Giải pháp tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng trong doanh nghiệp

ThS. Đồng Thị Hồng Duyên
Trường Đại học Công nghệ Đông Á

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu nhằm tìm ra cách thức tích hợp các giải pháp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng, như: năng lượng tái tạo, vật liệu xanh và quản lý chất thải nhằm góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời cải thiện hiệu suất kinh doanh và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả trong cung ứng hàng hóa và phát triển bền vững.

Từ khóa: Công nghệ xanh; chuỗi cung ứng; doanh nghiệp; giải pháp tích hợp.

1. Đặt vấn đề

Chuỗi cung ứng là một hệ thống tập hợp lại các hoạt động, tổ chức, thông tin, con người và các nguồn lực khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ từ nhà sản xuất, nhà cung cấp và người tiêu dùng, chuỗi cung ứng là một “mắt xích” đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tại Việt Nam, chuỗi cung ứng đã và đang khẳng vai trò của mình trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của chuỗi cung ứng đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê: “Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản góp phần thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu (trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng tới gần 34% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản tăng 19,6%; Trung Quốc tăng 7,7%). Nhiều cơ hội đang đến với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng để tận dụng được cơ hội từ thị trường thì nỗ lực sản xuất vẫn chưa đủ, mà các doanh nghiệp cần phải hiểu và chủ động hơn trên thương trường quốc tế. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%”1. Những chỉ tiêu này khẳng định vai trò then chốt của chuỗi cung ứng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho thấy sự chuyển dịch mô hình cung ứng từ chiều rộng sang chiều sâu với các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Việc tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn nâng cao năng lực sản xuất, công nghệ và quản trị, từ đó tăng cường sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Như vậy, chuỗi cung ứng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước theo hướng bền vững. 

Trong một thời gian dài, chuỗi cung ứng truyền thống đã gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các thị trường xuất khẩu chính, như: Trung Quốc, Mỹ, EU ngày càng tăng cường các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu. Để đáp ứng được những yêu cầu này, cần có những giải pháp tích hợp công nghệ xanh vào ứng dụng chuỗi cung ứng. Điều này sẽ giúp phát triển chuỗi cung ứng một cách bền vững, bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, xã hội. 

Việc áp dụng các công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng có thể kể đến, như: sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chất thải và phát thải, tái chế và tái sử dụng các nguồn tài nguyên. Qua đó, các doanh nghiệp có thể vừa nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường nhằm mục đích phát triển kinh tế bền vững.

2. Cơ sở khoa học về chuỗi cung ứng và công nghệ xanh

Thứ nhất, công nghệ xanh.

Theo Rao và Holt (2005), “Công nghệ xanh trong chuỗi cung ứng, bao gồm công nghệ xanh đầu vào, công nghệ xanh sản xuất, công nghệ xanh đầu ra, góp phần tiết kiệm chi phí và tăng cường doanh thu, thị phần cho doanh nghiệp và khai thác các cơ hội thị trường mới để mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn, góp phần vào hiệu quả kinh tế”2.

Thứ hai, chuỗi cung ứng.

Quá trình kinh doanh thay đổi liên tục nên quan điểm về chuỗi cung ứng cũng có sự khác biệt theo thời gian. Theo (Christopher, Lambert, 2011): “Chuỗi cung ứng được hiểu là một mạng lưới các công ty tham gia vào quá trình phân phối hàng hóa, dịch vụ, nguồn tài chính và luồng thông tin giữa nhà cung cấp ban đầu và người tiêu dùng cuối cùng”3. Trong khi, Nagurney (2006) lại cho rằng: “chuỗi cung ứng là tập hợp các đơn vị bao gồm: nhân lực, kỹ thuật và nguồn lực, phối hợp cùng nhau để phân phối sản phẩm từ nhà cung cấp đến tay khách hàng”4.

Các nghiên cứu về quản lý chuỗi cung ứng xanh và tác động đối với hiệu quả kinh tế cũng cho thấy, mối quan tâm ngày càng tăng trong việc tích hợp tính bền vững môi trường vào quản lý chuỗi cung ứng. Theo (Green và cộng sự, 2012): “Việc áp dụng thực tiễn quản lý chuỗi cung ứng xanh trong các hoạt động sản xuất dẫn đến cải thiện hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động”5. Theo (Wu và cộng sự, 2015): “Các công ty có thể cải thiện hiệu quả kinh tế trong chuỗi cung ứng thông qua việc thiết lập hệ thống thu hồi và tái chế”6.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thị Nguyệt Anh và Lê Phan Hòa (2013) cho rằng: “xu hướng chuỗi cung ứng xanh đang ngày càng phổ biến. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn này nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế”7. Trong nghiên cứu của Tạ Văn Lợi (2022) về công nghệ xanh chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu tại Việt Nam, “việc công nghệ xanh chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu tập trung nhiều tới sản phẩm đạt chuẩn theo chiều thuận, chưa chú trọng tới chiều ngược lại như phế thải, tác hại môi trường…”8.

