Nhân tố cơ bản quy định ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo Sĩ quan cấp phân đội ở Trường sĩ quan Chính trị

Tào Văn Phương 
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc Phòng
Nguyễn Văn Tài 
Trường Sĩ quan Lục quân I, Bộ Quốc Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Dưới góc độ nghiên cứu khoa học, ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị là vấn đề cần được nghiên cứu. Cách tiếp cận nghiên cứu ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị là cơ sở để tìm hiểu, phân tích và xác định những nhân tố quy định năng lực nghiên cứu khoa học gắn với từng chủ thể, lĩnh vực hoạt động cụ thể.

Từ khóa: Học viên đào tạo sĩ quan Chính trị; ý thức nghiên cứu khoa học; Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

1. Đặt vấn đề

Ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân độiở Trường sĩ quan Chính trị là tổng hòa các yếu tố tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí của họ được hình thành và phát triển từ thực tiễn nghiên cứu khoa học, quyết định trực tiếp chất lượng nghiên cứu khoa học của học viên đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo. 

Trước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới và cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, khoa học ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, khoa học lý luận là bộ phận hợp thành khoa học – công nghệ để làm sáng tỏ, sâu sắc hơn và giải quyết những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. 

Ý thức nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng sâu sắc tới các hình thái ý thức xã hội khác, như: củng cố, phát huy nhân tố tích cực; khắc phục những quan niệm không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến đời sống và tiến bộ xã hội. Ý thức nghiên cứu khoa học quyết định hiệu quả nghiên cứu khoa học, phát triển ý thức nghiên cứu khoa học cần sự tác động tổng hợp của các yếu tố điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan mới đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất. 

Ý thức nghiên cứu khoa học tốt là cơ sở góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, trongphạm vi nghiên cứu của bài viết, từ việc khảo sát chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị với các nội dung phân tích về nhận thức, trách nhiệm cá nhân với ý thức nghiên cứu khoa học; cơ chế, chính sách, điều kiện vật chất bảo đảm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển ý thức nghiên cứu khoa học; nhân tố chủ quan của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội tại Trường Sĩ quan Chính trị.

2. Ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan Chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị

Theo kết cấu của ý thức, ý thức nghiên cứu khoa học là tổng hòa tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí nghiên cứu khoa học.

Tri thức khoa học là tổng thể những quan điểm, quan niệm, tư tưởng,  hay kết quả có tính chất phổ quát biểu hiện ở khái niệm, phạm trù hay công thức khoa học có giá trị chỉ đạo nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Tri thức khoa học thể hiện trình độ nhận thức cao, có tính hệ thống về các vấn đề bản chất của khoa học và đặc thù khoa học ở lĩnh vực mà chủ thể thực hiện. Tri thức khoa học giúp đi sâu bản chất các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong đời sống, là cơ sở để sáng tạo những tri thức giá trị mới tiến bộ, khoa học và nhân văn trong xã hội. 

Tình cảm khoa học là một bộ phận của ý thức nghiên cứu khoa học, biểu hiện dưới dạng cảm xúc, thái độ, tâm trạng của mỗi cá nhân hay tập thể đối với khoa học. Tình cảm khoa học ở trình độ nhận thức thông thường dựa trên cơ sở hiểu biết truyền thống, kinh nghiệm, tập quán và tâm lý xã hội. Tình cảm khoa học là biểu hiện tình cảm của con người trước tình huống, sự kiện, hiện tượng khoa học xảy ra trong đời sống xã hội, mang tính chất chủ quan, cảm tính; là “nhựa sống” thúc đẩy tìm tòi, sáng tạo của các chủ thể khoa học không ngừng khám phá, sáng tạo ra tri thức mới, thúc đẩy sự phát triển của tư tưởng khoa học. Nếu cá nhân không có tình cảm khoa học tích cực thì không có hệ tư tưởng khoa học chỉ đạo và do đó cũng không có ý thức nghiên cứu khoa học.

Niềm tin khoa học là cơ sở để phát huy trách nhiệm, tích cực tìm tòi, khám phá tri thức mới. Không có niềm tin khoa học sẽ nảy sinh thái độ xem thường tri thức khoa học, nhất là tri thức khoa học xã hội, điều đó dẫn đến tư tưởng qua loa, đại khái trong nghiên cứu khoa học. Có niềm tin vững chắc vào cơ sở lý luận, những giá trị mới phù hợp với quy luật phát triển, giúp các chủ thể kiên trì thực hiện các hoạt động nghiên cứu mà họ cho là đúng đắn, điều này càng củng cố niềm tin, nghị lực để khám phá tri thức mới.

