Trần Thị Thảo Uyên
Phòng Văn hóa và Thông tin quận 6, TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Du lịch và thực hiện chính sách phát triển du lịch là cơ hội lớn cho các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển nhằm phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo; góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất Việt Nam có hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật vào loại đồng bộ nhất cả nước; có lợi thế so với nhiều địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch. Bài viết đề cập đến việc thực hiện chính sách và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn quận 6, TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Du lịch; chính sách du lịch; quận 6, TP. Hồ Chí Minh; thực hiện.
1. Đặt vấn đề
Quận 6, TP. Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 7,14 km2, chiếm 0,34% diện tích của toàn thành phố, được chia thành 14 phường với 74 khu phố và 841 tổ dân phố1. Với lợi thế về tài nguyên du lịch, như: di tích lịch sử, đặc trưng là các địa điểm có lịch sử lâu đời gắn liền với người Việt và người Hoa, khu ẩm thực, vui chơi…, quận 6 trong những năm qua đã tích cực xây dựng hình ảnh “Điểm đến năng động và thân thiện”. Hiện nay, việc thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn quận 6 là vấn đề cấp thiết và cần sự đầu tư trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, quận đã tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó xác định chợ Bình Tây làm điểm nhấn để thu hút khách du lịch, tạo sự gắn kết với các điểm du lịch trên địa bàn quận.
2. Thực trạng triển khai chính sách phát triển du lịch trên địa bàn quận 6, TP. Hồ Chí Minh
Trong những năm đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đối với phát triển du lịch trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để phục hồi hoạt động du lịch nội địa, các cơ quan, ban,ngành địa phương tiếp tục triển khai Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Công văn số 4698/BVHTTDL-TCDL ngày 16/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thực hiện Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.
Ngày 14/10/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định tầm nhìn đến năm 2045: “Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu”2. Thực hiện Nghị quyết, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, quận 6, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến du lịch, đặc biệt là điểm du lịch di tích chợ Bình Tây. Theo chương trình của quận, chợ Bình Tây có nhiều sự kiện, lễ hội, các chương trình biễu diễn nghệ thuật phong phú, sôi động chào đón Tết Nguyên Đán năm 2024, như: “Chương trình rộn ràng mua sắm Xuân”, “Ngày Hội kết nối ngân hàng và thương nhân”, “Chương trình biễu diễn nghệ thuật đón chào năm mới 2024”, “Chương trình Nối rộng vòng tay – Mừng xuân 2024”, “Ngày hội số hóa tiểu thương 4.0”, “Chương trình Xuân yêu thương – Tết ấm áp”, Liên hoan Lân Sư Rồng, Đêm hội Nguyên tiêu… góp phần tăng trưởng ngành Du lịch và phát triển kinh tế – xã hội3.
Bên cạnh đó, hưởng ứng “Tuần lễ du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2024” với các hoạt động hưởng ứng Lễ hội sông nước, như: trưng bày bộ nhận diện thương hiệu (băng rôn, standee..,) của Lễ hội sông nước TP. Hồ Chí Minh qua các kênh truyền thông trực tuyến (website, các kênh mạng xã hội…) và tại trụ sở đơn vị, màn hình led, cổ động trực quan trên địa bàn các phường. Vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn có chương trình khuyến mãi, ưu đãi hoặc ra mắt dịch vụ mới hưởng ứng Lễ hội sông nước TP. Hồ Chí Minh. Phối hợp Sở Du lịch triển khai công tác thực hiện đón tiếp đại biểu các tỉnh, thành phố tham dự “Lễ hội sông nước lần thứ 2 năm 2024”4.
Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh, quận 6 đã xây dựng các chương trình chiến lược, đề án phát triển du lịch đến năm 2030 để du lịch thực sự trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng và phát triển đô thị nhằm nâng cao ý thức cộng đồng; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Quan điểm phát triển trong định hướng thực hiện chính sách du lịch, quận 6 tập trung vào một số yếu tố cơ bản sau:
Một là, tôn vinh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của quận; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nổi bật, đặc trưng đến với du khách, kết nối các điểm du lịch, tour, tuyến du lịch của quận tới du khách, các công ty du lịch, các doanh nghiệp lữ hành… Phát triển nhóm du lịch đặc thù, như: các sản phẩm hình thành từ không gian văn hóa – lịch sử và những công trình kiến trúc độc đáo, bao gồm: 6 di tích: hầm bí mật in tài liệu Ban tuyên huấn Hoa vận thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Cơ sở bí mật Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, Mộ và Đền thờ ông Phạm Văn Chí, kiến trúc nghệ thuật đình Bình Tiên, kiến trúc nghệ thuật chùa Giác Hải, kiến trúc nghệ thuật chợ Bình Tây; 4 công trình trong danh mục kiểm kê di tích: chùa Kiểng Phước, đình Bình Tây, chùa Sắc Tứ Từ Ân và đình Tân Hòa Đông5.
Hai là, tổ chức các chương trình du lịch thiết thực, hiệu quả; giới thiệu lịch sử, nét đẹp văn hóa, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, tuyến đường chuyên doanh với các sản phẩm đặc trưng nhằm kết nối, phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn quận. Phát triển thương hiệu Phố ẩm thực Phú Lâm (trước đây là Phố ẩm thực phường 13, quận 6). Xác định các giá trị, phong cách của các điểm ẩm thực và hướng đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng, bảo đảm từ thiết kế không gian đến chất lượng dịch vụ đều phù hợp với định vị thương hiệu. Bên cạnh đó, cần tạo ra các hoạt động, sự kiện để tương tác với khách hàng và củng cố thương hiệu; thực hiện phát triển nhận dạng thương hiệu, như: thiết kế logo, slogan, màu sắc và các yếu tố thị giác nhằm tạo ra một hình ảnh thống nhất.
Ba là, triển khai Đề án: “Phố đêm Chợ Lớn” gắn với phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, điều kiện của quận. Đây là khu sinh hoạt văn hóa, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch với trọng tâm là chợ Bình Tây sẽ làm đòn bẩy để hỗ trợ phát triển hoạt động thương mại tại các tuyến đường Thương mại – dịch vụ Hậu Giang – Tháp Mười, Minh Phụng – Bình Tiên, Võ Văn Kiệt… Đồng thời, khai thác các lợi thế tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch với nét đặc trưng riêng; phát triển các hoạt động kinh tế về đêm để bổ trợ cho hoạt động kinh tế ban ngày, qua đó tạo ra nguồn thu cho quận 6 và thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh cũng còn một số khó khăn, như: (1) Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực của ngành Du lịch, các doanh nghiệp du lịch chủ yếu còn nhỏ lẻ nên sức cạnh tranh còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn nên khả năng mở rộng thương hiệu quốc tế còn hạn chế. (2) Hạ tầng du lịch còn lạc hậu, chưa được nâng cấp so với sự phát triển của đô thị, mật độ phương tiện lưu thông cao nên thiếu điểm dừng, đỗ đón trả khách tại các điểm tham quan. (3) Các chính sách về bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống nhằm bảo đảm tài nguyên du lịch còn bị buông lỏng… Vì vậy, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, quận 6, TP. Hồ Chí Minh cần có những giải pháp mang tính quyết định nhằm triển khai các chính sách một cách đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội.
4. Một số giải pháp phát triển du lịch quận 6
Thứ nhất, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Tổ chức điều tra, đánh giá nhu cầu sản phẩm đối với những thị trường du lịch được xác định trong chiến lược để bảo đảm việc phát triển sản phẩm du lịch là phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại cũng như trong giai đoạn thực hiện. Theo đó, xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn quận để phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù.
Thứ hai, chú trọng phát triển du lịch liên kết với các quận, huyện khác nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên toàn thành phố. Tập trung nâng cao chất lượng các chương trình du lịch của quận; tăng cường kết hợp với các quận, huyện khác xây dựng các chương trình du lịch liên kết nhằm phát triển đồng bộ các loại hình du lịch, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch đêm, du lịch vui chơi giải trí, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực… phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần nhằm phục hồi sức khỏe của Nhân dân và phục vụ khách du lịch.
