NCS. Nguyễn Quang Hùng
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Người Khmer Nam Bộ ở tỉnh Trà Vinh có đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vô cùng phong phú và đặc sắc. Đặc biệt, các hình thức tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ tiên, Neak Ta, thần lúa, thần mặt trăng chứa đựng những giá trị tích cực, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc của người Khmer. Trong đó, tín ngưỡng thờ Neak Ta được biết đến là một tín ngưỡng dân gian phổ biến, gắn liền với đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Vì thế, cần có giải pháp tổng thể, khả thi phát huy những giá trị của tín ngưỡng này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào người Khmer tỉnh Trà Vinh trong tình hình mới.
Từ khóa: Tín ngưỡng, Neak Ta, tỉnh Trà Vinh, phát huy, giá trị, người Khơmer Nam Bộ.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có dân số khoảng 1,1 triệu người. Đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Khmer, người Việt, người Hoa, người Chăm và một số ít dân tộc khác. Trong đó, người Việt chiếm trên 67%, người Khmer chiếm 32%, người Hoa và các dân tộc thiểu số khác gần 1%1. Tín ngưỡng thờ cúng Neak Ta là một nét văn hóa đặc sắc của người Khmer tỉnh Trà Vinh. Tín ngưỡng này chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer. Đầu năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định Lễ hội Đom Lơng Neak Ta của người Khmer tỉnh Trà Vinh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này khẳng định giá trị quan trọng của tín ngưỡng thờ Neak Ta, một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của cư dân Khmer ở Trà Vinh.
2. Khái quát về tín ngưỡng thờ Neak Ta của người Khmer Nam Bộ, tỉnh Trà Vinh
Neak Ta (Louk Ta hay Nak Ta) là một hình thức tín ngưỡng dân gian của người Khmer nói chung và người Khmer Nam Bộ sinh sống tại tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Theo tác giả Thu Thủy thì Neak Ta là “một trong những loại hình tín ngưỡng cổ xưa, xuất phát từ Bà la môn giáo, “Neak” là ý nói đến con người nói chung và “Tà” là chỉ một người đàn ông có tuổi. Có thể hiểu, Neak Ta là vị thần có hình là người đàn ông có tuổi”2.
Theo tác giả Sang Sết “Neak Ta xuất phát từ cụm từ Neak Tê vah ta, chữ “TA” trong cụm từ này theo tiếng Khmer đọc là “ĐA”, sau này được bỏ từ “Tê vah” chỉ còn lại hai từ Neak và Ta đọc là “Neak Ta”. Neak Ta là vị thần địa phương của người Khmer (thổ địa hay thần làng), phụ trách từng khu vực lớn hay nhỏ và có tên gọi khác nhau”3.
Tại tỉnh Trà Vinh, tục thờ Neak Ta (còn gọi là ông Tà) của người Khmer rất phổ biến trong các phum sóc và được ví như thần bản thổ, là vị thần bảo hộ phum sóc – giống như thần Thành hoàng của người Việt. Tuy không gian thờ Neak Ta khác nhau tùy vào mỗi nơi nhưng đó phải là một vùng đất cao ráo. Trước đây, miếu thờ Neak Ta được xây dựng thô sơ từ gỗ hoặc tre, mái lợp bằng lá. Hiện nay, phần lớn các ngôi miếu được xây dựng kiên cố ở khúc quanh con đường, bờ ruộng, ở ngã ba sông, trong khuôn viên chùa hoặc được xây dưới gốc cây cổ thụ…
Trong các miếu, Neak Ta thường được tượng trưng bằng vài hòn đá to, nhỏ dạng bầu dục nhẵn bóng. Những hòn đá này thể hiện cho sự “thanh khiết, giản dị tự nhiên, trong sạch, cứng rắn và khỏe mạnh để che chở, bảo vệ con dân trong phum sóc”.4 Về tên gọi Neak hay Nak là chỉ con người nói chung và Ta là người đàn ông đứng tuổi. Tuy nhiên, do quá trình giao thoa văn hóa giữa người Kinh – Khmer – Hoa nên có những miếu ngoài hòn đá thì còn có liễn đỏ viết bằng chữ hán hoặc thờ chung với thần tài, ông địa.
Căn cứ theo phạm vi ảnh hưởng, vị trí của từng Neak Ta, tín ngưỡng này có thể phân làm ba loại: “Neak Ta của cá nhân, gia đình; Neak Ta phum, sóc và Neak Ta huyện, tỉnh”5. Trong ba loại trên thì Neak Ta phum, sóc đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Khmer. Các miếu Neak Ta vừa là nơi thực hành tín ngưỡng, tâm linh vừa là nơi để cố kết cộng đồng, nơi thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Khmer. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 242 miếu thờ Neak Ta6.
