Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội tại tỉnh Bình Dương 

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Xuân
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
ThS. Nguyễn Phương Linh
Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Bình Dương 

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương tiếp tục phát huy tốt vai trò của tổ chức công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập tồn tại, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải phát huy vai trò, trách nhiệm ngày càng lớn hơn để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy, là người bạn đồng hành của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.

 Từ khóa: Công đoàn; quản lý nhà nước; quản lý kinh tế – xã hội; tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia quản lý nhà nước; quản lý kinh tế – xã hội đã được Đảng ta khẳng định trong các văn kiện. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã xác định: “Nâng cao vị trí của công đoàn trong mọi mặt hoạt động xã hội, làm cho công đoàn thật sự trở thành trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, trường học của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Sự tham gia quản lý nhà nước của tổ chức công đoàn phù hợp xu hướng của quản trị quốc gia trong giai đoạn mới. Theo đó, Nhà nước không còn là độc tôn trong quản lý xã hội mà thừa nhận, khuyến khích người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu rộng vào việc quản lý các hoạt động của xã hội phù hợp với tính chất, điều kiện, hoàn cảnh của từng chủ thể. Thuật ngữ “quản trị quốc gia” xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã phản ánh sự chuyển biến lớn về nhận thức chiến lược của Đảng ta trong xây dựng và phát triển đất nước, Đảng đã xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”.1

Tại tỉnh Bình Dương, công đoàn đã phát huy tốt vai trò của tổ chức; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; là chủ thể vừa có tư cách trực tiếp, chủ trì giám sát; vừa phối hợp giám sát đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

2. Thực trạng công đoàn các cấp tỉnh Bình Dương tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội

a. Một số kết quả tích cực

Một là, tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho công đoàn viên, người lao động.

Công đoàn các cấp đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, kết hợp các hình thức trực tiếp, trực tuyến, thông qua các kênh hoạt động của công đoàn, mạng xã hội để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến doanh nghiệp, công nhân lao động, nhất là các vấn đề về tiền lương, bảo hiểm, chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và doanh nghiệp. Trong đó, phối hợp thực hiện 320 phóng sự chuyên đề trên đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương; đăng gần 450 tin, bài trên Cổng Thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh; đăng tải hơn 3.500 tin, bài hoạt động trên trang facebook của Công đoàn Bình Dương và trang facebook của công đoàn các cấp; đăng gần 620 tin, bài trên Báo Bình Dương; Báo Lao động; Tạp chí Lao động và Công đoàn. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các đơn vị Bảo hiểm xã hội, Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc… thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các khu nhà trọ, nơi có đông công nhân lao động, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội2.

Hai là, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát, phản biện xã hội liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động

Trong giai đoạn 2018 – 2023, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã tích cực tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý kiến thiết thực vào các văn bản dự thảo xây dựng, sửa đổi các bộ luật, luật; các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và của tỉnh; tập trung giám sát các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động. Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì giám sát mỗi năm là 1 cuộc (đối tượng giám sát chủ yếu là doanh nghiệp) với các nội dung như: thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách tiền lương và sửa đổi, bổ sung, đăng ký nội quy lao động; thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo quy định; giám sát việc thương lượng cải thiện chất lượng bữa ăn ca và thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại doanh nghiệp và công đoàn cấp trên cơ sở…

Qua giám sát, đã ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật, giải quyết các chế độ và chính sách đối với người lao động; đồng thời chỉ ra những chế độ, chính sách chưa được thực hiện; kiến nghị doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Ngoài ra, đã cử thành viên tích cực tham gia các đoàn giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đến người lao động.

Ba là, tích cực tham mưu, phối hợp, chăm lo an sinh cho công đoàn viên, người lao động.

Các cấp, các ngành và tổ chức công đoàn đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh dành cho người lao động, như: Chương trình hành động số 57-CTr/TU ngày 11/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương;Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 của Hội đồng nhân dân (HĐND) quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2023 – 2025… Giai đoạn 2018 – 2023, có hơn 5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo, hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.300 tỷ đồng. Liên đoàn lao động tỉnh đã thành lập “Quỹ công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, đến nay, Quỹ đã hỗ trợ kịp thời cho 869 đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo… với tổng số tiền 8 tỷ 143 triệu đồng3.

Bốn là, phối hợp với cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Các phong trào thi đua yêu nước trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được triển khai sâu rộng với hơn 15 nghìn đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, công tác với tổng giá trị làm lợi gần 980 tỷ đồng, 50 cá nhân có sáng kiến – sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất được biểu dương, khen thưởng; hơn 3.688 tập thể, 8.719 cá nhân được các cấp khen thưởng4. Thường xuyên quan tâm tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. 

Đặc biệt, công đoàn đã thực hiện tốt công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo đó, vận động hơn 600 tấn nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ cho trên 200.000 người lao động; kịp thời phối hợp với các ngành chức năng đề xuất với tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền lương thực thực phẩm cho đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1.039 tỷ 368 triệu đồng; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ nhà ở cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tổng kinh phí hơn 675 tỷ 722 triệu đồng; tiếp nhận, xét duyệt cho 22.654 trường hợp đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định, với tổng số tiền hơn 34,5 tỷ đồng; giới thiệu 120 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 27.000 lao động, gần 10.000 người lao động tìm được việc làm mới5.