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững, vì vậy, cần phải có chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Đây là yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh của từng điểm đến du lịch do đó cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ làm du lịch tại địa bàn. Cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia về quản lý du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và tiếp thị, quảng bá thương hiệu du lịch. Việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn, có kiến thức về văn hóa, lịch sử, du lịch và có kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn khách du lịch là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng dịch vụ và tạo sự hài lòng cho khách du lịch.
Thứ tư, chú trọng chính sách quản lý và bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống nhằm bảo đảm tài nguyên du lịch được sử dụng một cách bền vững. Việc tạo ra các chương trình giáo dục và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của du khách về giá trị văn hóa của địa phương và các di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống cũng là một điều cần thiết nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch.
Thứ năm, tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, hướng đến du lịch tăng trưởng xanh, du lịch có trách nhiệm. Xây dựng môi trường pháp lý nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường du lịch hướng đến ngành Du lịch bền vững.
5. Kết luận
Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, quận 6 đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó, những khó khắn, vướng mắc đã được tập trung giải quyết, điều này đã tạo được sự gắn kết giữa Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, UBND quận 6 và các thành phần kinh tế khác. Đây không chỉ là mối quan hệ của vai trò quản lý nhà nước trong việc chấp hành quy định pháp luật mà còn là sự chia sẻ khó khăn và đồng lòng trong việc thực hiện các chủ trương của quận, của thành phố; là cơ sở bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi xây dựng và phát triển đất nước.
Chú thích:
1. Tổng quan quận 6 – TP. Hồ Chí Minh. http://www.quan6.hochiminhcity.gov.vn/gioithieu/Pages/SoDo/gioi-thieu-chung.aspx
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-thanh-pho-ho-chi-minh-lan-thu-xi-nhiem-ky-2020-2025-1491870713
3, 4, 6. UBND quận 6 (2024). Báo cáo số 68/BC-VHTT ngày 04/6/2024 về kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch 6 tháng năm 2024 trên địa bàn quận 6
5. Cẩm nang du lịch quận 6. http://www.quan6.hochiminhcity.gov.vn/TinTuc/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?ID=6925
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. UBND quận 6 (2019). Báo cáo số 281/BC-UBND ngày 24/6/2019 về chương trình Hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng các ngành Dịch vụ trên địa bàn quận 6 giai đoạn 2015 – 2020.
3. UBND quận 6 (2021). Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2021 trên đại bàn quận 6 ngày 04/12/2021.
4. UBND quận 6 (2022). Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2022 trên đại bàn quận 6, ngày 04/12/2022.
5. UBND quận 6 (2023). Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023 trên đại bàn quận 6, ngày 04/12/2023.
6. UBND quận 6 (2024). Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch 6 tháng năm 2024 trên địa bàn quận 6 ngày 04/6/2024.
7. Lê Thị Ngọc Lệ (2024). Chính sách phát triển du lịch bền vững của một số nước và giá trị tham khảo cho Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 337 (tháng 02/2024), tr. 122 – 126.
8. Hoài Sương (2023). TP. Hồ Chí Minh: khắc phục hạn chế để ngành Du lịch đạt doanh thu 160.000 tỷ đồng. https://baodautu.vn/tphcm-khac-phuc-han-che-de-nganh-du-lich-dat-doanh-thu-160000-ty-dong-d194072.html
9. Thu Trinh (2023). Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đau đầu vì thiếu nhân lực. https://plo.vn/nganh-du-lich-tphcm-dau-dau-vi-thieu-nhan-luc-post742228.html#:~:text=Ngu%E1%BB%93n%20nh%C3%A2n%20l%E1%BB%B1c%20thi%E1%BA%BFu%20h%E1%BB%A5t,t%E1%BB%95%20ch%E1%BB%A9c%20ng%C3%A0y%2013%2D7.