Bát Tràng hướng tới biển đảo Trường Sa

Phạm Thị Thu Hoài
Đảng ủy xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Quán triệt quan điểm của Đảng, của toàn dân và toàn quân hướng về biển đảo, trong đó phát huy tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh quốc gia trên biển và phát huy những giá trị của văn hóa biển, đảo, Đảng bộ và Nhân dân xã Bát Tràng đã triển khai chương trình có ý nghĩa giá trị thể hiện tình yêu với quê hương, Tổ quốc hướng về Trường Sa thân yêu. Đó là đưa những sản phẩm gốm sứ được làm từ đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những người thợ làng gốm Bát Tràng gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.

Từ khóa: Giá trị văn hóa truyền thống, xã Bát Tràng, sản phẩm gốm sứ, chiến sĩ, người dân biển đảo Trường Sa.

1. Bát Tràng – vùng địa linh về truyền thống lịch sử và văn hóa làng nghề đặc sắc

Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có 2 làng nghề truyền thống gốm sứ nổi tiếng là Bát Tràng và Giang Cao với khoảng 1.000 hộ sản xuất – kinh doanh gốm sứ. Đây là xã có nghề truyền thống sản xuất gốm sứ lâu đời. Hiện nay, trên địa bàn xã có 02 nghệ nhân nhân dân (nghệ nhân nhân dân Trần Độ và cố nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng); 07 nghệ nhân ưu tú (gồm: nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn, nghệ nhân Ưu tú Vương Mạnh Tuấn, nghệ nhân Ưu tú Trần Tước, nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân, nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Đạt, nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Quý Sơn, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Lợi), 44 nghệ nhân Hà Nội và gần 200 nghệ nhân quốc gia, nghệ nhân dân gian và nghệ nhân làng nghề Việt Nam là niềm tự hào của làng gốm xã Bát Tràng.

Với những giá trị về lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như những nét đẹp độc đáo của làng nghề gốm Bát Tràng đã đưa Bát Tràng trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Năm 2024 là năm toàn thể hệ thống chính trị của xã ra sức thi đua kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Bát Tràng (20/02/1959 – 20/02/2024); chào mừng xã Bát Tràng được UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 23/02/2024 về công nhận xã Bát Tràng đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023; đặc biệt là sự kiện trọng đại của đất nước hướng tới kỷ niệm chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Bằng những việc làm thiết thực và là xã tiêu biểu của huyện Gia Lâm trong các phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa thôn, tổ dân phố đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc dân tộc, lan tỏa những giá trị văn hóa biển, đảo tốt đẹp cho các thế hệ sau. Trong đó, có công tác tuyên truyền biển, đảo quê hương được lan tỏa, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và toàn hệ thống chính trị xã Bát Tràng đã vận động các nghệ nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân trên địa bàn xã đóng góp kinh phí bằng tiền mặt để sản xuất đồng bộ 15.000 sản phẩm đẹp và chất lượng nhất gửi đến với cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân huyện đảo Trường Sa. Điều này thực sự đã khơi dậy niềm tự hào, tình yêu về biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

2. Bát Tràng đoàn kết tiếp thêm nguồn lực hướng tới biển, đảo Trường Sa

Qua sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, Quỹ Học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”, các nghệ nhân, doanh nghiệp và người dân gốm sứ Bát Tràng đã chung tay làm các sản phẩm dành tặng cán bộ, chiến sĩ và người dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại huyện đảo Trường Sa. Đây là việc làm ý nghĩa giá trị thể hiện tình cảm, trách nhiệm Đảng bộ xã Bát Tràng, các tổ chức chính trị – xã hội, của toàn thể người dân xã Bát Tràng đối với các chiến sĩ và người dân vùng biển, đảo bằng sự đóng góp đưa sản phẩm gốm sứ Bát Tràng của Thủ đô Hà Nội đến tận tay các chiến sĩ và người dân biển, đảo Trường Sa.

Hiện nay, cùng với các cấp ủy đảng, chi bộ các tổ, thôn, xóm, cán bộ Mặt trận, các Hội cựu chiến binh, hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trên địa bàn xã đang tích cực tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của đợt vận động ủng hộ vì biển, đảo Trường Sa thân yêu. Cuộc vận động này được triển khai công khai, minh bạch công tác tiếp nhận và quản lý chặt chẽ từ khâu khảo sát, liên kết các nghệ nhân và người dân để sản xuất các sản phẩm không chỉ mang ý nghĩa là những vật dụng cần thiết và hữu ích mà còn là sợi dây kết nối bền chặt đất liền với hải đảo, là sự trao gửi và gìn giữ tinh hoa của làng nghề; đồng thời, thể hiện sự chăm lo, sẻ chia và tin yêu của Nhân dân Bát Tràng đối với những người gìn giữ và bảo vệ vùng phên dậu của đất nước.

Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày 01/8/2024, UBND xã Bát Tràng đã tổ chức “Hội nghị triển khai Kế hoạch xã hội hóa 15.000 sản phẩm gốm sứ dành tặng cho chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa”, ngay tại Hội nghị, Tổ Công tác vận động ủng hộ Trường Sa của xã Bát Tràng được thành lập (gồm 15 người, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng là Tổ trưởng) đã nhận được sự đóng góp của 10 đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp (gồm: Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Bát Tràng; Ban Đảng ủy xã Bát Tràng; cơ sở gốm sứ Cương Duyên; Trường Trung học cơ sở Bát Tràng; Trường Mầm non Bát Tràng; Trường Tiểu học Bát Tràng; Công ty Bảo tồn – Phát triển du lịch làng cổ Bát Tràng; Công ty cổ phần Gas Bát Tràng, gia đình nghệ nhân nhân dân Trần Độ; gia đình anh Nguyễn Đức Đạt (làng Giang Cao) với số tiền là 105 triệu đồng và tiếp tục phát động và nhận sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp cùng toàn thể người dân trên địa bàn xã.

Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền xã Bát Tràng triển khai và giao cho 2 câu lạc bộ nghệ nhân làng Bát Tràng và làng Giang Cao thực hiện triển khai hoàn thành 15.000 sản phẩm (bao gồm bát đĩa, ấm chén,…) trước ngày 30/9/2024.

Với ý nghĩa về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vì tuyến đầu Tổ quốc, các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc xã, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các câu lạc bộ, các ban, ngành và toàn thể người dân xã Bát Tràng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa sản phẩm âm chén, bát đĩa gốm Bát Tràng của Thủ đô Hà Nội đến với các chiến sĩ và toàn thể nhân dân đang sinh sống và ngày đêm canh gác, vững chắc tay súng để bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa XII) (2018). Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Huyện ủy Gia Lâm (2024). Kế hoạch số 176-KH/HU ngày 25/01/2024 triển khai thực hiện phong trào thi dua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm giai đoạn 2024 – 2025.
3. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (2024). Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 23/02/2024 về công nhận xã Bát Tràng đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
4. Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng (2024). Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 31/7/2024 của UBND xã Bát Tràng về triển khai Kế hoạch xã hội hóa làm 15.000 sản phẩm (bao gồm bát đĩa – ấm chén) dành tặng cho Nhân dân và chiến sĩ ở huyện đảo Trường Sa.
5. Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng (2024). Hội nghị triển khai Kế hoạch xã hội hóa 15.000 sản phẩm gốm sứ dành tặng cho chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa. Hà Nội, ngày 01/8/2024.