Chính sách về chống biến đổi khí hậu của Mỹ hiện nay và kinh nghiệm cho Việt Nam

Vũ Phương Anh Nguyễn Hải Yến
Học viện Ngoại giao

(Quanlynhanuoc.vn) – Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến mọi mặt  về đời sống, kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh trên toàn cầu. Việc Mỹ ban hành chính sách biến đổi khí hậu là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính sách này không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ mà còn có tác động tích cực đến toàn thế giới. Bài viết phân tích các chính sách về biến đổi khí hậu của Mỹ, qua đó, Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng các kinh nghiệm để xây dựng và hoàn thiện chính sách về chống biến đổi khí hậu bền vững.

Từ khóaMỹ; chính sách; chống biến đổi khí hậu; tham khảo kinh nghiệm; Việt Nam; hiện nay.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề “biến đổi khí hậu là mối nguy hiểm hiện hữu và hiển nhiên đối với Mỹ và thế giới”1; “biến đổi khí hậu đẩy sức khỏe của người dân Mỹ cũng như an ninh quốc gia và nền kinh tế vào nguy hiểm”2. Hiện nay, nước Mỹ đang phải chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây nên, như:  (1) Năm 2021, bão tuyết ở Texas đã phá hủy hệ thống điện tại bang này khiến cho hàng triệu người phải sống trong cảnh không có điện3; (2) Năm 2023, bão Idalia gây lũ lụt làm tê liệt toàn bộ hệ thống dân sự tại bang này và một số bang lân cận, bao gồm cả hệ thống giao thông và y tế công. Cơn bão khiến hơn 370.000 người tại các bang Florida và Georgia rơi vào cảnh mất điện. Hơn 1.000 chuyến bay trên khắp nước Mỹ đã bị hủy trong khi 2.000 chuyến bay khác bị hoãn do ảnh hưởng bão4; (3) Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2023, nước Mỹ đã hứng chịu 23 thảm hoạ thời tiết và khí hậu cực đoan tập trung vào các bang đông dân ở Mỹ, bao gồm California, Florida, Texas, New Jersey,… 5; (4) Biến đổi khí hậu gây nhiệt độ tăng cao là nguyên nhân cho các vụ cháy rừng lớn. Trong đầu năm 2021, hơn 41.000 đám cháy đã thiêu rụi 18.514 km2 trên toàn nước Mỹ. Trong đó, đám cháy Dixie đã thiêu rụi hơn 3.200 km2; đám cháy Monument thiêu rụi trên 700 km2; đám cháy Caldor thiêu rụi hơn 800 km2 về phía Đông của Sacramento6. Những hậu quả mà nước Mỹ đang gánh chịu đã tạo ra áp lực lớn, buộc chính quyền Mỹ phải đưa ra các chính sách để ứng phó. 

2. Chính sách chống biến đổi khí hậu của Mỹ hiện nay

Chính sách của Mỹ về chống biến đổi khí hậu đã trải qua những biến động “đáng kể” trong những thập kỷ gần đây. Chẳng hạn:

(1) Thời Tổng thống Bill Clinton: năm 1997, Mỹ tham gia ký kết Nghị định thư Kyoto. Đây là một bước đi quan trọng đánh dấu sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về việc cần có hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do lo ngại về tác động kinh tế, chính quyền Mỹ không thể đưa Nghị định thư Kyoto ra Quốc hội để phê chuẩn. 

(2) Thời kỳ Tổng thống George W. Bush: chính quyền đã rút khỏi Nghị định thư Kyoto và tập trung vào các công nghệ năng lượng sạch hơn. 

(3) Thời kỳ Tổng thống Barack Obama: chính quyền đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm lượng khí thải nhà kính, bao gồm các quy định về hiệu quả năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

(4) Thời kỳ Tổng thống Donald Trump: chính quyền của đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris và dỡ bỏ nhiều quy định về môi trường do chính quyền Obama ban hành. 

(5) Thời kỳ Tổng thống Joe Biden (từ năm 2021 đến nay): chính quyền đã tái gia nhập Hiệp định Paris7. Hiện nay, chính sách chống biến đối khí hậu được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong các chính sách về an ninh và ngoại giao của nước Mỹ. Cụ thể:

– Ký “Sắc lệnh hành pháp chống biến đổi khí hậu”. Sắc lệnh ngày 27/01/2021 đặt ra mục tiêu “net zero” (phát thải ròng bằng “0”) vào năm 2050,  bao gồm khử carbon trong các tòa nhà, phương tiện và những hoạt động khác của Chính phủ; chấm dứt việc mua phương tiện chạy bằng khí đốt vào năm 2035”8. Sắc lệnh cũng chỉ rõ: “Chính phủ liên bang có thể thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân, mở rộng nền kinh tế và ngành công nghiệp Mỹ thông qua việc chuyển đổi cách xây dựng, mua và quản lý điện, phương tiện di chuyển, các tòa nhà và các hoạt động khác trở nên sạch và bền vững”9. Sắc lệnh này nhằm hỗ trợ sự phát triển các ngành công nghệ sạch và năng lượng sạch, đồng thời thúc đẩy tiến trình nhằm đạt được mục tiêu phi cacbon hóa trong ngành điện vào năm 2035.

