm túc thực hiện nhằm kiểm soát và ngăn ngừa, giảm thiểu các vụ việc vi phạm và nâng cao ý thức nghề nghiệp của nhân sự trong ngành Ngân hàng, do đó, đạo đức nghề nghiệp của họ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Việc nhận diện và hiểu rõ bản chất của từng yếu tố sẽ giúp các ngân hàng xác định, xây dựng, duy trì và phát huy được đội ngũ nhân sự có đạo đức nghề nghiệp cao, góp phần vào sự phát triển bền vững và khẳng định được uy tín của ngân hàng.
Từ khóa: Đạo đức nghề nghiệp; yếu tố ảnh hưởng; công chức; nhân sự; ngành Ngân hàng.
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng
a. Các yếu tố chủ quan
(1) Giá trị cá nhân và niềm tin.
Giá trị cá nhân và niềm tin của mỗi nhân sự trong ngành Ngân hàng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới đạo đức nghề nghiệp của cá nhân. Mỗi người mang theo những giá trị, nguyên tắc sống và niềm tin riêng vào môi trường làm việc. Những giá trị này bao gồm lòng trung thực, sự chính trực, trách nhiệm và sự tận tụy với công việc. Mỗi người có giá trị cá nhân cao thường sẽ có xu hướng hành động đúng đắn, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và quy định của ngân hàng. Chẳng hạn, một nhân viên coi trọng sự trung thực sẽ không bao giờ tham gia vào các hành vi gian lận hoặc lừa đảo, bất kể có cơ hội hoặc áp lực nào. Niềm tin mạnh mẽ vào việc làm đúng đắn cũng giúp định hướng hành vi và quyết định của họ trong công việc hằng ngày ở môi trường ngân hàng.
(2) Kiến thức và nhận thức về đạo đức nghề nghiệp.
Kiến thức và nhận thức về đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng quyết định đạo đức của nhân sự trong ngành Ngân hàng. Nếu nhân sự được đào tạo đầy đủ về các nguyên tắc và quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như hiểu rõ các hậu quả của việc vi phạm, họ sẽ nhận thức rõ ràng về đạo đức nghề nghiệp và nhận biết, xử lý các tình huống phức tạp một cách đúng đắn. Ngược lại, việc không hiểu hoặc thiếu kiến thức về đạo đức nghề nghiệp sẽ có thể dẫn đến những sai lầm hoặc vi phạm mà họ có thể không ý thức được. Do đó, việc liên tục nâng cao nhận thức và hiểu biết về đạo đức nghề nghiệp thông qua các chương trình đào tạo và giáo dục về đạo đức nghề nghiệp trong ngành Ngân hàng là hết sức quan trọng.
(3) Tinh thần trách nhiệm và cam kết cá nhân.
Tinh thần trách nhiệm và cam kết cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đạo đức nghề nghiệp của nhân sự ngân hàng. Bởi lẽ, với những nhân viên ngân hàng có tinh thần trách nhiệm cao sẽ luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính chính xác và kịp thời trong công việc. Bản thân họ sẽ không ngại chịu trách nhiệm về các sai sót và luôn sẵn sàng sửa chữa, học hỏi từ những sai lầm để không lặp lại. Cam kết cá nhân đối với đạo đức nghề nghiệp thể hiện qua việc tuân thủ các quy định, không tham gia vào các hành vi thiếu trung thực hay lạm dụng quyền lực. Ở môi trường ngân hàng có đội ngũ nhân sự có cam kết cao thường sẽ tạo ra được môi trường làm việc tích cực, công bằng và uy tín.
b. Các yếu tố khách quan
(1) Văn hóa tổ chức của ngân hàng.
Văn hóa tổ chức là yếu tố khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp của nhân sự trong ngành Ngân hàng. Một tổ chức ngân hàng có văn hóa mạnh mẽ về đạo đức sẽ thúc đẩy nhân viên hành động đúng đắn và tuân thủ các giá trị đạo đức nghiêm chỉnh. Văn hóa này bao gồm các quy tắc ứng xử, giá trị cốt lõi và chuẩn mực mà ngân hàng đề cao và yêu cầu đòi hỏi nhân viên tuân thủ. Chẳng hạn, nếu ngân hàng khuyến khích sự minh bạch và trung thực, đội ngũ nhân sự sẽ có xu hướng hành động theo hướng đó. Văn hóa tổ chức của ngân hàng tích cực còn tạo ra môi trường làm việc thân thiện, hỗ trợ và công bằng, giúp nhân viên cảm thấy an tâm và tự tin trong công việc, từ đó đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân sự cũng sẽ được nâng cao.
(2) Quy định và chính sách của ngân hàng.
Quy định và chính sách của ngân hàng góp phần định hướng hành vi và bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân sự trong ngành Ngân hàng. Các chính sách này bao gồm quy tắc ứng xử, quy định về bảo mật thông tin, chính sách chống gian lận và các quy định về giao dịch tài chính. Việc tuân thủ các quy định và chính sách này không chỉ giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm mà còn tạo ra một khuôn khổ rõ ràng cho đội ngũ nhân sự trong ngành Ngân hàng làm việc. Các ngân hàng cần thường xuyên cập nhật và phổ biến về các chính sách này để đội ngũ nhân sự hiểu rõ và tuân thủ. Hơn nữa, việc thực thi nghiêm túc và công bằng các quy định còn khuyến khích các nhân sự hành động đúng đắn và duy trì đạo đức nghề nghiệp.
