Kết quả thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á từ năm 2021 đến nay 

ThS. Lê Phương Thảo
Trường Song ngữ Quốc tế Hà Nội Academy

(Quanlynhanuoc.vn) – Đông Nam Á không chỉ là thị trường kinh tế tiềm năng mà còn là khu vực trọng yếu trong việc duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu. Từ năm 2021, Hoa Kỳ đã có những điều chỉnh chiến lược về chính sách đối ngoại, tập trung vào các đối tác chiến lược tại Đông Nam Á thông qua khuôn khổ hợp tác của ASEAN. Bài viết đánh giá kết quả thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ năm 2021 đến nay đối với khu vực Đông Nam Á nhằm hiểu rõ hơn về vai trò và sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với khu vực này.

Từ khóa: Hoa Kỳ; Đông Nam Á; ASEAN; chính sách đối ngoại năm 2021 đến nay.

1. Các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á

Từ năm 2021 đến nay, dưới thời Tổng Thổng Joe Biden, Hoa Kỳ đã có những điều chỉnh chiến lượctrong triển khai chính sách đối ngoại tại Đông Nam Á, coi Đông Nam Á là một phần quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cụ thể:

Thứ nhất, quan tâm và gắn kết sâu sắc hơn đối với khu vực Đông Nam Á, thể hiện ở 5 mục tiêu trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Nhà Trắng công bố ngày 12/02/2022.

(1) Thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở,  ủng hộ quyền tự quyết và tự chủ phù hợp với luật pháp quốc tế của các chính phủ trong khu vực, đồng thời, các vùng biển, vùng trời và các không gian chung được quản lý hợp pháp1.

(2) Xây dựng kết nối trong và ngoài khu vực; trong đó nhấn mạnh vào 5 đồng minh hiệp ước (Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan) và các đối tác hàng đầu của Hoa Kỳ tại khu vực2.   

(3) Thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực, hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực nhanh chóng khai thác, chuyển đổi công nghệ, thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng và khí hậu3.

(4) Tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cam kết duy trì sự hiện diện quốc phòng để hỗ trợ hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực4   

(5) Hỗ trợ các quốc gia trong khu vực ứng phó với biến đổi khí hậu, chấm dứt đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa chung5.

Thứ hai, phát triển mối quan hệ hợp tác “toàn diện” với các đối tác trong khu vực. Thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của khu vực với Sáng kiến khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)6.

Thứ ba, trong quan hệ với khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ tiếp tục xác định: “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là trung tâm của kiến trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và cam kết sẽ “ủng hộ ASEAN với tư cách là một tổ chức mạnh mẽ, độc lập, dẫn đầu ở khu vực”7.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực trụ cột, như: về kinh tế, y tế, năng lượng, an ninh hàng hải, chống biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; củng cố và cải thiện quan hệ song phương với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là các nước đồng minh và đối tác, trong đó, chú trọng đến lĩnh vực an ninh, quân sự, năng lượng sạch. 

2. Kết quả thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á từ năm 2021 đến nay

Về mặt tổng thể, từ năm 2021 đến nay, Hoa Kỳ và khu vực ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực, như: tăng cường hợp tác song phương và đa phương; thúc đẩy vai trò trung tâm của Đông Nam Á; đối phó với các thách thức chung trong khu vực:

Một là, tăng cường hợp tác song phương và đa phương thuộc khuc vực Đông Nam Á.

Ở góc độ song phương, Hoa Kỳ tập trung củng cố và cải thiện mối quan hệ với các nước thành viên ASEAN; trong đó chú trọng hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quân sự, năng lượng sạch. Chẳng hạn:

(1) Philippines: Hoa Kỳ và Philippines cam kết thực hiện theo Hiệp ước Phòng thủ chung, 2 bên có nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra “cuộc tấn công vũ trang” nhằm vào tàu thuyền, máy bay, quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển ở bất kỳ nơi nào tại Thái Bình Dương8. Trong năm 2023, Philippines đã tăng số lượng căn cứ quân sự mà quân đội Hoa Kỳ có thể sử dụng từ 5 thành 9 với các địa điểm mới nằm gần các khu vực có thể bùng phát xung đột9Bên cạnh đó, hai bên cũng hợp tác về lĩnh vực hạt nhân10; hợp tác kinh tế: hai bên tăng cường đầu tư vào chuyển đổi năng lượng sạch, khoáng sản và an ninh lương thực; nhất trí đồng tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Manila vào năm 202411.