Theo lịch âm của người Khmer, thời gian thực hiện lễ cúng Neak Ta là vào “tháng Chetr và Pih sak7, tức vào khoảng tháng 5, tháng 6 dương lịch, người Khmer tập trung lại làm lễ cúng Neak Ta với mục đích cầu xin cho mưa thuận, gió hòa, ruộng vườn tươi tốt, được mùa. Đây là thời gian bắt đầu mùa mưa chuẩn bị cho công việc làm đồng, gieo cấy. Thời gian cúng Neak Ta không giống nhau ở các địa phương. Theo tác giả Lâm Quang Vinh (2012), khảo sát ở Trà Vinh việc cúng Neak Ta được tiến hành vào “tháng 4, tháng 5 Dương lịch, cúng trước hoặc sau lễ Chol Chnam Thmay, thời gian cúng có thể một ngày, hai ngày hoặc ba ngày”8. Lễ vật cúng Neak Ta rất đa dạng như: đầu heo hoặc gà hay vịt luộc, rượu, bánh, trái, hoa và nhang đèn.
Là một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Khmer, tín ngưỡng Neak Ta giữ một vai trò hết sức quan trọng trong cộng đồng này. Lễ cúng Neak Ta còn mang ý nghĩa là lễ xuống đồng, mang đậm lễ nghi nông nghiệp cổ truyền với mong ước cho một vụ mùa mới cây cối tốt tươi, mưa thuận gió hòa để đem lại đời sống sung túc cho bà con trong phum, sóc.
Về chức năng tôn giáo “Neak Ta được dân làng Khmer gọi là cầu mưa, trông coi cánh đồng lúa, bảo vệ làng khỏi đại dịch và tệ nạn chiến tranh. Việc bảo vệ Neak Ta được giới hạn trong làng srok. Neak Ta được gọi để phục hồi các đồ vật và động vật bị mất, phục hồi sức khỏe tốt”9.
3. Những giá trị trong tín ngưỡng thờ Neak Ta của người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh
Tín ngưỡng dân gian của người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh chứa đựng những giá trị tích cực, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc của người Khmer. Tác giả Ngô Đức Thịnh khi nghiên cứu về tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, cho rằng: Tín ngưỡng tôn giáo chính là môi trường nảy sinh, tích hợp và bảo tồn các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian. Tín ngưỡng là nơi sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa. Tín ngưỡng còn là môi trường bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật; thể hiện trong các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật trong các lễ hội10. Tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Neak Ta của người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh nói riêng cũng chứa đựng những giá trị tích cực trên và cần được phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, tín ngưỡng Neak Ta của người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh có giá trị an định tinh thần, đáp ứng nhu cầu tâm linh.
Tín ngưỡng Neak Ta phần nào đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh trong thời gian đầu di cư đến khai hoang, định cư ở các phum, sóc trên vùng đất còn hoang sơ. Để có chỗ dựa tinh thần, người Khmer đặt niềm tin và cầu mong sự che chở của các đấng siêu nhiên hoặc những người đã được thần thánh hóa.
Thứ hai, tín ngưỡng Neak Ta của người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh giữ gìn, bảo lưu các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Người Khmer đến với lễ hội không chỉ nhằm thực hiện các các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian, biểu diễn nhạc Ngũ âm, Rô băm, Dù kê, trống Chhay dam, mà còn tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, leo cột, nhảy bao, đập nồi, đua ghe. Tất cả các hoạt động lễ hội Đom Lơng Neak Ta chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng và rất độc đáo của người Khmer cần được gìn giữ và phát huy.
Thứ ba, tín ngưỡng Neak Ta của người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh là nơi cố kết tình cảm cộng đồng.
Những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người Khmer Nam Bộtỉnh Trà Vinh không chỉ củng cố tình cảm trong gia đình, dòng họ mà còn là dịp cố kết cộng đồng, phum, sóc. Thông qua sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, người dân tham gia trực tiếp vào việc tổ chức, trình diễn, thụ hưởng các sinh hoạt văn hóa và chính họ trở thành những người sáng tạo ra các giá trị văn hóa, nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian này còn là dịp để bà con trong phum, sóc gặp nhau, tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, vui chơi, lễ hội.
