ThS. Hoàng Tiến Linh
TS. Khúc Đại Long
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu về các mô hình hành vi đầu tư xanh của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nhằm chuyển đổi hành vi đầu tư của doanh nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bài viết phân tích các mô hình cơ bản về hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng hợp và rút ra bài học thực tiễn hoạt động này tại Việt Nam.
Từ khoá: Đầu tư xanh; doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; áp dụng; mô hình hành vi.
1. Đặt vấn đề
Áp dụng kinh tế xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đang từng bước trở thành xu thế của thời đại và là xu hướng ngày càng rõ nét trên toàn cầu. Trong đó, hành vi xanh của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mối quan hệ chặt chẽ và tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, bao gồm cả quốc gia phát triển và đang phát triển. Trước tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, các doanh nghiệp cần phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ môi trường và đối phó với thách thức biến đổi khí hậu. Các mô hình nghiên cứu đã chứng minh, “đầu tư xanh” không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế cho doanh nghiệp. Việc tích hợp yếu tố xanh vào chiến lược đầu tư không chỉ giúp giảm rủi ro về môi trường mà còn tăng uy tín của doanh nghiệp trong cộng đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện hành vi xanh không chỉ phát triển doanh nghiệp bền vững mà còn là nguồn động viên cho các doanh nghiệp khác để họ bắt đầu hành trình của mình.
Hành vi xanh của doanh nghiệp FDI không chỉ mang lại những lợi ích quan trọng cho nước nhận đầu tư, như: bổ sung nguồn vốn lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… mà còn khắc phục, giảm thiểu những rủi ro, tác động tiêu cực do dòng vốn FDI tạo ra cho nền kinh tế nước sở tại, nhất là đối với những nước đang phát triển. Hành vi xanh của doanh nghiệp FDI sẽ bảo đảm tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, như: sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên… Từ những vấn đề trên, việc thúc đẩy hành vi xanh của doanh nghiệp FDI gắn với mục tiêu phát triển bền vững là rất quan trọng, vì đó là một trong những nguyên tắc của phát triển bền vững và là trách nhiệm của doanh nghiệp FDI với môi trường.
2. Tiếp cận về hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI
Theo Steg và Vlek (2009), hành vi xanh là hành vi nhằm giảm thiểu tối đa có thể tác động xấu đến môi trường. Hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp là quá trình doanh nghiệp đầu tư dựa trên những tiêu chí bảo vệ môi trường hoặc các hoạt động sản xuất – kinh doanh giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải vào không khí; hay các hoạt động tạo ra các sản phẩm, dịch vụ xanh thân thiện với môi trường.
Hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp được phân thành hai loại theo mức độ thân thiện với môi trường. Thứ nhất, hành vi đầu tư xanh thuần là hành vi đầu tư tập trung vào các dự án cam kết bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; tìm kiếm, nghiên cứu và sản xuất các nguồn năng lượng thay thế; thực hiện các dự án nước và không khí xanh, sản xuất – kinh doanh thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau đều có thể đầu tư xanh thuần thông qua việc nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để sản xuất các sản phẩm xanh. Thứ hai, hành vi đầu tư xanh nói chung là hành vi vì môi trường xanh, hành vi đầu tư giảm thiểu tác hại đến môi trường ở mức thấp nhất hoặc mang lại những tác động tích cực cho môi trường.
Bản chất hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI bao gồm: sự tuân thủ các quy định về môi trường của nước sở tại hoặc các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường; sản phẩm và dịch vụ đầu tư của doanh nghiệp FDI theo hướng xanh và thân thiện với môi trường hơn so với các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề, được thể hiện thông qua các chỉ tiêu về mức độ sử dụng năng lượng, khí thải carbon, quản lý chất thải, mức độ ô nhiễm không khí và nước (Golub và cộng sự, 2011). Như vậy, hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI có thể được hiểu là dòng vốn FDI đầu tư vào nước sở tại vào các ngành, nghề, lĩnh vực ít gây thiệt hại nhất về môi trường, bao gồm đầu tư trực tiếp vào các ngành bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hay đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ khác nhưng với phương pháp giảm thiểu thấp nhất tác động xấu đến môi trường.
