Quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La

TS. Vũ Thị Thúy Hằng
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển du lịch nông thôn đã được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Những năm qua, tỉnh Sơn La cũng có nhiều chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với du lịch góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các kết quả thực hiện, bài viết có đề xuất giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La1, từ đó thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức giao tiếp, làm việc, sản xuất dựa trên các công nghệ số của các cá nhân và tổ chức trong quản lý du lịch nông thôn.

Từ khóa: Quản lý nhà nước; chuyển đổi số; du lịch nông thôn; tỉnh Sơn La.

1. Đặt vấn đề

Sơn La là một tỉnh vùng núi cao, nằm phía Tây Bắc, được thành lập từ năm 1904. Những năm qua, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Sơn La cũng có nhiều chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Với những giải pháp đồng bộ được triển khai, các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây ăn quả bền vững được nhân rộng và hoạt động hiệu quả đã góp phần xây dựng Sơn La trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và là Trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc. Doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu tiếp cận với các loại hình trực tuyến. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự tham gia của các chủ thể vào các khâu trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh còn lỏng lẻo, thiếu tập trung. Các điểm du lịch nông thôn bắt đầu được đầu tư xây dựng nhưng có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, người dân chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng quảng bá sản phẩm, các nền tảng quảng bá du lịch nông thôn không kết nối được với nhau… Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn của tỉnh Sơn La cần tiếp tục được hoàn thiện. Nội dung bài viết tập trung nghiên cứu thực tiễn, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện các nội dung quản lý nhà nước về chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong du lịch nông thôn của tỉnh Sơn La nói riêng.

2. Thực trạng công tác chuyển đổi số trong du lịch nông thôn tại tỉnh Sơn La

Sơn La ở trung tâm vùng Tây Bắc có diện tích đất tự nhiên lớn, đại bộ phận là đồi núi cao, địa hình phức tạp với hai cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản. Tỉnh có nhiều danh lam, di tích nổi tiếng, như: khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đèo Pha Đin, di tích lịch sử Nhà tù Sơn La… mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Đây chính là tiềm năng và lợi thế để tỉnh phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Những năm qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn và thu được nhiều kết quả tích cực. 

Một là, công tác chỉ đạo, điều hành. 

Tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực quán triệt và triển khai các văn bản của cấp trên về quản lý nhà nước, về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn, như: Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025… Theo đó, tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành, như: Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2022 về việc chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 07/7/2023 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023; Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 – 2025; Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 02/02/2024 của UBND tỉnh về kế hoạch chuyển đổi số năm 2024… Nội dung chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện: phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời gắn việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hai là, công tác tuyên truyền, tập huấn.

Sơn La thực hiện đồng bộ các hoạt động, như: tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ – thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; tuyên truyền, quảng bá du lịch Sơn La trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Tạp chí Du lịch Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại, trang thông tin điện tử tổng hợp Đầu tư – Thương mại; phát sóng 3 phóng sự trải nghiệm quảng bá khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên chuyên mục Checkin Việt Nam; xây dựng bộ cẩm nang, tài liệu số hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa sản phẩm, hàng hóa hướng dẫn thanh toán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử đăng trên Cổng thông tin điện tử. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và du khách tham gia bình chọn hạng mục giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á” đối với khu du lịch quốc gia Mộc Châu năm 2023 trên Trang thông tin điện tử của Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards).

Ba là, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Tỉnh tập trung phát triển du lịch nông nghiệp từ việc xây dựng các điểm đến đúng, đủ tiêu chuẩn theo quy định và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn. Cụ thể:

(1) Đầu tư xây dựng 5 khu, điểm du lịch đủ điều kiện theo Luật Du lịch năm 2017, gồm: Khu du lịch rừng thông bản Áng (huyện Mộc Châu); Điểm du lịch Thác Dải Yếm (huyện Mộc Châu); Điểm du lịch Pha Đin Top (huyện Thuận Châu); Điểm du lịch Rừng Vàng (thành phố Sơn La); Điểm du lịch Đền Hang Miếng (huyện Vân Hồ).

(2) Phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại các điểm: bản Bon (huyện Quỳnh Nhai); bản Tà Xùa (huyện Bắc Yên); bản Hua Tạt (huyện Vân Hồ); bản Tà Số (huyện Mộc Châu); bản Noong Đúc (thành phố Sơn La). Lễ hội truyền thống các dân tộc được khôi phục, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, trải nghiệm của khách du lịch, như: Lễ hội Kin Pang Then (huyện Quỳnh Nhai); Lễ hội Hoa ban (huyện Vân Hồ); Lễ hội Mừng cơm mới (huyện Mường La)… Các huyện, thành phố tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang nét độc đáo, đặc thù. 

(3) Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm khẳng định xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm để thu hút khách du lịch với những hoạt động trải nghiệm. Toàn tỉnh đã có 28 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, có những sản phẩm đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài, như: chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu.

Đến nay, 100% các điểm du lịch nông nghiệp có thanh toán bằng quét mã QR; các cơ sở kinh doanh tại trung tâm các huyện, thành phố bước đầu đã áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thực hiện nhận đơn hàng thông qua các công cụ trực tuyến.  

