Tỉnh Phú Yên phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại và bền vững 

ThS. Đinh Thị Quỳnh 
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên

(Quanlynhanuoc.vn) – Phú Yên là tỉnh có nền kinh tế đa dạng và phát triển, là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ. Trong những năm gần đây, với những lợi thế đó, Phú Yên đã hình thành các khu kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, để Phú Yên phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại và bền vững, trong thời gian tới, cần nhận thức đúng về tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó coi trọng yếu tố nội lực để phát triển bền vững.

Từ khóa: Kinh tế biển; phát triển; hiện đại; bền vững; tỉnh Phú Yên.

1. Đặt vấn đề

Để định hướng không gian phát triển, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Yên, đồng thời, tạo ra khung pháp lý cao nhất cho các hoạt động kinh tế, ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở phù hợp với đường lối, chủ trương, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia; chương trình phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030. Phú Yên đặt ra mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, kinh tế phát triển dựa vào lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp (luyện kim, lọc hoá dầu, năng lượng…), du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics. 

2. Phú Yên với khát vọng phát triển 

Một trong những điểm nhấn của tỉnh Phú Yên trong năm 2023, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 9,16% (trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng đạt 19,86%; ngành dịch vụ đạt 5,99%; ngành nông – lâm – thủy sản đạt 3,28%) xếp vị trí thứ 10 so với cả nước, thứ 3/14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận1.

Nhìn lại quá trình phát triển, Phú Yên được tái lập tỉnh từ ngày 01/7/1989, là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh trong khu vực, nhất là hạ tầng kỹ thuật ở tất cả các ngành, các khâu then chốt đều yếu và thiếu, đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới. Đến nay, tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hướng tới phú cường và bình yên đúng như tên gọi Phú Yên. 

Trong giai đoạn 2015 – 2020, dưới tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được sự ổn định và có mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng GRDP bình quân hằng năm đạt 7%; quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu GRDP. Trong đó, ngành Công nghiệp và xây dựng bình quân hằng năm tăng 11,8% với các khu, cụm công nghiệp, nhiều công trình lớn, trọng điểm và các dự án thương mại, dịch vụ du lịch được triển khai thi công nhất là trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và thị xã Đông Hòa. Ngành Dịch vụ bình quân hằng năm tăng 6,4%, hoạt động dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc. Ngành Nông – lâm – thủy sản được đầu tư phát triển theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành, bình quân hằng năm tăng 3,9%2. Đặc biệt, Phú Yên đã hình thành các khu kinh tế trọng điểm, như: Khu Kinh tế Nam Phú Yên, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các khu công nghiệp An Phú, Hòa Hiệp, Đông Bắc Sông Cầu… làm động lực cho phát triển kinh tế tỉnh.

Theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,…); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 8,5 – 9%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 150 – 156 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 40%; tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 95 – 98 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 – 2030 đạt khoảng 190 – 200 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9 – 10%/năm; tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 7.000.000 lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, đóng góp GRDP của ngành Du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%, đô thị phát triển theo hướng thông minh3

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phấn đấu từ năm 2035, tỉnh tự cân đối được ngân sách nhà nước; trở thành một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững; các ngành kinh tế phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. 

3. Một số vấn đề cần tiếp tục triển khai

Có thể thấy, quy hoạch tỉnh thời kỳ mới với những chỉ tiêu cao hơn hẳn so với giai đoạn phát triển trước, đặc biệt là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP); GRDP bình quân đầu người; và việc xác định đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 40% đã thể hiện quyết tâm, tư duy và tầm nhìn mới trong định hướng phát triển của tỉnh.

Giai đoạn 2021 – 2023, do sự tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và những biến động của tình hình thế giới song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định, theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,25%4

Đạt được kết quả này là do có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh gắn với nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả được triển khai, tạo hiệu ứng tích cựcđã huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư khai thác các dự án và ổn định, phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh. Phú Yên đã và đang tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, đặc biệt là thời cơ của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện của đất nước, kết hợp với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2023, tỉnh vẫn chưa đạt kế hoạch về thu ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách năm 2023 là 4.197 tỷ đồng, chỉ đạt 82% dự toán trung ương, 53% dự toán tỉnh giao. Một vài yếu kém khác như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều lực cản; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu… 

Trước tác động bất lợi của tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới và khu vực với những diễn biễn khó lường, cạnh tranh thương mại giữa các nước ngày càng gay gắt, kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng, tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới, trong đó tỉnh Phú Yên là địa phương ven biển Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động nặng nề. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, những thách thức đang đặt ra như quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; khả năng sẵn sàng thích ứng với các hiệp định thương mại tự do đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn bị động… Vì vậy, để tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh cần chú trọng các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, nhận thức đúng về tiềm năng, lợi thế của địa phương, hết sức coi trọng yếu tố nội lực để phát triển.

