Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Đặng Văn Hồi
UBND phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Cấp giấy phép xây dựng là một trong những hoạt động thường xuyên và liên tục của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Cấp giấy phép xây dựng sẽ là cơ sở để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo đảm quy hoạch, trt tự xây dựng, quản lý đô thị. Thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng được thực thi theo hướng đơn giản, thuận lợi và phù hợp sẽ góp phần cải thiện hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Bài viết làm rõ thực trạng thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ ra những hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố.

Từ khoá: thủ tục, cấp giấy phép xây dựng, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Giấy phép xây dựng là một văn bản pháp lý của Nhà nước chấp thuận một công trình (dự án) xây dựng đã đáp ứng đủ điều kiện về mặt kiến trúc, xây dựng kết cấu hạ tầng, an toàn … theo luật định và được phép khởi công xây dựng.

Theo quy định hiện hành thì “Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình”1. Với quy định như vậy, giấy phép xây dựng được xem như một “chứng thư pháp lý” để xác nhận mối quan hệ hợp pháp giữa nhà nước và công dân trong hoạt động xây dựng. Giấy phép này chỉ có thể được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyển, theo quy định của pháp luật mà không phải bất kỳ cơ quan thẩm quyền nào cũng có chức năng này. Việc được nhà nước cấp giấy phép xây dựng cho một công trình nào đó đồng nghĩa với việc công trình được xây dựng là hợp pháp và được nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích trong quá trình xây dựng. giấy phép xây dựng gồm các loại: xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo và di dời công trình.

Hoạt động cấp giấy phép xây dựng bao gồm các giai đoạn: tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng. Giấy phép xây dựng là kết quả của hoạt động cấp phép xây dựng thông qua các thủ tục hành chính. Thủ tục cấp phép xây dựng là tổng hợp các quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm xác lập trình tự, cách thức thực hiện thẩm quyền của các cơ quan nhà nước về quản lý xây dựng2. Thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng bao gồm các quy định về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cùng với đó là hệ thống quy phạm pháp luật hướng tới việc chỉ dẫn, định hướng cho chủ đầu tư về điều kiện cần và đủ để cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết hồ sơ. Những điều kiện đó có thể là thủ tục hồ sơ, giấy tờ và những căn cứ pháp lý khác về nhu cầu xây dựng, là điều kiện tài chính mà chủ đầu tư có trách nhiệm phải nộp, là những quy định cần biết khi tiếp cận với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Hoạt động cấp giấy phép xây dựng là quyền và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền về cấp phép xây dựng từ trung ương đến địa phương (Bộ Xây dựng, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện) được quy định cụ thể tại Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đã quy định lại thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng ở cấp địa phương.

2. Tình hình thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trên cơ sơ các văn bản pháp luật, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố, như: Quyết định số 4892/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng; Uỷ ban nhân dân cấp huyện thuộc Thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/3/2022 của Thành ủy Thành phố Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Quyết định số 5937/QĐ-UBND ngày 21/11/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính nội bộ trong lĩnh vực xây dựng thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, thủ tục phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh dự án, quyết định đầu tư xây dựng công trình giảm từ 19 ngày xuống còn 15 ngày. Thời gian này được phân bổ như sau: trong 11 ngày làm việc, Sở Xây dựng dự thảo tờ trình phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh dự án, quyết định phê duyệt/ phê duyệt điều chính dự án; gửi lấy ý kiến các sở, ngành liên quan (nếu cần thiết); hoàn thiện hồ sơ và ban hành tờ trình gửi UBND Thành phố. UBND Thành phố xem xét, phê duyệt dự án/phê duyệt điều chỉnh dự án trong 4 ngày làm việc. Phương án này sẽ giúp giảm 21% thời gian giải quyết và 20% chi phí tuân thủ.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng. Thành phố đã tạo sự thống nhất trong quy trình đăng ký, cấp giấy phép xây dựng cho các cá nhân, tổ chức. tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, người dân, chủ đầu tư dễ dàng tìm hiểu pháp luật và áp dụng. Mặt khác, thành phố cũng đã công khai, niêm yết quy trình, kết quả xét duyệt hồ sơ để người dân tham gia góp ý, phát hiện sai sót hoặc khiếu nại nếu có. Quy trình cấp giấy phép xây dựng được thực hiện qua bộ phận “Một cửa”, hoặc hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và nhận kết quả tại bộ phận “Một cửa” để tạo nên sự thuận tiện cho người dân, chủ đầu tư. Việc tiếp nhận và trả hồ sơ đối với 100% hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo hình thức trực tuyến cấp độ 3 bảo đảm thời gian theo quy định.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Giám đốc Sở Xây dựng về tình hình trật tự xây dựng đối với các loại hình công trình nhà ở trên địa bàn thành phố năm 2023 nêu rõ vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra ở một số quận, huyện, thị xã. 

