Vũ Việt Anh
Học viên Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng hiện nay là một kỹ năng quan trọng của học viên đào tạo cán bộ chính trị ở Trường Sĩ quan Chính trị. Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới và sự phát triển mạnh mẽ của internet đã và đang đặt ra vấn đề cần phải nâng cao hơn nữa ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng của học viên đào tạo cán bộ chính trị ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay.
Từ khóa: Học viên; đào tạo cán bộ chính trị; Trường Sĩ quan Chính trị; quan điểm thù địch; không gian mạng.
1. Đặt vấn đề
Đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị nói riêng. V. I. Lênin đã khẳng định một vấn đề có tính quy luật: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”1. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của các chủ thể. Trong đó, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng quan trọng trong đấu tranh với các quan điểm thù địch, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong toàn quân.
2. Lý luận và thực trạng đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị
Quan điểm thù địch trên không gian mạng là những quan điểm không đúng về mặt khoa học và thực tiễn đối với các vấn đề chính trị, xã hội, đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp cầm quyền được các chủ thể đăng tải, lưu trữ trên không gian mạng dưới nhiều hình thức có tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của Nhân dân; làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia – dân tộc và Nhân dân Việt Nam; chống lại Đảng Cộng sản, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại an ninh quốc gia, đến độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng là quá trình chủ thể dùng lý lẽ để bác bỏ, phủ định các quan điểm thù địch trên không gian mạng với quan điểm bảo vệ quan điểm của mình là đúng.
Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; coi đây là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò của việc đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng, thời gian qua, Trường Sĩ quan Chính trị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cho học viên tham gia hoạt động này, đặc biệt là đối tượng học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Vì vậy, những năm gần đây, ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội của nhà trường ngày càng phát triển, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại những hạn chế cần phải được khắc phục, như: còn một bộ phận học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội chưa có nhận thức đầy đủ, chưa xây dựng được tư tưởng và thái độ đúng đắn trong đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng… Vì thế, việc quan tâm giáo dục nâng cao ý thức đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng cho học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội là thực sự cần thiết.
Hiện nay, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của internet, các thế lực thù địch phát tán nhiều quan điểm thù địch gây ảnh hưởng nhất định tới nhận thức, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, Nhân dân. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục đấu tranh với các quan điểm thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII, đó là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”2.
Điều đó có ý nghĩa, trong thời kỳ mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có bước phát triển mới, với nội hàm rất rộng, phạm vi bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, nhiệm vụ đó lại diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn. Trong điều kiện đó, đòi hỏi mỗi quân nhân phải có nhận thức và hành động đúng đắn để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Mặt khác, phương hướng xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng hiện nay.
3. Giải pháp nâng cao ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị.
Đối với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần phải xác định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng với nhiệm vụ và đối tượng học viên trên cơ sở đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội; chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng; hướng dẫn của các cơ quan cấp trên và thực tiễn của nhà trường. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ của cấp trên, đơn vị, nghiên cứu kỹ nội dung, yêu cầu về nâng cao ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch của học viên trên không gian mạng, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong nghị quyết lãnh đạo, hằng tháng xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng kiến thức nhận diện quan điểm thù địch và đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng của học viên. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng, kịp thời phát hiện những cách làm hay, những mô hình tiêu biểu, những điển hình để tuyên dương, nhân rộng, cũng như điều chỉnh, uốn nắn những cá nhân, tổ chức, đoàn thể chưa thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đối với cơ quan chức năng, cần chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp hướng vào giải quyết đúng đắn, có hiệu quả hoạt động nâng cao ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội trên không gian mạng. Kịp thời ban hành, quán triệt, triển khai thực hiện các kế hoạch, chỉ thị, hướng dẫn cho các đơn vị quản lý học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội trong Nhà trường thực hiện nghiêm túc. Phối hợp chặt chẽ với các khoa giáo viên và đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy; tổ chức tốt việc tự học tập, tự rèn luyện của học viên; kết hợp chặt chẽ giữa học tập với các hoạt động ngoại khóa, thực hành giúp học viên nâng cao ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng.
Đối với các khoa giáo viên, cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nâng cao ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch của học viên đào tạo cán bộ chính trị trên không gian mạng. Các khoa giáo viên cần phát huy vai trò gương mẫu của giảng viên nhất là các khoa giáo viên giảng dạy lý luận. Các thầy, cô giáo cần nêu gương trong việc sử dụng các phương tiện trên không gian mạng để đấu tranh với quan điểm thù địch. Bên cạnh đó các thầy, cô cần nâng cao hiệu quả việc giảng dạy các nội dung lý luận, không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung, phương thức, hình thức truyền đạt kiến thức, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thường xuyên cập nhật các quan điểm mới của Đảng, tình hình chính trị – xã hội trong và ngoài nước, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu, phương tiện chống phá mới của các thế lực thù địch, các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, phản bác hiệu quả của ta… vào nội dung giảng dạy.
