Tăng cường vai trò của nhà nước trong công tác quản lý, điều tiết thị trường lao động – nghiên cứu tại tỉnh Thái Nguyên

ThS. Đào Thị Tân
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập là chủ trương quan trọng nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Trước những tác động của tình hình kinh tế – chính trị – xã hội trong nước và thế giới, tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đã chủ động trong công tác hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động dần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ khóa: Thị trường lao động; người lao động; giải quyết việc làm; vai trò của nhà nước; tăng cường; điều tiết thị trường. 

1. Đặt vấn đề

Nhà nước quản lý và điều tiết thị trường lao động trước hết thông qua hệ thống khung pháp lý, chính sách, pháp luật, quy định nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để phát huy tiềm năng lao động, bảo vệ tốt quyền lợi chính đáng của người lao động, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách về đào tạo nghề, việc làm hay bảo hiểm xã hội… nhằm điều tiết cung – cầu lao động và hướng tới phát triển thị trường lao động với mục tiêu thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công bằng và tiến bộ. 

Tỉnh Thái Nguyên đã chủ động trong công tác hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trước tác động ngày càng mạnh mẽ của nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh những thuận lợi mở rộng, hội nhập sâu vào thị trường hàng hóa – dịch vụ, thu hút nguồn lực tài chính, khoa học – công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.Cùng với đó là những thách thức trong công tác quản lý, điều tiết thị trường lao động, như: sự khó khăn trong dự báo về cung – cầu lao động, sự điều tiết chưa kịp thời nguồn cung – nguồn cầu lao động giữa các ngành, lĩnh vực. Hạn chế trong quản lý, theo dõi và bảo đảm quyền lợi cho nhóm lao động phi chính thức và lao động không có giao kết lao động chính thức ngày càng gia tăng; chất lượng lực lượng lao động chưa cao, hiện tượng làm việc trái ngành, nghề được đào tạo…

2. Thực trạng quản lý, điều tiết thị trường lao động ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay

Thứ nhất, công tác quản lý về giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh Thái Nguyên đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh là 72%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 35,9%1. Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn của cả nước và của vùng với Đại học Thái Nguyên (gồm 7 trường đại học, các khoa và trường thành viên), Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Đại học Kinh tế – Công nghệ Thái Nguyên, 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (12 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 4 cơ sở giáo dục khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp)2

Công tác đào tạo nhân lực không ngừng được chú trọng, số lượng tuyển sinh và đào tạo các cấp, các trình độ về cơ bản hàng năm đều tăng lên cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề trực tiếp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cho thị trường lao động phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm học 2022 – 2023, các cơ sở giáo dục tuyển sinh, tổ chức đào tạo với các trình độ đại học (46.238 sinh viên) cao đẳng (5.448sinh viên), trung cấp (16.805 học sinh)3. Các nhà trường đã chủ động xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, phát huy tính tích cực, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành nghề nghiệp ngay trong nhà trường và tại các đơn vị sử dụng lao động.

Trong những năm qua, mặc dù đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Nhận thức về sự đồng bộ, đồng cấp trong quản lý theo chiều dọc, chiều ngang đối với hệ thống giáo dục trong tỉnh vẫn còn hạn chế khiến công tác xây dựng, hoàn thiện, kiện toàn nghị quyết, chủ trương, chính sách chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực từ xã hội cũng hết sức khó khăn, bên cạnh đó, vai trò kết nối của địa phương nhằm đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Sự thiếu gắn kết trên một địa bàn đối với các cơ sở đào tạo, ảnh hưởng đến tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục; chất lượng đào tạo; quy mô nguồn nhân lực, công tác dự báo về nhu cầu nhân lực, dự báo về nhu cầu việc làm của ngành, lĩnh vực mà địa phương cần… Do đó, các hoạt động giữa tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đạt được kết quả cao.