Về công tác kiểm tra trật tự xây dựng, toàn thành phố Hà Nội có 20.915 công trình xây dựng đúng giấy phép, song vẫn còn có tới 2.294 công trình xây sai giấy phép, 7.326 công trình không phép3… Như vậy, số công trình vi phạm trật tự xây dựng chiếm một tỉ lệ khá cao, gần 50%, so với công trình xây đúng giấy phép. Một số địa phương có công trình xây dựng không phép nhiều, như: huyện Đông Anh có 5.800 công trình, quận Hai Bà Trưng có 855 công trình, quận Hoàn Kiếm 216 công trình. Công trình xây dựng sai phép tập trung ở quận Ba Đình với 268 công trình, quận Nam Từ Liêm 559 công trình, quận Tây Hồ 260 công trình, quận Cầu Giấy 433 công trình4.

Điển hình tại thị xã Sơn Tây, qua kiểm tra xác suất 100 bộ hồ sơ cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, Đoàn Thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ ra những bất cập, như:

(1) Về điều kiện cấp phép, theo Điều 91, 93 Luật Xây dựng năm 2014 quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ đô thị. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn thị xã Sơn Tây, các đồ án quy hoạch đang trong quá trình lập, không có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc được duyệt là nguyên nhân khó khăn trong việc cấp phép.

(2) Về trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng. Qua rà soát 76/100 hồ sơ cấp phép, việc tổ chức kiểm tra hiện trạng thực hiện quá hạn 7 ngày theo quy định, UBND thị xã Sơn Tây chưa công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp trên trang thông tin điện tử. Ngoài ra, 88/100 hồ sơ có đơn xin đề nghị cấp phép ghi thiếu nội dung theo quy định tại biểu mẫu 01 – Phụ lục II Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ. Cụ thể ghi thiếu nội dung diện tích sàn từng tầng; chiều cao từng tầng. 100/100 bản vẽ kèm giấy phép xây dựng được đóng dấu của cơ quan cấp phép theo mẫu dấu quy định nhưng chưa ghi đầy đủ các nội dung thông tin trên mẫu dấu.

(3) Đối với quản lý xây dựng theo giấy phép. Đoàn Thanh tra kiểm tra hiện trạng xác suất 40 công trình đã đưa vào sử dụng cho thấy, một số công trình xây dựng chưa đúng hồ sơ bản vẽ thiết kế cấp phép thuộc trường hợp người dân xây với diện tích mặt bằng nhỏ hơn và số tầng tầng thấp hơn so với thiết kế được cấp phép, thay đổi kiến trúc mặt tiền hoặc điều chỉnh từ mái bằng sang mái chéo.