(2) Indonesia: Hoa Kỳ và Indonesia hợp tác mới trong những lĩnh vực, như: an ninh mạng, không gian, tập trận chung và hạt nhân. Về khí hậu, hai nước nhất trí sẽ hỗ trợ lưới điện và cải thiện chất lượng không khí. Năm 2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện12.

(3) Thái Lan: Hoa Kỳ và Thái Lan là quan hệ đồng minh – đối tác; mối quan hệ này đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Washington tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiện nay, hai nước đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược về hợp tác quốc phòng và kinh tế, trong đó có hợp tác phát triển nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, năng lượng tái tạo, an ninh mạng, biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng13.

(4) Việt Nam: Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược. Hoa Kỳ  ủng hộ một Việt Nam “mạnh mẽ, độc lập, tự cường và thịnh vượng”. Các dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Mỹ từ năm 2021 đến nay, như:  Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam (từ ngày 24/8 – 26/8/2021); Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam (từ ngày 10/9 – 11/9/2023). Hai bên đã thúc đẩy, phát triển làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước vì lợi ích, vì hòa bình, hợp tác và phát triển theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”;  tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng – an ninh, coi trọng thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế, đẩy mạnh hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh14.

Ở góc độ đa phương, từ năm 2021, Hoa Kỳ tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, tham dự toàn diện hơn các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, như: cử nhân sự cho vị trí đại sứ tại ASEAN sau 5 năm bỏ trống (tháng 9/2021); nối lại việc tham dự các hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN (tháng 10/2021); chủ động đề xuất và tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Hoa Kỳ và ASEAN tại Nhà Trắng (tháng 5/2022); nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ – ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 10/2022). Tổng thống Biden công bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD cho khu vực ASEAN trong năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai bên. Năm 2021, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của ASEAN, chiếm 23% trong tổng số vốn FDI vào khu vực15. Kế hoạch hành động ASEAN – Hoa Kỳ (2021 – 2025) đến nay đạt tỷ lệ thực hiện cao, gần 98% với kết quả đa dạng trên các lĩnh vực như hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, hợp tác biển, an ninh mạng, kết nối, phát triển bền vững, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, y tế công cộng… Hoa Kỳ tiếp tục nằm trong số đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại ASEAN với hơn 6.000 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Đông Nam Á16

Hai là, thúc đẩy vai trò trung tâm của Đông Nam Á.

Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định trong cuộc họp lần thứ 15 Ủy ban hợp tác chung ASEAN – Mỹ (cấp Đại sứ) tại Jakarta, Indonesia ngày 09/7/2024: “coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực tham gia đóng góp tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt”17. Năm cơ chế, diễn đàn tiêu biểu nhất thể hiện cho vai trò trung tâm của ASEAN, đó là: ASEAN + 1 (ASEAN có quan hệ đối thoại và đối tác với 9 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ, Canada và 2 tổ chức khu vực, quốc tế là EU và Liên hiệp Quốc); ASEAN + 3 (cơ chế hợp tác giữa ASEAN với 3 nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc); Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) (cơ chế đối thoại cấp cao giữa lãnh đạo ASEAN với các nước Đông Á và khu vực lân cận); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) (thành phần gồm 10 nước ASEAN và 08 nước đối tác đối thoại ngoài khu vực (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ) ; Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) (diễn đàn nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa).