Năm là, tham gia quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.

Công đoàn thường xuyên tham gia với cơ quan nhà nước quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động. Trong đó, Trung tâm Tư vấn pháp luật thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động, cho công đoàn cơ sở, nhất là các thủ tục pháp lý tại tòa để khởi kiện yêu cầu chủ doanh nghiệp trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (năm 2018: 25 vụ, năm 2019: 15 vụ; năm 2020: 13 vụ, năm 2021: 13 vụ; năm 2022: 29 vụ; năm 2023: 42 vụ). Kết quả: có hơn 20 trường hợp đã được doanh nghiệp tiếp nhận trở lại lại làm việc bình thường, tổng số tiền doanh nghiệp ước tính bồi thường cho người lao động hơn 4 tỷ đồng, hơn 70 trường hợp được đóng bảo hiểm xã hội, hơn 80 trường hợp được trả trợ cấp thôi việc6.

Sáu là, tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Thường xuyên phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động thông qua thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập. Phát huy việc tổ chức đối thoại với người lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn chính là cầu nối để chuyển tải ý kiến, nguyện vọng của người lao động đến với chủ doanh nghiệp và của người lao động, chủ doanh nghiệp đến với cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Kết quả, số vụ việc giai đoạn 2018 – 2023 giảm đến 67,99% so với nhiệm kỳ 2013 – 20187.

b. Một số bất cập, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh, kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số bất cập, hạn chế, như:

(1) Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật có nhiều đổi mới, phong phú, đa dạng nhưng chưa phủ khắp tới mọi đối tượng bởi địa bàn rộng, số lượng công đoàn viên, người lao động tại tỉnh rất lớn. 

(2) Các cuộc giám sát, phản biện xã hội của công đoàn chủ trì chủ yếu tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật của doanh nghiệp, lợi ích của đoàn viên, người lao động, chưa có nhiều cuộc giám sát đến cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chuyên môn. Sau giám sát, hầu hết các doanh nghiệp đều có cố gắng khắc phục những thiếu sót nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp khắc phục chậm do khả năng của đơn vị còn hạn chế.

(3) Ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người lao động trong một số lĩnh vực còn chưa cao, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động vẫn còn xảy ra một số nơi. 

(4) Đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách còn ít, khối lượng, tần suất, áp lực công việc là rất lớn; việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, công tác giám sát, thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội của cán bộ công đoàn có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu…

3. Đề xuất một số giải pháp 

Thứ nhất, Công đoàn trên cơ sở bám sát chỉ đạo của cấp trên chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động, trong đó có Luật Công đoàn, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan. Kiến nghị cơ chế bảo đảm nguồn lực (nhất là con người và kinh phí) cho công đoàn các cấp hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy công đoàn các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, am hiểu về quy định của pháp luật, có nghiệp vụ, kỹ năng vận động, tập hợp, đoàn kết người lao động.

Thứ hai, tập trung rà soát kịp thời các chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, từ đó đề xuất chính sách cho chính quyền địa phương, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. 

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn hướng về cơ sở, nơi người lao động làm việc và sinh sống để tuyên truyền và tổ chức các hoạt động; chú trọng chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua. Phát triển mạnh mẽ đoàn viên, công đoàn trong khu vực ngoài Nhà nước, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội.

Thứ tư, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của công đoàn. Tăng cường hậu giám sát việc giải quyết các kiến nghị của công đoàn và người lao động. Nâng cao vai trò, tiếng nói của công đoàn trong thành viên các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chủ động kiến nghị những vấn đề cần quan tâm đến người lao động tại địa phương và giám sát kết quả thực hiện chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội liên quan đến người lao động.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả công tác thi đua yêu nước, sáng kiến cải cách, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn từ cơ sở, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người lao động. Tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động kiểm tra công đoàn các cấp. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống công đoàn, trước hết, thực hiện trong công tác quản lý, điều hành trong nội bộ hệ thống tổ chức công đoàn, trong quản lý đoàn viên, quản lý tài chính công đoàn và trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị về tình hình lao động trong các lĩnh vực. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước triển khai xây dựng và hoàn thiện dữ liệu quản lý người lao động, tích hợp các dữ liệu dân cư, dữ liệu quản lý doanh nghiệp… để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành chung của địa phương.

4. Kết luận

Phát huy dân chủ rộng rãi, trong đó tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội ở các cấp trong tình hình mới tại tỉnh Bình Dương là yêu cầu cấp thiết trong cải cách hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền thân thiện, hiện đại, vì Nhân dân phục vụ. Công đoàn các cấp cần nâng cao nhận thức và hành động của mình, thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp để chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 220.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Công đoàn tỉnh Bình Dương (2023). Văn kiện Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2012). Luật Công đoàn năm 2012. 
2. Bộ Chính trị (2013). Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội.
3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương (2022). Chương trình hành động số 57-CTr/TU ngày 11/01/2022 tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
4. Quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/24/quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-dau-tu-xay-dung-co-ban-bang-von-ngan-sach-nha-nuoc-tren-dia-ban-tinh-binh-duong/
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập từ thực tiễn tỉnh Bình Dương. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/06/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-tu-thuc-tien-tinh-binh-duong/