(4) Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và UBND các phường cũng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện các công trình xây dựng không đúng thiết kế giấy phép; chưa hướng dẫn người dân điều chỉnh giấy phép trong trường hợp phát sinh việc xây dựng thay đổi5.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên là do quy trình, thủ tục, điều kiện về cấp giấy phép xây dựng còn mang tính tản mạn, chồng chéo, thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp luật, như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch Thủ đô, Luật phòng cháy, chữa cháy, Luật Môi trường. Việc thường xuyên thay đổi những quy chế mới, tiêu chuẩn mới về định mức, đơn giá… khiến việc thẩm định hồ sơ và tính toán chi phí xây dựng cho từng công trình, hạng mục công trình của các chủ đầu tư phải tính lại nhiều lần gây mất thời gian, chi phí và là nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thứ nhất, thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn khẩn trương lập, hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc làm căn cứ cấp phép xây dựng. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật vào công tác lập, thẩm định, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu kiến trúc bảo đảm nhanh chóng thuận lợi. Sớm ban hành quy chế quản lý kiến trúc của từng địa phương, khu vực nhằm tạo điều kiện để công tác cấp phép được thuận lợi, đơn giản, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép xây dựng.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, đồ án quy hoạch để kịp thời điều chỉnh, cấp giấy phép xây dựng. Để giải quyết vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng liên quan đến điều kiện về quy hoạch, UBND thành phố Hà Nội cần ban hành quy chế đối với các công trình xin phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin kiến trúc – quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch có nội dung khác với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt hoặc chưa cập nhật thông tin quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt, nhưng không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, xã hội chung của đồ án quy hoạch được duyệt thì được cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Thứ ba, cụ thể hóa điều kiện cấp phép, quy định thành phần hồ sơ cấp giấy phép xây dựng. Thành phố cần cụ thể hóa đối với hồ sơ cấp giấy phép xây dựng công trình phải đáp ứng các điều kiện, như: phù hợp với quy hoạch trong đó bao gồm cả quy hoạch xây dựng; quy hoạch sử dụng đất; có nguồn gốc pháp lý của công trình hợp pháp, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; quyền sở hữu công trình gắn liền với đất…không có tranh chấp; đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn (của công trình và khu vực).

Thủ tục cấp giấy phép xây dựng cần đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình xin cấp giấy phép xây dựng. Thành phố có thể nghiên cứu bỏ bớt một số nội dung, như: đối với công trình xây xen bỏ mặt cắt hiện trạng công trình liền kề và giải pháp gia cố, chống đỡ công trình cũ. Chỉ cần chủ đầu tư có văn bản cam kết chịu trách nhiệm đối với việc hư hỏng các công trình liền kề, lân cận nếu nguyên nhân hư hỏng được xác định do thi công công trình mới gây ra. Trường hợp chưa có kết quả phê duyệt thiết kế của cơ quan có thẩm quyền, thì có thể liên thông về thủ tục hoặc áp dụng quy chế quản lý kiến trúc để xem xét cấp giấy phép xây dựng. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố.

Thứ tư, Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện, thị xã phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 104 Luật Xây dựng, lập kế hoạch và kiểm tra việc xây dựng sau khi cấp phép; kiểm tra đầy đủ thông tin theo mẫu đơn đề nghị cấp phép, hoàn thiện nội dung trên dấu bản vẽ cấp phép, bảo đảm thời hạn kiểm tra thực địa bảo đảm không vượt quá thời hạn quy định pháp luật. Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và UBND các xã, phường cần tăng cường kiểm tra, quản lý các công trình xây dựng; có biện pháp chấn chỉnh công tác kiểm tra, lập biên bản, hướng dẫn và tuyên truyền người dân chấp hành việc xây dựng theo giấy phép được cấp, trong trường hợp có thay đổi phải thực hiện thủ tục cấp điều chỉnh giấy phép xây dựng theo đúng quy định pháp luật.

4. Kết luận

Thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng là yêu cầu bắt buộc không chỉ với cá nhân, tổ chức có nhu cầu xây dựng mà còn đối với chính các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Bởi hoạt động này chính là sự bảo vệ của pháp luật cho các công trình xây dựng hợp pháp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng. Do vậy, hoạt động cấp giấy phép xây dựng muốn đạt được hiệu quả như mong muốn đòi hỏi cả các cơ quan nhà nước và chính người dân phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục thực hiện cấp phép xây dựng. Để hoạt động cấp giấy phép xây dựng diễn ra thuận lợi hơn, trong giai đoạn tới, thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính nói chung, đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng nói riêng để gia tăng sự hài lòng của người dân; đồng thời cũng chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép đang diễn ra trên địa bàn thành phố hiện nay.

Chú thích:
1. Khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014.
2. Nguyễn Văn Thâm, Võ Kim Sơn (2007). Giáo trình thủ tục hành chính. H. NXB Khoa học kỹ thuật, tr. 48.
3, 4. Sở Xây dựng (2023). Báo cáo của Giám đốc Sở Xây dựng về kết quả tổng kiểm tra, rà soát cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng tháng 12/2023.
5. Sở Xây dựng (2023). Báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng, ngày 31/12/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
2. Quốc hội (2019). Luật Kiến trúc năm 2019.
3. Quốc hội (2014). Luật Nhà ở năm 2014.
4. Quốc hội (2009). Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
5. Chính phủ (2021). Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.