Ứng dụng hình thức đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học: kinh nghiệm từ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Thanh Phong – Phạm Xuân Phát
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của đào tạo trực tuyến trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và tự chủ đại học, thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng, xem đào tạo trực tuyến là bước đột phá, nhiệm vụ chiến lược trong từng năm học. Kết quả triển khai các hoạt động dạy học số trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường. Bài viết tập trung làm rõ những nhận thức cơ bản về đào tạo trực tuyến, đồng thời phân tích, rút ra một số bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức thực hiện đào tạo trực tuyến tại nhà trường.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo trực tuyến, tự chủ đại học.

1. Mở đầu

Để bắt kịp với sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học thế giới nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng phải có sự thay đổi căn bản và toàn diện. Việc chuyển đổi hình thức giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực cũng như khả năng tự học cho sinh viên đòi hỏi mỗi thầy cô phải dành nhiều thời gian hơn, người học phải có nhiều lựa chọn hơn về phương pháp và kiến thức phù hợp với sở trường và niềm đam mê của bản thân (Hưng, N. Đ. (2017).

Giáo dục 4.0 đòi hỏi phải phát triển các kỹ năng cơ bản cho người học, qua đó, hình thức học tập phải linh hoạt về thời gian và không gian, phù hợp với từng điều kiện cá nhân học tập. Đào tạo trực tuyến với những lợi ích của mình đang là xu thế tất yếu được các trường đại học áp dụng để giải quyết hiệu quả các yêu cầu trên. Không đứng ngoài xu thế đó, thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến với mô hình UTEx.

2. Lợi ích của đào tạo trực tuyến

Đào tạo trực tuyến(E-Learning) được định nghĩa như là một môi trường học tập sử dụng các công nghệ về thông tin và truyền thông (ICTs – information and communication technologies) làm nền tảng cho các hoạt động giảng dạy và học tập (Nichols, 2008). Có thể hiểu, E-Learning là phương thức học tập ảo thông qua các thiết bị có kết nối internet đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi đáp hay yêu cầu cho học viên học trực tuyến từ xa (UNESCO, 2009).

Đào tạo trực tuyến đem lại nhiều lợi ích với cả người học, giáo viên, nhà trường và toàn xã hội. Điều này được thể hiện thông qua mô hình sau:

Giảm chi phí: trong các nhà trường thì chi phí cho hệ thống giảng đường, trang thiết bị là một khoản chi phí không hề nhỏ. Nếu áp dụng E-Learning thì nhu cầu đối với phòng học truyền thống sẽ giảm đi đáng kể và áp lực đầu tư cũng sẽ giảm theo. Tham gia các khóa học đào tạo trực tuyến, sinh viên có thể tiết kiệm khoản chi phí đi lại, mua hoặc in ấn tài liệu vì toàn bộ bài giảng và các tài liệu liên quan có đầy đủ được biên soạn một cách bài bản và hệ thống từ cơ bản đến nâng cao trên khóa học.

Tự định hướng: người học có thể tự định hướng cho mình bằng cách chọn khóa học phù hợp nhất đối với trình độ, sở thích, mục tiêu của bản thân. Do vậy, đào tạo trực tuyến có thể mở rộng phạm vi tiếp cận không chỉ với sinh viên mà còn nhiều đối tượng người học khác trong xã hội, mở ra cơ hội học tập cho tất cả mọi người.

Tự điều chỉnh: với các module học trực tuyến cho phép sinh viên được “cá nhân hóa” việc học tập của mình. Có nghĩa là, sinh viên được học theo tốc độ của riêng họ, sử dụng các phương pháp học tập ưa thích và nhận được các phản hồi thường xuyên và kịp thời về các hoạt động học tập họ tham gia.