Ý chí khoa học là quyết tâm của mỗi cá nhân hay tập thể trong nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại nhằm đạt được giá trị tri thức khoa học mới. Trong các yếu tố cấu thành ý thức nghiên cứu khoa học, ý chí nghiên cứu khoa học là yếu tố năng động nhất trong điều khiển hành động của chủ thể. Giá trị của ý chí nghiên cứu khoa học không chỉ được thể hiện ở sức mạnh của nhân tố mà còn biểu hiện ở ý nghĩa xã hội của hoạt động khoa học. Nếu ý chí khoa học của chủ thể vững vàng, mạnh mẽ là nhân tố quyết định vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thành công hoạt động khoa học. Ngược lại, nếu ý chí khoa học dao động, hời hợt sẽ làm chủ thể do dự, chậm chễ, mất bình tĩnh dẫn đến những kết quả sai.

3. Kết quả nghiên cứu và đánh giá thực trạng

3.1. Kết quả nghiên cứu

Theo chủ trương mới của Trường, học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội đang có sự chuyển giao giữa đối tượng đào tạo chương trình 5 năm và đối tượng đào tạo chương trình 4 năm. Sự đan xen chương trình đào tạo giữa các đối tượng có những ảnh hưởng và tác động nhất định tới quá trình dạy và học. Qua khảo sát số lượng 150 người, đối tượng là học viên đào tạo Sĩ quan Chính trị cấp phân đội ở Trường sĩ quan Chính trị từ năm thứ 1 đến năm thứ 5 do nhóm tác giả thực hiện tháng 4 năm 2024 và kết quả nghiên cứu tài liệu báo cáo tổng kết năm học 2021 – 2022 và năm học 2022 – 2023 của nhà trường. 

Kết quả cho thấy, Tri thức khoa học của học viên đối với hoạt động nghiên cứu khoa học thể hiện: (1) Nhận thức tốt về nội dung và giá trị của nghiên cứu khoa học đạt 90%; (2) Nhận thức về các nội dung cấu thành của ý thức nghiên cứu khoa học đạt 80,67%;

Tình cảm khoa học của học viên đối với hoạt động nghiên cứu khoa học là: (1) Thái độ yêu thích, tinh thần say mê nghiên cứu khoa học đạt 62,66%; (2) Thái độ trước tình huống, sự kiện, hiện tượng khoa học xảy ra trong đời sống xã hội thúc đẩy tìm tòi, khám phá, sáng tạo của các chủ thể khoa học ra trị thức mới là 58,66%.

Niềm tin khoa học được thể hiện: (1) Học viên có niềm tin vững chắc vào cơ sở lý luận, sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước, vai trò của khoa học lý luận – bộ phận hợp thành của khoa học – công nghệ đạt 85,33%; (2) Học viên phát huy trách nhiệm, tích cực tìm tòi, khám phá tri thức mới 76,66%.

Ý chí khoa học của học viên, đó là: (1) Quyết tâm của mỗi cá nhân hay tập thể trong nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại nhằm đạt được giá trị tri thức khoa học mới là 82,66%; (2) Giá trị của ý chí nghiên cứu khoa học biểu hiện ở ý nghĩa xã hội của hoạt động khoa học đạt 86,66%.

3.2. Đánh giá thực trạng ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị

Kết quả khảo sát trên cho thấy, nhận thức về khoa học và giá trị của nghiên cứ khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị là tương đối tốt, nhất là tri thức về khoa học của học viên ở mức cao (chiếm 90%), đáp ứng cơ bản yêu cầu dạy và học của Nhà trường và chuẩn đầu ra2.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác giáo dục, phát triển ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo Sĩ quan cấp phân đội. Đa số học viên có ý thức tốt, nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, góp phần lan tỏa, thúc đẩy học viên trong Nhà trường thi đua, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao. Đã có nhiều công trình khoa học của học viên trên nhiều lĩnh vực được nghiệm thu với chất lượng cao, được xã hội hóa, kiểm chứng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị vẫn còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận học viên chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; thái độ, trách nhiệm của một số học viên chưa thật sự đúng đắn và rõ ràng, vẫn còn biểu hiện ngại khó, đùn đẩy khi tham gia nghiên cứu khoa học. 

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên đây có một phần nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội còn hạn chế; cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất chưa thực sự thúc đẩy tính tích cực, tự giác, niềm đam mê của học viên trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

3Các nhân tố cơ bản quy định ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội tại Trường 

Một là, nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội.

Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng cho các nhân tố khác, quy định sự phát triển tổng thể các yếu tố cấu thành ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội, gồm: tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí. Thực chất của nhân tố là nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy tác động tới ý thức nghiên cứu khoa học của học viên. Chủ thể đó là Đảng ủy, Ban Giám hiệu; các cơ quan chức năng; khoa giáo viên; lãnh đạo, chỉ huy đơn vị quản lý đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển nghiên cứu khoa học theo sứ mệnh của Nhà trường, Quân đội nhân dân và của đất nước. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng thường xuyên bám sát định hướng phát triển ra văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm cơ chế, chính sách chặt chẽ, môi trường nghiên cứu thuận lợi, cơ sở vật chất tốt nhất. Làm cho học viên thấy được ý nghĩa, vai trò và kết quả nghiên cứu khoa học mang lại cho bản thân trong học tập, rèn luyện, từ đó tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. 