Trong các dịp cúng Neak Ta, mỗi gia đình người Khmer sẽ mang các vật phẩm tới miếu làm lễ. Sau khi cúng xong, những người tham dự sẽ lấy một phần về nhà, còn lại tất cả mọi người cùng ăn chung. Hiện nay, hoạt động này thu hút sự tham gia của người Khmer và các dân tộc khác cùng chung sống trong phum, sóc. Dịp cúng Neak Ta đã góp phần tăng cường tình đoàn kết cộng đồng; hướng con người đến những điều tốt đẹp, truyền dạy cho thế hệ sau những kinh nghiệm sản xuất, nếp sống văn hóa truyền thống của dân tộc.
4. Một số giải pháp phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Neak Ta của người Khmer Nam Bộ tỉnh Trà Vinh.
Một là, phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer.
Người Khmer tỉnh Trà Vinh vốn gắn liền với hình thức sản xuất nông nghiệp với đặc điểm độc canh cây lúa, ngành nghề phi nông nghiệp chưa phát triển nhiều. Địa bàn cư trú phần lớn bị nhiễm phèn, mặn cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa biến đổi khí hậu dẫn đến khó khăn về thiếu đất sản xuất, nông dân Khmer Trà Vinh đã thoát ly nông thôn. Một bộ phận nông dân người Khmer đi làm ăn, thậm chí sinh sống định cư ở vùng đất mới. Số hộ nghèo là người dân tộc Khmer không có đất và thiếu đất, không có vốn và thiếu vốn sản xuất còn khá nhiều. Toàn tỉnh có 5.394 hộ nghèo là người dân tộc Khmer, chiếm 58,54% tổng số hộ nghèo và 6,05% tống số hộ người Khmer; trong đó, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc Khmer cao nhất, như: Cầu Ngang (1.376 hộ), Trà Cú (1.327), Duyên Hải (1.003)…11.
Để khắc phục khó khăn trên, cần tập trung thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư thủy lợi, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng các biện pháp khoa học – công nghệ để khai thác có hiệu quả tiềm năng quỹ đất, mặt nước, lực lượng lao động… tăng năng suất cây lúa, cải tạo vườn tạp, trồng các loại hoa màu, cây ăn trái có hiệu quả kinh tế. Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thực hiện tốt chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển nông sản hàng hóa, tìm thị trường tiêu thụ, xây dựng cơ sở chế biến nông sản nhằm tạo ra giá trị hàng hóa lớn, có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống người Khmer trong tỉnh. Tích cực mở rộng những mô hình kết hợp giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông. Trong đó, Nhà nước đầu tư vốn thông qua chương trình cho vay ưu đãi đối với người Khmer, nhà khoa học thực hiện chuyển giao khoa học – kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn cho người Khmer, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Tỉnh Trà Vinh cần đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư các nhà máy, phát triển du lịch, công nghiệp, dịch vụ để giải quyết việc làm tại chỗ đem lại thu nhập cho nhân dân và đồng bào Khmer. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước và xã hội để thực hiện các chính sách đối với đồng bào Khmer.
Để nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cần tăng cường cung cấp các ấn phẩm báo chí, thực hiện phủ sóng phát thanh, truyền hình đến các phum sóc bằng tiếng Khmer và đưa internet đến nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đồng thời cần tạo mọi điều kiện để người Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có các hình thức tín ngưỡng dân gian.
Hai là, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng và tăng cường quản lý nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở.
Tuyên truyền, giải thích cho đồng bào Khmer hiểu và phân biệt rõ tín ngưỡng truyền thống, hợp pháp được pháp luật bảo hộ khác với các hình thức mê tín dị đoan có hại cho thuần phong, mỹ tục, an ninh trật tự và đời sống của nhân dân ở cơ sở, từ đó từng bước loại bỏ những quan niệm và hành vi mê tín dị đoan.
Động viên các chức sắc, gia đình, cá nhân có điều kiện kinh tế, các tổ chức tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động từ thiện như hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo; chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường; chống hủ tục lạc hậu và những hành vi vi phạm pháp luật và quy định của địa phương về xây dựng môi trường văn hóa, trật tự an toàn xã hội; chống phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cần bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, bảo vệ các công trình, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng của địa phương theo quy định của pháp luật.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Tổ chức tuyên truyền Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng Kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Kế hoạch số 184/KH-TGCP ngày 06/02/2024 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2024.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ là người dân tộc và nâng cao vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc tham gia cùng Nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác quản lý về tôn giáo, tín ngưỡng.