Tính linh hoạt: tính linh hoạt của một khóa học trực tuyến là rõ ràng bởi vì bản chất của internet, nền tảng của công nghệ cho việc học trực tuyến là linh hoạt. Từ khi đăng ký học đến lúc hoàn tất người học có thể theo thời gian biểu do mình định ra. Không bị gò bó bởi thời gian và không gian lớp học dù vẫn đang ở trong lớp học “ảo”. Tính linh hoạt còn thể hiện ở “tự định hướng” và “tự điều chỉnh” như trình bày ở phần trên.

Tính đồng bộ: giáo trình và tài liệu của các khóa học trực tuyến có tính đồng bộ cao vì hầu hết học trình cùng tài liệu được soạn thảo và đưa vào chương trình dạy được xem xét và đưa lên trang trực tuyến từ ban đầu. Do vậy, tính đồng bộ được bảo đảm.

Tương tác và hợp tác: đào tạo trực tuyến tạo môi trường tích cực và chủ động hơn trong học tập thông qua việc tương tác: sinh viên – sinh viên để học hỏi lẫn nhau, sinh viên – giảng viên qua việc hướng dẫn của giáo viên ở cả trên lớp và qua mạng; sinh viên tương tác với bất kỳ chuyên gia nào trên thế giới.

Hiệu quả: đào tạo trực tuyến giúp giảng viên sáng tạo, chủ động hơn, tích hợp được nhiều công cụ truyền đạt thông tin trong quá trình giảng dạy. Do vậy, những chương trình giảng dạy sẽ là những sản phẩm học tập tốt nhất phục vụ cho nhu cầu học tập của mỗi sinh viên. Theo nghiên cứu của Chuck Dziuban và cộng sự tại Trường Đại học Trung tâm Florida (University of Central Florida), nơi triển khai mô hình E-Learning từ rất sớm, UCF đã bổ sung các hoạt động học online với tất cả môn học sau khi nhận ra điểm số của sinh viên cao hơn và chi phí chi trả cho cơ sở vật chất giảm đáng kể (Bonk & Graham, 2004).

Dễ tiếp cận và thuận tiện:sinh viên có môi trường học tập thoải mái, tiện lợi hơn. Học ở trường, ở nhà, ngay cả ở quán café, các địa điểm công cộng… miễn là họ có thiết bị kết nối internet. Trong thời kỳ mạng internet thông dụng như ngày nay, việc học chưa bao giờ dễ dàng và thuận tiện đến vậy.

3. Thực tiễn triển khai đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến ở mức thử nghiệm từ năm 2001. Đến năm 2015 đã thay đổi mạnh mẽ với nhiều khoá học online chất lượng. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là trường đầu tiên thành lập cơ cấu dạy học số vận hành ổn định và đang xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến với triết lý, đặc trưng công nghệ riêng.

Tháng 4/2019, nhà trường khai trương hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx nhằm từng bước chuyển đổi mô hình giảng dạy, học tập truyền thống sang mô hình giảng dạy, học tập online trên máy tính và smartphone, hướng tới thời đại tri thức số. Sau 5 năm cải cách toàn diện chương trình đào tạo, năm học 2014-2015 với 52 khóa học và cho đến nay đã có 5.265 khóa học với 5 triệu lượt giảng viên, sinh viên truy cập/1 học kỳ.

Trong năm học 2019-2020, 16 khóa học UTEX-MOOC đầu tiên đã được nghiệm thu và triển khai trong năm học mới. Mỗi năm, UTEX triển khai xây dựng, cập nhật, bổ sung hàng trăm khóa học UTEX-MOOC. Chiến lược chuyển đổi số trong dạy và học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra và đã đạt được những thành quả nhất định.