(3) Áp lực công việc và môi trường cạnh tranh.
Áp lực công việc và môi trường cạnh tranh là yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp của nhân sự ngân hàng. Trong một môi trường công việc có áp lực cao và cạnh tranh gay gắt, các nhân sự có thể cảm thấy bị áp lực để đạt được các chỉ tiêu hoặc thành tích cụ thể, dẫn đến việc có thể bỏ qua hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Để giảm thiểu tác động tiêu cực này, các ngân hàng cần xây dựng một môi trường làm việc cân bằng, hỗ trợ nhân viên qua các chính sách giảm tải công việc, khuyến khích sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Cùng với đó, cần có các biện pháp giám sát và hỗ trợ để nhân viên có thể xử lý áp lực một cách hiệu quả mà không ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp.
(4) Sự giám sát và đánh giá hiệu quả làm việc.
Sự giám sát và đánh giá hiệu quả làm việc của ngân hàng không chỉ nhằm mục đích kiểm tra hiệu suất mà còn để bảo đảm đội ngũ nhân sự trong ngành Ngân hàng tuân thủ các quy định và chuẩn mực đạo đức. Các hệ thống giám sát hiệu quả sẽ giúp phát hiện sớm các hành vi không chuẩn mực và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Hơn nữa, việc đánh giá công bằng và minh bạch cũng sẽ tạo động lực cho đội ngũ nhân sự trong ngành ngân hàng hành động đúng đắn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của mình. Do đó, cần thiết phải xây dựng một quy trình đánh giá rõ ràng, công bằng và nhất quán để khuyến khích đội ngũ nhân sự trong ngành Ngân hàng duy trì các chuẩn mực đạo đức cao và hạn chế sự tham gia vào các hành vi vi phạm.
2. Một số biện pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân sự ngân hàng
Một là, đào tạo và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp.
Đào tạo và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp là biện pháp giúp phát huy và củng cố chuẩn mực đạo đức trong ngành Ngân hàng. Ngành Ngân hàng nói chung và các tổ chức ngân hàng nói riêng nên tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức về các quy tắc, quy định và chuẩn mực đạo đức. Các chương trình đào tạo về chủ đề này cần bao gồm các tình huống thực tế, giúp nhân viên ngân hàng nhận biết và xử lý đúng đắn các tình huống phức tạp.
Bên cạnh đó, trong điều kiện các công việc cần xử lý nhiều, không thể tham dự các khóa bồi dưỡng trực tiếp, có thể cần cung cấp tài liệu hướng dẫn và tài nguyên học tập, bồi dưỡng trực tuyến để hỗ trợ nhân viên duy trì và phát triển nhận thức về đạo đức nghề nghiệp. Việc bồi dưỡng thường xuyên, liên tục kết hợp với việc cung cấp các tài liệu hướng dẫn thực hiện các tình huống thực tế sẽ giúp đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng tuân thủ và triển khai đúng đắn các chuẩn mực đạo đức trong mọi tình huống công việc.
Hai là, xây dựng và duy trì văn hóa thực hành các hoạt động nghiệp vụ có đạo đức.
Xây dựng và duy trì một môi trường văn hóa làm việc có đạo đức là điều cần thiết để thúc đẩy đạo đức nghề nghiệp trong các ngân hàng. Để thực hiện tốt nội dung này, Ban lãnh đạo các ngân hàng cần chủ động làm gương bằng cách thể hiện các giá trị đạo đức trong hành động hằng ngày, đồng thời khuyến khích toàn bộ nhân sự trong hệ thống tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của ngành Ngân hàng cũng như các nội dung ứng xử văn hóa và đạo đức do ngân hàng mình đề ra. Đối với các ngân hàng, đặc thù kinh doanh dựa trên chữ tín, do vậy, văn hóa tổ chức của các ngân hàng cần phải đề cao sự minh bạch, trung thực, công bằng và trách nhiệm.
Các ngân hàng cần tạo ra nhiều diễn đàn hoặc kênh giao tiếp theo hướng mở để các nhân sự của ngân hàng có thể thảo luận và chia sẻ quan điểm về đạo đức nghề nghiệp. Trên thực tế, việc áp dụng các hình thức khen thưởng và ghi nhận những hành vi đạo đức tốt cũng là một trong những biện pháp thiết thực để khuyến khích nhân sự hành động theo các giá trị đạo đức đã được đề ra, từ đó kiến tạo một môi trường làm việc của ngân hàng một cách tích cực và tin cậy.
Ba là, cải thiện điều kiện làm việc và quản lý áp lực công việc.