Hiện nay, số cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số toàn tỉnh 4.792/23.988 người, chiếm tỷ lệ 19,98% (chỉ tiêu 20%), toàn tỉnh có 7.506 đảng viên dân tộc Khmer, chiếm 16,74% (chỉ tiêu 18%)12. Vì vậy, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng có đông đồng bào Khmer. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện cho con, em người Khmer, nhất là những sinh viên mới ra trường được tiếp nhận vào làm việc ở các ngành, các cấp theo đúng chuyên ngành đào tạo nhất là trong lĩnh vực quản lý về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nhằm phát huy tốt năng lực, trí tuệ của thế hệ trẻ người Khmer và tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế thừa là công việc hết sức cần thiết.
Nghiêm túc thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 08/10/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tăng cường công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer, Hoa”, Công văn số 210-CV/TU ngày 02/6/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc kết nạp đảng viên là thành viên Ban Quản trị chùa Khmer”. Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc Khmer, khắc phục tình trạng chi bộ ấp, khóm vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer không có đảng viên là người Khmer; sở, ban, ngành tỉnh không có cán bộ, công chức người dân tộc Khmer.
5. Kết luận
Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long với 32% dân số là dân tộc Khmer, việc tìm ra giải pháp để phát huy giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, đặc trưng là tín ngưỡng thờ Neak Ta là điều hết sức cần thiết. Theo thời gian, tín ngưỡng thờ Neak Ta của người Khmer có những biến đổi nhất định và phát triển qua những bước ngoặt thăng trầm khác nhau. Song nó vẫn còn lưu truyền những nét văn hóa độc đáo và có giá trị tích cực trong đời sống của người Khmer, như: an định tinh thần, bảo lưu các phong tục tập quán tốt đẹp và góp phần cố kết cộng đồng. Chính những giá trị đó làm cho tín ngưỡng thờ cúng Neak Ta có sức sống bền bỉ trong tâm trí của cộng đồng người Khmer.
Để tín ngưỡng dân gian này đáp ứng nhu cầu của người dân và phát huy hết giá trị tốt đẹp, cần hỗ trợ để đồng bào Khmer nhận rõ cái hay, cái đẹp để phát huy, đồng thời, nhận biết được những tiêu cực, lạc hậu của tín ngưỡng để loại bỏ. Theo đó Đảng, Nhà nước cần kiên trì, thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao đời sống vất chất và tinh thần cho người Khmer; thực hiện nghiêm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ là người dân tộc; nâng cao vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc tham gia cùng Nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác quản lý về văn hóa.
Chú thích:
1. Tỉnh Trà Vinh đã tổ chức xong Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, thành phố lần thứ IV năm 2024. https://bandantoc.travinh.gov.vn/tin-chuyen-nganh/tinh-tra-vinh-da-to-chuc-xong-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-cap-huyen-thanh-pho-lan-thu-7-16504.
2. Thu Thủy (2022). Đôi điều về tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở An Giang. https://btgcp.gov.vn.
3, 7. Sang Sết (2012). Phong tục, lễ nghi và tranh ký tự dân tộc Khmer Nam Bộ. H. NXB Văn hóa dân tộc, tr. 13, 14.
4. Phương Nghi – Ngân Nhi (2021). Tín ngưỡng thờ Neak Ta của đồng bào Khmer.
5, 8. Lâm Quang Vinh (2012). Tín ngưỡng thờ Neak Ta trong cộng đồng người Khmer ở tỉnh Trà Vinh – Xưa và nay. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Trà Vinh, tr. 35, tr. 41- 46.
6. Báo văn hóa (2024). Trà Vinh: Phát huy Lễ hội Đom Lơng Neak Ta gắn với phát triển du lịch. https://bvhttdl.gov.vn
9. Harris, Ian (2008). Cambodian Buddhism: History and Practice. University of Hawaii Press. ISBN 978-0-8248-6176-6.
10. Ngô Đức Thịnh (2022). Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam. H. NXB Hà Nội, tr. 492-499.
11. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2022). Báo cáo kết quả 01 năm thực hiện Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/01/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.
12. Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh (2020). Một vài số liệu cơ bản trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh (2020). Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2019 – 2020 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Trà Vinh.
2. Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh (2021). Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2021 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Trà Vinh.
3. Trường Lưu (1993). Văn hóa người Khmer đồng bằng sông Cửu Long. H. NXB Văn hóa tộc người.
4. Quốc hội (2016). Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
5. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Satra Slất Rịt – văn bản lá Buông của người Khmer ở vùng Nam Bộ. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/12/28/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-satra-slat-rit-van-ban-la-buong-cua-nguoi-khmer-o-vung-nam-bo/.