Đối với đội ngũ giảng viên của Trường, bám sát hướng dẫn, định hướng phát triển, cụ thể hóa nội dung bài giảng, bài tập thực hành của môn học nghiên cứu khoa học. Đây là yếu tố có ý nghĩa động lực giúp học viên vượt qua khó khăn trong tư duy, tìm tòi sáng tạo. Do đó, quá trình giảng viên hướng dẫn nghiên cứu khoa học cũng đồng thời là quá trình truyền cảm hứng, động lực, ý chí cho học viên trong quá trình nghiên cứu. 

Hai là, cơ chế, chính sách, điều kiện vật chất bảo đảm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển ý thức nghiên cứu khoa học.

Cơ chế, chính sách, điều kiện vật chất bảo đảm là nhân tố cơ bản có ý nghĩa rất quan trọng tạo ra môi trường, động lực thúc đẩy phát triển ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị. Nghị quyết số 1652 ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương xác định: thúc đẩy, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong Quân đội gắn kết chặt chẽ với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; các viện, trung tâm nghiên cứu, học viện, nhà trường là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, kết hợp với các hoạt động của tuổi trẻ sáng tạo, sáng kiến thành phong trào rộng khắp; phổ biến, nhân rộng các sáng kiến, sáng chế phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu3. Cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh phí, thời gian, điều kiện vật chất bảo đảm tạo động lực để học viên tích cực, hăng say nghiên cứu với đam mê sáng tạo như một “phong trào nghiên cứu khoa học”, qua đó “khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn”4.

Ba là, nhân tố chủ quan của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị.

Ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, trong đó nhân tố chủ quan có ý nghĩa then chốt quyết định. Tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí khoa học của học viên chỉ thực sự bền vững khi  nhân tố chủ quan được phát huy trong học tập, rèn luyện để chiếm lĩnh tri thức và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ khoa học.

Thực chất, việc hình thành ý thức nghiên cứu khoa học của học viên là quá trình chuyển hóa yêu cầu, đòi hỏi khách quan thành trạng thái chủ quan – là nhu cầu, động cơ, mục đích hoạt động tự tìm kiếm tri thức, phương pháp hoạt động, xác lập thái độ, ý chí khoa học thông qua những hoạt động tích cực của học viên như nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường nhận định: “Tuyệt đại đa số học viên có nhận thức và động cơ, thái độ học tập, rèn luyện đúng đắn”5.

Việc xác định xu hướng nghề nghiệp và mục tiêu phấn đấu giúp học viên trong quá trình học tập, rèn luyện xác lập nhu cầu, động cơ tích cực; xây dựng tình cảm, niềm tin, ý chí khoa học. Với tư cách là chủ thể nghiên cứu, bằng khả năng, trí tuệ của mình hiện thực hoá nội dung khoa học chính là biến quá trình giáo dục thành tự rèn luyện đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường. 

Bên cạnh đó, sự tác động tổng hợp các nội dung, biện pháp tới nhân tố chủ quan cũng tạo động lực mạnh mẽ để học viên có ý chí quyết tâm cao thực hiện nội dung khoa học, thúc đẩy quá trình hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, năng lực của người lãnh đạo, chỉ huy khi ra trường trên cương vị công tác.

3. Kết luận

Ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị chịu sự quy định bởi nhiều nhân tố, các nhân tố cơ bản trên gồm cả điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Ý thức nghiên cứu khoa học là tổng hòa tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí của học viên với khoa học; thể hiện trình độ hiểu biết, thái độ, sự quyết tâm trong nghiên cứu khoa học. Ý thức nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị có tác dụng định hướng, xác lập nhu cầu, động cơ, mục đích nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện và lý giải những vấn đề lý luận và thực tiễn khoa học đặt ra đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường và cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.

Chú thích:
1, 2. Tổng hợp kết quả khảo sát trong nghiên cứu của nhóm tác giả thực hiện tháng 4/2024.
3Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 227.
5. Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hà Nội, 2020, tr. 37.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Mạnh Hùng, Lê Thị Minh Phương (2021). Phương pháp nghiên cứu khoa học. H. NXB Xây dựng.
2. Đoàn Minh Duệ, Đinh Ngọc Thắng (2016). Giáo trình phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. C.Mác – Ph.Ăngghen toàn tập (1994). Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia.
4. Trường Sĩ quan Chính trị (2023). Báo cáo số 2229/BC-SQCT ngày 08/8/2023 về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.
5. Nguyễn Văn Tuấn (2013). Đi vào nghiên cứu khoa học. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.