Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tỉnh Thanh Hóa

Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, mang lại nhiều thay đổi tích cực trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Từ khóa: Tỉnh Thanh Hóađời sống văn hóa; toàn dân; đoàn kết; xây dựng; Phong trào. 

Thực hiện Quyết định số 235/1999/QĐ-TTg ngày 23/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngày 30/6/2000 Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1648/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thanh Hóa, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin làm Phó trưởng ban Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh làm Phó trưởng ban và các sở, ban, ngành, đoàn thể làm thành viên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 – 2015), ngày 10/4/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo dõi, phụ trách 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đồng thời tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm kịp thời, đầy đủHướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ đạo phong trào các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đăng ký xây dựng văn hóa hằng năm. Từng bước đưa phong trào ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng, chiều sâu mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hướng về cơ sở với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn1.

Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào các giai đoạn 2000 – 2010, 2000 – 2015, 2000 – 2020; đôn đốc và phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh.

Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tham gia và chủ động triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nhiệm vụ chuyên môn đảm nhiệm. Đôn đốc, kiểm tra địa phương được phân công phụ trách, theo dõi, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch xây dựng các danh hiệu văn hóa. Phối hợp tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” hằng năm, thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Những kết quả đạt được

1. Đoàn kết giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện giảm nghèo bền vững. 

Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 21/3/2022, của UBND tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã xác định tập trung giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Theo đó, có 4.519,6 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội đã được giải ngân (đạt 100% kế hoạch) giúp cho 71,48 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, bình quân 63,2 triệu đồng/hộ. Tạo điều kiện để người dân ở các vùng nghèo tiếp cận với các dịch vụ cơ bản; giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, như: đường giao thông, cầu, trường học, bệnh viện… Toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng2.

Những thành công của chương trình giảm nghèo bền vững đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025) năm 2023 giảm 1,2% so với năm 2022 xuống còn 3,79% (tương ứng còn 37.936 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 7,37%, từ 27,23% xuống còn 19,86%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu đề ra giảm 3%); đến ngày 31/12/2023 ước giảm 4,5%, xuống còn 15,36%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo năm 2023 giảm 5,95%, xuống còn 21,53% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo năm 2023 giảm 1,1%, xuống còn 3,52% so với năm 20223.

2. Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật

Ban chỉ đạo phong trào các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, lao động và các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan, đơn vị và nội quy nơi cư trú. Tuyên truyền triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, phổ biến giáo dục pháp luật; phong trào “3 không” ở khu dân cư (không có tội phạm và tệ nạn xã hội, không ô nhiễm môi trường, không vi phạm nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội). Thường xuyên vận động người dân đề cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, tố giác các loại tội phạm; phòng, chống tội phạm mua bán người, phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, thực hiện dân số kế hoạch hóa và gia đình; phát huy tốt vai trò hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích xảy ra tại địa bàn.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong việc cưới, đã thực hiện tốt theo Luật Hôn nhân và gia đình, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã làm tốt công tác đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn theo đúng thủ tục hành chính; tổ chức lễ cưới theo nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; đa số các đám cưới không dựng rạp vi phạm lòng đường, vỉa hè làm mất trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu đáng kể các trường hợp tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài, lãng phí và khắc phục các hủ tục lạc hậu trong việc cưới. Công tác tổ chức lễ hội đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, có tác dụng giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với đất nước; lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương. Chính quyền các cấp đã nghiêm túc chỉ đạo, vận động cộng đồng loại bỏ các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp; tổ chức quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn tiền công đức. Việc tang trong hành lễ cơ bản không còn hủ tục mê tín dị đoan, người chết không để trong nhà quá 48 tiếng; đám tang không mở loa đài, kèn trống quá công suất và quá giờ quy định; việc hung táng, cải táng bảo đảm vệ sinh môi trường; dần loại bỏ hủ tục tang sự của người Mông, người chết được khâm liệm đưa vào quan tài trước khi chôn cất4.

3. Xây dựng môi trường sạch – đẹp – an toàn

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của người dân, cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phát huy truyền thống hiếu học, đoàn kết, yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, thực hiện nếp sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lịch sự, văn hóa; trong gia đình con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng chung sống hòa thuận, vui vẻ, hạnh phúc; ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao. Tại các cơ quan, công sở, thường xuyên vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quét dọn vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp phòng làm việc ngăn nắp; quan tâm chỉnh trang, xây dựng khuôn viên, cây xanh, cổng chào, trồng hoa, cây cảnh, cây xanh, tạo môi trường thoáng mát, xanh – sạch – đẹp – an toàn.

Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công an các cấp thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động; phát huy các mô hình tự quản tại địa phương, gắn với công tác phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vận động người dân không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, không tàng trữ các loại vật liệu nổ, chủ động ngăn chặn từ xa các nguy cơ về mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả “xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy”; giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy ở 16 xã biên giới5

Cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì, triển khai hiệu quả các mô hình về bảo vệ môi trường, như: mô hình “thu gom, phân loại xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư” của Mặt trận Tổ quốc tỉnh; phong trào “xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” của Liên đoàn Lao động; “dịch vụ môi trường, thu gom rác thải”, “đường hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “nhà sạch, vườn đẹp”, “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Phát động nông dân “sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, “dòng sông không rác thải”, “trồng cây bản địa chắn sóng, ngăn mặn xâm thực” của Hội Nông dân; “bảo vệ dòng sông quê hương”, “ngày thứ bảy tình nguyện”, “ngày chủ nhật xanh”; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Sở Giáo dục – Đào tạo… 6 đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ môi trường tại các địa phương trong tỉnh.

4. Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường, phát triển trong toàn tỉnh. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động thể dục thể thao từng bước được đầu tư. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin được tăng cường. Tỉnh đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, thu hồi các văn hóa phẩm độc hại, góp phần gìn giữ môi trường văn hóa lành mạnh.

Các công trình thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng, hoạt động hiệu quả từ cấp tỉnh đến cấp thôn. Cấp tỉnh có 8 thiết chế (sân vận động tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Nhà hát Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Thư viện tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng); trong đó có 2/8 thiết chế (Thư viện tỉnh, Nhà hát Lam Sơn) đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạt tỷ lệ 25%. Cấp huyện có 100% Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện; Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện; Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch đạt chuẩn (đạt 27/27 huyện). Cấp xã có 545/559 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 97,5%; trong đó có 413/559 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 73,9%. Cấp thôn có 4.187/4.357 Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 96,1%; trong đó có 3.372/4.357 Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 77,4%7.

5. Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh

Xây dựng tư tưởng, chính trị là một nội dung quan trọng nhằm xây dựng môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh. Trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành,đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp lồng ghép các nội dung văn hóa, triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức tuyên truyền hấp dẫn như học tập chuyên đề, tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ những năm qua đã góp phần ổn định tư tưởng, tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

3. Một số kinh nghiệm đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Ban Chỉ đạo các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở thôn, bản, tổ dân phố. Đây là bài học có tính quyết định, then chốt trong việc tổ chức thực hiện thành công các nội dung của Phong trào, nhất là việc xây dựng và đưa chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch gắn với các biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể, vừa xây dựng phong trào, vừa phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng công tác xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thứ hai, cần chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nhất là việc tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Thanh Hóa đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; qua đó làm cho người dân thẩm thấu, nâng cao nhận thức, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nêu cao tinh thần tự giác, tự nguyện và xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thứ ba, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các thành viên Ban chỉ đạo, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thường trực; chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết tổng kết, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo; đề ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong triển khai thực hiện cần xác định việc xây dựng đời sống văn hóa là việc làm của toàn dân, là nhiệm vụ toàn diện và lâu dài, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, coi trọng chất lượng các danh hiệu văn hóa; việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, không chạy theo hình thức, số lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có đủ năng lực, trình độ, có uy tín trong cộng đồng dân cư để tập hợp, vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển phong trào trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, khuyến khích mọi người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

4. Kết luận

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa; vận dụng sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn tình hình địa phương, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đề ra chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Bước sang thời kỳ mới, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, với những kết quả và kinh nghiệm của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa có điều kiện đẩy mạnh hơn nữa xây dựng nền văn hóa, xây dựng và phát triển toàn diện con người, tạo dựng nền tảng tinh thần xã hội vững chắc để phát triển địa phương nhanh, bền vững, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chú thích:
1. UBND tỉnh Thanh Hóa (2012). Quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 10/4/2012 phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vănhóa” tỉnh Thanh Hoá.
2, 3. Đỗ Trọng Hưng. Tỉnh Thanh Hoá triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, Tạp chí Cộng sản, ngày 22/12/2023.
4. UBND tỉnh Thanh Hóa (2021). Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
5. UBND tỉnh Thanh Hóa (2014). Quyết định số 4687/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 phê duyệt Đề án “Giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn các xã biên giới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 – 2020”.
6. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2020). Báo cáo số 3653/BC-BCĐ ngày 23/10/2020 báo cáo Tổng kết Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2000 – 2020; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 .
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2023). Báo cáo số 6684/SVHTTDL- QLVH ngày 27/12/2023 báo cáo số liệu hoạt động văn hóa cơ sở năm 2023.