– Ban hành một số đạo luật, bao gồm: đạo luật Giảm Lạm phát (năm 2022). Đạo luật này được xem là khoản đầu tư lớn nhất với 783 tỷ USD để giúp cắt giảm phát thải carbon và chống biến đổi khí hậu trong lịch sử nước Mỹ10.

– Yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét sửa đổi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho xe cộ và hạn chế phát thải khí mê-tan; đồng thời, nghiên cứu khả năng mở rộng lại ranh giới của các di tích quốc gia hoang dã đã bị chính quyền Trump giảm bớt diện tích11

– Công bố các bước để thúc đẩy vấn đề năng lượng sạch – đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo trên các khu đất công và nâng cấp mạng lưới điện. Đây là biện pháp thúc đẩy triển khai năng lượng sạch nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu12

– Yêu cầu ngân sách năm tài khoá 2022 của Tổng thống công bố ngày 28/5/2021 đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính; bao gồm sáng kiến quản lý về cơ sở hạ tầng, kế hoạch việc làm, trong đó sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng sạch và khí hậu, cùng nhiều dự án khác13.

– Năm 2022, Tổng thống Joe Biden nêu rõ: ngoài Kế hoạch việc làm, chính quyền còn đề xuất tăng hơn 14 tỷ USD tài trợ liên bang, so với năm tài khóa 2021, để hỗ trợ giảm thiểu khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng hoặc khả năng phục hồi trước các tác động liên quan đến khí hậu14 Năm 2023, công bố 2 chương trình thúc đẩy đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn quốc trị giá khoảng 20 tỷ USD nhằm hỗ trợ các dự án giảm lượng khí thải nhà kính, một trong những nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên15.

– Tổ chức bộ máy nhằm hoạch định chính sách và triển khai hành động một cách hiệu quả các vấn đề về biến đổi khí hậu. Vấn đề khí hậu được đảm nhiệm bởi hai điều phối viên hàng đầu với cấp bậc nội các, mỗi điều phối viên phụ trách vấn đề khí hậu trong nước và quốc tế16. Cựu Ngoại trưởng John Kerry được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về Khí hậu phụ trách ngoại giao khí hậu quốc tế, cựu Quản trị viên EPA Gina McCarthy là chuyên gia nghiên cứu khí hậu hàng đầu trong nước là người đứng đầu Văn phòng Chính sách Khí hậu trong nước tại Nhà Trắng. Cả hai vị trí đều không cần phải thông qua sự xác nhận của Thượng viện nên họ có thể hành động và thực thi các chính sách ngay lập tức18. Điều đó cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Mỹ”19.

– Chính sách thúc đẩy các thoả thuận và hợp tác quốc tế. Về định hướng chính sách tổng thể, lệnh hành pháp ngày 27/01/2021 nhấn mạnh:  “Mỹ sẽ thực hiện vai trò lãnh đạo của mình để thúc đẩy sự gia tăng đáng kể trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu” 20; “tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên một loạt các diễn đàn quốc tế, bao gồm G7, G20 và các diễn đàn khác bao gồm các vấn đề liên quan đến Bắc Cực, đại dương, năng lượng, hàng không và hàng hải” 21.

– Tập trung vào việc tăng cường thực hành nông nghiệp thông minh, phát triển nhiên liệu sinh học, thu giữ và hấp thụ các-bon, quản lý rừng tốt hơn và tái trồng rừng. Trong đó, khuyến khích thuê đất theo chương trình dự trữ bảo tồn (CRP) và mở rộng các hoạt động về môi trường. Trong đó, điều chỉnh giá thuê đất CRP, cho phép linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá, bao gồm cả việc tăng giá khi thích hợp nhằm mục đích tăng khả năng hấp thụ carbon và giảm phát thải khí nhà kính 22.

Có thể thấy, các chính sách về biến đổi khí hậu của Mỹ qua các thời kỳ đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố về lợi ích kinh tế – xã hội, chính trị và môi trường. Các chính sách của Mỹ về chống biến đổi khí hậu đạt một số kết quả triển vọng, như: đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đã giúp Mỹ thúc đẩy năng lượng tái tạo, có 210 dự án lớn về năng lượng sạch hoặc phương tiện thân thiện với môi trường đã được công bố trong năm 2023, với khoảng 74.181 việc làm mới được tạo ra bởi các dự án này23; lượng khí thải CO2 của Mỹ từ quá trình đốt cháy năng lượng đã giảm 4%24; nền kinh tế xanh ở Mỹ đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân, nền kinh tế xanh của Mỹ tạo ra doanh số hằng năm ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, đồng thời sử dụng hơn 9,5 triệu lao động toàn thời gian25.

3. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam có thể tham thảo từ chính sách chống biến đổi khí hậu của Mỹ, như:

Thứ nhất, Chính sách năng lượng. Mỹ đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, như: năng lượng mặt trời và gió, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ ngành năng lượng tái tạo, bởi tiềm năng thiên nhiên lớn (Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong khu vực có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào)26 nên Việt Nam cần khơi thông điểm nghẽn về chính sách, pháp lý để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, khai thác, phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh dự án này sẽ giúp Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị biến đổi khí hậu (Cop26) về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ hai, Hợp tác quốc tế. Mỹ tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu đã giúp Mỹ chủ động ứng phó và giảm thiểu các rủi ro này, đồng thời mở ra cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các ngành công nghệ mới, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Học hỏi kinh nghiệm này, Việt Nam cần tham gia tích cực vào các diễn đàn, cơ chế đa phương trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu nhằm tranh thủ tiếp cận nguồn lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Từ đó, thúc đẩy các giải pháp bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Thứ ba, xây dựng hệ thống pháp lý và chính sách rõ ràng. Mỹ đã xây dựng một hệ thống chính sách kịp thời, cụ thể, quyết liệt về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm này để đề ra các chiến lược, kế hoạch hành động, đặc biệt là phải xây dựng luật về biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm phát thải khí nhà kính quốc gia theo khung tăng cường minh bạch của Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu năm 2016 và xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, phát triển thị trường các-bon. 

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh. Mỹ thành công trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh. Việt Nam cần quan tâm nội dung này trong việc sử dụng công nghệ sạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo ra các chuỗi giá trị bền vững. Qua đó, tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái; giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước và đất, tạo ra môi trường sống lành mạnh cho người dân. Phát triển kinh tế xanh cũng đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới, giúp ổn định an sinh xã hội cho người dân. 

Chú thích:
1, 2. Mỹ công bố loạt biện pháp đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/my-cong-bo-loat-bien-phap-doi-pho-tinh-trang-bien-doi-khi-hau-700533.
3. Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng thảm hoạ tại bang Texas. https://nhandan.vn/tong-thong-my-ban-bo-tinh-trang-tham-hoa-tai-bang-texas-post636039.html.
4. Tổng thống Mỹ: Cơn bão Idalia là hậu quả rõ rệt của biến đổi khí hậu.https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/tong-thong-my-con-bao-idalia-la-hau-qua-ro-ret-cua-bien-doi-khi-hau.
5. Mỹ thiệt hại 57,6 tỉ USD vì thiên tai trong năm nay. https://thanhnien.vn/my-thiet-hai-576-ti-usd-vi-thien-tai-trong-nam-nay-185230912221103221.htm.
6. Mâu thuẫn trong chính trường Mỹ về cách xử lý khủng khoảng khí hậu. https://kinhtevadubao.vn/mau-thuan-trong-chinh-truong-my-ve-cach-xu-ly-khung-khoang-khi-hau-27228.html.
7. Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. https://vtcnews.vn/my-tai-gia-nhap-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau-ar597078.html.
8, 9, 20, 21. Executive Order on Tackling the Climate Crissis at Home and Abroad. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/presidential-actions/2021/01/27/executive-order-on-tackling-the-climate-crisis-at-home-and-abroad/
10. Princeton energy and climate experts weigh in on the impact of the Inflation Reduction Act.https://www.princeton.edu/news/2022/08/25/princeton-energy-and-climate-experts-weigh-impact-inflation-reduction-act.
11. Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố quay lại Hiệp định Paris: Bước tái gia nhập quan trọng. https://nhandan.vn/tong-thong-my-biden-tuyen-bo-quay-lai-hiep-dinh-paris-buoc-tai-gia-nhap-quan-trong-post632450.html.
12. Mỹ công bố các hành động thúc đẩy năng lượng sạch. https://baotintuc.vn/the-gioi/my-cong-bo-cac-hanh-dong-thuc-day-nang-luong-sach-20220113061212882.htm.
13, 14.  U.S. Climate Change Policy. https://crsreports.congress.gov/product/pdf/R/R46947.
15. Mỹ công bố chương trình đầu tư năng lượng sạch trị giá 20 tỷ USD. https://vtv.vn/the-gioi/my-cong-bo-chuong-trinh-dau-tu-nang-luong-sach-tri-gia-20-ty-usd-20230715123003493.htm.
16, 17, 18, 19. Optimistic Prospects for US Climate Policy in the Biden Administration. http://www.jstor.org/stable/resrep30503.
23. Mỹ đạt được những bước tiến đáng kể trong thúc đẩy năng lượng tái tạo.  https://nhandan.vn/chuyen-doi-nang-luong-sach-tai-my-post768494.html.
24. Mỹ và sự bùng nổ về đầu tư năng lượng sạch. https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-va-su-bung-no-ve-dau-tu-nang-luong-sach-713771.html.
25. US ‘green economy’ generates $1.3 trillion and employs millions, new study finds. https://www.cnbc.com.
26. Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài. https://vnexpress.net/thi-truong-nang-luong-tai-tao-viet-nam-hap-dan-dau-tu-nuoc-ngoai-4550860.html.
Tài liệu tham khảo:
1. Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. https://tienphong.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-cop26-post1389696.tpo
2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống biến đổi khí hậu. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/27/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-chong-bien-doi-khi-hau/.
3. Biến đổi khí hậu dưới góc nhìn khoa học. https://vnexpress.net/bien-doi-khi-hau-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-4381040.html.