Để đạt được những thành công trên, việc triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến được nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng, thể hiện cụ thể ở những nội dung sau:

Thiết kế lại chương trình đào tạo:nội dung trong đào tạo E-Learning cần được cập nhật một cách nhanh chóng và hiệu quả. Theo xu hướng phát triển giáo dục, người học sẽ đăng ký các khóa học vì họ thật sự muốn học hỏi các kiến thức mới, từ đó nhu cầu gắn việc “học” với “hành”, tức lý thuyết với thực tiễn là càng cao hơn (Fuchsberger, 2016). Hiện nay, 100% chương trình đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả đào tạo trực tuyến) được thiết kế lại theo hướng tiếp cận CDIO, PBL, WBL, tăng cường các môn chung và cập nhật hằng năm, 50% được nhập khẩu từ các đại học tiên tiến, 12 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhờ những hướng tiếp cận mới này, chương trình đào tạo của nhà trường đã thu hẹp được khoảng cách giữa chuẩn đầu ra và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng, thái độ của nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Để xây dựng, hiệu chỉnh chương trình đào tạo nói chung, chương trình đào tạo trực tuyến nói riêng, nhà trường đã huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan (stakeholders) bao gồm: doanh nghiệp, giảng viên, chuyên gia, tổ chức giáo dục, cựu sinh viên, sinh viên. Trong số đó, Hội cựu sinh viên và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên có Hội đồng tư vấn doanh nghiệp). Do vậy, chương trình đào tạo của nhà trường luôn được cập nhật, bổ sung, phù hợp với sự vận động, phát triển của thời đại.

 Cải cách chính sách nhân sự: những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút và đào tạo đội ngũ giảng viên giỏi, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp. Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, quản lý, vận hành theo phương thức E-Learning, như: E-Learning Trends for 2014, Pearson Learning Studio – PLS01, học tập trực tuyến (E/M LEARNING), E/M Learning – BOOST Project… có sự tham gia của các chuyên gia về đào tạo trực tuyến trong và ngoài nước nhằm giúp giảng viên mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng vận dụng hình thức đào tạo này.

Ngoài ra, thường xuyên mở các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ năng cho giảng viên ở các cấp độ khác nhau (toàn trường, khoa, bộ môn) như: lớp bồi dưỡng dạy học trực tuyến dành cho giảng viên, hướng dẫn triển khai dạy học số, sử dụng Touch -Board – phòng dạy học số, biên tập video cho dạy học số, sử dụng Moodle… nhà trường còn ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực cho giảng viên áp dụng hình thức E-Learning.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định về việc triển khai các hoạt động dạy học số, trong đó đưa tiêu chí thực hiện dạy học số vào công tác xét thi đua của giảng viên, quy định mỗi khoa tùy vào tình hình thực tế tổ chức tối thiểu 10% giáo viên tham gia giảng dạy có phát hình trực tuyến, đồng thời hỗ trợ tính giờ nghiên cứu khoa học cho giảng viên áp dụng dạy học số theo các cấp độ khác nhau. Cuối mỗi học kỳ, Trung tâm dạy học số sẽ tổng hợp danh sách, đề xuất Ban Giám hiệu khen thưởng các cá nhân và đơn vị thực hiện tốt công tác dạy học số. Điều này đã tạo ra phong trào thi đua dạy học số sôi nổi trong toàn trường.

Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng:Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên liên kết của tổ chức AUN-QA. Nhà trường đã hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, nhà trường đã kiểm định được 18 chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA, 17 chương trình đào tạo theo chuẩn CEA VNU-HCM. Từ năm 2014 đến nay, Trường đã cử 64 cán bộ tham gia tập huấn viết báo cáo tự đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA cũng như tập huấn về phương pháp đào tạo theo chuẩn đầu ra tại Thái Lan, 01 cán bộ tham gia tập huấn cho đánh giá viên tại Phillipines với chi phí tương đối cao (35-50 triệu đồng/lượt). Bên cạnh đó, Trường đã cử 12 cán bộ tham gia các lớp đào tạo kiểm định viên theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Trường đã có vài chục cán bộ có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 01 đánh giá viên của AUN-QA.