3. Mô hình hành vi đầu tư xanh cơ bản của doanh nghiệp FDI
Trên thực tế, tùy thuộc vào đặc điểm của lĩnh vực hoạt động, nguồn lực của doanh nghiệp và bối cảnh đầu tư ở các nước sở tại, hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI được biểu hiện một cách đa dạng và có thể biến đổi theo thời gian thông qua các mô hình sau:
(1) Mô hình hành vi đầu tư xanh tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hành vi đầu tư xanh tìm kiếm lợi nhuận (green benefit-seeking behavior) đề cập đến các hành động hay quyết định của cá nhân, tổ chức hoặc nhà đầu tư hướng tới mục đích lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng quan tâm đến các hành động có tác động tích cực đến môi trường (Ricardo, 2011 và Hosseini,2005). Hay nói cách khác, hành vi này kết hợp việc theo đuổi lợi ích tài chính gắn với cam kết có trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, chi phí của các doanh nghiệp trong thời gian đầu thực hiện dự án sẽ bao gồm nhiều loại thuế, phí liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, do đó, trong ngắn hạn, lợi nhuận của các doanh nghiệp có hành vi đầu tư xanh sẽ giảm, thậm chí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ tạm thời để có thể bắt đầu thực hiện dự án.
Hành vi đầu tư xanh tìm kiếm lợi nhuận phản ánh các giá trị và ưu tiên phát triển của xã hội nói chung, các doanh nghiệp và cá nhân nói riêng. Động lực dẫn đến hành vi này gồm các yếu tố:
Nhận thức về môi trường: các cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia ngày càng nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và sự cần thiết của các hoạt động hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Chính nhận thức này đã thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các hành vi đầu tư xanh nhưng vẫn bảo đảm lợi nhuận để duy trì hoạt động;
Các quy định, chính sách: xuất phát từ việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững, chính phủ các quốc gia đã ban hành các quy định, chính sách liên quan đến vấn đề này, như: định giá carbon, đặt mục tiêu giảm phát thải, khuyến khích tạo ra và sử dụng năng lượng tái tạo… Những quy định này đã tạo ra động lực kinh tế để các doanh nghiệp hướng tới hành vi đầu tư xanh. Hành vi đầu tư xanh hướng tới mục tiêu vì lợi nhuận bởi khi tuân thủ các quy định xanh, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích như các khoản trợ cấp, ưu đãi vốn, thuế…;
Nhu cầu của thị trường: hiện nay, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các sản phẩm, dịch vụ xanh phục vụ thị trường. Điều này góp phần mang lại lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường;
Danh tiếng và thương hiệu: việc thực hiện các hành vi xanh có thể nâng cao danh tiếng và thương hiệu cho các doanh nghiệp với hình ảnh là một tổ chức có trách nhiệm với môi trường. Từ đó, doanh nghiệp có thể thu hút người tiêu dùng, nhất là những khách hàng và nhà đầu tư ưa chuộng các sản phẩm xanh và ưu tiên những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao.
Trong những động lực dẫn đến hành vi đầu tư xanh tìm kiếm lợi nhuận, động lực từ nhu cầu thị trường là quan trọng nhất, bởi thị trường và khách hàng chính là nguồn thu lợi nhuận của doanh nghiệp (Mahbub và cộng sự, 2022). Hiện nay, người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển, giá sản phẩm và tiện ích có thể không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm được sản xuất như thế nào, đến từ quốc gia và nhà máy nào, liệu nhà máy đó có gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động trẻ em, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hay có vấn đề gì về đạo đức hay không. Nếu có, họ sẽ không mua sản phẩm ngay cả khi nó rẻ hơn sản phẩm cùng loại. Trong những trường hợp đặc biệt, người tiêu dùng cũng sẽ kêu gọi doanh nghiệp chấm dứt hoặc khắc phục các tác động tiêu cực đến môi trường phát sinh từ việc sản xuất và bán sản phẩm bằng cách tẩy chay các sản phẩm đó (Ionescu-Somers và Albrecht Enders, 2012).
Để bảo đảm doanh thu và lợi nhuận, các doanh nghiệp bên cạnh việc sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng còn phải thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội thông qua các hành vi đầu tư xanh. Nhờ thế, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được người tiêu dùng đón nhận, đem lại lợi ích cả về mặt tài chính và thương hiệu.