Từ năm 2021, Hoa Kỳ đã hợp tác với các nước Đông Nam Á để đối phó với các thách thức chung trong khu vực, bao gồm: phục hồi sau đại dịch Covid-19, an ninh y tế, kinh tế, chuỗi cung ứng, kinh tế số, năng lượng, kết nối mạng lưới, hạ tầng, biến đổi khí hậu và tăng cường giao lưu nhân dân giữa các nước18; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 198219; bảo vệ trật tự, thượng tôn pháp luật trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế20.

3. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách đối ngoại giữa Hoa Kỳ và khu vực Đông Nam Á từ năm 2021 đến nay

Những kết quả đạt được từ chính sách đối ngoại giữa Hoa Kỳ và khu vực Đông Nam Á có thể thấy, mức độ gắn kết và chia sẻ lợi ích giữa hai bên ngày càng toàn diện và có tác động lớn đến hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Với Hoa Kỳ, đó là: (1) Tăng cường ảnh hưởng địa chính trị, giúp Hoa Kỳ củng cố vị thế là một cường quốc hàng đầu tại khu vực, cân bằng với sự trỗi dậy của các cường quốc khác; (2) Bảo đảm an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải tại khu vực, bảo vệ các lợi ích kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ; (3) Mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp cận một thị trường tiêu thụ lớn và đầy tiềm năng. Ví dụ: khu vực ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các nước trong khối trong năm 2021 nhập khẩu từ Hoa Kỳ gần 100 tỷ USD hàng hóa và 35 tỷ USD dịch vụ. Đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực lớn hơn tổng đầu tư từ ba nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản21.

Với khu vực Đông Nam Á, đó là: (1) Thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; (2) Nâng cao năng lực quốc phòng, tăng cường khả năng đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và thiên tai; (3) Đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, giảm sự phụ thuộc vào một đối tác duy nhất và tăng cường vị thế của ASEAN trên trường quốc tế; (4) Hỗ trợ quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN, nhận được sự ủng hộ và hợp tác từ một cường quốc hàng đầu thế giới trong quá trình xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước thuộc khu vực Đông Nam Á vẫn còn gặp một số trở ngại, như: vấn đề Myanmar vẫn còn phức tạp; cách tiếp cận của Hoa Kỳ về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo còn chưa khách quan; các vấn đề về quyền lao động và bảo vệ môi trường chưa thống nhất trong các cuộc đàm phán thương mại; mặc dù Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á, song trong tổng thể chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, ASEAN vẫn xếp thứ tự ưu tiên thấp hơn so với các đồng minh và đối tác chủ chốt22; Hoa Kỳ vẫn chưa đề xuất rõ những đòn bẩy khuyến khích ASEAN tham gia vào IPEF, khiến chiến lược cụ thể dành cho khu vực đến nay vẫn mơ hồ23; đặc biệt, cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ làm cho các nước trong khu vực Đông Nam Á phải cân nhắc trong việc thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, bởi Hoa Kỳ cũng chưa có một chiến lược rõ ràng để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực này. Chẳng hạn: Hoa Kỳ vẫn chưa có chiến lược kinh tế thực sự để chống lại Trung Quốc. Các mục tiêu mơ hồ của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) không thể so sánh được với sức nặng của TPP như một hiệp định thương mại thực tế. Trong khi đó, năm 2022, Trung Quốc đã bắt đầu tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Đông Nam Á dẫn đầu, cùng với các đối tác của Hoa Kỳ, như: Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Hiệp định RCEP cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây24.

