TS. Đỗ Thanh Hải
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Giảng tập là một trong những hình thức dạy học cơ bản, một nội dung, một khâu của quá trình đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị. Thông qua giảng tập, học viên từng bước hình thành, phát triển, hoàn thiện kỹ năng, kỹ xảo, lòng yêu nghề, năng lực chuyên môn sư phạm – điều kiện, tiền đề quan trọng để họ vững vàng, tự tin đảm nhiệm tốt chức trách, nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp. Nâng cao chất lượng giảng tập là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp.
Từ khóa: Chất lượng giảng tập; học viên; đào tạo giảng viên khoa học xã hội nhân văn; Học viện Chính trị; Bộ Quốc phòng.
1. Đặt vấn đề
Học viện Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch; đào tạo sau đại học và giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng”1. Học viện thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu theo quy định của Bộ Quốc phòng, trong đó có nhiệm vụ đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định, giáo dục và đào tạo là một trong những khâu then chốt, đột phá, quyết định đến chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội “cần được ưu tiên trong huy động và phân bổ các nguồn lực để phát triển trước một bước”2. Giảng viên là nhân tố quyết định chất lượng của quá trình giáo dục, đào tạo. Do đó, để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội thời gian tới, nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên nói chung, giảng viên khoa học xã hội nhân văn ở Học viện Chính trị nói riêng là hết sức quan trọng, cần thiết và cấp bách. Nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị là điểm đột phá quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến trong chất lượng đào tạo giảng viên, hiện thực hóa phương châm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
2. Thực trạng chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị
Để có những đánh giá khách quan chất lượng giảng tập của học viên, tác giả sử dụng kết quả nghiên cứu, khảo sát của đề tài khoa học: “Nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị hiện nay”, cấp Học viện, thực hiện năm 2024, trong đó nội dung nghiên cứu các nghị quyết, quy chế, báo cáo tổng kết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Học viện Chính trị; thông qua trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn học viên giảng tập và theo dõi quá trình giảng tập của học viên để đánh giá chất lượng giảng tập của họ. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:
Một là, về ưu điểm: những năm qua, Học viện Chính trị đã thường xuyên quan tâm, coi trọng và làm tốt hoạt động giảng tập của đối tượng này. Nhận thức, thái độ, trách nhiệm của đại đa số học viên đối với hoạt động giảng tập, với công việc giảng dạy và nghề sư phạm cơ bản đầy đủ, đúng đắn. Trình độ tri thức chuyên môn, phương pháp, tác phong sư phạm, kỹ năng, kinh nghiệm tiến hành công tác giảng dạy của đa số học viên dần được hình thành, củng cố bảo đảm tính hệ thống, chuyên sâu và bước đầu được khẳng định trong quá trình học tập. Kết quả các lần giảng tập của đa số học viên từng bước được nâng cao.
Theo số liệu thống kê từ năm 2020 – 2024 về yêu cầu “Kiểm tra thực hành các nội dung: chuẩn bị giáo án, bài giảng tỷ lệ khá, tốt từ 65 – 70%, thục luyện và thông qua có 50% – 55% khá và giỏi; năm 2023, tỷ lệ đó tăng lên (từ 75 – 80%), kết quả chấm điểm chuẩn bị và thực hành của học viên năm 2023 có 56 (đạt 28 % khá và giỏi); kết quả lần giảng tập sau luôn cao hơn lần giảng tập trước (100% đều đạt khá và giỏi), trong đó số học viên giảng tập đạt giỏi lần 2 chiếm 35%, lần 3 chiếm 40%”3.
Hai là, về mặt hạn chế: nhận thức, thái độ, trách nhiệm của một bộ phận học viên đối với hoạt động giảng tập, với công việc giảng dạy và nghề sư phạm chưa đầy đủ, toàn diện. Nội dung, hình thức, phương pháp giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong thời gian vừa qua vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập.