Điều kiện làm việc và những áp lực công việc là những yếu tố tác động tương đối lớn tới việc duy trì đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân sự ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng cần xây dựng và cả thiện môi trường làm việc thân thiện, hỗ trợ nhân sự thông qua việc thực hiện các chính sách giảm tải công việc, khuyến khích sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa các nhân sự.
Việc xây dựng, thiết kế các chương trình văn hóa nội bộ và các hoạt động thể thao, văn nghệ và cuộc thi trong nội bộ cũng giúp cải thiện môi trường và văn hóa làm việc, giảm áp lực, căng thẳng và giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần để đội ngũ nhân sự có thể giảm được áp lực công việc một cách hiệu quả. Khi nhân viên cảm thấy được hỗ trợ và làm việc trong điều kiện tốt, đồng thời họ cũng sẽ ít bị tác động bởi các cám dỗ hoặc áp lực phải vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Một môi trường làm việc tích cực và cân bằng là điều kiện giúp nhân viên duy trì tinh thần trách nhiệm và trung thực trong công việc.
Bốn là, xây dựng và áp dụng các chính sách khen thưởng và khuyến khích việc thực hành đạo đức nghề nghiệp.
Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy và duy trì các hành vi đạo đức của đội ngũ nhân sự trong ngành Ngân hàng. Các ngân hàng cần xây dựng các chương trình khen thưởng định kỳ để ghi nhận và tôn vinh những nhân viên có hành vi đạo đức xuất sắc. Các hình thức khen thưởng có thể áp dụng như: tiền thưởng, giấy khen, hoặc các phần thưởng có giá trị khác.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tôn vinh những tấm gương đạo đức trong tổ chức ngân hàng, từ đó lan tỏa và góp phần tạo ra động lực cũng như khuyến khích đội ngũ nhân sự ngân hàng phát huy sáng tạo, tham gia tích cực vì sự phát triển bền vững của ngân hàng. Chính sách khen thưởng rõ ràng và công bằng không chỉ tạo động lực cho đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng hành động đúng đắn mà còn củng cố văn hóa đạo đức trong toàn bộ ngành, góp phần vào sự phát triển bền vững và uy tín của hệ thống ngân hàng nói chung.
Năm là, xây dựng các quy trình báo cáo và xử lý vi phạm đạo đức về sự minh bạch trong thực hiện nghiệp vụ của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh việc xây dựng các chính sách khen thưởng và khuyến khích việc thực hành đạo đức nghề nghiệp cũng cần xây dựng quy trình báo cáo và xử lý vi phạm đạo đức về tính minh bạch trong thực hiện nghiệp vụ của đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng. Theo đó, các quy trình xử lý vi phạm cần được công khai rõ ràng, bảo đảm mọi vi phạm đều được điều tra và xử lý công khai, công bằng và minh bạch. Việc áp dụng các hình thức này sẽ giúp xây dựng môi trường làm việc an toàn, khuyến khích nhân viên tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, đồng thời củng cố niềm tin của nhân viên và khách hàng vào sự công bằng và trung thực của tổ chức ngân hàng.
Sáu là, khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động vì cộng đồng.
Thông qua việc khuyến khích đội ngũ nhân sự tham gia vào các hoạt động xã hội và cộng đồng, các ngân hàng cũng giúp đội ngũ nhân sự của mình có cơ hội để thực hành các hoạt động xã hội có tính nhân văn và cổ vũ tinh thần nhân ái, sống có đạo đức, vì cộng đồng. Các ngân hàng có thể tổ chức hoặc phối hợp hỗ trợ tổ chức các chương trình thiện nguyện, các hoạt động từ thiện và các sự kiện văn hóa có ý nghĩa với cộng đồng để tạo cơ hội cho đội ngũ nhân sự tham gia và tích cực đóng góp công sức cũng như kinh phí hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn hơn. Các hoạt động này sẽ giúp nhân sự ngành Ngân hàng phát triển lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm xã hội, đồng thời gắn kết họ với các giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức của tổ chức, giúp gia tăng uy tín về thương hiệu cho ngân hàng. Tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng cũng sẽ giúp sự ngành Ngân hàng ý thức rõ hơn về sứ mệnh chung và củng cố lòng tin, sự cam kết về đạo đức nghề nghiệp và tinh thần phục vụ vì cộng đồng, xã hội hướng tới sự phát triển bền vững.
3. Kết luận
Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, việc chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhân sự trong ngành luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, do đó, qua nghiên cứu, phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp, hiểu rõ bản chất của từng yếu tố sẽ giúp các lãnh đạo, công chức của ngân hàng xác định được chiến lược trong xây dựng đội ngũ nhân sự, đặc biệt, trong đó có biện pháp thực hiện nghiêm túc các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực của ngành Ngân hàng, để từ đó, lãnh đạo, công chức, nhân viên trong ngành đều tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển và uy tín của ngân hàng đối với người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2019). Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25/2/2019 về việc ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”.
2. Ý nghĩa việc xây dựng Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk, truy cập ngày 20/4/2024.
3. Đạo đức cách mạng của cán bộ ngân hàng. https://thoibaonganhang.vn/dao-duc-cach-mang-cua-can-bo-ngan-hang-114805.html, truy cập ngày 20/4/2024.