(2) Mô hình hành vi đầu tư xanh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Hành vi đầu tư xanh trách nhiệm xã hội (socially responsible investment behavior) là quá trình đầu tư xem xét các hậu quả tích cực và tiêu cực về xã hội và môi trường của khoản đầu tư mà các nhà đầu tư dựa trên quá trình phân tích tài chính nghiêm ngặt (Martini, 2021; Ye và Dela Efifania, 2023). Đây cũng là phương pháp đầu tư có cân nhắc về xã hội, môi trường và đạo đức bên cạnh các tiêu chí về lợi nhuận khi đưa ra quyết định đầu tư. Hành vi này liên quan đến việc điều chỉnh danh mục đầu tư của doanh nghiệp sao cho phù hợp với các mục tiêu xã hội nhằm mục đích mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Đối với các doanh nghiệp, hành vi đầu tư xanh trách nhiệm xã hội đề cập đến các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội khi đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Các doanh nghiệp khi tiến hành hành vi này đều mong muốn được đóng góp vào sự phát triển bền vững ở nước nhận đầu tư thông qua các dự án có yếu tố bền vững, hỗ trợ cộng đồng địa phương và mang đến lợi ích trong dài hạn (Hudson, 2005; Beal và cộng sự, 2005). Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã rất quan tâm đến các chương trình trách nhiệm xã hội với nhiều hoạt động đa dạng và thiết thực, như: hỗ trợ y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng địa phương hay thông qua các chương trình từ thiện.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hành vi đầu tư xanh trách nhiệm xã hội vì lý do sau:
– Thực hiện các hành vi đầu tư xanh trách nhiệm xã hội giúp nâng cao danh tiếng và thương hiệu của doanh nghiệp, tăng cường vị thế và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp càng có nhiều hành động có trách nhiệm với xã hội và môi trường càng hấp dẫn đối với người tiêu dùng và đối tác;
– Giúp các doanh nghiệp giảm thiểu nhiều rủi ro về pháp lý, danh tiếng, hoạt động. Bằng cách tuân thủ các thông lệ kinh doanh thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp này hạn chế được tối đa các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả tài chính của họ;
– Giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường tiềm năng dễ dàng hơn.
Thực tế cho thấy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường đã trở thành điều kiện tiên quyết để một doanh nghiệp thâm nhập các thị trường nhất định hoặc bảo đảm các hợp đồng của chính phủ. Vì vậy, hành vi đầu tư xanh trách nhiệm xã hội cho phép các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu này và tiếp cận với nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng mới. Không những thế, cam kết tuân thủ các hành vi này sẽ cung cấp cho doanh nghiệp giấy phép xã hội để hoạt động hiệu quả ở nước nhận đầu tư. Đây cũng chính là kỳ vọng của các bên liên quan và nhu cầu của nhà đầu tư ở nước sở tại đối với các doanh nghiệp. Cộng đồng địa phương cũng như các bên liên quan sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp này thực hiện các cam kết đầu tư xanh trách nhiệm xã hội của họ.
(3) Mô hình hành vi đầu tư xanh bầy đàn của doanh nghiệp.
Theo Aren và cộng sự (2016), Levis và cộng sự (2023), hành vi đầu tư xanh bầy đàn (green herding behaviour) đề cập đến xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư các nguồn lực theo các hành vi xanh tương tự nhau, bắt chước hành vi đầu tư xanh của nhau hoặc cùng tuân theo một số tiêu chuẩn xanh cụ thể.
Đối với doanh nghiệp, hành vi đầu tư xanh bày đàn xuất hiện do nhu cầu của thị trường và xu hướng tiêu dùng xanh; nhận thức của con người về môi trường sống và xu hướng đầu tư xanh đã tạo ra mối quan tâm đối với nhà đầu tư. Đồng thời, sự xuất hiện của các tiêu chuẩn xanh và quy định nghiêm ngặt về môi trường cũng góp phần làm cho các dự án xanh trở nên hấp dẫn hơn. Chính điều này đã tạo ra sự đồng thuận và các hành vi giống nhau của các doanh nghiệp trong việc đầu tư theo các tiêu chuẩn này.
Ngoài ra, cơ hội tài chính, cơ hội nâng cao danh tiếng và thương hiệu của doanh nghiệp khi tham gia vào các dự án đầu tư xanh cũng khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn con đường này. Nhờ lượng thông tin dễ dàng truy cập với các chỉ số xanh, báo cáo xanh, các quy định, tiêu chuẩn từ cơ quan nhà nước, hành vi đầu tư xanh ngày càng phổ biến và hướng các doanh nghiệp đến cùng một hành động như nhau khi triển khai thực hiện các dự án, nhất là trong việc bảo đảm tuân các tiêu chuẩn và quy định chung. Không những thế, chính phủ các nước đều đang rất quan tâm đến phát triển bền vững nên các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này thường có ảnh hưởng xã hội và truyền thông nhất định, nhất là những doanh nghiệp đã đạt được thành công. Đây là những tấm gương sáng cho các doanh nghiệp khác noi theo và bắt chước các hành vi, tạo nên hành vi đầu tư xanh bầy đàn.