Thứ hai, về công tác quản lý giải quyết việc làm. Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh Thái Nguyên gần 612.000 người, trong đó lao động có việc làm là 602.562 người. Mặc dù cơ cấu lực lượng lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng lên ở khu vực thành thị nhưng về cơ bản, tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn (66,5%). Lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ lần lượt chiếm 45,3% và 37,8%, còn lại ở khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,9%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi là 4,07% và tỷ lệ thất nghiệp là 1,47 % và chủ yếu ở nhóm tuổi thanh niên4.

Quá trình giải quyết việc làm của tỉnh Thái Nguyên luôn đạt và vượt các mục tiêu đề ra hằng năm, tuy nhiên, tình trạng mất cân đối về cơ cấu việc làm, thiếu việc làm, thất nghiệp còn chưa được giải quyết tốt. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của tỉnh. Việc thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách chương trình, dự án tạo nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về vay vốn tạo việc làm, các đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn, đối tượng là thanh niên có mong muốn khởi nghiệp, tự tạo việc làm hiện nay bước đầu được quan tâm, chú ý nhưng cũng chưa có những chính sách ưu tiên, đặc thù nhằm tạo ra cơ chế thúc đẩy tạo ra vị thế việc làm có chất lượng cao. Cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên chuyển dịch nhanh và bứt phá ở các khu vực công nghiệp, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực song vấn đề an sinh xã hội cho người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ ba, về công tác quản lý, điều tiết cung – cầu lao động. Kết nối cung – cầu lao động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động vào tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Về công tác thu thập, lưu trữ thông tin thị trường lao động được tiến hành định kỳ hằng năm với cơ sở dữ liệu về cung lao động (thu thập thông tin của 665.028 người lao động từ 15 tuổi trở lên) và cầu lao động (5.750 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thuê mướn, sử dụng lao động)là căn cứ để quản lý, khai thác hiệu quả các chỉ số về thông tin lao động, việc làm cũng như đề xuất các định hướng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. 

Hằng năm, tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều chương trình, ngày hội việc làm với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, phòng, ban cùng hàng trăm lượt đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường và sự tham gia của hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh, như: đối thoại chính sách, chuỗi các hội thảo, hội nghị tư vấn, tuyển sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp,… giúp kết nối trực tiếp, trực tuyến người lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động tham gia xây dựng thị trường lao động tỉnh Thái Nguyên theo hướng đa dạng, linh hoạt và chất lượng giúp tăng cơ hội việc làm. Hệ thống giáo dục – đào tạo ngày càng được chuẩn hóa và gắn kết với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh Thái nguyên cũng đã xây dựng sàn giao dịch việc làm (http://vieclamthainguyen.gov.vn) được đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, cải tiến về quy mô, hình thức đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường lao động, gắn với chuyển đổi số.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý và điều tiết thị trường lao động ở Thái Nguyên còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo theo hướng “đào tạo” và “sử dụng” nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Đồng thời, thiếu linh hoạt, tính đồng bộ trong ban hành hệ thống chính sách quản lý thị trường lao động và những giải pháp mới để tăng cường hiệu quả quản lý. 

Thái Nguyên còn chậm đề xuất, xây dựng cơ chế đặc thù của địa phương và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho nhóm học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, cơ chế quản lý đối với công cụ giám sát, đánh giá công nhận kỹ năng nghề theo chuẩn quốc gia còn nhiều hạn chế và lúng túng, người lao động cần được đánh giá và công nhận, phản ánh đúng năng lực làm việc hướng tới sự bền vững của việc làm. 

3. Một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường vai trò của địa phương về quản lý, điều tiết thị trường lao động tỉnh Thái Nguyên

Một là, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Trước hết, cần hoàn thiện cơ chế có tính chất đột phá về các chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực khu vực vùng dân tộc thiểu số, vùng cao nhằm đáp ứng được mục tiêu xây dựng Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại trong tương lai, của cả khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động địa phương và các tỉnh khác, cần đề xuất cơ chế, chính sách mới hiệu quả và khả thi. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo các ngành nghề mà tỉnh có nhu cầu cấp bách, nhu cầu lớn (quản lý hành chính nhà nước, chính sách công, chuyên gia cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ sinh học, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm….).  

Phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, trung tâm dịch vụ việc làm trong triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển thị trường lao động; tổ chức thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm thường xuyên. Quy hoạch hệ thống trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm trong toàn tỉnh theo hướng tăng cường chức năng tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, thông tin và phân tích thị trường lao động giảm dần các chức năng bảo trợ xã hội hay chức năng dạy nghề. Đẩy mạnh kết nối giữa các trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm nắm bắt được diễn biến về cung cầu lao động, góp phần định hướng thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định, nâng cao chất lượng, hiệu quả sàn giao dịch việc làm theo hướng hiện đại, tận dụng lợi thế nền tảng công nghệ số.

Hai làchú trọng công tác quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Chính quyền địa phương có trách nhiệm đặc biệt, có ý nghĩa quyết định trong việc quản lý, điều tiết, đề xuất, triển khai thực hiện hữu hiệu các biện pháp xây dựng và phát triển thị trường lao động. Do đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo các cấp, ban ngành, đoàn thể, các đơn vị tổ chức có liên quan xây dựng các chương trình hành động cụ thể; thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển thị trường lao động, đặt nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đến việc kết nối hiệu quả cung – cầu lao động. Quán triệt chỉ đạo kết nối thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, bảo đảm cầu lao động uy tín, có nhu cầu sử dụng, đãi ngộ người lao động xứng đáng, đặc biệt là các vấn đề đãi ngộ trực tiếp (tiền công, tiền lương) và gián tiếp (các phúc lợi xã hội). 

Thực hiện trao đổi, phối hợp thường xuyên giữa các ngành, các cấp chính quyền với doanh nghiệpnhằm đẩy mạnh việc thực hiện giải quyết việc làm tại địa phương. Xuất phát từ cầu nối trung gian, chính quyền địa phương vừa lãnh đạo, chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế – xã hội sát thực với điều kiện, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên, vừa kết nối giữa tạo việc làm, đào tạo và cung cấp dịch vụ thông tin, tư vấn, hỗ trợ việc làm… Để thực hiện các nhiệm vụ trên, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc định hướng, triển khai các hoạt động, giám sát thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm tăng cường vai trò quản lý, điều tiết thị trường lao động ngày càng hiệu quả.

Ba là, đẩy mạnh khai thác các lợi thế của tỉnh, tập trung phát triển thị trường lao động. Để đạt được các mục tiêu phát triển thị trường lao động, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần chủ động phát huy toàn diện các lợi thế, sử dụng các nguồn lực ở địa phương để tạo ra những bước đột phá trong kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục thực hiện các chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy hiệu quả và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Đẩy mạnh liên kết vùng theo chiều dọc và theo chiều ngang nhằm tăng cường kết nối và phát huy thế mạnh của từng địa phương trong khu vực, mở rộng thị trường lao động của tỉnh. 

Phát huy lợi thế sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong nghiên cứu khoa học, đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp hiện nay về trình độ, tay nghề, kỹ năng… 

Phát huy lợi thế, thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, các chuyên gia giỏi, lao động có trình độ cao vào những lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên phát triển; tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo mọi điều kiện làm việc thuận lợi cho nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy hết tài năng của người lao động để cống hiến cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Có chính sách thu hút, hỗ trợ và đồng hành cùng thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ pháp lý, thông tin thị trường, chiến lược kinh doanh, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiếp cận thông tin và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực về chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách tín dụng… nhất là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, cho các ngành, các lĩnh vực mà Thái Nguyên đang có lợi thế.

Chú thích:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (2013). Báo cáo số 275/BC-UBND ngày 24/11/2023 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2, 5. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên (2023). Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2023.
3, 4. Cục Thống kê Thái Nguyên. Niên giám Thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2022. H. NXB Thống kê, tr. 559 – 562, 72.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội (2022). Báo cáo về tình hình hình thị trường lao động và một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
2. Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động năm 2024. https://thainguyentv.vn/ngay-hoi-viec-lam-ket-noi-cung-cau-lao-dong-nam-2024-40870.media.