Theo thống kê cho thấy: “Dung lượng chương trình học thực hành còn ít so với trang bị lý thuyết, tỷ lệ thời gian học lý thuyết trên tập bài thực hành là 810/226 tiết. Kết cấu nội dung chương trình chưa phù hợp giữa học lý thuyết với chuẩn bị tập bài thực hành giảng tập”4. Nội dung một số chủ đề thực hành giảng tập chưa đa dạng, phong phú, chưa sát với thực tiễn đơn vị. Hình thức giảng tập tuy đã được đổi mới ở nhiều khâu, nhiều bước, song hiệu quả còn mức độ; “phương pháp học tập của học viên còn thụ động, rập khuôn máy móc, thiếu sáng tạo, ít liên hệ vận dụng thực tiễn. Chất lượng thực tập còn hạn chế”5.Trình độ tri thức chuyên môn, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy của một bộ phận học viên chưa cao, “học viên còn lúng túng, thụ động trong thực hiện các nội dung, hình thức giảng tập, một số học viên chưa thực sự chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu trước, trong và sau bài giảng. Chất lượng các lần giảng tập của một số học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn còn thấp”6.
Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản của hạn chế là do nhận thức của một số cán bộ, giảng viên, học viên về nâng cao chất lượng giảng tập của học viên chưa thật sự đầy đủ và toàn diện; sự phối hợp, hiệp đồng các lực lượng có những bất cập; vai trò cán bộ hướng dẫn, cán bộ quản lý học viên chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Các khâu, các bước trong quy trình giảng tập của học viên có thời điểm chưa được thực hiện nghiêm túc; một bộ phận học viên chưa thật tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giảng tập. Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, giảng tập có mặt còn hạn chế; “một số nội dung, chương trình đào tạo chậm đổi mới, chưa liên thông giữa các bậc học, còn nặng về lý thuyết”7.
3. Một số giải pháp cơ bản
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả phối hợp của các tổ chức, các lực lượng sư phạm đối với nâng cao chất lượng giảng tập của học viên.
Đây là giải pháp cơ bản tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn. Thực hiện giải pháp này, các tổ chức, các lực lượng sư phạm cần có nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng, yêu cầu, nội dung nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn. Cần thống nhất nhận thức rằng, giảng tập là nội dung giữ vai trò quan trọng hình thành, củng cố và nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong sư phạm cho người học; hình thành và củng cố từng bước bản lĩnh của họ, rèn luyện tay nghề, từng bước đưa người học vào hoạt động nghề nghiệp.
Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan đơn vị trong Học viện cần đánh giá đúng và nhận thức đầy đủ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân, những thuận lợi, khó khăn trong nâng cao chất lượng giảng tập của học viên cũng như nhận thức đúng về vai trò mỗi chủ thể trong nâng cao chất lượng giảng tập của họ. Thống nhất nhận thức về nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đó là quá trình thường xuyên, liên tục, một mắt khâu của quá trình đào tạo; không tách rời hoạt động giảng tập với các hoạt động khác của quy trình giáo dục, đào tạo; không buông lỏng lãnh đạo, quản lý, giao hết hoạt động giảng tập cho khoa chuyên ngành và bản thân mỗi học viên. Đấu tranh chống biểu hiện nhận thức, quan điểm lệch lạc, sai trái xem nhẹ thực hành giảng tập, coi trọng lý thuyết, từ đó buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức giảng tập cho người học.
Cần đề cao trách nhiệm và sự phối hợp hiệu quả giữa các khoa chuyên ngành với Phòng Đào tạo, Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo trong xây kế hoạch thực tập toàn khoá, trong đó có nội dung giảng tập nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng dẫn giảng tập của các khoa chuyên ngành. Phân công giảng viên hướng dẫn, giúp đỡ học viên chuẩn bị bài giảng, góp ý sửa chữa nội dung, rèn luyện phương pháp, sửa lỗi sư phạm; rèn khẩu khí, tác phong cho học viên; đồng thời, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống sư phạm, làm chủ nội dung, phương pháp, tự tin, bình tĩnh thực hành giảng tập.
Hai là, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn theo hướng tăng thực hành, giảng tập.
Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo lập những điều kiện thuận lợi, bảo đảm tính toàn diện, tổng thể trong nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên ở Học viện Chính trị. Theo đó, Học viện cần tiếp tục chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo sát với đối tượng; bám sát vào mô hình, mục tiêu đã xác định, bám sát chuẩn đầu ra; cập nhật thực tiễn, cân đối thời lượng lý thuyết với thực hành, thực tập của học viên. Đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung theo hướng giảng dạy chuyên đề; tăng cường những nội dung giảng dạy hàn lâm kết hợp với định hướng nghiên cứu, vận dụng sát với thực tiễn và hướng dẫn hành động cho người học.