Bảng 1. Danh mục chương trình đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm định

TTTên chương trìnhTên tổ chức kiểm định chu kỳ 1Thời gian hiệu lựcTên tổ chức kiểm định chu kỳ 2
1 CNKT Điện – Điện tửAUN-QA17/4/201616/4/2020CEA VNU-HCM
2CNKT Cơ – Điện tửAUN-QA17/4/201616/4/2020CEA VNU-HCM
3CNKT Ô tôAUN-QA17/4/201616/4/2020CEA VNU-HCM
4CNKT Công trình xây dựngAUN-QA04/4/201703/4/2022CEA VNU-HCM
5Công nghệ Chế tạo máyAUN-QA09/12/201708/12/2022CEA VNU-HCM
6CNKT NhiệtAUN-QA09/12/201708/12/2022CEA VNU-HCM
7CNKT Môi trườngAUN-QA09/12/201708/12/2022CEA VNU-HCM
8CNKT Cơ khíAUN-QA12/01/201911/01/2024CEA VNU-HCM
9Công nghệ kỹ thuật Hoá họcAUN-QA01/01/202331/12/2027 
10Kế toánAUN-QA01/01/202331/12/2027 
11Kỹ thuật Y sinhAUN-QA01/01/202331/12/2027 
12Sư phạm tiếng AnhAUN-QA01/01/202331/12/2027 
13CNKT Điện tử – Viễn thôngAUN-QA09/12/201708/12/2022 
14CNKT Điều khiển và tự động hóaAUN-QA12/01/201911/01/2024 
15Quản lý công nghiệpAUN-QA12/01/201911/01/2024 
16CNKT InAUN-QA14/12/201913/12/2024 
17Công nghệ mayAUN-QA14/12/201913/12/2024 
18Công nghệ thông tinAUN-QA14/12/201913/12/2024 
19Kỹ thuật công nghiệpCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
20Kỹ nghệ Gỗ và Nội thấtCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
21Robot và Trí tuệ nhân tạoCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
22Năng lượng tái tạoCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
23Công nghệ thực phẩmCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
24Quản lý xây dựngCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
25KTXD Công trình giao thôngCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
26Kiến trúcCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
27Công nghệ vật liệuCEA VNU-HCM19/7/202418/7/2029 
Nguồn: Tác giả tổng hợp.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo trực tuyến: để hoạt động đào tạo trực tuyến đạt chất lượng cao, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, như: hệ thống server, trung tâm dữ liệu (data center) gồm UTE data center và UTEx data center, hệ thống phần mềm quản lý và mạng thông tin tốc độ cao, phủ wifi toàn trường, sử dụng LMS (Learning Management System) của Pearson Education và Black Board.

Để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, bên cạnh nguồn lực của mình, nhà trường còn tranh thủ các nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế, cựu sinh viên, doanh nghiệp… Điển hình như sử dụng 200.000 USD tài trợ từ USAID và Intel Việt Nam cùng nguồn vốn đối ứng khoảng 1 tỷ đồng của nhà trường để xây dựng Trung tâm dạy số. Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng thành công hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx (địa chỉ https://utex.hcmute.edu.vn) với kinh phí ước tính khoảng 160 tỷ đồng.

Hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx được xây dựng dựa trên các phân tích, triết lý giáo dục và đặc điểm riêng biệt của nhà trường. Trong đó:

UTE – University of Technology and Education – là tên viết tắt tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

X – Extra, Extreme, Extraordinary – là một phiên bản bổ sung và có thêm nhiều giá trị mới mang tính độc đáo của nhà trường.

UTEx – University Through Educational Technology to achieve Excellence – là sự kết hợp các giá trị, tài nguyên của UTE truyền thống với các công nghệ giáo dục hiện đại và các tài nguyên tri thức số hiện có của nhân loại để chuyển đổi sang giao thức trực tuyến.

Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến UTEx là sự kết hợp tổng thể của hệ sinh thái giáo dục xanh (môi trường, kiến trúc và văn hóa – con người) với mô hình quản trị tinh gọn trên nền tảng công nghệ trực tuyến có khả năng kết nối thông minh giữa các bên liên quan trong tiến trình giáo dục của cá nhân người học, đó là: gia đình – nhà trường – doanh nghiệp – quốc tế (cộng đồng) (Ngo et al., 2019)

4. Một số kinh nghiệm

Một là, sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường: Ban Giám hiệu đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng tập trung mọi nguồn lực nhằm đưa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đơn vị đi đầu về đào tạo trực tuyến. Lãnh đạo nhà trường đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách định hướng vừa mang tầm chiến lược, đột phá, vừa có bước đi cụ thể, rõ ràng nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thành công đào tạo trực tuyến. Chính sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của lãnh đạo nhà trường là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công hiện nay.