Bốn là, hoạt động xúc tiến, quảng bá

Tổ chức thành công Ngày hội Du lịch Văn hóa “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới” năm 2023 với nhiều hoạt động sôi nổi, như: ngày hội hái quả huyện Mộc Châu; trưng bày, giới thiệu quảng bá không gian văn hóa; thi ảnh đẹp du lịch, các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Sơn La; giới thiệu tour du lịch mới; hội nghị liên kết phát huy điểm thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.

Tham dự Diễn đàn du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”. Tổ chức các hội nghị tập huấn về quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Postmart…; các nền tảng số đa kênh, như: Tiktok, Zalo, Facebook… Các đơn vị còn trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh thực hành các kỹ năng livestream, chỉnh sửa, hậu kỳ video… để thu hút người xem, quảng bá, bán hàng. 

Tích cực chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ nông sản, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2024, hơn 500 tấn trái cây của nông dân Sơn La đã được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Hội Nông dân Sơn La phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân đưa hơn 130 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương lên sàn Postmart.vn. Đồng thời, hỗ trợ trên 19.500 hộ nông dân tiếp cận, kết nối với các sàn thương mại điện tử. Trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân Sơn La đã xây dựng thí điểm các mô hình, như áp dụng công nghệ để theo dõi độ ẩm của đất, độ ẩm không khí, độ PH, lượng phân, hoạt động tưới tiêu… cho các hợp tác xã, hộ nông dân. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị, cơ quan chức năng trong trao đổi cung cấp thông tin lĩnh vực thương mại điện tử.

Đánh giá chung     

Quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong công cuộc này, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: 

(1) Đưa ra nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển cây ăn quả chất lượng cao và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước, nâng cao khả năng tiếp cận, mức độ hiểu biết nắm bắt công nghệ, giới thiệu sản phẩm tới người dùng trực tuyến.

(2) Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và ngoài nước. 

(3) Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiến tiến, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa cả về số lượng và chất lượng. 

(4) Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả…

\Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng còn những bất cập, hạn chế, như: đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; nguồn kinh phí ngân sách dành cho phát triển chuyển đổi số của tỉnh còn khó khăn; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc quản lý, cấp phép hoạt động du lịch (quản lý đất đai, trật tự xây dựng, thủ tục hành chính…); hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng quy mô, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, vận hành chưa chuyên nghiệp; các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu nên việc ứng dụng công nghệ số còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó, địa hình của tỉnh Sơn La rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mức thu nhập chung của người dân thấp so với các tỉnh thành khác. Việc phát triển du lịch tại địa phương chưa có sự liên kết chặt chẽ với hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục hướng nghiệp nên chưa đạt được hiệu quả trong công tác giáo dục ý thức góp phần phát triển du lịch nông thôn cho thế hệ trẻ.

Những tồn tại trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về phát triển du lịch thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên; sự phối hợp của các sở, ban ngành, chưa chặt chẽ, thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đến nguồn nhân lực, dịch vụ và cạnh tranh phát triển du lịch chưa lành mạnh; một số nhà đầu tư triển khai dự án phát triển du lịch chậm tiến độ, năng lực tài chính chưa đủ tiềm lực so với quy mô dự án…

3. Tăng cường quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La 

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong phát triển du lịch hằng năm, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá, giải pháp chủ yếu và phân công tổ chức thực hiện.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền về ứng xử văn hóa trong môi trường số; tiếp tục phổ biến quy tắc ứng xử nơi công cộng trên môi trường mạng. Phối hợp cung cấp thông tin và quản lý hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, xây dựng các tuyến du lịch gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm có thương hiệu của tỉnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm vào các dịp tổ chức các lễ hội của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch nông thôn; bản đồ kết nối mạng lưới điểm du lịch nông thôn, nông nghiệp nông thôn áp dụng chuyển đổi số; các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu du lịch nông thôn.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch nói chung và du lịch nông thôn của tỉnh, đăng tải trên các trang mạng xã hội: Youtube, Zalo, Facebook, TikTok… để thu hút du khách du lịch đến Sơn La. Tư vấn, giới thiệu cung cấp thông tin, các tour, tuyến du lịch để kết nối đến các khu du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, tổ chức tập huấn quản lý nhà nước về du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng. Trong đó, tập trung truyền đạt những nội dung kiến thức thuộc các chuyên đề, như: nghiệp vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trú; chuyển đổi số du lịch; công tác truyền thông quảng bá du lịch; phổ biến, cập nhật những điểm mới trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê du lịch theo quy định… Đây là cơ hội để học viên được trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

4. Kết luận  

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế – xã hội cho tỉnh, góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chú thích:
1. Nghiên cứu được tài trợ bởi Bộ Giáo dục & Đào tạo và Trường Đại học Thương mại, Hà Nội, Việt Nam (mã số B2024-TMU-05). 
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2023). Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 27/9/2023 về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 – 2025.
3. Giải pháp thúc đẩy liên kết vùng để phát triển du lịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/18/giai-phap-thuc-day-lien-ket-vung-de-phat-trien-du-lich-tai-cac-tinh-mien-nui-phia-bac/.
4. Chuyển đổi số nông nghiệp xanh Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/25/chuyen-doi-so-nong-nghiep-xanh-viet-nam-trong-xu-huong-toan-cau-hoa/.