Đại úy Đinh Gia Ty
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo vệ, chăm sóc nhằm nâng cao sức khỏe Nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Từ thực tiễn lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh rút ra những kinh nghiệm và tiếp tục đề xuất một số kiến nghị làm cơ sở cho Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh thực hiện lãnh đạo công tác này ở những giai đoạn tiếp theo đạt chất lượng tốt hơn.
Từ khóa: Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; kinh nghiệm.
1. Đặt vấn đề
Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là trong 10 năm qua. Vì vậy, việc rút ra những bài học kinh nghiệm quý từ quá trình lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong thời gian qua, là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nghiên cứu, xác định những chủ trương đúng đắn trong công tác lãnh đạo bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân giai đoạn tiếp theo, bảo đảm cho công tác này đạt hiệu quả cao hơn.
2. Kết quả và kinh nghiệm từ quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân
a. Về kết quả triển khai
Quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có của tỉnh, bằng những chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, các huyện, thành phố, thị xã và các xã, thị trấn đều thành lập được Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe, hệ thống y tế dự phòng và quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân được củng cố. Công tác phòng, chống dịch bệnh và giám sát tình hình dịch tễ luôn được quan tâm, nhất là đã ngăn chặn kịp thời dịch cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, sốt rét, Covid-19…, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Kết quả quan trọng nữa, đó là mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm củng cố dần đi vào hoàn thiện với tất cả các xã, thị trấn đều xây dựng được trạm Y tế hoặc phòng khám khu vực. Tất cả các trạm đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, bảo đảm có bác sĩ, y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống y tế được củng cố và hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, cụ thể: hệ thống y tế cơ sở của tỉnh (sau khi sáp nhập) hiện gồm 8 trung tâm y tế huyện, thành phố và 126 trạm y tế xã, phường, thị trấn cùng với hệ thống nhân viên y tế ở thôn, khu phố. Đến nay, có 8/8 trung tâm y tế cấp huyện hoạt động tương đương bệnh viện hạng II; hệ thống các Trạm y tế xã, phường, thị trấn được quan tâm đầu tư đồng bộ, từ việc cải tạo cơ sở hạ tầng, nâng cấp và xây dựng mới các Trạm y tế xã, đến việc mua sắm hệ thống trang thiết bị, trang bị 100% máy siêu âm, máy điện tim và nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu khác cho các trạm y tế hoạt động phục vụ Nhân dân trên địa bàn1, đội ngũ cán bộ y tế với cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn được nâng cao, tính đến năm 2022, “toàn tỉnh có 4.435 công chức, viên chức, lao động ngành y tế, trong đó có 970 bác sỹ, 85 tiến sĩ, bác sĩ CKII. Bác sĩ tuyến tỉnh chiếm hơn 51% tổng số bác sĩ toàn ngành, bác sĩ tuyến huyện chiếm hơn 37%; tuyến xã có 114 bác sĩ, trong đó 108/126 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu”2.
Bảo hiểm y tế được mở rộng diện bao phủ; công tác y tế dự phòng của tỉnh được củng cố, tăng cường; chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên tính đến năm 2021, tỉnh Bắc Ninh đạt 31,8 giường bệnh/10.000 dân vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra là đến năm 2025 đạt là 30 giường bệnh/10.000 dân3, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Để có được những kết quả nêu trên, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã luôn chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện cho các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan và hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
2.2. Một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân
Thứ nhất, luôn coi trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Sở Y tế là cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ trực tiếp phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình, Mặt trậnTổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… tổ chức tuyên truyền, giáo dục.