Hai là, thay đổi tư duy: E-Learning là hình thức đào tạo hiện đại, đòi hỏi mỗi giảng viên, sinh viên phải thật sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu. Việc chuyển từ giảng dạy theo phương thức truyền thống sang đào tạo trực tuyến cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cho đội ngũ giảng viên. Do vậy, quá trình triển khai đào tạo trực tuyến thời gian đầu gặp phải sự phản đối của một bộ phận giảng viên. Xác định thay đổi tư duy là vấn đề quan trọng, nhà trường đã kiên trì giải thích cho giảng viên, cán bộ, nhân viên hiểu về mục tiêu, lợi ích của đào tạo trực tuyến, thuyết phục họ bằng chính thành quả đạt được. Bên cạnh đó, nhà trường cũng áp dụng một số biện pháp hành chính nhằm công nhận, khuyến khích những nhân tố tích cực, hạn chế hay loại bỏ những nhân tố tiêu cực trong tiến trình cải cách. Điều này đã tạo nên sự đồng thuận cao trong nhà trường, góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu đề ra.

Ba là, chăm lo đào tạo đội ngũ giảng viên: Nhà trường đã đặc biệt quan tâm đào tạo phương pháp, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học số. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích giảng viên tích cực tham gia đào tạo trực tuyến. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chỉ là điều kiện cần để triển khai thực hiện còn nguồn nhân lực vận hành mới là điều kiện đủ để việc đào tạo trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất.

Bốn là, đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng: Nhà trường đã huy động nhiều nguồn khác nhau (kinh phí của trường, tài trợ từ các chương trình nước ngoài, cựu sinh viên, doanh nghiệp…) để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến phải dựa trên cơ sở kế thừa tài nguyên sẵn có, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của nhà trường, đồng thời mang những nét đặc trưng riêng, tạo thành một hệ sinh thái giáo dục trực tuyến chất lượng cho người học.

5. Kết luận

Trong xã hội hiện đại và kỷ nguyên của công nghiệp 4.0, con người cần phải học tập liên tục, học tập suốt đời để trang bị cho bản thân các kiến thức liên tục thay đổi trong nhiều lĩnh vực. Với những lợi thế của mình, mô hình học tập trực tuyến E-Learning được lựa chọn như một phương thức tối ưu, cung cấp cho người học môi trường học tập chủ động, tích cực, hiệu quả. Nắm bắt được xu thế đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm triển khai một cách hiệu quả nhất hình thức đào tạo trực tuyến.

Qua quá trình thực hiện, đến nay, Nhà trường đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn tại trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một kênh tham khảo hữu ích để các trường đại học trên cả nước nghiên cứu, xây dựng mô hình đào tạo trực tuyến phù hợp.

Tài liệu tham khảo:
1. Bonk, C. J., & Graham, C. R (2004). Handbook of Blended Learning: Global Perspectives, Local Designs. In Local Designs, San Francisco. CA: Pfeiffer Publishing.www.pfeiffer.com
2. Hưng, N. Đ (2017). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam. In NXB Quân đội nhân dân (pp. 296-328).
3. Ngo, A. T., Pham, X. T., & Mai, A. T (2019). Một số kết quả bước đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục 4.0 tại trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Journal of Technical Education Science, 14(4), 100–107.
4. Nichols, M (2008). E-learning in context. https://scholar.google.com/citations?
5. UNESCO (2009). Guide to measuring information and communication technologies (ICT) in education. In UNESCO Institute for Statistics P.O. UNESCO Institute for Statistics.