Hành vi đầu tư xanh bầy đàn của các doanh nghiệp có một số đặc điểm chính sau:
Thứ nhất, tính đồng đều: do đây là hành vi mang tính bắt chước nên các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào hành vi này thường thực hiện các quyết định hoặc phương pháp quản lý dự án theo cùng một hướng, một cách làm tương tự nhau. Hành vi này thường dựa vào các chỉ số xanh hoặc tiêu chuẩn xanh để đưa ra đánh giá và quyết định đầu tư nên có được sự đồng thuận cao từ các nhà đầu tư tổ chức hoặc từ các thành viên của tổ chức đó.
Thứ hai, thiếu tính độc lập: hành vi đầu tư xanh bầy đàn thường thiếu tính độc lập trong quyết định đầu tư. Đó là vì các nhà đầu tư thường không thực hiện nghiên cứu và đánh giá độc lập, dựa trên điều kiện, mục tiêu thực tế của đơn vị mà thay vào đó đưa ra quyết định dựa trên hành vi của người khác.
Thứ ba, ảnh hưởng bởi xã hội: các nhà đầu tư theo hành vi đầu tư xanh bầy đàn thường bị ảnh hưởng từ các tập đoàn xã hội, cộng đồng địa phương hoặc các nhóm, tổ chức khi ra quyết định đầu tư xanh. Đó là bởi các nhà đầu tư theo hành vi này chú trọng đạo đức và cam kết xã hội, họ muốn thể hiện sự quan tâm của mình đối với môi trường thông qua những hành động thiết thực, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững của địa phương nhận đầu tư.
4. Những khuyến nghị trong triển khai hành vi đầu tư xanh đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Một là, nhà đầu tư cần đánh giá, phân tích tình hình kinh tế – xã hội, chính trị nói chung; đặc biệt chú trọng xem xét các yếu tố kinh tế minh bạch và tiềm năng phát triển, quy mô và nhu cầu thị trường nội địa, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, chính trị ổn định. Bên cạnh đó, tận dụng các chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh vào cung cấp sản phẩm dịch vụ xanh; thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh vào công nghệ sạch; chính sách ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư xanh là rất quan trọng đối với doanh nghiệp FDI.
Hai là, chú trọng tuân thủ các luật, các quy định liên quan đến môi trường, như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đất đai, Luật Năng lượng tái tạo, Luật Bảo tồn năng lượng và các quy định về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất (hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống quan trắc nước thải tự động, diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định; xử lý khí thải, mùi, bảo đảm không để rò rỉ phát tán khí độc ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt; bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…).
Ba là, ưu tiên lựa chọn đối tác, nhà cung cấp bảo đảm tuân thủ các tiêu chí về môi trường. Doanh nghiệp FDI xanh cần lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bảo vệ môi trường. Theo đó, cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn xanh đối với nhà cung cấp đầu vào, đồng thời, giám sát việc đáp ứng các tiêu chuẩn này trong chuỗi cung ứng, bảo đảm nhất quán các tiêu chuẩn xanh và bảo vệ môi trường trong cả chuỗi cung ứng.
Bốn là, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhà đầu tư FDI cần tập trung sử dụng nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển quy trình công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện môi trường, khép kín, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải và chất thải. Một số nghiên cứu, như: cải thiện quá trình sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, khí carbon thấp; sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; xây dựng chuỗi sản xuất sạch, liên hoàn; phụ phẩm, chế phẩm được tái chế…
Năm là, thành lập ban kiểm soát nội bộ, giám sát, đánh giá về chất lượng và môi trường, trong đó, thành viên ban kiểm soát là những chuyên gia và nhân viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường. Xây dựng và ban hành các quy định, chính sách, quy trình giám sát và đánh giá nhằm xác định các mục tiêu môi trường và các tiêu chuẩn được áp dụng trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến công nghệ, sức khỏe và an toàn. Chính sách môi trường cần được xác định rõ ràng, phân công trách nhiệm và quyền hạn từng thành viên gắn với nhiệm vụ cụ thể; áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, các chứng nhận xanh…
Sáu là, chú trọng đầu tư cho giáo dục và phát triển kỹ năng người lao động; tổ chức lớp đào tạo để nâng cao trình độ cho nhân viên. Nội dung đào tạo nên chú trọng đến tiêu chuẩn ISO 9001, tiêu chuẩn ISO 14001, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và sản xuất xanh. Bên cạnh đó, có chính sách thu hút lao động hiệu quả, đặc biệt là nguồn lao động tại địa phương, tạo việc làm, giải quyết sinh kế cho người dân gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, tạo việc làm xanh và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI cần bảo vệ quyền lợi cho người lao động, thực hiện tốt chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ và phúc lợi, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động.