Việc tích hợp các giải pháp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng có thể được coi là một mô hình quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội trong quá trình sản xuất, cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ. Đây được gọi là chuỗi cung ứng xanh, ra đời với mục tiêu giảm thiểu lượng chất thải xả ra bên ngoài, bảo vệ môi trường sống, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xu hướng này thể hiện ở nhiều hoạt động trong chuỗi cung ứng, trong đó hai hoạt động phổ biến nhất là thu mua xanh và sản xuất xanh:

Về thu mua xanh: tập trung vào việc mua sắm các nguyên liệu và sản phẩm có ảnh hưởng ít đến môi trường, sức khỏe con người. 

Về sản xuất xanh: các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Việc áp dụng các hoạt động thu mua xanh và sản xuất xanh là nỗ lực của các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, hãng Toyota ở Nhật Bản đã thành công trong việc phát triển động cơ xe giảm thiểu khí CO2 thải ra môi trường9.

Thứ ba, chuỗi cung ứng xanh.

Chuỗi cung ứng xanh là khái niệm quan trọng trong xây dựng và duy trì môi trường kinh doanh bền vững và thân thiện với môi trường. Các thành phần chính bao gồm: (1) Lựa chọn nguồn nguyên vật liệu; (2) Áp dụng chiến lược chuỗi cung ứng ngược; (3) Xây dựng hệ thống kho bãi và sử dụng phần mềm quản lý tồn kho; (4) Giảm rác thải và chất độc hại; (5) Kết hợp các phương tiện vận chuyển hàng hóa. 

3. Lợi ích trong tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng

Thứ nhất, thân thiện với môi trường.

Quản lý chuỗi cung ứng xanh có thể giúp các công ty giảm hiệu quả lượng khí thải Carbon Dioxide (CO2) thông qua một số biện pháp đơn giản như: giảm sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo (dầu, than, khí đốt), hạn chế phá rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thực hiện các hoạt động giảm – tái sử dụng – tái chế10.

Ngoài ra, việc tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng cũng giúp tăng cường tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời điều chỉnh việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất và cung ứng dịch vụ ở mức thấp nhất. Nhờ các hoạt động này, môi trường đã giảm ô nhiễm đáng kể và chất lượng không khí được duy trì ở mức cao.

Thứ hai, bảo vệ sức khỏe con người.

Tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng cũng góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Cụ thể, việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng sẽ sử dụng công nghệ làm nền tảng, đồng thời ưu tiên các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường (chủ yếu sử dụng nhiên liệu sạch, không gây hại). Nhờ đó, lượng khí thải nhà kính và các chất ô nhiễm khác sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Thứ ba, tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng.

Tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng góp phần giảm thiểu khí CO2 và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình vận chuyển bằng cách sử dụng các phương tiện vận chuyển hoạt động bằng nhiên liệu sạch và áp dụng các công nghệ động cơ có hiệu suất cao. Bên cạnh đó, việc quản lý tuyến đường và quy trình vận hành thông minh giúp giảm tình trạng kẹt xe, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu cũng là yếu tố giúp giảm lượng khí thải và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành vận tải và chuỗi cung ứng.

Thứ tư, giảm thiểu rác thải công nghiệp. 

Tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh thái tự nhiên, đồng thời thân thiện với môi trường. Cụ thể, họ có thể sử dụng bao bì làm từ vật liệu tái chế, dễ phân hủy sinh học, hoặc đóng hàng trong thùng pallet (gỗ, nhựa…)11. Việc giảm thiểu lượng chất thải đóng gói, tái chế các sản phẩm cũ và phục hồi những giá trị cần thiết sẽ không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn tăng tính linh hoạt và mối liên kết bền vững với các đối tác.

Để đánh giá chuỗi cung ứng logistics đã đạt tiêu chuẩn “xanh”, thân thiện với môi trường hay không cần dựa trên mô hình 2E-3R. Bao gồm 2 phương châm và 3 tiêu chí như sau:

– Phương châm 2E: Efficiency (đạt hiệu quả cắt giảm tài nguyên đầu vào và đảm bảo tiết kiệm năng lượng); Environment-friendly chain (thân thiện môi trường trong chuỗi cung ứng).