4. Kết luận

Chính sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và khu vực Đông Nam Á là một trong những mối quan hệ quốc tế quan trọng nhất trong định hình cục diện chính trị, kinh tế và an ninh tại Ấn Độ Dương  – Thái Bình Dương. Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong hợp tác giữa hai bên mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, đóng góp vào sự ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay vẫn còn nhiều thách thức bắt buộc hai bên cần phải vượt qua để duy trì và phát triển mối quan hệ này.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 7. The White House: “Indo – Pacific Strategy of The United States. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf.
6. The White House: In Asia, PresidentBiden and a Dozen Indo – Pacific Partners Launch the Indo – Pacific Economic Framework for Prosperity. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/23/fact-sheet-in-asia-president-biden-and-a-dozen-indo-pacific-partners-launch-the-indo-pacific-economic-framework-for-prosperity.
8. Mỹ nhấn mạnh cam kết hợp tác với Philippineshttps://vtv.vn/the-gioi/my-nhan-manh-cam-ket-hop-tac-voi-philippines-20240730193604781.htm, ngày 30/7/2024.
9. Philippines không cho Mỹ tiếp cận thêm căn cứ quân sự. https://thanhnien.vn/philippines-khong-cho-my-tiep-can-them-can-cu-quan-su-185240416093848623.htm, ngày 16/4/2024.
10. Mỹ – Philippines ký thỏa thuận lịch sử về hợp tác năng lượng hạt nhân.https://dantri.com.vn/the-gioi/my-philippines-ky-thoa-thuan-lich-su-ve-hop-tac-hat-nhan-20231117110708678.htm, ngày 12/3/2022.
11. Mỹ và Philippines củng cố quan hệ đồng minh. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/my-va-philippines-cung-co-quan-he-dong-minh-726877, ngày 3/5/2023.
12. Mỹ, Indonesia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. https://tuoitre.vn/my-indonesia-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-20231114140430584.htm, ngày 14/11/2023.
13. Mỹ và Thái Lan thúc đẩy mở rộng quan hệ đối tác chiến lược. https://vtv.vn/the-gioi/my-va-thai-lan-thuc-day-mo-rong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-20220711123159088.htm, ngày 11/07/2022.
14. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. https://special.nhandan.vn/quan-he-hop-tac-viet-nam-va-hoa-ky/index.html, ngày truy cập 20/8/2024.
15. Mỹ và ASEAN nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện. https://vneconomy.vn/my-va-asean-nang-cap-quan-he-thanh-doi-tac-chien-luoc-toan-dien.htm, ngày 12/11/2022.
16, 17.  Mỹ tiếp tục khẳng định coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/my-tiep-tuc-khang-dinh-coi-trong-va-ung-ho-vai-tro-trung-tam-cua-asean-672123.html, ngày 10/7/2024.
18, 21, 23.  Thượng đỉnh lịch sử’ giúp ASEAN – Mỹ giải quyết loạt thách thức. https://vnexpress.net/thuong-dinh-lich-su-giup-asean-my-giai-quyet-loat-thach-thuc-4462105.html, ngày 13/5/2022.
19. ASEAN – Mỹ thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 11. https://vnexpress.net/asean-my-thiet-lap-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-vao-thang-11-4463339.html, ngày 14/5/2022.
20. Mỹ cam kết cùng ASEAN bảo vệ thượng tôn pháp luật trên biển. https://vnexpress.net/my-cam-ket-cung-asean-bao-ve-thuong-ton-phap-luat-tren-bien-4463266.html, ngày 14/5/2022. 
22. Đông Nam Á trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. https://vov.gov.vn/dong-nam-a-trong-chinh-sach-cua-my-duoi-thoi-tong-thong-biden-dtnew-270064, ngày 1/6/2021.
24. Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới có hiệu lực từ đầu 2022. https://vnexpress.net/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-lon-nhat-the-gioi-co-hieu-luc-tu-dau-2022-4381069.html, ngày 03/11/2021. 
Tài liệu tham khảo:
1. Kết quả hoạt động ngoại giao đa phương từ năm 2020 đến nay ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/25/ket-qua-hoat-dong-ngoai-giao-da-phuong-tu-nam-2020-den-nay-o-viet-nam, 25/06/2024.
2. Chính sách về chống biến đổi khí hậu của Mỹ hiện nay và kinh nghiệm cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/13/chinh-sach-ve-chong-bien-doi-khi-hau-cua-my-hien-nay-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam, ngày 13/8/2024.