Phú Yên là địa phương có nhiều tiềm năng cho phát triển, với diện tích đất liền 5.026 km2. Tỉnh Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi, là đầu mối giao lưu kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây của khu vực và cả nước, tạo điều kiện cho hợp tác, trao đổi kinh tế, văn hóa giữa Phú Yên với các địa phương khác và hợp tác quốc tế. Phú Yên có tiềm năng về một số loại khoáng sản như: Diatomit, đá xây dựng, ốp lát, vàng sa khoáng, nhôm (bauxit), sắt, fluorit, titan sa khoáng… Tài nguyên đất khá đa dạng về nhóm, tạo ra những tiểu vùng sinh thái nông – lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây trồng lâu năm vùng đồi núi. 

Thêm nữa với bờ biển dài 189 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, gành còn mang vẻ đẹp hoang sơ tạo nên những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng, như: bãi biển Long Thủy, đầm Ô Loan, Hòn Chùa, Cù Lao Mái Nhà, Hòn Yến, bãi Xép, gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài… là lợi thế cho phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Biển Phú Yên có ngư trường rộng, nằm trong vùng đa dạng về thủy hải sản, là thủ phủ của nghề nuôi tôm hùm, là “cái nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương. Các cơ sở chế biến thủy, hải sản cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, mở rộng rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Ngoài ra, cần khai thác tốt lợi thế, Phú Yên có thể đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm như luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng sạch… gắn với cảng biển nước sâu, phát triển kinh tế biển, dịch vụ, du lịch.

Cần đào tạo cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng các trường: Trường Đại học Phú Yên; Trường Đại học Xây dựng Miền Trung; Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa; Cao đẳng Nghề; Cao đẳng Y tế; Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên, các trường dạy nghề khác… 

Thứ hai, tiếp tục tạo đột phá trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tháo gỡ những nút thắt, tạo động lực cho sự phát triển, trong đó tập trung vào 4 đột phá:

(1) Đột phá về cải cách hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số của tỉnh lên thuộc nhóm tốt của cả nước. Phát triển các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số vào cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đô thị thông minh, từng bước chuyển đổi sang chính quyền số.

(2) Đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông với tuyến đường ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước; Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạt nhân là phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm phát huy lợi thế nằm gần đường hàng hải quốc tế để thu hút đầu tư phát triển các dự án luyện kim, lọc, hóa dầu; năng lượng sạch…; chuỗi đô thị ven biển với trung tâm là thành phố Tuy Hòa mở rộng – cực tăng trưởng của tỉnh; một số cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế và y tế chất lượng cao; hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số.

(3) Đột phá về phát triển nguồn nhân lực, trong đó cần chú trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, năng động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Huy động mạnh mẽ nguồn lực ngoài nhà nước để tập trung phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển và phát huy giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

(4) Đột phá về khoa học – công nghệ và xác định đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất – kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tích cực, chủ động phối hợp, liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hình ảnh và quảng bá du lịch cả trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có của địa phương.

Thứ ba, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch của tỉnh và triển khai các quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực đem lại tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. 

4. Kết luận 

Với định hướng đúng đắn trong chiến lược phát triển, Phú Yên hiện đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, phù hợp với xu thế của toàn cầu. Vấn đề tỉnh cần tiếp tục quan tâm là phải xác định rõ trở lực, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong phát triển, cần phải có sự quyết tâm đổi mới tư duy, cách thức thực hiện, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, phát huy yếu tố nội sinh đó là ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, niềm tự hào, khát vọng vươn lên. Với đà phát triển hiện nay, tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng cất cánh, sớm trở thành trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Chú thích: 
1. UBND tỉnh Phú Yên (2023). Báo cáo số 269/BC-UBND ngày 29/11/2023 về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.
2. Tỉnh ủy Phú Yên (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII,nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 về phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4. UBND tỉnh Phú Yên (2024). Báo cáo số 142/BC-UBND ngày 24/6/2024 về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. UBND tỉnh Phú Yên (2022). Báo cáo số 239/BC-UBND  ngày 02/12/2022 về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
3. Giới thiệu tổng quan về tỉnh Phú Yên. https://phuyen.gov.vn/wps/portal/home/trang-chu/chi-tiet/gioi-thieu/gioi-thieu-chung, truy cập ngày 20/6/2024.