– Tiêu chí 3R: Reuse (tái sử dụng các phế phẩm trong sản xuất và phân phối); Recycle (tái chế lại nguồn rác thải trong quá trình sản xuất sản phẩm và lưu thông); Reduce (cắt giảm lượng khí thải độc hại và tác nhân gây ô nhiễm môi trường).

4. Một số giải pháp tăng cường tích hợp công nghệ xanh vào ứng dụng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp

Một là, đẩy mạnh tích hợp trong các quy trình của chuỗi cung ứng.

Về quy trình mua hàng: doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình mua bán. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh.

Về quy trình sản xuất: doanh nghiệp có thể giảm sử dụng năng lượng trong sản xuất bằng cách tái sử dụng nước triệt để, duy trì chất lượng sản xuất và giảm tối đa phát thải khí độc, chất thải.

Về quy trình quản lý kho hàng: đối với hoạt động chuyển sản phẩm vào kho, vận chuyển hàng hóa trong kho, các doanh nghiệp nên giảm thiểu việc sử dụng xe nâng để tiết kiệm nhiên liệu.

Về quy trình vận chuyển: khi phân phối hàng hóa, các công ty có thể chọn phương tiện thân thiện với môi trường như đường thủy, đường hàng không, đường sắt, thay vì sử dụng phương tiện giao thông đường bộ. Điển hình như: InterLOG – Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế, đã hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn để vận chuyển sà lan chở hàng container hạng nặng từ cảng Cát Lái đến khu Công nghiệp Nhơn Trạch. Đây là giải pháp InterLog đề xuất và áp dụng khai thác hình thức vận chuyển hàng hóa qua sông Đồng Nai được các đối tác đánh giá rất cao12.

IKEA – Tập đoàn đa quốc gia chuyên thiết kế nội thất, lắp ráp thiết bị và đồ dùng gia đình đến từ Thụy Điển đã nỗ lực tích hợp công nghệ xanh vào ứng dụng chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng nguyên vật liệu không gây hại cho môi trường, quy trình sản xuất an toàn, đi cùng quy trình đóng gói, vận tải giảm thiểu tối đa khí thải13.

Hai là, tăng năng lực thực thi chính sách môi trường.

(1) Các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng để đáp ứng quan điểm về môi trường của khách hàng. Khách hàng hiện đang sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường chứng tỏ họ đã ý thức về vấn đề môi trường trong hoạt động kinh doanh và yêu cầu các doanh nghiệp cải thiện điều này, mặc dù chi phí rất lớn.

(2) Các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường. Các quy định về môi trường gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên cũng như giảm thiểu ô nhiễm về nước, không khí và tiếng ồn từ hoạt động của doanh nghiệp.

(3) Các doanh nghiệp cần áp dụng bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường (ISO14000) nhằm giúp các doanh nghiệp ý thức được tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng, góp phần giảm thiểu tác động gây tổn hại tới môi trường và thường xuyên cải tiến kết quả hoạt động về môi trường. 

Hiện nay, trên thế giới, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp được tiếp cận các vấn đề về quản trị môi trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết về môi trường và tháo bỏ rào cản thương mại khi các doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi cung ứng và hoạt động thân thiện với môi trường.

(4) Các doanh nghiệp cần áp dụng bộ tiêu chuẩn phát triển bền vững và yêu cầu đối tác cũng như nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn này. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiến hành đánh giá và theo dõi mức độ tuân thủ để bảo đảm tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Ba là, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp theo hướng tích hợp công nghệ xanh trong chuỗi cung ứng.

(1) Doanh nghiệp cần hoạch định giữa áp dụng chuỗi cung ứng xanh và mục tiêu của doanh nghiệp nhằm tạo ra giá trị chiến lược. Theo đó, doanh nghiệp cần định hướng rõ mục tiêu kinh doanh bao gồm: tạo ra sự khác biệt sản phẩm (sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên hay sản phẩm được thiết kế nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường); tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ; giảm thiểu chi phí; quản lý rủi ro; định nghĩa lại thị trường. Khi chương trình chuỗi cung ứng xanh phù hợp với mục tiêu sẽ có các chỉ số đánh giá sự thành công của doanh nghiệp, bao gồm: các chỉ số về môi trường; động lực cho hoạt động đổi mới; sự ủng hộ của các tổ chức liên quan.