Để quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, các cơ quan chuyên môn, các ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể đã kết hợp giữa việc đa dạng hóa các hình thức, phương thức, cách làm trong hoạt động tuyên truyền, cổ động với chú trọng lựa chọn những hình thức, phương thức, cách làm phù hợp cho từng địa bàn, đối tượng cụ thể (tuyên truyền bằng miệng; bằng các phương tiện trực quan; phương tiện thông tin đại chúng; các hoạt động giao lưu văn nghệ – thể thao, hội thảo; qua các ấn phẩm: sách, báo, khẩu hiệu). Đồng thời, đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục các tầng lớp xã hội đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình và người dân để họ tích cực, chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Thứ hai, làm tốt công tác phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bắc Ninh là tỉnh có nhiều các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất – kinh doanh,một mặt, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, mặt khác, đặt ra cho môi trường những thách thức về ô nhiễm môi trường do lượng rác thải, nước thải và khí thải công nghiệp, chất lượng an toàn thực phẩm. Nắm chắc tình hình, đặc điểm của tỉnh, trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế – xã hội, lấy con người là trung tâm, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo sâu sắc các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt chú trọng quan tâm đến phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Để thực hiện tốt chương trình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, một trong những mục tiêu quan trọng tỉnh Bắc Ninh hướng tới là: chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng4. Các nội dung phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe đã được lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các quy hoạch phát triển ngành; xây dựng đề án giảm tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, nước và đất tới sức khỏe con người trong toàn tỉnh, hiện nay đã “lắp đặt nhiều Trạm quan trắc nước mặt tự động, Trạm quan trắc môi trường không khí tự động để giám sát; triển khai xây dựng 3 Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng điện tại các huyện Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành; đầu tư 10 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong để giải quyết cấp bách lượng rác thải phát sinh tại các phường, thị trấn có lượng rác thải lớn. Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 4 hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, làng nghề; 3 hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu dân cư nông thôn…”5.
Việc triển khai công tác truyền thông về nguy cơ, nâng cao năng lực giám sát và đánh giá tác động, xây dựng hệ thống quản lý thông tin và báo cáo thống kê về tình hình bệnh tật, tử vong do tác động của các yếu tố nguy cơ được các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Điều này cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khi xác định rõ: “Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”6. Đồng thời, chú trọng tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vẫn còn những hạn chế nhất định: hệ thống tổ chức đã được củng cố nhưng chưa thực sự tinh gọn, nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao còn ít; cơ sở vật chất của một số đơn vị đã xuống cấp; một số bệnh viện còn quả tải; công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện có thời điểm chưa tốt; công tác phòng, chống dịch, bệnh có lúc còn thụ động; công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập; chất lượng hoạt động y tế cơ sở còn hạn chế, y tế cơ sở chưa phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu.
3. Một số biện pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân
Để góp phần phấn đấu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cần làm tốt các yêu cầu nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kiện toàn, củng cố bộ máy quản lý nhà nước về y tế dự phòng, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm các cấp; nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn đối với cán bộ; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏetheo hướng hiện đại. Quy định chặt chẽ quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành. Thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định quy hoạch, xét duyệt dự án đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn theo hướng khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm; hạn chế các dự án đầu tư có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm về phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó Sở Y tế phối hợp với SởThông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, các phương tiện thông tin truyền thông nhằm phổ biến kiến thức pháp luật về môi trường và các văn bản pháp luật liên quan cho mọi tầng lớp nhân dân. Phốihợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác giáo dục trong trường học, kết hợp kiến thức môi trường, xây dựng hành vi, lối sống một cách khoa học, hiệu quả đối với tầng lớp thanh thiêu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc ít người.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế dự phòng.
Y tế dự phòng không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ. Như vậy, chúng ta phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm dự phòng trong lập kế hoạch và đầu tư cho các chương trình y tế. Để vượt qua những thách thức lớn phía trước y tế dự phòng cần luôn sẳn sàng và thực hiện “Dự phòng tích cực, chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ; dự phòng toàn diện và có trọng điểm…”. Thực hiện công tác y tế dự phòng là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức và của mỗi người dân. Hiệu quả của các hoạt động dự phòng là rất rõ rệt, bảo vệ sức khỏe, dự phòng bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm chi phí trong chẩn đoán và điều trị.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế.