Xác định chính xác chuẩn đầu ra theo yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp trong chương trình, nội dung đào tạo. Xác định đúng tỷ lệ khối kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành, các học phần lý luận và thực hành bảo đảm toàn diện gắn với chuyên sâu.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy chuyên đề, phát huy hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại, đưa học viên tham gia sâu vào quá trình học tập. Chú trọng xây dựng những tình huống tư tưởng lý luận, khoa học và thực tiễn; rèn luyện kỹ năng thuyết trình, phản biện và lập luận của học viên để giải quyết các vấn đề giảng viên đưa ra; bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm, rèn luyện khả năng tư duy; gia tăng truyền thụ kinh nghiệm cho học viên ngay từ chính quá trình sư phạm…
Ba là, thực hiện nghiêm túc các khâu, các bước trong quy trình giảng tập của học viên.
Thực hiện giải pháp này tập trung vào thực hiện nghiêm khâu xây dựng kế hoạch thực tập, giảng tập của học viên. Tổ chức phân công cán bộ hướng dẫn giảng tập, tổ chức thực hiện quy trình phê duyệt, thông qua giáo án chặt chẽ. Tổ chức khoa học, hợp lý lực lượng sư phạm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và có phương pháp sư phạm tốt kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ học viên.
Phòng Đào tạo liên hệ, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nơi học viên về thực tập, tiếp nhận kế hoạch nội dung giảng dạy, các quy chế, quy định, hướng dẫn liên quan đến biên soạn bài giảng, quy trình thông qua giáo án, nắm chắc đối tượng học viên của từng cơ sở đào tạo và chủ động cung cấp những thông tin trên cho học viên và cán bộ, giảng viên trực tiếp hướng học viên thực tập và giảng viên đưa học viên đi thực tập.
Kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm giảng tập, có hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời nhằm tôn vinh những cán nhân có thành tích trong hướng dẫn, tổ chức cho học viên giảng tập, khích lệ những học viên có quá trình chuẩn bị và kết quả thực hành giảng tập tốt.
Bốn là, phát huy tính tích cực của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong tự nâng cao chất lượng giảng tập.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khẳng định: “chú trọng nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu. Đề cao ý thức, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện”8. Đảng ủy Học viện xác định phát huy tính tích cực của học viên là giải pháp then chốt giữ vai trò quyết định đến chất lượng hình thành, rèn luyện, củng cố tay nghề sư phạm của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.
Theo đó, mỗi học viên cần phát huy vai trò trong tự xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảng tập. Trong kế hoạch của mỗi cá nhân cần quán triệt, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, dự kiến thời gian, địa điểm, hình thức, phương pháp giảng tập. Mỗi học viên cần phải rèn luyện ý chí, quyết tâm cao trong tự nâng cao chất lượng giảng tập của bản thân; đồng thời, đúc rút, bổ sung kinh nghiệm trong mỗi lần giảng tập; cập nhật tri thức mới và biết lắng nghe, chắt lọc các ý kiến đóng góp của cán bộ hướng dẫn, của bạn học và cán bộ quản lý; nhận thức đúng những khiếm khuyết của bản thân để chủ động khắc phục…
4. Kết luận
Nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị hiện nay đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, mỗi giải pháp có vị trí, vai trò khác nhau và cùng tác động thống nhất với nhau tạo nên sự chuyển biến, phát triển trong nhận thức, động cơ, thái độ và hành động của học viên, nhằm nâng cao chất lượng giảng tập, hoàn thành mục tiêu đào tạo đặt ra. Thực hiện tốt các giải pháp trên góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng đào tạo học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Chú thích:
1. Bộ Quốc phòng (2019). Quyết định số 5962/QĐ-BQP ngày 19/12/2019 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Học viện Chính trị.
2. Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới.
3, 4, 6. Nguyễn Đình Bắc (Chủ nhiệm) (2024). Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài “Nâng cao chất lượng giảng tập của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị hiện nay”/Đề tài khoa học cấp Học viện, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, Phụ lục 5.
5. Đảng ủy Học viện Chính trị (2023). Nghị quyết số 78-NQ/ĐU ngày 13/3/2023 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
7. Bộ Quốc phòng (2023). Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011 – 2020.
8. Đảng bộ Học viện Chính trị (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI. Hà Nội, tr. 67.