(2) Doanh nghiệp cần đánh giá chuỗi cung ứng như một hệ thống bao gồm: tối thiểu hóa các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng và vốn; tối ưu hóa chu kỳ sản xuất trong sự tác động của môi trường; tối đa hóa các yếu tố đầu ra như sản phẩm và lợi nhuận.

(3) Các nhà quản trị cần xem chuỗi cung ứng xanh là động lực để cải thiện quy trình hoạt động của tổ chức với mục tiêu chính là giảm chi phí. Ô nhiễm và rác thải thể hiện việc sử dụng nguyên vật liệu không chuẩn hóa và thiếu hiệu quả. Do đó, việc doanh nghiệp tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng sẽ mang lại lợi ích về mặt tài chính và cải thiện hình ảnh thương hiệu trong mắt nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.

(4) Doanh nghiệp cần hoàn thiện mô hình kinh doanh theo tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải vượt qua rào cản nội bộ để thực hiện sự thay đổi của tổ chức, tạo sự thống nhất trong chuỗi cung ứng, tập trung vào mục tiêu và kết quả đã theo đuổi.

Ngoài những hướng đi trên, khi triển khai thực tế, doanh nghiệp cần áp dụng các công cụ đo lường và đánh giá các tiêu chuẩn và hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng khi tích hợp các giải pháp công nghệ xanh dựa trên hệ thống kiểm soát chặt chẽ các thành phần của chuỗi cung ứng.

Bốn là, ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng.

(1) Áp dụng những ứng dụng số quan trọng để tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận chuyển, cho phép các doanh nghiệp theo dõi và quản lý chính xác lượng nguyên liệu sử dụng, từng bước sản xuất cũng như hiệu suất vận chuyển. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể giảm lượng chất thải và khí thải gây ô nhiễm ra môi trường.

(2) Coi việc sử dụng công nghệ số như một giải pháp thông minh để tối ưu hóa quy trình lưu trữ và phân phối hàng hóa. Các hệ thống tự động thông minh có thể quản lý lượng hàng tồn kho, giảm thiểu lãng phí và sử dụng tối đa không gian lưu trữ. Điều này giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tài nguyên.

(3) Ứng dụng công nghệ số vào giám sát và theo dõi chất lượng không khí, nước và đất để xác định và ngăn chặn sự cố môi trường kịp thời, giúp giảm thiểu rủi ro môi trường và tiết kiệm chi phí.

(4) Ứng dụng công nghệ số vào chuỗi cung ứng tạo thành chuỗi cung ứng xanh hướng đến bảo đảm tính minh bạch trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời đóng góp tích cực vào bảo vệ thiên nhiên, môi trường phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê (2024). Tăng trưởng và xuất siêu: những dấu hiệu tích cực từ xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/03/tang-truong-va-xuat-sieu-nhung-dau-hieu-tich-cuc-tu-xuat-nhap-khau-hang-hoa-2-thang-dau-nam-2024/
2. Rao, P., and Holt, D. (2005). Do green supply chains lead to competitiveness and economic performance? International Journal of Operations & Production Management, 25, 898 – 916.
3. Christopher, Lambert (2011). Logistics and supply management. London: Pit-man Publishing.
4. Nagurney (2006). Supply chain network Economics. Books, Edward Elgar Publishing.
5. Green Jr., K.W., Zelbst, P.J., Meacham, J. and Bhadauria, V.S. (2012). Green Supply Chain Management Practices: Impact on Performance, Supply Chain Management: An International Journal, 17, 290 – 305, https://doi.org/10.1108/13598541211227126.
6. Wu, Kuo-Ju, Liao, Ching-Jong, Tseng, Ming-Lang, Chiu, Anthony S.F. (2015). Exploring decisive factors in green supply chain practices under uncertainty. International Journal of Production Economics, Elsevier, 159(C), 147 – 157.
7. Nguyễn Thị Nguyệt Anh và Lê Phan Hòa (2013). “Công nghệ xanh” chuỗi cung ứng – Hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 193(II), 49 – 54.
8. Tạ Văn Lợi (2022). Thực hành công nghệ xanh chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển – Hệ thống quản lý trực tuyến, 13 – 26.
9. 1C Việt Nam (2024). Chuỗi cung ứng xanh là gì? Cách ứng dụng vào doanh nghiệp. https://1c.com.vn/vn/news/chuoi-cung-ung-xanh
10, 11, 12, 13. InterLog (2023). Logistics xanh trong chuỗi cung ứng: 6 điều bạn cần biết.https://interlogistics.com.vn/vi/tin-tuc/blog/logistics-xanh-trong-chuoi-cung-ung-n-593