Đối với tổ chức đoàn thanh niên, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng tình cảm của học viên đối với nhiệm vụ đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng. Xuất phát từ đặc điểm của lứa tuổi thanh niên, các phong trào, hoạt động chính trị cần phải được tổ chức khoa học, với phương pháp phù hợp, tăng cường tính hấp dẫn của các hoạt động do đoàn thanh niên tổ chức để lôi cuốn học viên tham gia, cần lồng ghép, mềm hóa, đa dạng hóa cách thức thể hiện các nội dung giáo dục nâng cao ý thức đấu tranh với thù địch trên không gian mạng cho học viên, tránh các phong trào mang tính hình thức, đơn điệu, khô cứng.
Hai là, tăng cường xây dựng môi trường văn hóa chính trị ở nhà trường.
Để xây dựng môi trường văn hóa chính trị tốt đẹp, trước hết nhà trường cần xây dựng hệ thống các chỉ thị, nghị quyết về đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng phù hợp với nhiệm vụ, trình độ của học viên; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp lý, quy định quản lý, cung cấp sử dụng Internet đối với quân nhân gắn với thực hiện quy định xây dụng chính quy, chấp hành kỷ luật, bảo vệ chính trị nội bộ.
Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của tập thể học viên trong xây dựng môi trường văn hóa chính trị ở nhà trường. Bởi tập thể học viên trong nhà trường gồm mọi quân nhân, cán bộ cũng như học viên đều cùng chung lý tưởng cách mạng và mục đích phục vụ, đều nhất trí về quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhà trường, đều bình đẳng về chính trị và đều là đồng chí của nhau, đây là điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch của học viên. Xây dựng tập thể quân nhân trong đó chú trọng xây dựng tập thể học viên vững mạnh toàn diện trên tất cả các mặt, trong đó lấy nâng cao chất lượng chính trị làm cơ sở. Bảo đảm mỗi học viên đều có quan hệ tổ chức, kỷ luật, các mối quan hệ đồng chí, đồng đội tốt và có khả năng tổ chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ của đơn vị và nhà trường.
Thường xuyên thực hiện tốt các phong trào thi đua ở nhà trường là giải pháp nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho học viên, khuyến khích học viên tham gia đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, tổ chức các phong trào thi đua phải chặt chẽ, có nội dung cụ thể, sát với từng đối tượng, từng đơn vị, có chỉ tiêu và mục tiêu rõ ràng để các đơn vị và từng cá nhân mỗi học viên phấn đấu thực hiện. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nội dung các phong trào thi đua cần thông qua nhiều hình thức, biện pháp giáo dục, tuyên truyền phù hợp để khơi dậy được tính tự giác, chủ động, tích cực của học viên nhà trường cần hạn chế thấp nhất các biện pháp mang tính cưỡng chế, bắt buộc.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động này. Bổ sung cho các đơn vị trực thuộc đồng bộ các trang thiết bị hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, tránh hiện tượng tận dụng các trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ làm cho cả người hướng dẫn và người học khó xử lý trong tiến hành các hoạt động thực hành tại đơn vị. Việc nâng cấp các trang thiết bị, các trang bị vật chất sẽ giúp học viên tự tin trong hoạt động đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng.
Ba là, phát huy tính tích cực của học viên trong đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng.
Trước hết, cần khuyến khích nâng cao khả năng tự học tập, nâng cao trình độ nhận thức, năng lực thực hành của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Từng học viên phải nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học tập lý luận và năng lực thực hành như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”3.
Phát huy vai trò của các chủ thể trong cổ vũ, động viên học viên tích cực, tự giác tham gia đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quan tâm, chăm lo, động viên kịp thời, tạo ra được những điều kiện thuận lợi, cơ hội phấn đấu cho học viên trong tham gia đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng.
Đẩy mạnh các hoạt động thi đua, học tập rèn luyện ý thức đấu tranh với các quan điểm thù địch trên không gian mạng cho học viên. Qua đó, mỗi đơn vị tùy theo điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của mình, tổ chức hoạt động đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng gắn với các phong trào thi đua, các hội thi, hội thao để khuyến khích học viên tham gia. Thông qua đó, vừa tạo động lực mạnh mẽ vừa rèn luyện được khả năng vận dụng kiến thức, trau dồi thêm kinh nghiệm đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng cho học viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.
4. Kết luận
Nâng cao ý thức đấu tranh với quan điểm thù địch trên không gian mạng của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay vừa mang tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là trước những thủ đoạn, luận điệu hết sức tinh vi, nguy hiểm của các thế lực thù địch trên không gian mạng thì việc nâng cao ý thức đấu tranh với các quan điểm này của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở nhà trường cần phải tiến hành đồng bộ, nhất quán các giải pháp.
Chú thích:
1. V. I. Lênin toàn tập (2005). Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 145.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 105.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 611.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2018). Chỉ thị số 23 – CT/TW ngày 09/02/2018 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
2. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35 -NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
3. Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên là học viên Trường Sĩ quan Chính trị. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/10/boi-duong-ly-tuong-cach-mang-cho-doan-vien-thanh-nien-la-hoc-vien-truong-si-quan-chinh-tri/
4. Phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/03/28/phat-trien-y-thuc-nghe-nghiep-cua-hoc-vien-dao-tao-si-quan-chinh-tri-cap-phan-doi-o-truong-si-quan-chinh-tri-hien-nay/