Bảy là, công khai, minh bạch các báo cáo về tác động môi trường. Doanh nghiệp FDI cần công khai, minh bạch các báo cáo đánh giá về tác động môi trường, thực hiện các báo cáo định kỳ theo quy định, như: phát sinh chất thải sinh hoạt, phát sinh chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, xử lý thải, khai thác nước ngầm… Bên cạnh đó, cần nghiêm túc tuân thủ trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện cam kết tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Tám là, xây dựng kênh phân phối và quảng bá sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt nhấn mạnh đặc điểm xanh và thân thiện với môi trường. Tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối ở thị trường nước sở tại và thị trường lân cận, phát triển hệ thống xây dựng thương hiệu xanh, chú trọng quảng bá đặc điểm sản phẩm thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người tiêu dùng với chính sách mua sắm xanh…
5. Kết luận
Hành vi đầu tư xanh không chỉ là xu hướng mà còn là sự cần thiết để xây dựng một tương lai bền vững cho thế giới. Doanh nghiệp không chỉ có thể tận dụng cơ hội kinh doanh mà còn có trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường. Qua sự kết hợp của các mô hình nghiên cứu và các bài học từ kinh nghiệm thực tế, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có thể định hình một hành vi đầu tư xanh hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phồn thịnh và bền vững của cả doanh nghiệp và xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Ali Abdu Seid (2022). The Impact of Psychological Biases on Foreign Direct Investment (Fdi): The Case of Turkish Investors in Ethiopia. Journal of Research in Business, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=3607868.
2. Aren S., Aydemir S.D., Şehitoğlu Y. (2016). Behavioral biases on institutional investors: a literature review. Kybernetes, Vol. 45 No. 10, pp. 1668-1684.
3. Beal D, Goyen M, Phillips P (2005). Why Do We Invest Ethically? Journal of Investing, 14, 3, pp. 66-77.
4. Golub S. S., Kauffmann C., Yeres P. (2011). Defining and Measuring Green FDI: An Exploratory Review of Existing Work and Evidence. OECD Working Papers on International Investment, 2011/02, OECD Publishing.
5. Golub, S. S., Kauffmann, C., & Yeres, P. (2011). Defining and Measuring Green FDI: An Exploratory Review of Existing Work and Evidence. OECD Working Papers on International Defining and Measuring, 2011/02.
6. Hosseini Hamid (2005). An economic theory of FDI: A behavioral economics and historical approach. The Journal of Socio-Economics, 34, p. 528-41.
7. Hudson R (2005). Ethical Investing: Ethical investors and Managers. Business Ethics Quarterly, 15, 4, pp. 641-657.
8. Ionescu-Somers A., Enders A. (2012). How Nestlé dealt with a social media campaign against it. Financial Times Case Studies. December 3, 2012. London: FT.
9. Levis Mario, Muradoğlu Yaz Gulnur, Vasileva Kristina (2023). Herding in foreign direct investment. International Review of Financial Analysis, Elsevier, vol. 86(C).
10. Mahbub, T., Ahammad, M. F., Tarba, S. Y., & Mallick, S. M. Y. (2022). Factors encouraging foreign direct investment (FDI) in the wind and solar energy sector in an emerging country. Energy Strategy Reviews, 41(November 2021), 100865.
11. Martini A. (2021). Socially responsible investing: from the ethical origins to the sustainable development framework of the European Union. Environment, Development and Sustainability, 23, 16874–16890.
12. Ricardo Pinheiro-Alves (2011). Behavioural influences in Portuguese foreign direct investment. The Journal of Socio-Economics, Volume 40, Issue 4, Pages 394-403.
13. Steg Linda, Vlek Charles (2009). Encouraging pro-environmental behaviour: An integrative review and research agenda. Journal of Environmental Psychology, Volume 29, Issue 3, Pages 309-317.
14. Ye Jianmu, Dela Efifania (2023). The Effect of Green Investment and Green Financing on Sustainable Business Performance of Foreign Chemical Industries Operating in Indonesia: The Mediating Role of Corporate Social Responsibility. Sustainability, 15(14), 11218.