Tỉnh Bắc Ninh xác định: “tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện chuyên khoa phong, lao, tâm thần; bố trí ngân sách y tế cho y tế dự phòng bảo đảm lớn hơn 30% tổng ngân sách y tế”7.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Y tế báo cáo trình Bộ Y tế về kế hoạch xây dựng đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao cho tỉnh, nhất là việc bố trí bác sĩ về công tác tại tuyến xã, qua đó công tác khám, chữa bệnh ở cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Mặt khác, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đã góp phần giúp đội ngũ cán bộ y tế từng bước tiếp cận và triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật y học hiện đại mà trước đây chưa triển khai được. Hệ thống y tế ngoài công lập ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể lựa chọn các dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế công lập, tạo môi trường cạnh tranh và tạo việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ y tế…
Thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút cán bộ y tế, nhất là thu hút các chuyên gia giỏi, coi đây là giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Y tế của tỉnh, cần quán triệt và thực hiện tốt yêu cầu sau:
(1) Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đây là đội ngũ gần dân, bám dân nhất, có vai trò đặc biệt quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Theo đó, nếu bác sĩ tuyến dưới chữa bệnh tốt, bệnh nhân không phải dồn lên trên, tránh được cả những trường hợp đáng tiếc khi chẩn đoán nhầm, khi đưa bệnh nhân lên tuyến trên thì đã muộn. Y tế cơ sở chính là nòng cốt và là tuyến trước, do đó, nếu hàng rào này mà làm tốt thì chắc chắn ở trên sẽ giảm tải, chi phí điều trị ít tốn kém hơn và vẫn đạt được kết quả tốt. Đồng thời, phát triển y học kỹ thuật cao, hội nhập y tế thế giới để tăng khả năng điều trị bệnh, bảo đảm cuộc sống mạnh khỏe cho mỗi người dân.
(2) Thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là công tác phức hợp, liên ngành, trong quá trình tổ chức thực hiện lại phải tiến hành đồng thời, lồng ghép nhiều dự án, chương trình, chính sách kinh tế – xã hội. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vừa phải nắm chắc công việc của đơn vị mình, vừa phối hợp với các sở, ban, ngành khác để thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏengười dân. Việc tổ chức tập huấn, cử cán bộ cơ sở đi học, nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân ở các địa phương khác cũng phải được quan tâm; cần tạo điều kiện để các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành được tham dự các hội thảo khoa học, trao đổi chuyên môn về y học trong nước và quốc tế.
(3) Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng về tiền lương, tiền phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ y tế bám cơ sở. Cần ban hành quy chế biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm khuyến khích, động viên, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự hợp tác của các ngành, đoàn thể trong thực hiện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Để công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tập trung tiến hành đồng bộ các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe cho người dân với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Củng cố Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp nhằm đẩy mạnh thực hiện phối hợp liên ngành trong các hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 26/01/2018 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới… đã tạo sự thống nhất, chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc triển khai huy động các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của đề án đề ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ hành nghề y, dược tư nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng pháp luật, chú trọng việc đối xử bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ y tế giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa y tế; tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thích hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; đồng thời, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển các dịch vụ y tế. Tập trung thực hiện đẩy mạnh công tác xã hội hóa hệ thống y tế cơ sở, phát triển nhiều loại hình y tế ngoài công lập, y tế cộng đồng; hình thức chữa bệnh Đông – Tây y kết hợp. Tiếp tục vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
4. Kết luận
Với những kinh nghiệm nêu trên, được rút ra từ quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân từ năm 2010 – 2020. Đây là những bài học quý có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, qua đó, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trong những năm tiếp theo, bảo đảm cho công tác này đạt hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và toàn dân phải nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện linh hoạt, sáng tạo những bài học kinh nghiệm trên trong những giai đoạn tiếp theo để công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân thực sự là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Chú thích:
1, 2, 5. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2022). Báo cáo số 57/BC-UBND ngày 27/6/2022 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
3. Tác giả tổng hợp từ số liệu trong Báo cáo số 57/BC-UBND ngày 27/6/2022 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
4, 6. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2018). Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 26/01/2018 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2018). Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 04/6/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) (2017). Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
2. Chính phủ (2017). Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.